QPTD -Thứ Hai, 05/09/2011, 23:32 (GMT+7)
Thực hiện Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị ở một đơn vị kinh tế - quốc phòng

Là một đơn vị kinh tế-quốc phòng (KT-QP), thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, bước vào tổ chức thực hiện Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị (BCT) "Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam", Binh đoàn 15 có thuận lợi cơ bản là: hệ thống tổ chức đảng, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong những năm qua đã được xây dựng, sắp xếp, củng cố, kiện toàn đồng bộ theo đúng với Điều lệ Đảng và các quy định của BCT, Ban Bí thư. Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) của các cơ quan, đơn vị trong toàn Binh đoàn được duy trì nề nếp, chặt chẽ; nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội luôn được giữ vững trong mọi hoạt động của Binh đoàn. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ nói chung, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong Binh đoàn nói riêng đã được thử thách, rèn luyện qua thực tế đều không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, nâng cao bản lĩnh chính trị, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ chủ trì CTĐ, CTCT ở đơn vị. Hầu hết cán bộ chủ trì đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức; trình độ, kiến thức, kinh nghiệm, năng lực tổ chức thực tiễn ngày càng được nâng cao, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản mà người chính uỷ, bí thư đảng ủy cơ sở cần có. Ngoài ra, mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ giữa người chỉ huy với phó chỉ huy về chính trị các cấp, giữa giám đốc công ty với phó giám đốc về chính trị, giữa cơ quan và đơn vị trong toàn Binh đoàn những năm qua không ngừng được củng cố, phát huy. Đó là những tiền đề cần thiết cho việc triển khai Nghị quyết 51/NQ-TW của BCT, cho việc bổ nhiệm, sắp xếp chính ủy và là một đảm bảo cơ bản cho cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong Binh đoàn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ theo cơ chế mới.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 51/NQ-TW của BCT ở Binh đoàn có một số khó khăn: đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chính trị nói riêng được hình thành, phát triển từ nhiều nguồn khác nhau, số được đào tạo cơ bản theo chuyên ngành rất ít; chưa có ai được đào tạo theo đúng chức trách, nhiệm vụ chính ủy, chính trị viên và trải qua thực tế hoạt động trong cơ chế chính ủy, chính trị viên trước đây; năng lực, phương pháp, tác phong công tác của một số cán bộ chính trị còn hạn chế so với yêu cầu của chính ủy, chính trị viên. Công tác đào tạo nguồn, bồi dưỡng đội ngũ kế cận, kế tiếp gặp nhiều khó khăn, do nhiều năm qua, ở các công ty, cấp đội sản xuất không có chính trị viên, một số đơn vị trong Binh đoàn không được biên chế phó chính trị, không có cán bộ chính trị chuyên trách, do đó nguồn cán bộ kế cận, kế tiếp thiếu hụt. Là đơn vị KT-QP, nhiệm vụ mang tính chất đặc thù, địa bàn đóng quân rộng, phân tán, chức danh, biên chế giữa các đơn vị không đồng nhất. Thành phần chủ yếu của Binh đoàn là các công ty, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, quyền hạn thực hiện biên chế tổ chức và điều kiện để tiến hành CTĐ, CTCT có nhiều hạn chế; trong việc thực hiện Nghị quyết 51/NQ-TW của BCT có những khó khăn nhất định. Hiện tại, Binh đoàn được tổ chức, biên chế theo nhiều loại hình: công ty, đoàn KT-QP, các trung đoàn làm nhiệm vụ KT-QP, các nhà máy, xí nghiệp, nhà trường, bệnh viện và các đơn vị đảm bảo. Việc bổ nhiệm chính ủy, chính trị viên không thực hiện thống nhất đối với mọi loại hình đơn vị, mà chỉ thực hiện ở cấp Binh đoàn, các trung đoàn và đoàn KT-QP. Theo Quyết định số 771 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ở các công ty trực tiếp làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đều thực hiện chuyển chức danh phó giám đốc về chính trị sang phó giám đốc doanh nghiệp; đối với Trường trung cấp nghề số 15 của Binh đoàn, thực hiện chuyển chức danh phó hiệu trưởng chính trị sang phó hiệu trưởng. Hầu hết các đồng chí này đều đảm nhiệm vai trò bí thư đảng ủy cơ sở, bí thư chi bộ. ở các đơn vị có sự thay đổi đó, nếu tổ chức không tốt, dễ dẫn đến sự so sánh, băn khoăn ở các cán bộ có liên quan.

