QPTD -Thứ Ba, 06/12/2011, 23:35 (GMT+7)
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động quốc phòng - an ninh

Quốc phòng và an ninh là hai lĩnh vực, hai mặt công tác đặc thù. Mỗi lĩnh vực có tính độc lập tương đối, có mục đích, yêu cầu, nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng và đối tượng đấu tranh cụ thể, nhưng hai lĩnh vực có mối liên hệ tương tác, gắn kết chặt chẽ với nhau và thống nhất ở mục tiêu chung: bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới, theo quan điểm của Đảng ta, có sự phát triển về nội hàm mà cốt lõi là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với quốc phòng- an ninh cũng ngày càng cao. Quốc phòng và an ninh chỉ thực sự vững mạnh khi có sự kết hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thực hiện; đồng thời kết hợp chặt chẽ với kinh tế, chính trị, đối ngoại, văn hóa- xã hội. Đặc biệt, chúng ta đang xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và trong điều kiện đất nước mở cửa, hội nhập nên đặc trưng nổi bật của quốc phòng- an ninh hiện nay là đan xen giữa hoạt động xây dựng, hợp tác với đấu tranh, đấu tranh với hợp tác, xây dựng và tùy tình hình, thời điểm cụ thể mà từng mặt nổi lên. Cũng vì thế, cần thấy nhiệm vụ quốc phòng- an ninh không chỉ bó hẹp và diễn ra thuần túy trong lĩnh vực quốc phòng- an ninh do lực lượng vũ trang thực hiện mà hơn thế, nó thường xuyên diễn ra và kết hợp với các hoạt động khác, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, đối ngoại, tư tưởng, văn hóa... Tựu trung, bao hàm tất cả các hoạt động bảo vệ Tổ quốc, với sự tham gia thực hiện của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức quần chúng, các ngành, các lực lượng và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt.
Sự nghiệp quốc phòng-an ninh được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đây là vấn đề nguyên tắc và chỉ có thực hiện tốt nguyên tắc này thì quốc phòng- an ninh mới thường xuyên và không ngừng được tăng cường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhưng muốn bảo đảm được nguyên tắc, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động quốc phòng- an ninh thì vấn đề quan trọng là xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp. Cũng vì thế, Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã một lần nữa nhấn mạnh: “Xây dựng, bổ sung cơ chế lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với hoạt động quốc phòng- an ninh”. Đây là vấn đề quan trọng cấp thiết hiện nay, nhằm hai mục tiêu chính: một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng  đối với mọi hoạt động quốc phòng- an ninh; hai là, gắn vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đối với công tác quốc phòng-an ninh thông qua các chế độ, quy định cụ thể về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành tổ chức thực hiện. Đề cập như thế không có nghĩa bây giờ chúng ta mới xây dựng cơ chế còn trước đây thì chưa có. Hoàn toàn không phải như vậy. Lâu nay hoạt động quốc phòng- an ninh vẫn thường xuyên đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Ngay từ năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước (năm 1987), gắn liền với chủ trương chiến lược xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc, Bộ Chính trị (khóa VIII) ra Nghị quyết 02 đã xác định cơ chế thực hiện nhiệm vụ quốc phòng: Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu, cơ quan quân sự làm trung tâm phối hợp hiệp đồng, chỉ huy trưởng chỉ huy thống nhất lực lượng vũ trang thuộc quyền. Cơ chế này phản ánh vai trò và mối quan hệ cơ bản giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong lĩnh vực quốc phòng- an ninh. ở mỗi địa phương, quyền lãnh đạo quốc phòng- an ninh tập trung ở cấp ủy Đảng. Đồng chí bí thư tỉnh ủy (thành ủy), huyện ủy (thị ủy, quận ủy) đồng thời là bí thư Đảng ủy Quân sự có trách nhiệm chủ trì triển khai nghị quyết của Đảng ủy Quân sự. Việc quản lý nhà nước về quốc phòng- an ninh thuộc về uỷ ban nhân dân, trong đó Chủ tịch ủy ban nhân dân là người chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Các ban, ngành, đoàn thể mà nòng cốt là cơ quan quân sự, công an có trách nhiệm làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác quốc phòng- an ninh ở địa phương.
Với việc thực hiện cơ chế trên, những năm qua, công tác quốc phòng- an ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đồng thời thông qua hoạt động thực tiễn, cơ chế lại từng bước được bổ sung phù hợp, trong đó có những bổ sung rất quan trọng và kịp thời trên một số mặt công tác và lĩnh vực cụ thể. Điển hình là Quyết định 107/ 2003/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Thực hiện quyết định trên, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng và các đơn vị thuộc hai bộ ở địa phương đã tổ chức ký Quy chế phối hợp giữa hai lực lượng, trong đó quy định rõ về chế độ giao ban, trao đổi thông tin, kế hoạch phối hợp... Nhờ đó, sự phối hợp hoạt động thực hiện nhiệm vụ giữa công an và quân đội ở các cấp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả hơn. Đặc biệt, tháng 7 năm 2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 51/ NQ-TW về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực chất của việc thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên là nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội nhân dân Việt Nam và đó cũng là nhân tố quyết định xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã xác định. Sau khi quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị và tiến hành các bước chuẩn bị, ngày 19- 5 – 2006 , chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội chính thức được thực hiện. Có thể nói, đó là những bổ sung rất cần thiết, quan trọng về cơ chế, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước  đối với quốc phòng- an ninh, đồng thời qua đó hoạt động quốc phòng- an ninh được đẩy mạnh và hiệu quả hơn.
