QPTD -Thứ Bảy, 06/08/2011, 23:11 (GMT+7)
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên ở Đoàn B.17

Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, ngày 6-3-1979, Đoàn B.17, Quân khu 7 được thành lập. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa bàn và nhiệm vụ quốc tế, tháng 6-1994, Đoàn được giao nhiệm vụ tổ chức khung thường trực (KTT), phối hợp với các địa phương giao nguồn, sắp xếp, xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV).

Trải qua 30 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Đoàn luôn phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Với những thành tích đạt được, Đoàn B.17 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhà nước Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều đơn vị và cán bộ, chiến sĩ của Đoàn được tặng thưởng 2.564 Huân chương Chiến công các loại… Kế thừa và phát huy những thành quả, kinh nghiệm đạt được, Đoàn B.17 đang ra sức phấn đấu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng lực lượng DBĐV, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Đoàn đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng KTT vững mạnh được xác định là quan trọng hàng đầu. Nét đặc thù và cũng là khó khăn của một đơn vị làm nhiệm vụ động viên là biên chế KTT hạn hẹp; trong đó, tỷ lệ giữa cán bộ và hạ sĩ quan, chiến sĩ không cân đối, lại thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thời bình nên dễ nảy sinh tư tưởng chủ quan, xem nhẹ, cho rằng chưa cấp thiết, việc sẵn sàng chiến đấu đã có các đơn vị thường trực, đủ quân đảm nhiệm. Ý thức rõ điều đó, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn thường xuyên chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt sâu sắc các văn bản pháp quy, nhất là Pháp lệnh Dự bị động viên, Chỉ thị 917 của Bộ Quốc phòng và các chỉ thị, hướng dẫn của Quân khu về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Trên cơ sở đó, Đoàn tập trung xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, chú trọng đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho đội ngũ cán bộ KTT có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, mục tiêu, yêu cầu, nội dung của công tác động viên quân đội, yên tâm, phấn khởi xây dựng đơn vị. Trong quá trình thực hiện, Đoàn coi trọng phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, ý thức tự giác, tự quản, tự rèn luyện của đội ngũ cán bộ các cấp, làm cơ sở cho việc giáo dục, rèn luyện chiến sĩ và xây dựng nền nếp, tác phong công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đoàn hết sức chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ KTT ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. Trong đó, quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn và tổ chức, bố trí cán bộ. Đoàn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tập huấn tại chỗ những nội dung về công tác động viên quân đội, phương pháp tổ chức huấn luyện lực lượng DBĐV. Thường xuyên bồi dưỡng, trao đổi thông tin về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và dân tộc, tôn giáo; những kinh nghiệm về công tác dân vận, giúp đội ngũ cán bộ nắm chắc địa bàn, thực hiện tốt công tác xây dựng lực lượng DBĐV. Hằng năm, Đoàn chủ động đưa nội dung Pháp lệnh về lực lượng DBĐV, Nghị định 39/CP của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 66-QĐ/BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào chương trình giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ, nhằm nâng cao kiến thức, năng lực và công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, thường xuyên bổ sung hoàn thiện “Quy chế hoạt động công tác động viên”, “Hệ thống văn kiện về công tác tiếp nhận lực lượng DBĐV”. Trên cơ sở đó, thống nhất phương pháp xây dựng sơ đồ vùng động viên và kế hoạch sử dụng nguồn DBĐV theo phân cấp; phối hợp cùng cơ quan quân sự địa phương nắm chắc và quản lý có chất lượng nguồn dự bị trên địa bàn động viên. Hướng dẫn và quy định cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chế độ xây dựng kế hoạch, tổ chức phúc tra, tái phúc tra đơn vị DBĐV một cách nền nếp và đầy đủ. Ngoài ra, Đoàn còn thường xuyên chấn chỉnh, kiện toàn hồ sơ, sổ sách đăng ký từ cấp tiểu đội trở lên; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đơn vị DBĐV và quản lý số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật và nền nếp chế độ báo cáo. Duy trì nghiêm chế độ học tập, công tác, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và quy định của đơn vị. Tích cực xây dựng môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, doanh trại thống nhất, chính quy.

