QPTD -Thứ Hai, 28/11/2011, 23:25 (GMT+7)
Thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Thắng lợi vĩ đại của các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay ghi nhận công lao to lớn, sự hy sinh quả cảm, tinh thần lao động quên mình của toàn dân tộc ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của các liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng. Ngay từ những ngày đầu gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã chỉ thị chọn một ngày kỷ niệm để Tổ quốc và đồng bào tỏ lòng “hiếu nghĩa bác ái” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Cũng trong thời khắc lịch sử cực kỳ cam go ấy, Người căn dặn: “Thương binh, bệnh binh gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, 60 năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội ta luôn quan tâm, thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ và chăm sóc người có công một cách tích cực và có hiệu quả; coi đó vừa là tình cảm, lương tâm, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng của các thế hệ được thừa hưởng thành quả cách mạng đối với những người đã hy sinh cuộc đời hoặc một phần xương máu, hy sinh quyền lợi cá nhân cho thắng lợi chung của dân tộc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta đã khẳng định: Không chờ kinh tế phát triển cao mới giải quyết các vấn đề xã hội mà ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng đều khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công (TBLS&NCC) với cách mạng. Thể chế đường lối của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước ta cũng được xây dựng, ban hành, từng bước hoàn thiện. Năm 1994, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc đặt ra từ thực tiễn đời sống, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 3 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh nói trên. Năm 2005, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 về ưu đãi người có công với cách mạng.

