QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 22:52 (GMT+7)
Tiếp tục chấn chỉnh tổ chức quân đội, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và tham gia phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ mới

Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Tổ chức quân đội có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng tổng hợp, trước hết là chất lượng chính trị, sức mạnh chiến đấu, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), công tác, lao động sản xuất và xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, tổ chức của quân đội có những yêu cầu riêng phù hợp, song thống nhất ở mục tiêu cơ bản là nhằm bảo đảm cho quân đội đủ sức hoàn thành chức năng, nhiệm vụ. Hoạt động của quân đội có tính đặc thù nên tổ chức của quân đội bên cạnh việc bảo đảm nguyên tắc, đồng thời lại rất linh hoạt. Tổ chức quân đội hiện nay là nhằm bảo đảm cho quân đội hoàn thành chức năng, nhiệm vụ trong thời bình, nhưng lại phải sẵn sàng  mở rộng phát triển tổ chức theo kế hoạch được chuẩn bị trước trong thời gian ngắn, đáp ứng yêu cầu tác chiến khi đất nước có chiến tranh.

Trong thời kỳ thực hiện đổi mới đất nước nói chung, đổi mới tư duy về quân sự, quốc phòng BVTQ nói riêng, công tác tổ chức quân đội từng bước được chấn chỉnh, kiện toàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ BVTQ, tham gia xây dựng đất nước của quân đội. Đặc biệt, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP) đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Luật, Nghị định, nhằm tăng cường hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức QĐNDVN, nhất là Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về Tổ chức QĐNDVN đến năm 2005, Nghị quyết TW8 (khóa IX) về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, Nghị quyết số 27/NQ-TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2010, Nghị quyết số 29/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược trang bị cho QĐNDVN đến năm 2010 và những năm tiếp theo,  Nghị quyết số 33/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương về Quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị và những văn bản pháp qui khác có liên quan. Đó là những văn kiện đặc biệt quan trọng, làm cơ sở để nghiên cứu tổ chức quân đội. 
Sau 6 năm triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị và các văn kiện trên, chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng, bảo đảm đúng định hướng và mục tiêu chủ yếu đặt ra. Tổ chức quân đội đã được chấn chỉnh một bước tương đối phù hợp với nhiệm vụ của quân đội và quá trình phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) của Nhà nước, bảo đảm sự cân đối giữa lực lượng thường trực với lực lượng dự bị động viên, giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và các quân chủng, binh chủng. Chúng ta đã nghiên cứu, mạnh dạn điều chỉnh, sáp nhập, dồn dịch, cắt giảm, giải thể một số cơ quan, đơn vị theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Trọng tâm là điều chỉnh tổ chức, biên chế một số cơ quan, đơn vị để tham gia phát triển KT-XH được Đảng, Nhà nước giao cho quân đội như: cứu hộ-cứu nạn; phòng chống, khắc phục các thảm họa sự cố môi trường; phòng chống ma túy và buôn lậu qua biên giới đất liền, trên biển; các Đoàn Kinh tế- quốc phòng (KT-QP) đứng chân trên các địa bàn chiến lược xung yếu; thành lập các Đội công tác tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới; thành lập một số đơn vị cần thiết tăng cường sức mạnh chiến đấu, phục vụ chiến đấu của các quân chủng, binh chủng kỹ thuật...Vì vậy, nhìn một cách tổng thể, quân số các đơn vị thường trực được kiện toàn và ổn định cả về số lượng, chất lượng; trang bị các sư đoàn bộ binh từng bước được đồng bộ, sức mạnh chiến đấu được nâng lên; lực lượng dự bị động viên được tổ chức xây dựng hợp lý, chặt chẽ, công tác động viên đã đi vào nền nếp, chất lượng huấn luyện, khả năng SSCĐ, sẵn sàng động viên được nâng lên. Tổ chức Bộ đội Biên phòng được kiện toàn, phù hợp với nhiệm vụ trước mắt cũng như cơ bản, lâu dài...Những kết quả đó góp phần từng bước nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và khả năng BVTQ và tham gia phát triển KT-XH. Qua đó khẳng định tính đúng đắn, tính khoa học các Nghị quyết của Đảng, tạo được lòng tin với cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân.
