QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:11 (GMT+7)
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới

Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân là lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang của Đảng, Nhà nước, có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp, pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đồng thời tham gia tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật Nhà nước. Mặt khác, yêu cầu của công tác quản lí và chỉ huy bộ đội cả trước mắt cũng như về cơ bản lâu dài đòi hỏi bảo đảm cho quân đội có tác phong nghiêm túc, có trình độ chính quy, hiện đại ngày càng cao, có trình độ sẵn sàng chiến đấu không ngừng hoàn thiện, luôn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao. Do đó việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân là hết sức cần thiết, phù hợp với yêu cầu xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất trong thời kì mới.

Quán triệt tinh thần đó, những năm qua, công tác PBGDPL đã được Bộ Quốc phòng (BQP) quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện chặt chẽ, đồng bộ ở tất cả các cấp, tới mọi đối tượng cán bộ, chiến sĩ, nhân viên quốc phòng trong lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân, tự vệ. Có thể khẳng định, công tác PBGDPL được thực hiện ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và được các cơ quan, đơn vị vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp đã thực hiện đúng chức năng tham mưu và thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện tốt kế hoạch PBGDPL hằng năm của BQP. Trong đó, chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến các nghị định, chỉ thị của Chính phủ và của BQP; giới thiệu rộng rãi cho cán bộ, chiến sĩ nội dung cơ bản của các bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ về lĩnh vực quốc phòng, an ninh mới được sửa đổi, bổ sung, công bố, như: Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật An ninh quốc gia, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Dân quân tự vệ, Luật Đất đai, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Biên giới quốc gia, Nghị định 151/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng,...Để thực hiện kế hoạch giáo dục pháp luật hằng năm của BQP và Chỉ thị công tác Đảng, công tác chính trị của Tổng cục Chính trị, các cơ quan chức năng của BQP đã có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, thống nhất, xác định những nội dung giáo dục pháp luật, kỷ luật trọng tâm gắn với chương trình giáo dục chính trị cơ bản cho các đối tượng cán bộ, chiến sĩ. Qua đó góp phần thiết thực vào việc tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động phòng, chống “diễn biến hoà bình”, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các tệ nạn, tiêu cực xã hội tác động vào nội bộ quân đội....Ngoài ra, hằng năm các ngành chức năng như Tòa án quân sự, Viện Kiểm sát quân sự, Điều tra hình sự các cấp còn chủ động, tích cực tham gia vào công tác tuyền truyền, PBGDPL, trực tiếp giới thiệu hàng nghìn giờ cho hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tại các lớp học tập trung. Công tác biên tập, in, phát           hành tài liệu pháp luật được đảm bảo cả về chất lượng, số lượng, tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân triển khai học tập. Cùng với đó, hằng năm cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của BQP tiến hành biên soạn, biên tập và in Bản tin Pháp luật ra định kỳ hằng quý, số lượng 4000 bản/ kỳ, cấp cho các đơn vị cơ sở trong toàn quân. Riêng quý 3 năm 2005, đã biên soạn, in và cấp 2.000 cuốn sách Hỏi đáp pháp luật, gồm năm chuyên đề về Luật Sĩ quan, Luật Biên giới quốc gia, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hình sự và Nghị định về xử lý vi phạm hành chính. Thông qua những việc làm đó đã cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ một cách đầy đủ, chính xác và có hệ thống về các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước, nhất là những văn bản có liên quan đến quốc phòng, an ninh. Giúp cho quân nhân nhận thức được các quy định của pháp luật, thấy được sự cần thiết, vai trò quan trọng và hiệu quả điều chỉnh của nó trong đời sống hằng ngày, từ đó hình thành tình cảm pháp luật của mỗi quân nhân với các hiện tượng pháp luật tồn tại trong xã hội, hình thành lòng tin vào sự công bằng, dân chủ và nghiêm minh của pháp luật. Do hiểu biết đúng đắn về pháp luật, mỗi quân nhân xác định được quyền và lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; nhận thức được việc gì mình được làm, việc gì mình không được làm, tự đánh giá hành vi của mình, của những người xung quanh có hợp pháp hay không, có phù hợp với quy định của pháp luật và kỉ luật quân đội không,...
Do thực hiện tốt công tác PBGDPL nên những năm gần đây đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỉ luật quân đội, pháp luật Nhà nước trong toàn quân. Năm 2004, tình hình vi phạm, tội phạm xảy ra trong quân đội so với năm 2003 giảm 21,09%, đặc biệt số vụ tai nạn giao thông giảm 20,81%; riêng quý 3 năm 2005 so với cùng kì của năm 2004 số vụ vi phạm giảm 4,65%, số đối tượng thuộc quân đội quản lý giảm 14,81%, số vụ tai nạn giao thông giảm 19,5%. Có thể khẳng định công tác PBGDPL trong quân đội được thực hiện ngày càng nền nếp, đạt hiệu quả tương đối tốt.
Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của các cơ quan, đơn vị định kỳ từng quý, 6 tháng và hằng năm đều tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả công tác PBGDPL, đặc biệt là đánh giá đúng nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, tình hình vi phạm, tội phạm, tìm ra nguyên nhân, từ đó đề ra các biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, quản lý và phòng, chống vi phạm, tội phạm một cách hiệu quả, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các đơn vị. Nhìn lại thời gian qua bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, nghiêm túc đánh giá chúng ta thấy vẫn còn những thiếu sót, hạn chế cần khắc phục trong công tác này. Biểu hiện cụ thể là, việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỉ luật quân đội của quân nhân ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; những vụ việc nghiêm trọng còn xảy ra, vi phạm an toàn giao thông đường bộ, tai nạn huấn luyện, tai nạn rủi ro vẫn còn chiếm tỉ lệ khá cao so với tổng số vụ việc, gây thiệt hại về người và tài sản,... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, trong đó nguyên nhân cơ bản vẫn là do lãnh đạo, chỉ huy các cấp chưa thực sự coi trọng công tác PBGDPL tương xứng với vị trí, vai trò của nó. Vấn đề này cần sớm được khắc phục trong thời gian tới.