Từ những thuận lợi và khó khăn nêu trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn xác định phải bám sát phương châm chỉ đạo "Tích cực, chủ động, đồng bộ và vững chắc, có quy trình và bước đi phù hợp"; triển khai đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, chú trọng kết hợp các giải pháp về tư tưởng, tổ chức và chính sách; trong đó hết sức coi trọng việc quán triệt, thống nhất về nhận thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chính trị. Về nhận thức và tư tưởng, Thường vụ Đảng ủy Binh đoàn đã đề ra yêu cầu: cấp ủy trong Binh đoàn tổ chức tốt việc phổ biến, quán triệt Nghị quyết 51/NQ-TW của BCT, Nghị quyết 513/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ), nghị quyết, chương trình hành động của Thường vụ Đảng ủy Binh đoàn trong toàn Đảng bộ và toàn đơn vị; cấp công ty tổ chức quán triệt đến người lao động. Quá trình phổ biến, quán triệt phải làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp nắm vững và nhận thức đúng vị trí, ý nghĩa, nội dung, những nguyên tắc cơ bản trong Nghị quyết, nhất trí cao với chủ trương của trên, thống nhất tư tưởng và hành động, chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của BCT, ĐUQSTƯ, quyết định của Bộ Quốc phòng và chủ trương lãnh đạo của Đảng ủy Binh đoàn. Thường xuyên chủ động nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, nhất là đối với những đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, đơn vị không đủ điều kiện theo quy định để xếp có chức danh chính ủy, chính trị viên...; kịp thời giải đáp những vướng mắc trong nhận thức và hành động, tạo sự thống nhất cao đối với chủ trương của cấp trên. Song song với việc nghiên cứu, quán triệt, thống nhất nhận thức, tư tưởng, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn hết sức coi trọng việc bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ thông qua hoạt động thực tiễn; có kế hoạch lựa chọn cán bộ ở các cơ quan, đơn vị có đủ điều kiện để sắp xếp, thay thế những trường hợp cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Làm tốt việc cấp trên bồi dưỡng cấp dưới; phát huy tính tích cực, nâng cao chất lượng tự học, tự rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình công tác của từng cán bộ.

Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng của Binh đoàn đã tham mưu đắc lực giúp các cấp xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện việc tạo nguồn, sắp xếp, đề nghị bổ nhiệm chính ủy, chính trị viên một cách chặt chẽ, đúng quy định. Chú trọng cả về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, nhưng luôn lấy chất lượng làm chính, đảm bảo lựa chọn được những đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu; khắc phục kịp thời các khuynh hướng: cục bộ, bao che, nể nang, né tránh, cầu toàn, hoặc đơn giản hóa; phối hợp rà soát tổ chức, biên chế, tính chất, nhiệm vụ và quy mô tổ chức, đề xuất với cấp trên các phương án bổ nhiệm chính ủy, chính trị viên theo đúng tinh thần Nghị quyết và thực tế đơn vị. Binh đoàn còn xác định một số yêu cầu cụ thể đối với đặc thù của đơn vị, nhất là về phẩm chất, đạo đức và năng lực công tác của người cán bộ chủ trì về chính trị. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy các cấp đã chú trọng khâu hướng dẫn, kiểm tra thực hiện của cơ sở để kịp thời uốn nắn, rút kinh nghiệm, giải quyết những vướng mắc nảy sinh.

Do có sự chuẩn bị chặt chẽ cả về nhận thức tư tưởng và tổ chức nên việc bổ nhiệm chính ủy, phó chính ủy và chuyển đổi chức danh phó giám đốc chính trị sang phó giám đốc công ty, phó hiệu trưởng chính trị sang phó hiệu trưởng nhà trường trong Binh đoàn đã được thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo quy trình, thời gian và chất lượng. Các đồng chí được bổ nhiệm đều đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực của người cán bộ chủ trì về chính trị ở từng loại hình đơn vị và từng nhiệm vụ của Binh đoàn.

Thực tiễn hoạt động của Binh đoàn trong thời gian qua cho thấy, mặc dù thời gian được bổ nhiệm chức vụ và hoạt động trong cơ chế mới chưa nhiều, nhưng đội ngũ chính ủy, phó giám đốc - bí thư đảng ủy cơ sở của Binh đoàn hiện nay đều đảm nhiệm được chức trách, nhiệm vụ; các mối quan hệ công tác được giải quyết tốt, quan hệ giữa chỉ huy và lãnh đạo không ngừng được củng cố, sự đoàn kết, thống nhất tiếp tục được phát huy, xứng đáng là người chủ trì về chính trị ở đơn vị.