Tổ chức xây dựng lực lượng DBĐV là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trực tiếp nhất là đơn vị quân đội (nhận nguồn) và địa phương (giao nguồn). Công tác này gồm rất nhiều khâu, trong đó đơn vị đảm nhiệm 2 khâu chính là: huấn luyện và dự trữ vũ khí, trang bị vật chất. Tuy vậy, việc phân nhiệm đó chỉ mang tính “độc lập” tương đối, bởi quá trình triển khai các khâu trên có quan hệ tương hỗ chặt chẽ. Chính vì thế, nhiều năm qua, Đoàn luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng lực lượng DBĐV. Ngay từ đầu năm, sau khi Quân khu giao nhiệm vụ, Đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và chủ động hợp đồng với các cơ quan quân sự địa phương giao nguồn để thâm nhập cơ sở, địa bàn. Rút kinh nghiệm những năm trước, từ đầu năm 2007, Đoàn chỉ đạo các đơn vị tổ chức cho cán bộ khung B tham gia phúc tra đơn vị thuộc quyền. Do trực tiếp sinh hoạt, công tác tại địa bàn, nên số cán bộ này có nhiều thuận lợi trong việc nắm và quản lý nguồn DBĐV của các đơn vị trực thuộc. Với phương châm “phúc tra đến đâu, nắm chắc đến đó, Đoàn phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện nghiêm quy trình: đăng ký lần đầu, bổ sung, di chuyển, chuyển ngạch và đăng ký giải ngạch. Trên cơ sở phân cấp quản lý, Đoàn yêu cầu từng cấp nắm chắc quân số, bảo đảm phải đến từng nhà, biết từng hoàn cảnh, khả năng, nghề nghiệp của quân nhân dự bị... Qua phúc tra, tái phúc tra, đơn vị cùng địa phương kịp thời điều chỉnh nguồn DBĐV sắp xếp vào đơn vị theo biên chế phù hợp với từng địa bàn và có tỷ lệ dự phòng hợp lý. Ngoài ra, Đoàn phối hợp với cơ quan quân sự địa phương tổ chức giao ban động viên, có đại diện của chính quyền tham dự để thông báo tình hình, nhiệm vụ. Theo kế hoạch, khi tổ chức sinh hoạt định kỳ hoặc chi trả phụ cấp trách nhiệm, cán bộ khung A xuống gặp gỡ trực tiếp cán bộ, chiến sĩ là quân nhân dự bị. Nhờ đó, Đoàn nắm bắt kịp thời tình hình diễn biến tư tưởng, biến động quân số... chủ động xây dựng các phương án dự phòng thay thế; sớm phát hiện vấn đề bức xúc trong tư tưởng, chế độ, chính sách của quân nhân dự bị để cùng địa phương giải quyết dứt điểm. Do vậy, mặc dù địa bàn động viên rộng, phức tạp, cuộc sống bị chi phối bởi cơ chế thị trường, nhiều quân dự bị đi làm ăn xa, lực lượng phân tán, nhưng tỷ lệ sắp xếp và động viên huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu của Đoàn luôn đạt kết quả tốt, năm sau cao hơn năm trước. Năm 1996, sắp xếp quân dự bị vào các đơn vị đạt tỷ lệ 82,43% so với biên chế; trong đó tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự (CNQS) đạt 80,72%, gần đúng đạt 10,65%, không đúng: 8,61%; đến năm 2008, tỷ lệ tương ứng là: 99,76%; 90,71%; 6,11% và 3,18% so với chỉ tiêu...

Thực hiện biên chế mới của Bộ, đơn vị được tăng cường chức danh chính trị viên tiểu đoàn và đây cũng đang là khó khăn đối với Đoàn. Bởi lẽ, số lượng cán bộ chính trị, nhất là cấp phó chính ủy trung đoàn, chính trị viên phó tiểu đoàn và đại đội DBĐV của Đoàn rất ít, không thể bảo đảm xếp đủ theo chức danh. Trong khi đó, chỉ tiêu của Đoàn đưa đi đào tạo chỉ được từ 1-2 đồng chí/năm. Vì thế, không những chưa đáp ứng yêu cầu giải ngạch cán bộ chính trị, mà ngay cả sĩ quan dự bị là cán bộ quân sự và hậu cần, kỹ thuật vẫn còn thiếu. Để giúp các đơn vị làm nhiệm vụ động viên khắc phục thực trạng trên, nên chăng, cùng với việc điều động, bổ sung nguồn cán bộ, Quân khu có thể giao chỉ tiêu tạo nguồn sĩ quan dự bị ngay từ khi xây dựng kế hoạch gọi nhập ngũ cho từng địa phương. Quá trình chiến sĩ học tập, rèn luyện, công tác, đơn vị sẽ chọn lọc nguồn để địa phương đưa đi đào tạo sĩ quan dự bị sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Hiện nay, chiến sĩ mới có mặt bằng văn hóa khá cao, tỷ lệ đảng viên đạt từ 3-4%, đoàn viên đạt 40-60%... là một thuận lợi trong tạo nguồn, đào tạo sĩ quan dự bị cho các đơn vị DBĐV.

