QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 22:59 (GMT+7)
Thực hiện Di chúc của Bác Hồ về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bác Hồ đã căn dặn một điều tối quan trọng liên quan đến vận mệnh của Tổ quốc: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Lời căn dặn ấy có tầm chiến lược lâu dài, có tính cách mạng, khoa học và thực tiễn, lý luận vô cùng sâu sắc, nhất là khi đất nước đang đẩy mạnh CNH,HĐH, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thật vậy, chính Bác Hồ đã kiểm nghiệm chân lý ấy. Cả cuộc đời cách mạng vì dân, vì nước; thắng lợi đã có nhiều, nhưng Bác thấy nhiều yêu cầu, nhiều mục tiêu vẫn còn ở phía trước; nhân dân từng bước được hưởng hạnh phúc nhưng lý tưởng cao đẹp nhất, lý tưởng cuối cùng của cách mạng vẫn còn trên đường xa, phải nhiều thế hệ kế tiếp nhau phấn đấu không ngừng mới đạt được. Đó là chưa kể trên đường thắng lợi, bên cạnh những thắng lợi cũng có lúc vấp váp, nếu không sáng suốt và không vững vàng thì không thể bước tiếp.

Liên Xô tan vỡ, chế độ XHCN ở các nước Đông Âu sụp đổ đã đưa lại cho phong trào cộng sản và công nhân thế giới bài học đau đớn. Sau 70 năm xây dựng, Liên Xô đã trở thành đất nước hùng cường. Tuy nhiên, bước vào thập niên 80 của thế kỷ XX, Liên Xô đã gặp phải những khó khăn trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, dẫn đến phải cải tổ, cải cách, đổi mới để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Nhưng thế hệ các nhà lãnh đạo lúc đó đã không được chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, không kế thừa được các bậc tiền bối, nên đã làm hỏng con đường cách mạng, phản lại ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân Xô-viết. Với gần hai mươi triệu đảng viên cộng sản và hơn hai mươi triệu đoàn viên thanh niên cộng sản, nhưng tất cả đều bất lực trước sự tan rã của Liên bang Xô-viết. Đương nhiên, sự kiện đó có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là, thế hệ cách mạng đó đã không được chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng, tổ chức để sẵn sàng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ trước sự tấn công mạnh mẽ, thâm hiểm của kẻ thù. Thế mới biết chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” thật sự có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, vừa rất cơ bản lại vừa rất cấp bách, đầy tính thời sự nóng hổi.

Với tầm nhìn xa trông rộng, Bác đã thường xuyên quan tâm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cả một đội ngũ cán bộ trẻ trở thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có đủ đức, đủ tài để trực tiếp kế thừa và phát triển sự nghiệp của Bác. Ngay từ bước đầu chuẩn bị thành lập Đảng, Bác đã chăm lo trước hết đến việc chuẩn bị cán bộ: cử những thanh niên ưu tú đi học tập lý luận cách mạng ở Liên Xô, Trung Quốc. Các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn, Hoàng Văn Thụ... đã được chuẩn bị như thế. Đồng chí Lê Hồng Phong đã không chỉ được học lý luận chính trị, mà còn theo học Trường Không quân Liên Xô. Các đồng chí Phùng Chí Kiên, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng... được học Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Tác phẩm “Đường Cách mệnh” cùng nhiều sách báo do Bác Hồ viết đã là những tài liệu quan trọng để huấn luyện cán bộ. Không những thế, Bác còn trực tiếp mở lớp học ở Quảng Châu (Trung Quốc) để đưa cán bộ trong nước sang học. Về sau, khi Bác về nước, đặc biệt từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một lớp cán bộ được trực tiếp hấp thụ tư tưởng và đạo đức cách mạng của Bác. Nhiều cán bộ lãnh đạo đã trưởng thành theo con đường này, như các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh cùng nhiều người khác ngoài Đảng đã từng giữ những trọng trách đối với Tổ quốc.

