Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:46 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Nước ta là nước dân chủ. Nhân dân là chủ. Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”1. Tôn trọng và thực thi quyền làm chủ của nhân dân là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động và “Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng”2. Quyền làm chủ của nhân dân là yếu tố quan trọng cấu thành cơ chế vận hành của cả hệ thống chính trị ở nước ta: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; được thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Tuy nhiên, do phương châm nói trên chậm được thể chế hóa thành pháp luật, nên quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi còn bị vi phạm; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân vẫn còn nghiêm trọng. Để bảo đảm khắc phục tình trạng đó, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực tế, nhất là ở cơ sở, ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ra Chỉ thị 30 - CT/TW về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, đồng thời có nhiều hình thức, biện pháp nhằm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc thực thi dân chủ trong các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, các loại hình cơ sở xã, phường, thị trấn, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước từng bước đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả thiết thực. Bầu không khí dân chủ trong nhân dân ngày càng được nâng lên, quyền làm chủ của nhân dân không ngừng được củng cố, phát huy và mở rộng.
Các cấp ủy đã thực hiện có hiệu quả phương châm: dựa vào dân để xây dựng Đảng; nghiêm túc tự kiểm điểm và làm rõ nguyên nhân những yếu kém, khiếm khuyết; lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân nhằm điều chỉnh, bổ sung vào chương trình hành động một cách phù hợp. Đồng thời, lấy ý kiến nhân dân tham gia vào các văn kiện đại hội của Đảng, nhất là những chủ trương, chính sách liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân; tổ chức để nhân dân tham gia về mọi mặt hoạt động của Đảng; góp ý về năng lực công tác, phong cách, phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống của cán bộ và đảng viên. Nhờ thực sự cầu thị và một mực trung thành với lợi ích của dân tộc, của giai cấp, Đảng ta được nhân dân quý trọng, gắn bó, gửi gắm và tin theo.
Bên cạnh đó, việc mở rộng dân chủ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong tiếp xúc cử tri, tiếp nhận và phản ánh ý kiến của nhân dân; thực hiện công khai, dân chủ trong hoạt động của các kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp…được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Việc công khai chất vấn và trả lời chất vấn; thừa nhận những bất cập, yếu kém trong quản lý, điều hành, hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cũng như sự tham gia trực tiếp hay gián tiếp giám sát của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước trong khắc phục những yếu kém…, là những minh chứng cho sự phát triển thật sự của nền dân chủ nước ta.
Không khí dân chủ và những chuyển biến tích cực trong quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở đã tác động tích cực đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự ở cơ sở. Mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm; tinh thần đoàn kết, tính nhân văn, nhân ái trong cộng đồng dân cư ngày càng được củng cố và phát triển rõ nét. Các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia ý kiến vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, huy động trí tuệ và các nguồn lực cho đầu tư, phát triển. Bộ mặt nông thôn nhiều nơi khởi sắc; các công trình điện, đường, trường, trạm, cầu, kênh mương đã được xây mới, hoặc được củng cố, kiên cố hóa. Các mô hình làng nghề, trang trại, gia trại; hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mô hình thâm canh trên 50-60 triệu đồng/ha xuất hiện ngày càng nhiều. Đời sống của nhân dân cơ bản ổn định và có bước cải thiện. Nhiều nơi, như: xã Bình Đinh (Thái Bình) đã phát triển trên 40 ngành nghề khác nhau; xã Song Hồ (Bắc Ninh) đã có trên 65% hộ khá, giàu,v.v. Thiết chế văn hóa nơi công sở, cộng đồng dân cư tiếp tục được hoàn thiện; việc xây dựng các quy chế, quy ước, hương ước nhằm thực hiện các tiêu chí: cơ quan văn hóa, làng văn hóa, gia đình văn hóa… đã trở thành phong trào rộng lớn trên các địa bàn cả nước. Đến nay, nhiều địa phương đã có trên 70% số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; nhiều làng, xã đạt danh hiệu văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2007, các tỉnh như: Kiên Giang có trên 60% ấp văn hóa; 86,14% gia đình văn hóa; Gia Lai đã có 64 làng văn hóa, 81% gia đình văn hóa,v.v. Sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các lễ hội truyền thống tiếp tục được tạo dựng, phục hồi và không ngừng phát triển. Các công trình văn hóa, đình, chùa,v.v. được nhân dân xây dựng, trùng tu, sửa chữa ngày càng khang trang. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân ngày càng tăng. Hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Các phong trào: giúp nhau xóa đói giảm nghèo; đền ơn, đáp nghĩa; giúp nhau xóa nhà tranh tre, nhà tạm; xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; hỗ trợ vốn, cây con giống; giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh, bệnh tật.v.v. được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ và hăng hái tham gia.
Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã thực sự tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để nhân dân bàn việc, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ. Nhiều vụ việc bức xúc được đưa ra thảo luận, giải quyết ổn thỏa; nhân dân tham gia vào việc kiện toàn tổ tự quản, ban bảo vệ, ban thanh tra, tổ hòa giải; cảm hóa những người lầm lỗi, xây dựng địa bàn không có tội phạm, đẩy lùi các tệ nạn tiêu cực, giữ vững kỷ cương, an ninh, trật tự. Các phong trào như: “3 giảm” ở thành phố Hồ Chí Minh; “5 không” ở Đà Nẵng, Hải Phòng,… thực sự có tác động tích cực đối với xã hội, để lại nhiều kinh nghiệm quý trong thực hiện công khai, dân chủ ở cơ sở.
Các cơ quan hành chính công những năm qua cũng đã đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ trong giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân và doanh nghiệp; đổi mới phong cách tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Hằng năm, các cơ quan hành chính, các doanh nghiệp Nhà nước đều tổ chức hội nghị dân chủ; tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định nhằm thực hiện dân chủ trong cơ quan, doanh nghiệp. Một số đơn vị đã xây dựng, ban hành và thực hiện có nền nếp quy chế, quy định công khai, dân chủ, như: Quy chế công khai tài chính; Quy chế công khai các chế độ, chính sách; Quy chế về đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật; Quy chế về quản lý và sử dụng tài sản ,v.v. Đến nay, nhiều cơ quan hành chính Nhà nước đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “liên thông”, bước đầu có hiệu quả; nhiều thủ tục hành chính đã được mẫu hóa và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, các nhà doanh nghiệp tiếp cận và làm thủ tục nhanh chóng, hiệu quả.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò tham gia xây dựng Đảng và giám sát hoạt động của chính quyền; tổ chức động viên nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng cho nhân dân những kiến thức pháp lý về thực thi quyền làm chủ. Tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, nhiều cơ quan đã đổi mới tổ chức và hoạt động cũng như phong cách, lề lối làm việc. Một số địa phương đã phân công cán bộ huyện, thị xã trực tiếp dự sinh hoạt với nhân dân; phân công các đoàn thể quần chúng, cán bộ, đảng viên trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên đây, ở một số nơi, việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn còn hình thức, hiệu quả thấp; tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, thiếu tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn xảy ra; tình trạng khiếu kiện đông người còn diễn biến phức tạp. Những tồn tại, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan; trong đó, có nguyên nhân thuộc về phẩm chất, đạo đức, năng lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên; có nguyên nhân thuộc về năng lực tổ chức, quản lý của cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng, chính quyền các cấp; có nguyên nhân khách quan do lịch sử để lại. Lợi dụng những hạn chế, tồn tại đó, một số thế lực thù đich, phản động đã phớt lờ những thành tựu về dân chủ, nhân quyền trên đất nước ta trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, cố tình xuyên tạc, bịa đặt về cái gọi là “vi phạm dân chủ”, để tụ tập, lôi kéo, kích động một số phần tử bất mãn, một bộ phận nhân dân thiếu hiểu biết về pháp luật gây rối, hòng làm mất ổn định an ninh, trật tự ở cơ sở, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của nhân dân ta. Những hành động đó là đi ngược lại lợi ích của nhân dân ta; vi phạm pháp luật của Nhà nước ta; xâm phạm quyền làm chủ của đại đa số nhân dân. Cần thấy rằng, những hạn chế trong thực thi dân chủ ở nước ta nói trên không mang tính hệ thống, không phải là bản chất của chế độ xã hội ta. Điều căn bản là Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức đúng và có nhiều biện pháp kiên quyết loại trừ những yếu kém, sai phạm đó. Những kết quả to lớn trong tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở là cơ bản, là minh chứng cụ thể, rõ nét cho việc thực thi dân chủ trong xã hội ta.
Việc thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong những năm qua, là khâu đột phá và là bước tiến mới quan trọng trong tiến trình mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Không ngừng mở rộng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện quyền dân chủ của mình, nhân dân ta cũng tích cực tham gia xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; giám sát các hoạt động của chính quyền, của cán bộ, công chức; nâng cao trách nhiệm trong thực hành dân chủ, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phát hiện và đấu tranh ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường xây dựng mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm; thực hiện giúp đỡ lẫn nhau để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở. Những việc làm đó đã góp phần quan trọng đấu tranh bác bỏ các luận điệu xuyên tạc về dân chủ ở xã hội ta; đẩy mạnh việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của nhân dân ta trong tình hình mới.
Võ Đình Liên
Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan Nhà nước,
Ban Dân vận Trung ương
________
1 - Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các bản Hiến pháp, Nxb CTQG,H. 2005, tr.12.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII, Nxb CTQG, H. 1996, tr.73.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011