Giáo dục, huấn luyện quân nhân dự bị là một công tác trọng tâm của Đoàn. Thực hiện tốt công tác này sẽ trực tiếp nâng cao sức mạnh chiến đấu cho lực lượng DBĐV, bảo đảm sẵn sàng động viên, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu khi có tình huống chiến tranh. Hằng năm, Đoàn triển khai công tác huấn luyện quân DBĐV theo đúng mệnh lệnh của Tư lệnh Quân khu và Chỉ lệnh huấn luyện của Tổng Tham mưu trưởng. Căn cứ vào tình hình thực tế và kết quả sắp xếp quân dự bị vào biên chế, Đoàn xác định cụ thể kế hoạch huấn luyện cho các đơn vị; đồng thời, hiệp đồng chặt chẽ với các địa phương giao nguồn, chọn thời gian thích hợp để bảo đảm huy động lực lượng cho huấn luyện đạt chỉ tiêu cao nhất. Trong huấn luyện, Đoàn luôn coi trọng cả giáo dục chính trị và huấn luyện quân sự; huấn luyện cán bộ và huấn luyện đơn vị; huấn luyện bộ binh và huấn luyện binh chủng. Đối với giáo dục chính trị, Đoàn chú trọng việc nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, truyền thống và nhiệm vụ của đơn vị; phương thức và thủ đoạn của đối tượng tác chiến trong điều kiện chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao... Đồng thời, giáo dục ý thức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các lực lượng thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”.

Trước khi bước vào huấn luyện quân sự, công tác chuẩn bị thao trường, bãi tập, chuẩn bị giáo án, kế hoạch huấn luyện, các văn kiện diễn tập của đơn vị đã được Đoàn chỉ đạo xây dựng bài bản, chu đáo. Đoàn chú trọng việc tập huấn, bồi dưỡng nội dung tổ chức, phương pháp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, điều lệnh, thể lực; trình tự tổ chức chuẩn bị chiến đấu của các hình thức chiến thuật cho cán bộ khung B để làm nòng cốt trong huấn luyện, diễn tập, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của đơn vị DBĐV. Trong quá trình huấn luyện đơn vị DBĐV, Đoàn luôn thực hiện “huấn luyện sát với yêu cầu, nhiệm vụ; chú trọng huấn luyện thực hành; kết hợp huấn luyện với hội thao, diễn tập, đánh giá kết quả”; kết hợp giữa huấn luyện với xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, tăng cường công tác đảng, công tác chính trị, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho quân nhân dự bị trong thời gian huấn luyện, diễn tập. Thời gian qua, Đoàn còn chủ động tổ chức huấn luyện chuyển đổi CNQS ngay tại đơn vị. Ngoài CNQS là y tá, báo vụ do Quân khu huấn luyện hỗ trợ, số CNQS còn lại do Đoàn đảm nhiệm. Tuy phải huấn luyện liên tiếp đến 3 năm số quân chuyển loại CNQS này mới đạt yêu cầu chuyên môn, nhưng do chủ động khâu huấn luyện gối đầu, nên số CNQS của Đoàn luôn được bổ sung. Đặc biệt, Đoàn còn tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DBĐV trong tình hình mới. Các đơn vị DBĐV đã thành lập được 2 đảng bộ 2 cấp, 14 chi bộ, với 519 đảng viên là quân nhân dự bị; số chi bộ có cấp ủy đạt trên 30%. Khi động viên tập trung huấn luyện, diễn tập, các đảng viên đều được giới thiệu sinh hoạt Đảng tạm thời và ngay sau đó, các chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo, đề ra các biện pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Tính đến cuối năm 2008, Đoàn đã huấn luyện được 18 phân đội binh chủng hợp thành, 32 đại đội binh chủng, huấn luyện chuyên môn kỹ thuật cho hơn 3.000 quân dự bị. Kiểm tra sẵn sàng động viên 24 phân đội và 28 đại đội binh chủng đều đạt khá... Kết quả đó đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng quản lý huấn luyện, diễn tập và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng DBĐV, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ động viên quân đội thời kỳ mới.

Đại tá NGUYỄN VĂN NÕN

Đoàn trưởng

 
Ý kiến bạn đọc (0)