Khi Bác đi xa, cả dân tộc ta vô cùng đau xót, cả nhân loại tiến bộ vô cùng thương tiếc, và tất cả đều lo lắng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, vì chúng ta đang phải đương đầu với một tên đế quốc mạnh nhất, xảo quyệt nhất thế giới. Tuy nhiên, qua thử thách ác liệt, thực tiễn đã chứng minh rằng, thế hệ cán bộ lãnh đạo được Bác trực tiếp rèn luyện, chọn lựa, bồi dưỡng đã tỏ rõ đức độ, tài trí; kế thừa và phát triển sáng tạo lý tưởng cách mạng vĩ đại của Người, vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng gió đi đến thắng lợi cuối cùng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Trước bối cảnh hệ thống XHCN ở Đông Âu sụp đổ, CNXH thế giới tạm thời lâm vào thoái trào; đất nước ta bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, đời sống của nhân dân gặp vô vàn khó khăn, thế hệ cán bộ lãnh đạo được Đảng và Bác Hồ đào tạo, bồi dưỡng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiếp tục con đường XHCN bằng đường lối đổi mới; kiên định mục tiêu “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH”; kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; kiên định xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh. Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”, cùng những thành tựu đã đạt được, từ kinh tế đến chính trị, từ đối nội đến đối ngoại, đã chứng minh hùng hồn điều đó.

 Quán triệt Di chúc của Bác, chúng ta hiểu rằng: nguồn lực con người và sự chuẩn bị cho nguồn lực đó là quan trọng nhất, quyết định nhất đối với sự nghiệp xây  dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ngay cả Cương lĩnh, đường lối đúng đắn mà ta thường nói là yếu tố cơ bản bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, thì cũng do con người (trong đó chủ yếu là do cán bộ) làm nên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, không phải một đội ngũ cán bộ có ý thức bất kỳ và có trình độ bất kỳ nào cũng xây dựng được một cương lĩnh, một đường lối đúng đắn; mà phải là những người có hiểu biết sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhuần nhuyễn thực tiễn cách mạng Việt Nam, gắn bó mật thiết với nhân dân. Đó là chưa kể tới việc một khi có cương lĩnh, đường lối đúng đắn thì đội ngũ cán  bộ còn phải có ý  thức và năng lực để tổ chức thực hiện. Được như vậy thì mới xứng là thế hệ cách mạng - thế hệ cách mạng đời sau biết kế thừa, kế tục được thế hệ cách mạng lớp trước - như Bác Hồ mong muốn.

Để thực hiện Di chúc của Bác về việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, chúng ta cần nhận thức sâu sắc những tiêu chuẩn của một thế hệ cách mạng mà Bác hằng chăm lo:

Một là, có tinh thần yêu nước nồng nàn; yêu  nhân dân thắm thiết, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ  quốc; có ý chí, nghị lực và luôn nâng cao trình độ, năng lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hai là, luôn trung thành với sự nghiệp của Đảng, có ý thức và biết cách đưa đất nước tiến lên theo con đường XHCN, phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Cần nhớ một chân lý vĩnh cửu: giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó hơn. Một thế hệ cách mạng không phải chỉ biết hưởng thụ thành quả, mà quan trọng hơn là phải biết bảo vệ và phát triển thành quả của cách mạng. Từ khi Liên Xô tan rã, CNXH thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, các thế lực thù địch tiến công dữ dội và nham hiểm, thì việc bảo vệ con đường XHCN mà Đảng ta, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn trở nên nóng bỏng. Bảo vệ Tổ quốc lúc này đòi hỏi phải giữ vững độc lập, tự chủ, bảo vệ Đảng, bảo vệ con đường XHCN; thực hiện những nhiệm vụ đó gắn bó với nhau.

Ba là, có đạo đức cách mạng. Dĩ nhiên, người có đạo đức cách mạng thì trước hết phải biết hy sinh vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc; đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết; kết hợp hài hòa lợi ích riêng với lợi ích chung. Nhưng không chỉ có thế, người cách mạng còn phải có những hành vi đạo đức tốt đẹp cụ thể trong đời sống hằng ngày, trong quan hệ với xã hội. Đạo đức cách mạng là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Người “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” thì dễ gần gũi, hòa mình với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, tin yêu, cho nên dễ dàng vận động, thu hút nhân dân cùng hành động cách mạng. Số đông ấy sẽ hợp thành một thế hệ cách mạng, kế tiếp để bảo vệ con đường và sự nghiệp cách mạng của cha anh. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh nước ta hiện nay, việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, đang trở thành vấn đề cấp thiết và là một nội dung quan trọng của việc bảo vệ sự sống còn của Đảng, của chế độ.

