QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 22:54 (GMT+7)
Thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng - cơ sở phát huy khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, gồm 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số là 53 dân tộc, với số dân gần 11 triệu người, chiếm 13% dân số cả nước, cư trú trên địa bàn rộng lớn, chủ yếu ở miền núi, biên giới có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh. Vì vậy, vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương và chính sách đúng đắn đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng – an ninh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, theo nguyên tắc cơ bản là: “Bình đẳng đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Những nguyên tắc cơ bản này được Đảng, Nhà nước thể hiện một cách nhất quán trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và cụ thể hoá bằng những chính sách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng của nước ta. Nhất là, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, những nguyên tắc cơ bản đó lại càng được thể hiện rõ hơn, Đảng, Nhà nước đã cụ thể hoá ra hàng loạt những chính sách cụ thể, nhằm đảm bảo cho nhân dân các dân tộc thực sự được bình đẳng về mọi mặt; nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống và được đồng bào các dân tộc thiểu số đồng tình ủng hộ.
Những kết quả, thành tựu đã đạt được trong những năm qua, cụ thể như: Nhà nước ta đã đầu tư hơn 20.000 tỉ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, hơn 10.000 tỉ đồng cho 2.410 xã đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi dân tộc thiểu số; đã hoàn thành xây dựng trên 2.311 công trình các loại, gồm: giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm xá xã, trụ sở xã; bưu điện- văn hoá xã, điện thắp sáng cho dân; các đài thu phát Pa-ra-pôn phục vụ cho nhân dân nghe, nhìn…. Đến nay, rất nhiều công trình đã phát huy được hiệu quả, 97,42% số xã đã có đường ôtô đến trung tâm xã, 98% điện lưới đến huyện, 84% số xã có điện lưới, 64% số dân đựơc sử dụng điện, 100% số xã có trạm y tế, 100% số xã  có trường tiểu học xây kiên cố, 76% xã có bưu điện-văn hoá xã; đã có trên 20 chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện trên địa bàn dân tộc thiểu số, chiếm 44% tổng số vốn của các chương trình mục tiêu cả nước. Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện một bước quan trọng, những chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa từng bước vươn lên hoà nhập với sự phát triển của cộng đồng cả nước.
Song do điều kiện tự nhiên, xã hội ở vùng miền núi, dân tộc và điểm xuất phát rất thấp nên trình độ phát triển không đồng đều giữa các dân tộc và giữa các vùng dân tộc trong cả nước. Kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vẫn trong tình trạng chậm phát triển, chậm chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, tiếp cận với thị trường còn rất lúng túng, chất lượng hàng hoá chưa cao, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh thấp. Tình trạng du canh, du cư, di dịch cư tự do vẫn đang bức xúc ở nhiều nơi, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu và còn nhiều khó khăn, dân số ngày càng tăng lên, môi trường sinh thái bị suy giảm, rừng bị phá, đất bị bạc màu, tỉ lệ đói nghèo ở mức cao so với mức bình quân chung của cả nước (chiếm 36% số hộ, trong khi cả nước 23%). Thậm chí có nơi, có vùng tỉ lệ đói nghèo còn cao (62%), khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc có xu hướng ngày càng lớn.
Chất lượng giáo dục-đào tạo còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng – an ninh của các tỉnh miền núi, dân tộc thiểu số, nhiều nét văn hoá truyền thống bị mai một. Hệ thống y tế còn nhiều bất cập, mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào thiểu số còn thấp. Hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc, miền núi còn yếu, công tác cán bộ chậm đổi mới, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ hiện nay. Một số nơi vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tình hình truyền đạo trái pháp luật và một số người đội lốt tôn giáo hoạt động gây rối vẫn xảy ra ở nhiều nơi, trái với thuần phong mỹ tục của đồng bào các dân tộc.
Những vấn đề trên có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan là địa bàn miền núi phức tạp. Trong khi đó, các thế lực thù địch không từ bỏ dã tâm lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Nguyên nhân chủ quan là sự nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền ở không ít địa phương, cơ sở về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, việc tổ chức thực hiện thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ; không ít cán bộ, đảng viên còn mang nặng tư tưởng ỷ lại, bao cấp của Nhà nước; đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số vừa thiếu, vừa yếu về mọi mặt.
Để khắc phục những yếu kém trên đây, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, từ nay đến năm 2010 chúng ta cần thực hiện tốt mấy vấn đề sau đây.
1- Phải quán triệt nghiêm túc, sâu sắc các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã có. Đẩy mạnh đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giải quyết cơ bản những bức xúc về lương thực, nước sinh hoạt, nhà ở, tư liệu sản xuất đối với đồng bào vùng dân tộc đặc biệt khó khăn. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Giải quyết cơ bản tình trạng  tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào dân tộc, nhất là các trọng điểm, không để tạo “điểm nóng” về trật tự an toàn xã hội để các thế lực thù địch lợi dụng. Quy hoạch sắp xếp lại dân cư nơi cần thiết, tạo sự ổn  định, không còn du canh, du cư và di dịch cư tự do.
2- Cần tiến hành ngay quy hoạch và đào tạo cán bộ theo từng vùng, từng dân tộc cụ thể; bổ sung,  luân chuyển cán bộ có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, có lập trường tư tưởng vững vàng, tâm huyết với đồng bào dân tộc đến công tác ở vùng  dân tộc thiểu số miền núi, nhất là vùng trọng điểm về chính trị, an ninh, quốc phòng. Đồng thời Nhà nước có chính sách thoả đáng đối với cán bộ công tác ở vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, chính sách sử dụng những người có uy tín trong từng dân tộc, từng vùng dân tộc, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở thôn, bản, phum , sóc ở vùng đồng bào dân tộc miền núi có trình độ năng lực, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, biết tổ chức, hướng dẫn, lãnh đạo nhân dân thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước ở ngay từng thôn, bản, phum, sóc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
3- Các ngành, các cấp cần rà soát lại các chính sách để kịp thời đề nghị bổ sung cho hoàn chỉnh, sát hợp với từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, đảm bảo các loại vốn đầu tư thực sự phát huy có hiệu quả, tạo điều kiện cho đồng bào vươn lên, thoát khỏi tình trạng vùng đặc biệt khó khăn và xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững, từng bước hoà nhập cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
4- Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục - đào tạo, phấn đấu hoàn thành phổ cập trung học cơ sở và trung học phổ thông cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển mạng lưới trường dạy nghề, trường nội trú, tổ chức các trường mẫu giáo công lập ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các dân tộc. Thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trí thức là người dân tộc thiểu số.
Chăm lo sức khoẻ đồng bào, giảm thiểu các bệnh truyền nhiễm, giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường hoạt động văn hóa, thông tin, đưa sách, báo về đến thôn bản, đưa truyền hình về từng gia đình. Hướng dẫn đồng bào phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc, tạo ra sự phong phú về văn hoá của cộng đồng các dân tộc trong cả nước. Nghiên cứu tăng thêm thời lượng phát thanh bằng nhiều thứ tiếng dân tộc ở từng vùng phù hợp với điều kiện của đồng bào.
5-  Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, chủ động phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng truyền đạo trái pháp luật và lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tự do tín ngưỡng để phá hoại sự đoàn kết của các dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Không để xẩy ra “điểm nóng” về trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không để kẻ xấu lợi dụng sơ hở của ta để kích động đồng bào gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các ngành, các cấp và cán bộ, đảng viên thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước chính là cơ sở vững chắc để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.
 
Tráng A Pao
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
 

Ý kiến bạn đọc (0)