QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:37 (GMT+7)
Tiến công thần tốc – nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự của dân tộc ta
Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, do phải lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều nên những chiến dịch tiến công thần tốc và những trận đánh thần tốc không nhiều. Tuy nhiên, những cuộc tiến công ấy hầu hết mang tính quyết định, có ý nghĩa quyết chiến chiến lược hoặc chiến dịch tùy theo quy mô, đã tạo nên nét đặc sắc trong nền nghệ thuật quân sự dân tộc.
Qua nghiên cứu lịch sử, chúng ta thấy rằng, mở những chiến dịch tiến công thần tốc hay những trận đánh thần tốc trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, các thống soái quân sự của dân tộc ta đều nhằm  mục tiêu tiêu diệt lực lượng lớn chủ lực của địch,đánh bại ý chí xâm lược của chúng, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn, tương đối ngắn hoặc tiêu diệt một bộ phận quan trọng của địch, từng bước thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và lực có lợ icho ta. Năm 938, bằng một trận đánh theo thế trận đã được bày đặt sẵn, Ngô Quyền, vị tướng “mưu cũng giỏi mà trí cũng giỏi”, “có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoàng Thao”1 chỉ trong vòng lên xuống của “một con nước” (khoảng một ngày) trên sông Bạch Đằng – cửa ngõ đông bắc đất nước, kết thúc chiến tranh. Chiến dịch tiến công thần tốc của Thái úy Lý Thường Kiệt, năm 1077, với phương châm chiến lược “tiên phát chế nhân” nhằm triệt phá các căn cứ xâm lược của giặc ngay trên  đất giặc, cũng diễn ra trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Chỉ trong vòng 3 tháng, với chiều sâu ngót 200 km, những bộ phận quan trọng trong lực lượng chuẩn bị xâm lược nước ta của phong kiến Đại Tống bị phá tan. Trận đại phá đạo thủy quân hùng mạnh của đế chế Mông Nguyên trên sông Bạch Đằng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng chỉ trong một ngày, ngày 9-3-1288. Trận Chi Lăng, chém đầu tướng Liễu Thăng - Tổng chỉ huy 10 vạn viện binh hòng cứu vãn thất bại của nhà Minh trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta ngay trên quan ải, diễn ra chưa đầy một buổi trong ngày 10-10-1427. Trận Rạch Gầm – Xoài Mút, một trong những trận thủy chiến lớn nhất và lừng lẫy nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, cũng chỉ diễn ra trong một ngày. Vẻn vẹn trong ngày 19-1-1785, hai vạn quân Tây Sơn đã tiêu diệt hơn 4 vạn quân Xiêm và hàng nghìn quân Nguyễn trên một đoạn sông Mỹ Tho. Nhưng điển hình trong lịch sử các vương triều Đại Việt phải kể đến trận quyết chiến chiến lược thần tốc giải phóng Thăng Long năm 1789, đánh tan 29 vạn quân Thanh và 1 vạn quân của Lê Chiêu Thống của Hoàng đế Quang Trung, từ ngày làm lễ xuất quân (25 tháng 11 âm lịch, năm 1788) đến ngày đại thắng (5-1 âm lịch, năm 1789) chỉ có hơn một tháng. Trong lịch sử đương đại, chống thực dân, đế quốc xâm lược, quân đội ta cũng đã tổ chức một số cuộc tiến công thần tốc, trong đó tiêu biểu, đỉnh cao là Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lật đổ ngụy quyền, đánh tan rã  hàng triệu ngụy quân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, diễn ra trong chưa đầy 2 tháng.