Trước yêu cầu cao của sự nghiệp xây dựng quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kì mới, đòi hỏi đẩy mạnh hơn nữa công tác PBGDPL trong quân đội (cả lực lượng thường trực và dự bị động viên) và cả dân quân, tự vệ. Trong đó, cần tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:
Trước hết, tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc hơn nữa Chỉ thị số 32-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL; Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình PBGDPL từ năm 2003 đến năm 2007; Chỉ thị số 21/2003/CT-BQP của Bộ trưởng BQP về việc triển khai công tác PBGDPL trong quân đội và dân quân, tự vệ, lực lượng dự bị động viên. Thông qua quán triệt phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy về tầm quan trọng của công tác PBGDPL, trên cơ sở đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời kiên quyết đấu tranh với những nhận thức lệch lạc, coi nhẹ công tác PBGDPL và những biểu hiện quân phiệt, coi thường, thiếu tình thương yêu chiến sĩ của không ít cán bộ, nhất là cán bộ đơn vị cơ sở. Gắn liền với việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo của người chỉ huy, cần phát huy vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL. Muốn thế, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng theo tinh thần Chỉ thị số 785/ CT-BQP của BQP. Các đơn vị trực thuộc Bộ không thành lập Hội đồng thì cấp ủy, chỉ huy đơn vị trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng và phát huy vai trò của các cơ quan, bộ phận liên quan thuộc quyền, nhất là cơ quan chính trị. Cơ quan chính trị phải đề cao trách nhiệm, giúp chỉ huy xây dựng kế hoạch, đồng thời hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện đúng kế hoạch, gắn nội dung PBGDPL với huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị tư tưởng, thiết thực phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Kế hoạch PBGDPL của các cơ quan, đơn vị phải được xây dựng trên cơ sở chương trình, kế hoạch của BQP; đồng thời cần có những nội dung sát hợp với đặc điểm hoạt động, thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Năm 2006, cần tập trung phổ biến, quán triệt rộng rãi cho cán bộ, chiến sĩ nội dung các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của các bộ, ngành có liên quan đến quốc phòng, an ninh; các quy định, quy tắc bảo đảm trong huấn luyện, diễn tập và 4 chuyên đề trọng tâm đã được xác định.
Công tác PBGDPL liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành, chỉ có trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp thông qua sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan, các lực lượng thì mới nâng cao được chất lượng, hiệu quả. Sự phối hợp đó cần được thực hiện tốt giữa BQP với Thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ; giữa các cơ quan chức năng của Bộ, như Cục Tư tưởng - Văn hóa, Cục Quân huấn, Cục Nhà trường, Cục Dân quân tự vệ, Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, Tòa án quân sự Trung ương...trong đó cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL BQP là trung tâm phối hợp, hiệp đồng. Đối với các cơ quan, đơn vị cũng cần hết sức chú trọng xây dựng mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng với trên và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính quyền và đoàn thể trong địa bàn, nhất là với cơ quan pháp luật. Ngay trong từng cơ quan, đơn vị cũng cần có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, các ngành, như chính trị, điều lệnh, tham mưu, chuyên ngành pháp luật, điều tra.... Để nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật, cần tập trung đổi mới hơn nữa cả về nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành; coi trọng công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao khả năng và kỹ năng PBGDPL trong quân đội cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên pháp luật. Tăng cường tuyên truyền trực tiếp, kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nhất là các phương tiện truyền thông trong quân đội; kết hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả giữa tổ chức học tập với các hoạt động ngoại khóa, như lồng ghép tuyên truyền pháp luật nhân dịp kỉ niệm những ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, quân đội, các đợt tuyển quân hằng năm; giao lưu văn hoá - văn nghệ, tổ chức thi tìm hiểu về pháp luật, nói chuyện các vụ án và tình hình chấp hành kỉ luật quân đội, pháp luật Nhà nước,...
Cùng với việc đổi mới hình thức, biện pháp PBGDPL, cần quan tâm đúng mức tới công tác đảm bảo kinh phí, vật chất, tài liệu cho công tác này. Ngoài kinh phí trên cấp, các cơ quan, đơn vị cần tích cực, chủ động đảm bảo cho các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL. Trong đó, chú trọng bảo đảm các loại tài liệu về pháp luật, tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng “Tủ sách pháp luật”, “Ngăn sách pháp luật” và khai thác, sử dụng có hiệu quả phục vụ cho công tác PBGDPL. Đồng thời, cần định hướng, hướng dẫn và động viên cán bộ, chiến sĩ tự nghiên cứu, tìm hiểu nâng cao kiến thức pháp luật, hết sức tránh phô trương, hình thức mà hiệu quả thấp. Thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, trao đổi rút kinh nghiệm trong từng cơ quan, đơn vị và giữa các cơ quan, đơn vị, qua đó tìm ra biện pháp phù hợp để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả PBGDPL.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong đó, tăng cường xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ trọng đại mang tính cấp thiết. Với tư cách là thành viên của xã hội và là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác PBGDPL, một mặt góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; mặt khác, trực tiếp góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong thời kì mới.
 
Thượng tướng Nguyễn Văn Được
Ủy viên BCHTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
 

Ý kiến bạn đọc (0)