Bên cạnh những mục tiêu đạt được, công tác tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị của quân đội ta còn có một số mặt hạn chế, bất cập. Đó là: Giữa tổ chức và tổng quân số hiện nay chưa bảo đảm tính cân đối; tỷ lệ quân số giữa các đơn vị chiến đấu so với quân số cơ quan, học viện, nhà trường, đơn vị bảo đảm phục vụ chưa hợp lý, bố trí ở cấp trung gian còn nhiều. Tổ chức còn dàn trải nhiều đầu mối, chưa tập trung; biên chế các đơn vị bảo đảm phục vụ, các đơn vị phía sau, các cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược còn cồng kềnh, trong khi đó thiếu quân số cho các đơn vị chiến đấu. Hệ thống học viện, nhà trường còn một số mặt bất cập, quy trình, chương trình, nội dung chậm được đổi mới, chất lượng đào tạo còn hạn chế. Vũ khí, trang bị kỹ thuật tuy số lượng nhiều, đa dạng về chủng loại, nhưng phần lớn thuộc thế hệ cũ, không đồng bộ, công tác bảo đảm kỹ thuật rất khó khăn, đặc biệt là vũ khí, trang bị của các quân chủng Phòng không-Không quân, (PK- KQ), Hải quân. Quy mô động viên quân đội về quân số, tổ chức lớn, nhưng chủ yếu là lực lượng bộ binh; số có chuyên môn kỹ thuật còn mỏng, khả năng huy động và điều động trong chiến tranh gặp nhiều khó khăn; khả năng động viên công nghiệp còn thấp, động viên phương tiện, trang bị của nền kinh tế quốc dân còn nhiều hạn chế; công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới, cải tiến, sửa chữa còn chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu đồng bộ. Công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình chưa kịp thời, các hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo còn nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đến sự phân công, phân nhiệm của một số cơ quan, bộ phận còn chưa hợp lý, còn chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ... 
Những mặt còn hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện tổ chức quân đội do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan tác động, chi phối. Trong đó đáng quan tâm là tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, mau lẹ, đặc biệt là các cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực hiếu chiến đối với các quốc gia độc lập có chủ quyền; trong nước, các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta, nhất là trên các địa bàn xung yếu biên giới, biển, đảo, trên không, rõ nhất là "vụ không tặc Lý Tống". Trong khi đó, nhiệm vụ quân đội ngày càng được tăng cường. Đảng, Nhà nước giao cho quân đội làm lực lượng nòng cốt xây dựng Khu KT-QP trên các địa bàn chiến lược biên giới, ven biển; cứu hộ- cứu nạn; phòng chống, khắc phục hậu quả các thảm họa sự cố môi trường; rà phá bom mìn, vật liệu nổ; phòng chống ma túy và buôn lậu qua biên giới đất liền, trên biển. Thêm vào đó, chúng ta chưa có sự thống nhất cao trong nhận thức, nên một số đơn vị còn biểu hiện tính cục bộ, chưa vì lợi ích chung của tổ chức quân đội, thiếu kiên quyết trong triển khai thực hiện tổ chức, giảm biên chế theo qui định...               
 Để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng BVTQ, tham gia phát triển KT-XH đất nước trong thời kỳ mới, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án tổ chức QĐNDVN đến năm 2010 và những năm tiếp theo.
Tiếp tục quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa IX về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ VIII, Nghị quyết số  27/NQ-TW của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương, khóa IX về Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2010, Nghị quyết số 29/NQ-TW của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương, khóa IX về Chiến lược trang bị cho QĐNDVN đến năm 2010 và những năm tiếp theo và các văn kiện có liên quan. Trên cơ sở đó, tập trung trí tuệ nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức quân đội theo yêu cầu nhiệm vụ quân đội trong tình hình mới, bảo đảm cho quân đội đủ khả năng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng BVTQ, xây dựng quân đội và tham gia phát triển KT-XH đất nước trong thời bình, sẵn sàng mở rộng khi có chiến tranh, phù hợp với khả năng phát triển KT-XH và đặc điểm địa hình của nước ta một cách hợp lý, cả về qui mô và cấp độ tổ chức.
Vấn đề quan trọng có tính nguyên tắc trong tổ chức quân đội là phải  quán triệt quan điểm về quân sự, quốc phòng của Đảng. Đó là: quán triệt sâu sắc quan điểm về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam và khả năng phát triển kinh tế đất nước. Tổ chức quân đội phải bảo đảm SSCĐ cao, thu gọn tổ chức biên chế, giảm hợp lý tổng quân số hiện nay, nhưng phải bảo đảm sức chiến đấu, đủ khả năng làm lực lượng nòng cốt trong ngăn chặn chiến tranh, loại trừ các mầm mống chiến tranh từ bên trong đất nước, đủ điều kiện phát triển lực lượng khi đất nước có chiến tranh. Quá trình nghiên cứu, chấn chỉnh tổ chức quân đội phải bảo đảm thực sự tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu quân số hợp lý giữa các lực lượng, phù hợp với kế hoạch tác chiến theo từng vùng, từng khu vực phòng thủ, từng hướng chiến trường, kể cả trong trường hợp bị chia cắt chiến lược; khi tác chiến lấy tiêu diệt sinh lực địch, tiến công trên bộ là chính, bằng vũ khí hiện có. Quan điểm cần quan tâm nữa là phải bảo đảm cho tiếp tục xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và phù hợp với xu thế chung của thế giới và khu vực; đồng thời, tạo cơ sở để xây dựng và không ngừng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, cán bộ cơ sở, cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quân sự địa phương.