           
Ngoài nhân tố thời gian, chúng ta thấy những chiến dịch tiến công thần tốc hay trận đánh thần tốc có nét chung rất đặc sắc nữa là mang tính bất ngờ cao. Diễn biến của những chiến dịch tiến công thần tốc hay trận đánh thần tốc thường diễn ra vào thời điểm địch không ngờ tới, có biểu hiện chủ quan, trễ nải. Bất ngờ là nhân tố quan trọng nhất trong tác chiến đã được cha ông ta tận dụng để thực hiện quan điểm tư tưởng giữ nước “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”. Bị đánh bất ngờ thì địch dù có “binh hùng, tướng mạnh” đến mấy cũng sẽ “trở tay không kịp” nhanh chóng tan rã, thất bại. Ngược lại, đối với ta, nếu lợi dụng được thì dù quân ít cũng tạo được sức mạnh lớn để đánh địch. Bởi vậy, để tạo bất ngờ, các thống soái, tướng lĩnh quân sự của ta thường hành động ngoài dự kiến của địch, khiến chúng không phán đoán kịp hướng đánh, mục tiêu đánh, cách đánh, thời gian đánh cũng như quy mô, lực lượng tiến công của ta. Xâm lược nước ta năm 938, thủy quân Nam Hán không  ngờ sẽ vấp phải một trận địa cọc ngầm ẩn kỹ dưới triều cường ở cửa sông Bạch Đằng và một trận địa mai phục thủy, bộ hiểm hóc của quân và dân Đại Việt suốt mấy cây số dưới nước và hai bên triền sông. Chuẩn bị xâm lược nước ta, nước Đại Tống không hề dự tính quân đội nước Việt nhỏ bé lại có thể mở cuộc tiến công quy mô trước, thực hiện thắng lợi nghệ thuật “tiên phát chế nhân” trên một dải hình cánh cung dài 400 km, sâu trong đất địch những 200km. Tổng binh Liễu Thăng, kẻ dày dạn những cuộc Bắc chinh trên chiến trường Mông Cổ, đã từng được vua Minh phong đến tước Hầu, hàm Thái tử Thái bảo, có trong tay 10 vạn tinh binh, không nghĩ “một nhúm quân Đại Việt” nơi biên ải vừa đánh vừa lui lại có thể đương đầu nổi với sấm sét của Thiên triều. Cái kiêu căng, khinh địch của giặc cũng là cái sơ hở, cái yếu chí mạng của chúng, đồng thời góp phần làm tăng nhân tố bất ngờ cho trận phục kích Chi Lăng của quân và dân nước Việt. Bốn vạn thủy quân Xiêm đại bại ở Rạch Gầm - Xoài Mút, một phần cũng bởi tại tướng giặc là Chiêu Tăng đinh ninh quân đội Tây Sơn nhỏ bé không dám tiến công mà chỉ lăm lăm tìm cách “xin giảng hòa”. Chiêu Tăng từng bàn với Nguyễn Ánh: “Giặc rất tin tôi, tất không phòng bị, ta nên thừa thế mà đánh phá giặc ngay. Xin hẹn đêm mồng 9 tháng này (tháng chạp năm Giáp Thìn), quốc vương đem ngự binh đi trước xông vào thuyền giặc. Tôi cùng các tướng bản bộ đem tất cả các chiến thuyền lớn nhỏ chắn ngang sông của giặc thì thế nào cũng toàn thắng”2. Tương kế tựu kế, biến cái không ngờ của giặc thành cái bất ngờ, quân đội Tây Sơn, cả bộ binh và thủy binh, đã bí mật bày trận tại khu vực tác chiến đã được lựa chọn và nghiên cứu trước. Kết quả, cả một đạo thủy binh hùng mạnh của giặc bị băm nát. Trận đại phá quân Thanh của người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ (năm 1789) và Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của Mỹ – ngụy, thống nhất đất nước của quân và dân ta tuy cách xa nhau gần 200 năm, nhưng có chung một bất ngờ - bất ngờ về chiến lược. Xâm chiếm nước ta, vua Càn Long, nhà Thanh, sử dụng những lực lượng quân sự lớn để đe dọa Nguyễn Huệ, hòng giáng đòn quyết định vào trạng thái chính trị và tâm lý của quân và dân ta đang trong bối cảnh đất nước chia rẽ, thực hiện chiến lược “Không đánh mà thắng”  buộc Tây Sơn phải “quy thuận” Thiên triều. Vua Càn Long đã chỉ dụ cho đội quân xâm lược, dưới sự chỉ huy của Tổng binh Tôn Sĩ Nghị: “Cứ từ từ, không gấp vội... Nếu như người trong nước, một nửa theo về Huệ và Huệ không chịu rút quân thì chờ quân Mãn, Quảng vượt biển đánh vào Thuận, Quảng trước, sau đó lục quân mới tiến lên. Cả hai mặt đằng trước, đằng sau Nguyễn Huệ đều bị đánh, tất phải quy phục. Ta nhân đó giữ cả hai”3. Chúng đâu ngờ, Nguyễn Huệ lại đề ra và thực hiện chiến lược “Tận suất vi binh” (chiến tranh toàn dân)  quyết tâm đánh cho địch “phiến giáp bất hoàn” nên đã dùng tổng hội chiến để “chỉ đánh một trận là thắng và đuổi chúng về phương Bắc”. Còn trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, Mỹ- ngụy cũng không ngờ quân và dân ta tiến hành tổng tiến công và nổi dậy với phương châm hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong các chiến dịch tiến công thần tốc hay các trận đánh thần tốc, nhân tố thời cơ giữ vai trò quan trọng. Trong chiến tranh, thời và thế có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vấn đề này trong bài thơ Học đánh cờ: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công”. Mở chiến dịch, trận đánh đúng thời cơ có thể tạo nên sức mạnh gấp nhiều lần so với thực lực của ta, còn mở chiến dịch, trận đánh quá sớm hoặc quá muộn thì cục diện có thể khác hẳn. Cho nên, Nguyễn Trãi từng nói: “ Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời không thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ như trở bàn tay mà thôi”. Nghiên cứu kỹ các chiến dịch thần tốc hay trận đánh thần tốc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, thấy các nhà chiến lược quân sự thiên tài của ta chẳng những đã phát hiện rất nhạy bén và không bỏ qua thời cơ thuận lợi khi địch phạm sai lầm, mà còn có một nghệ thuật chủ động sáng tạo ra thời cơ có lợi để tiêu diệt địch, dựa trên cơ sở phát huy những nhân tố thuận lợi của mình như : sự ủng hộ và tham gia chiến đấu tích cực của nhân dân, sự thông thạo địa hình và khả năng cơ động nhanh chóng, bí mật của quân đội, v,v.