Đội ngũ chính ủy trong Binh đoàn đã xác định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là người chủ trì về chính trị của đơn vị, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức tiến hành các nội dung CTĐ, CTCT theo chức trách và tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các công tác chung của đơn vị; luôn phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, cơ quan chính trị, chính ủy cấp trên và của cấp ủy cấp mình. Chính ủy và chỉ huy các cấp đã thực hiện tốt quan hệ phối hợp công tác, tạo được sự đoàn kết thống nhất cao; đồng thời, nâng cao được vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chỉ huy các cấp.

Các đồng chí phó giám đốc - bí thư đảng ủy cơ sở, phó hiệu trưởng - bí thư chi bộ, từ khi chuyển sang thực hiện cơ chế mới, dù chức danh thay đổi, quá trình thực hiện nhiệm vụ có những khó khăn riêng..., nhưng cơ bản vẫn xác định tốt tư tưởng, luôn phát huy tinh thần trách nhiệm của người bí thư cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các mặt hoạt động CTĐ, CTCT của đơn vị; giải quyết tốt mối quan hệ giữa cấp dưới với cấp trên, giữa chỉ huy và phục tùng trong công tác. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp cũng như chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT trong đơn vị vẫn được giữ vững và phát huy.

Quá trình thực hiện Nghị quyết 51/NQ-TW của BCT, Nghị quyết 513/NQ-ĐUQSTW của ĐUQSTƯ ở Binh đoàn tuy mới chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng vai trò của tổ chức đảng, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị đã được phát huy, hoạt động CTĐ, CTCT ngày càng chất lượng, hiệu quả. Qua bình xét năm 2006, tỷ lệ tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh là 92,85%; đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 86%. Năm 2007, có 96,29% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh, 77,29% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các tổ chức quần chúng đã bám sát chức năng, nhiệm vụ; hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo, có hiệu quả, tạo ra môi trường văn hóa, chính trị lành mạnh để mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Binh đoàn. Năm 2006, doanh thu trong sản xuất, kinh doanh của Binh đoàn đạt 124,41% kế hoạch; nộp ngân sách đạt 105,25% kế hoạch; lợi nhuận đạt 108,3%; tiền lương bình quân đạt 1,5 triệu đồng/ người/ tháng; sản xuất, kinh doanh đúng hướng, đúng pháp luật, bảo toàn và phát triển được vốn, đảm bảo việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của người lao động không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, năm 2007 đã đánh dấu sự phát triển về hiệu quả thực hiện nhiệm vụ KT-QP của Binh đoàn. Doanh thu đạt gần 800 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt gần 160 tỷ đồng. Mức thu nhập của người lao động được nâng lên, đạt bình quân trên 2 triệu đồng/ người/ tháng.

Bên cạnh mặt tích cực là chủ yếu, quá trình thực hiện Nghị quyết 51/NQ-TW của BCT ở Binh đoàn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Năng lực công tác của một số chính ủy, phó giám đốc - bí thư đảng ủy cơ sở có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tâm lý của "cấp phó", chưa mạnh dạn, chủ động trong công việc; giải quyết mối quan hệ với người chỉ huy và các cấp phó cùng cấp còn lúng túng. Một bộ phận chưa tích cực tự học tập, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu mới. Một số cán bộ chỉ huy, giám đốc công ty còn chịu ảnh hưởng của cơ chế cũ, chậm đổi mới phương pháp, tác phong công tác, chưa chủ động phối hợp công tác với chính ủy, phó giám đốc - bí thư đảng ủy hoặc phân công trách nhiệm chưa rõ ràng... nên hiệu quả hoạt động, nhất là hoạt động CTĐ, CTCT còn hạn chế.

Từ thực tế của Binh đoàn, nhằm phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, hiệu quả CTĐ, CTCT đối với nhiệm vụ KT-QP, chúng tôi thấy,  ở các công ty - doanh nghiệp KT-QP cần được biên chế có chính ủy; cấp đội sản xuất ở các doanh nghiệp cần có chính trị viên hoặc đội phó - bí thư chi bộ để đảm nhiệm CTĐ, CTCT. ở các đội sản xuất của Binh đoàn thường quản lý từ 150 đến 400 ha cao su, cà phê; số người lao động từ 150 đến 300 người; đứng chân ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội khác, nếu chỉ biên chế 1 đồng chí đội trưởng - bí thư chi bộ như hiện tại thì việc tiến hành CTĐ, CTCT là rất khó khăn. Đối với đơn vị KT-QP đặc thù như Binh đoàn 15, ở các công ty và một số đơn vị khác, nếu không bố trí được chức danh chính ủy, chính trị viên thì cấp có thẩm quyền cần ra quyết định bổ nhiệm bí thư cấp ủy các cơ quan, đơn vị thuộc đơn vị KT-QP là người chủ trì về chính trị.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọ

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh đoàn 15

 

Ý kiến bạn đọc (0)