Trên cơ sở định hướng và quán triệt các quan điểm trên, chúng ta cần tập trung trí tuệ nghiên cứu, xác định đúng mục tiêu, nội dung chủ yếu tổ chức quân đội đến năm 2010 và những năm tiếp theo. Trong đó, chú trọng điều chỉnh một cách cơ bản tổ chức, biên chế, trang bị của quân đội, bảo đảm ổn định lâu dài theo hướng tinh, gọn, mạnh, phù hợp với yêu cầu hoạt động và tác chiến trong tình hình mới. Tập trung điều chỉnh tổ chức, biên chế quân đội phù hợp với yêu cầu tác chiến mới, bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ và cân đối giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, Bộ đội Biên phòng; giữa lực lượng thường trực với lực lượng dự bị động viên, giữa lực lượng chiến đấu với cơ quan phục vụ; giữa binh chủng hợp thành với các quân chủng, binh chủng; giữa tổng quân số với khả năng vũ khí, trang bị. Ưu tiên đúng mức cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ, lực lượng hoạt động trên các địa bàn trọng điểm,  các đồn biên phòng, các lực lượng làm nhiệm vụ đặc nhiệm, lực lượng ở biên giới, biển, đảo. Tăng cường khả năng tác chiến của binh chủng hợp thành và lực lượng hải quân, PK-KQ. Kiên quyết cắt giảm quân số thừa ngoài biên chế qui định, quân số cơ quan, đơn vị còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, giảm một tỷ lệ quân số hợp lý so với hiện nay. Tuy nhiên, để bảo đảm yêu cầu cho xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nhất là trong điều kiện triển khai thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi, bổ sung), việc giảm tổng quân số phải đi đôi với nâng cao chất lượng về cơ cấu quân số, coi trọng tỷ lệ hưởng lương một cách hợp lý, tỷ lệ này từng bước cần được nâng cao để tiến tới thực hiện chuyên nghiệp hóa khi điều kiện cho phép.
Nghiên cứu tổ chức các học viện, nhà trường, hệ thống các bệnh viện, các trung tâm, viện nghiên cứu khoa học, các đơn vị bảo đảm phục vụ cho phù hợp với yêu cầu tổ chức quân đội. Qui hoạch, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, sửa chữa quốc phòng, các kho, trạm một cách hợp lý cả về số lượng, quy mô và khu vực, vùng, miền; kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất và sửa chữa, giữa nghiên cứu và ứng dụng thực hành. Tiếp tục nghiên cứu sắp xếp, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp quân đội theo Dự án đã được Chính phủ phê duyệt.    
Cần phải thấy rằng tổ chức quân đội là một phạm trù khoa học, phức tạp, mang tính lý luận và thực tiễn, chịu sự chi phối của các chiến lược khác, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Do vậy, việc nghiên cứu điều chỉnh tổ chức quân đội thật hợp lý, khoa học, đòi hỏi chúng ta phải triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, các cơ quan cấp chiến lược, các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường và các đơn vị trực thuộc Bộ cần tổ chức quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 31/CT-TM ngày 18-6-2005 của Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN về Xây dựng kế hoạch tổ chức quân đội đến năm 2010 và những năm tiếp theo. Tiến hành soát xét lại chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác để làm cơ sở xác định cơ cấu tổ chức, biên chế cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
Hai là, cấp ủy, người chỉ huy các cấp phải thực sự thay đổi nhận thức, tránh tư tưởng cục bộ, hoặc thiếu kiên quyết trong triển khai thực hiện, phải đặt lợi ích chung vì sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Ba là, phát huy vai trò cơ quan tham mưu các cấp, đặc biệt là cơ quan chiến lược trong việc nghiên cứu, đề xuất; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để đưa ra được những chủ trương, phương án, giải pháp đúng và thực hiện đạt hiệu quả. Căn cứ vào vị trí, tầm quan trọng của địa bàn chiến lược, ý định sử dụng lực lượng trong kế hoạch tác chiến phòng thủ đất nước, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu một cách cơ bản về tổ chức các đơn vị chiến đấu, các đơn vị bảo đảm, phục vụ và cơ quan thuộc quyền; rà soát lại từng tổ chức đã phù hợp hoặc chưa phù hợp; tổ chức nào cần chấn chỉnh, sáp nhập hoặc giải thể theo hướng gọn cơ quan, giảm đơn vị phục vụ, tăng cường cho các đơn vị chiến đấu và giảm quân số so với qui hoạch BQP đã phê duyệt từ 15-20% trở lên để xây dựng qui hoạch tổng thể làm cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Phát huy những kết quả đạt được, những kinh nghiệm thời gian qua và dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, chúng ta tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng tổ chức quân đội có cơ cấu hợp lý, khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội trong tình hình mới.
 
Thiếu tướng  Nguyễn Song Phi
Cục trưởng Cục Quân lực-BTTM

 

Ý kiến bạn đọc (0)