Trước sự phát triển của tình hình và yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác quốc phòng- an ninh, gắn liền với đó cần tiếp tục bổ sung cơ chế lãnh đạo, quản lý đối với công tác này cho phù hợp. Bảo đảm mọi hoạt động quốc phòng- an ninh đều có sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, với sự tham gia tích cực và làm chủ của nhân dân. Việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế cần có sự nghiên cứu tổng thể và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hoạt động quốc phòng- an ninh, bảo đảm tính thống nhất, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, có những bổ sung mới phù hợp, đồng thời cũng cần loại bỏ những chế độ, quy định hiện hành nhưng đã lỗi thời làm hạn chế vai trò của các tổ chức Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành thực hiện công tác này.
Chúng ta đều biết rằng, cơ chế là một tổng thể về cơ cấu các tổ chức, nguyên tắc tổ chức, mối quan hệ giữa các tổ chức, giữa cá nhân và tổ chức, và tương ứng với nó là các chế độ, chính sách, quy chế làm việc, tác phong công tác... Giải quyết không đồng bộ những yếu tố trên sẽ hạn chế sức mạnh và hiệu quả của cơ chế, thậm chí phá vỡ hoặc vô hiệu hóa cơ chế. Quốc phòng- an ninh là lĩnh vực đặc thù, việc hoàn thiện đồng bộ các yếu tố trong cơ chế là không dễ, hoàn thiện ngay lại càng không thể, nhất là trong tình hình hiện nay, mà phải trải qua một quá trình hoạt động thực tiễn, qua tổng kết rút ra vấn đề, bổ sung từng bước để hoàn thiện. Trong quá trình đó, vấn đề quan trọng là những bổ sung cơ chế phải tập trung nhằm vào giải quyết những vấn đề bức xúc, tạo chuyển biến toàn diện, nhưng trước hết là những mặt công tác lớn, trọng tâm của quốc phòng- an ninh và mối quan hệ, kết hợp giữa quốc phòng- an ninh với các lĩnh vực.
Đó là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với lực lượng, thế trận an ninh nhân dân; kết hợp kinh tế- xã hội với quốc phòng- an ninh; kết hợp quốc phòng với an ninh và đối ngoại; xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng địa bàn chiến lược, hậu phương chiến lược..., thậm chí cả việc chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến, chuyển hóa thế trận quốc phòng toàn dân thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước bị xâm lược. Tất cả những mặt công tác trên đều rất quan trọng, đã và đang được thực hiện ngay từ trong thời bình. Do đó, để thực hiện được hiệu quả các mặt công tác đó rất cần có cơ chế phù hợp, phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò tham mưu của các ngành chức năng và sự tham gia tích cực của toàn dân, nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân.
 Như đã đề cập, trong những năm qua, chúng ta đã có những bổ sung quan trọng về cơ chế, chính sách và việc vận hành cơ chế cũng khá hiệu quả, nên đã đạt được kết quả to lớn, tương đối toàn diện về quốc phòng- an ninh. Bên cạnh đó, cũng còn không ít bất cập, hạn chế cả về thực hiện cơ chế, bổ sung cơ chế. Việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là một ví dụ. Đây là nội dung quan trọng của sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và càng quan trọng hơn trong điều kiện đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đang phát triển nhanh, bền vững. Yêu cầu đặt ra là, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng phải được thể hiện ngay từ trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và kế hoach phát triển của từng ngành, từng địa phương; các dự án kinh tế cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu văn hóa, xây dựng hạ tầng cơ sở... đều phải thông qua thẩm định của các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Đó là cơ chế, là quy định buộc các ngành, địa phương, cơ quan chức năng phải tuân thủ chấp hành. Nhưng trên thực tế, vì những lý do khác nhau nên việc thực hiện chưa nghiêm, chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả. Tình trạng các dự án kinh tế được triển khai, đạt được lợi ích về kinh tế nhưng lại ảnh hưởng đến quốc phòng, nhất là thế trận quốc phòng, thế trận khu vực phòng thủ ở các địa phương vẫn còn xảy ra. ở phạm vi lớn hơn, đó là xây dựng vùng, địa bàn chiến lược cũng trong tình trạng tương tự. Những năm qua, Bộ Chính trị đã ra nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh ở các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, châu thổ Sông Hồng, đồng bằng Nam bộ và các thành phố lớn trực thuộc Trung ương. Trong đó cũng đã xác định rõ quan điểm, chủ trương, giải pháp thực hiện, nhưng về cơ chế, chính sách lại chưa đồng bộ, chưa có sự bổ sung kịp thời, nhất là xác định vai trò, trách nhiệm của từng địa phương thuộc vùng, địa bàn chiến lược...
Một vấn đề quan trọng nữa mà trong quá trình xây dựng, bổ sung cơ chế lãnh đạo cần quan tâm là đặc điểm hoạt động quốc phòng - an ninh hiện nay là không chỉ có hoạt động xây dựng, mà còn có cả hoạt động đấu tranh quốc phòng – an ninh. Hay nói đúng hơn là đan xen giữa hoạt động xây dựng, hợp tác và đấu tranh, đấu tranh, hợp tác và xây dựng. Vì thế, cần bổ sung cả cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đấu tranh quốc phòng - an ninh, đặc biệt là đấu tranh chống các hoạt động chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
Gắn liền với việc xây dựng, bổ sung từng bước hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý đối với hoạt động phòng – an ninh, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống Luật bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quốc phòng, chiến lược an ninh quốc gia và các chiến lược chuyên ngành khác.
 
Đại tá, ThS. Nguyễn Mạnh Hùng
 

Ý kiến bạn đọc (0)