Chính vì xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác này, những năm đổi mới vừa qua, công tác TBLS&NCC đã đạt nhiều thành tựu to lớn trên các phương diện chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá,… Đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thực hiện ưu đãi xã hội đối với trên 8 triệu lượt người; số người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên hằng tháng khoảng 1,5 triệu người và trên 2 triệu người hoạt động kháng chiến khác được hưởng các chế độ ưu đãi về y tế và trợ cấp. Hằng năm, Nhà nước ta dành khoản ngân sách hàng ngàn tỷ đồng để chi trợ cấp ưu đãi xã hội (riêng năm 2007 trên 10.000 tỷ đồng). Trợ cấp ưu đãi thường xuyên đối với người có công được thực hiện theo nguyên tắc tương ứng với mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội, như quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Các chế độ ưu đãi khác ngoài chế độ trợ cấp, được triển khai thực hiện khá đầy đủ, chu đáo. Hiện tại, 1,2 triệu người có công đang được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế; 14.350 người được hưởng chế độ ưu đãi về nhà ở cho diện cán bộ lão thành cách mạng với nguồn kinh phí trên 2.000 tỷ đồng; hàng vạn gia đình người có công khác được hưởng chế độ ưu đãi về nhà ở, đất ở; con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đang theo học ở các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được hưởng ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, với chế độ trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần giúp giải quyết cơ bản nhu cầu về sách vở, đồ dùng học tập,… Nhà nước còn trích từ ngân sách trên 1.000 tỷ đồng để giải quyết việc làm cho các gia đình người có công tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh. Công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ được triển khai tích cực, có hiệu quả; đến nay, đã có trên 880.000 liệt sĩ hy sinh trên các chiến trường cả nước và trên đất bạn Lào, Căm-pu-chia được yên nghỉ vĩnh hằng trong 3.000 Nghĩa trang Liệt sĩ và các nghĩa trang này thường xuyên được cấp uỷ, chính quyền, nhân dân các địa phương quan tâm xây dựng, bảo tồn, gìn giữ như các công trình lịch sử, văn hoá. Các chương trình: xây Nhà tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chăm sóc, nuôi dưỡng bố, mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; chăm sóc giúp đỡ thương binh nặng; lập quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”;... đã đạt hiệu quả lớn và có tính xã hội hoá cao,…
Có thể thấy, những thành tựu của công tác TBLS&NCC trong thời kỳ đổi mới đã góp phần khẳng định tính ưu việt của chế độ XHCN ở nước ta. Chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước thể hiện sự quan tâm, tình cảm, trách nhiệm đối với những người đã cống hiến, đóng góp, hy sinh cho Tổ quốc, cho dân tộc. Chế độ trợ cấp được điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội, góp phần ổn định và từng bước nâng cao mức sống của người có công. Chế độ ưu đãi ngoài trợ cấp, cùng với sự quan tâm, chăm lo từ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nguồn hỗ trợ quý báu để người có công ổn định về vật chất, phấn khởi về tinh thần. Sự trân trọng, tôn vinh, đền ơn trả nghĩa đối với TBLS&NCC chính là làm nghĩa vụ với lịch sử, đề cao truyền thống cách mạng hào hùng, khẳng định thành quả to lớn của Đảng, của dân tộc.
Trong những năm tới, chúng ta tiếp tục thực hiện công tác TBLS&NCC trong bối cảnh đất nước đứng trước cả thời cơ và thách thức to lớn. Việc nước ta chính thức trở thành thành viên của WTO, đã tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước và các tổ chức kinh tế tranh thủ mọi nguồn lực đẩy mạnh tiến trình CNH, HĐH, phát triển kinh tế-xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, trong đó có việc bảo đảm quyền lợi đối với người có công. Tuy nhiên, quá trình đó không tránh khỏi những bất cập, nhất là sự phân hóa giàu-nghèo, vấn đề lao động, việc làm, chính sách đất đai,... ít nhiều tác động đến nhận thức, thái độ, tâm tư, tình cảm của các đối tượng chính sách, thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công.
 Do đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội...”. Cụ thể hóa quan điểm đó, ngày 14 tháng 12 năm 2006, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Trên cơ sở quan điểm đúng đắn của Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được, chủ động khai thác mọi tiềm năng, thuận lợi, khắc phục khó khăn, thách thức, tạo điều kiện thực hiện tốt hơn nữa công tác TBLS&NCC trong thời gian tới.
Hiện nay, trên cả nước ta số người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên hằng tháng là 1.592.000 người. Trong đó, có 6.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 20.000 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 2,4 vạn thương binh, bệnh binh nặng mất sức lao động từ 81% trở lên, 320.000 bố, mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, 300.000 con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh còn đang học ở nhà trường,… Dự báo đến năm 2010, diện người có công hưởng trợ cấp thường xuyên hằng tháng còn khoảng 1.250.000 và đến năm 2015 sẽ còn khảng 1.000.000 người. Mặc dù, nhiều năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã nỗ lực vượt bậc, triển khai công tác TBLS&NCC với nhiều giải pháp, bước đi thích hợp, có hiệu quả; song một bộ phận người có công còn gặp nhiều khó khăn; khoảng 50.000 gia đình chính sách đặc biệt khó khăn về nhà ở; hàng vạn con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh gặp khó khăn trong học tập, việc làm; nhiều cơ sở sản xuất của thương binh, bệnh binh hoạt động sản xuất, kinh doanh không có hiệu quả…
Để khắc phục khó khăn, đồng thời bảo đảm thực hiện tốt những mục tiêu của công tác TBLS&NCC, trước hết, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong chính sách TBLS&NCC. Quá trình thực hiện cần bảo đảm sự phù hợp giữa cống hiến, đóng góp, hy sinh làm nên giá trị xã hội của người có công với chính sách ưu đãi xã hội thích ứng và phù hợp trong điều kiện kinh tế-xã hội đất nước ở từng thời kỳ lịch sử cụ thể. Có thể hiểu, công bằng xã hội trong chính sách TBLS&NCC là một giá trị định hướng để người có công thụ hưởng chế độ ưu đãi về vật chất, tinh thần của Nhà nước và xã hội, phù hợp với sự cống hiến, hy sinh của họ và khả năng hiện thực trong những điều kiện kinh tế-xã hội nhất định.
Thời gian tới, để công tác TBLS&NCC được triển khai phù hợp với tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH, cần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác này thành các chính sách cụ thể, có tính khả thi cao. Các chính sách phải đảm bảo tính khách quan, khoa học, hợp lý, phù hợp với thực tiễn đời sống. Chúng ta đang hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; do vậy, công tác TBLS&NCC phải tuân thủ pháp chế XHCN; phải phù hợp với chính sách, pháp luật Việt Nam, thể chế Điều 67 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về ưu đãi xã hội.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác TBLS&NCC, trong thời gian tới cần lưu ý một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, làm căn cứ triển khai đồng bộ, đầy đủ chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Chính sách, pháp luật cần phải được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân, nhất là thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công; đồng thời phải được tổ chức thực hiện chu đáo, kịp thời.
Thứ hai, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, đổi mới công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực người có công với cách mạng, đáp ứng yêu cầu thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Hoạt động quản lý phải được đổi mới, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm việc xác nhận, chi trả trợ cấp, thực hiện các chế độ ưu đãi khác ngoài trợ cấp được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, toàn diện; tạo điều kiện thuận lợi để người và gia đình có công thụ hưởng được quyền ưu đãi, chế độ ưu đãi, đón nhận được ân tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với cá nhân và gia đình mình. Cần chú trọng hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, nhất là những biểu hiện tham nhũng trong lĩnh vực xã hội nhạy cảm này.
Thứ ba, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục triển khai sâu rộng “5 chương trình tình nghĩa”; tạo điều kiện để các chương trình phát triển đúng theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta: Các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hoá, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội.
Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thương binh, bệnh binh và người có công phát huy những phẩm chất cách mạng tốt đẹp trong thời kỳ mới; chủ động khắc phục khó khăn, nêu gương trong lao động sản xuất, chấp hành pháp luật Nhà nước, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở từng địa phương, phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, làm “…người công dân kiểu mẫu ở địa phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”, thương binh, bệnh binh  “tàn nhưng không phế”.
Công tác TBLS&NCC trong thời kỳ đổi mới có một vai trò, vị trí quan trọng và là một nhiệm vụ hết sức thiêng liêng. Điều đó được thể hiện trong đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt phải được thực thi một cách có trách nhiệm, có hiệu quả và phải xuất phát từ tình cảm, lương tâm của toàn xã hội đối với sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cách mạng đi trước. Thái độ của chúng ta đối với lịch sử sẽ là chìa khóa mở ra tương lai của đất nước, của dân tộc.
Bùi Hồng Lĩnh
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
 
  
 
 

Ý kiến bạn đọc (0)