Bốn là, trên cái nền đạo đức cách mạng và gắn liền với đạo đức cách mạng, người cán bộ phải thể hiện được năng lực cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Bác Hồ quan niệm: đức, tài đều quan trọng, đức là gốc; nhưng người có đức mà không có tài thì cũng như ông bụt, không có hại gì nhưng cũng không có lợi gì. Vì thế, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau còn phải chăm lo bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho họ; các thế hệ sau phải có trình độ chuyên môn tốt để họ nối nghiệp cha anh. Trình độ chuyên môn ấy gắn liền với chức năng, chức trách, nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực, từng người và từng thời kỳ khác nhau của cách mạng nước ta. Người lãnh đạo, người quản lý trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đòi hỏi những trình độ khác trước, nhất là khi cách mạng khoa học và công nghệ đang có những bước tiến như vũ bão.

Trong mấy chục năm qua, việc thay đổi các thế hệ cán bộ lãnh đạo của Đảng diễn ra không ngừng đã giúp chúng ta nhận thức sâu sắc về lời Di chúc của Bác: “Bồi dưỡng  thế hệ  cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Trong thực tiễn các thế hệ cách mạng nối tiếp nhau mang tính chất xen kẽ, gối đầu. Trong đội ngũ cán bộ cách mạng thường bao gồm ba độ tuổi: lớp tuổi tương đối cao, già dặn kinh nghiệm; lớp tuổi giữa, sung sức, kế cận; lớp tuổi trẻ, chuẩn bị tích cực cho tương lai. Tuy nhiên, việc chuẩn bị thế hệ cách mạng cho đời sau không chỉ giới hạn trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở Trung ương, mà bao gồm hết thảy cán bộ của tất cả các ngành, các cấp. Và nói tổng quát thì việc chuẩn bị cái nền nguồn lực con người cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ  quốc Việt Nam XHCN là việc quốc gia đại sự. Đó chính là việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ - thế hệ thanh, thiếu niên - bao giờ họ cũng là lực lượng trụ cột cho tương lai, cho niềm hy vọng của nước nhà. Trên cái nền nguồn lực chung ấy mà có được sự chuẩn bị cho đội ngũ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và lực lượng vũ trang. Noi gương Bác Hồ, phải nhìn xa, trông rộng cho vận mệnh nước nhà dài lâu hơn nữa.

Việc chăm lo thế hệ cách mạng cho đời sau không phải là việc của riêng ai, mà là công việc chung của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể nhân dân, của các ngành, các cấp, của toàn dân, toàn xã hội. Ai cũng phải vừa tự mình sống và cống hiến xứng đáng cho dân tộc, cho Tổ quốc, lại vừa chăm lo chuẩn bị chu đáo người kế tục mình một cách vững vàng. Thế hệ hôm nay, trước hết là các đồng chí lãnh đạo của Đảng có trách nhiệm, có chiến lược, có quy hoạch bồi dưỡng, chuẩn bị thế hệ cán bộ cách mạng cho đời sau. Đó vừa là trách nhiệm đối với lịch sử, vừa là trách nhiệm đối với tương lai, vận mệnh tiền đồ của nước nhà. Thế hệ trẻ cũng vậy, phải tự mình phấn đấu vươn lên về mọi mặt, chuẩn bị xứng đáng là thế hệ cách mạng cho đời sau; đó vừa là tri ân với lớp người đi trước, vừa là trách nhiệm với tương lai của dân tộc.

VŨ HỮU NGOẠN

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu

chủ nghĩa Mác -  Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh

TS. VŨ HỒNG SƠN

Học viện CT - HCQG Hồ Chí Minh

 

Ý kiến bạn đọc (0)