Sự đa dạng trong tiến công thần tốc. Ngoài những nét chung, mỗi chiến dịch tiến công thần tốc hay trận đánh thần tốc đều hết sức đa dạng và chiến thắng có được là tùy thuộc vào điều kiện khách quan và ý định chủ quan của con người trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Do đó, không thể kể hết, chỉ xin đơn cử. Thắng lợi của trận thủy chiến trên  sông Bạch Đằng, năm 938, là do Ngô Quyền đã lợi dụng được thế sông nước hiểm trở cũng như nắm vững quy luật lên-xuống của con nước và biết động viên nguồn nhân tài, vật lực to lớn trong dân chúng để xây dựng nên trận địa cọc ngầm kiên cố ở cửa sông; rồi dựa vào địa thế sông nước hiểm trở với trận địa cọc ngầm kiên cố ấy mà mai phục các cánh quân thủy, bộ ở hai bên triền sông tạo nên một trận địa phục kích lớn hết sức hiểm hóc. Đến khi đạo binh thuyền của địch theo ven biển Đông Bắc tràn sang, Tổ tiên ta đã khéo dùng cách nhử chúng vào đất chết rồi tung lực lượng ra phản công quyết liệt, thực hiện phương pháp vận động tiến công kết hợp chốt chặn bằng trận địa cọc, nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ đạo binh thuyền của địch, đánh sụp ý chí xâm lược của giặc, nhanh chóng giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh giữ nước trong một không gian hẹp, thời gian ngắn, trên tuyến đầu, ngày đầu  của cuộc chiến tranh. Trận Chi Lăng, chém đầu Liễu Thăng, Tổng binh của 10 vạn viện binh của nhà Minh lại là sự thành công của việc kết hợp địa hình thiên hiểm của núi sông với thành lũy cùng  việc giấu quân, nhử địch bày trận mai phục kỳ tài của nghĩa quân Lam Sơn. Các ngọn núi lớn, nhỏ trong ải, những hang đá và thành lũy là bức tường che mắt quân địch, hạn chế tầm quan sát và cơ động của chúng. Còn các đạo quân của ta chia nhau chiếm giữ các vị trí lợi hại, mai phục sẵn chờ giặc. Đó là thế trận “ Phục binh giữ hiểm, đập gẫy tiền phong” (Bình ngô đại cáo – Nguyễn Trãi). Chiến thắng thần tốc của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ trong chiến dịch giải phóng Thăng Long 1789, bắt đầu từ nghệ thuật cơ động lực lượng, phát huy nhân tố thần tốc trong tổng hội chiến. Nét riêng làm nên chiến thắng thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta là do quán triệt sâu sắc phương châm chiến lược: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”. Do đó, đã sử dụng các lực lượng và phương tiện có trong tay với hiệu quả cao, đẩy tốc độ tiến công quân địch và đánh chiếm các thành phố lên nhanh với hiệu suất chiến đấu cao, giành thắng lợi chiến dịch trong một không gian lớn mà thời gian lại rất ngắn.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai, nếu kẻ địch liều lĩnh tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, thì đây sẽ là cuộc chiến tranh công nghệ cao. Đặc điểm của cuộc chiến tranh này là không gian chiến tranh rộng, thời gian chiến tranh ngắn, mức độ ác liệt cao, thời cơ giành chiến thắng chỉ trong khoảnh khắc. Do đó, việc nghiên cứu nghệ thuật tiến công thần tốc trong các chiến dịch và trận đánh diễn ra trong lịch sử là vô cùng cần thiết. Nó đòi hỏi chúng ta phải biết vận dụng và kế thừa những kinh nghiệm lịch sử hết sức sáng tạo trong điều kiện mới.
 
Đại tá, ThS. Lê Mạnh Hùng
Hiệu trưởng Trường Trung học Biên phòng
 
1- Đại Việt sử ký toàn thư- Nxb KHXH, H.1967, T1, tr. 198.
2- Vũ Thế Dinh- Mạc Thi gia phả, Sách chữ Hán chép tay.
3- Ngô Gia Văn Phái-Hoàng Lê nhất thống chí, NXB Văn hóa, H.1964, tr.370.
 
Ý kiến bạn đọc (0)