QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 23:39 (GMT+7)
Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trong công cuộc đổi mới

Nền dân chủ ở nước ta là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN). Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Dân chủ là một phạm trù lịch sử, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, được định hình rõ trong chế độ nhà nước chủ nô, phong kiến và có bước phát triển lớn trong chế độ tư bản chủ nghĩa, với nền dân chủ tư sản. Cuộc cách mạng của giai cấp vô sản nhằm xoá bỏ triệt để chế độ áp bức, bất công, xây dựng một chế độ xã hội hoàn toàn mới - chế độ XHCN với một nhà nước của dân, do dân, vì dân và nền dân chủ XHCN gắn với nhà nước đó đã đem đến một nền dân chủ thật sự, quyền sống chân chính của mỗi con người và mỗi công dân.

Ở Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã xoá bỏ chế độ quân chủ phong kiến chuyên chế và chế độ thuộc địa của thực dân, phát xít, xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đó là sự biến đổi căn bản, sâu sắc và triệt để về xã hội và chính trị. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ thật sự của đất nước, của xã hội; được sống trong độc lập, tự do, dân chủ. Chỉ trong vòng một năm sau khi giành được chính quyền, chúng ta đã tổ chức bầu cử Quốc hội, có bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên (11-1946). Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là Nhà nước dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ; các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng là công bộc của dân, để gánh việc chung cho dân chứ không phải để thống trị dân. Bản chất của nền dân chủ đó được nhận thức, thực hiện từ chính bộ máy, nhân viên nhà nước, từ phía người dân và ngày càng phát triển, hoàn thiện. Theo đó, dân chủ đã trở thành thiết chế chính trị của xã hội dựa trên sự thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng, tự do; các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của công dân về chính trị, kinh tế, xã hội được Nhà nước bảo đảm, thực hiện ngày càng tốt hơn.

Cần khẳng định rằng, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta trước đây, cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp đã có tác động tích cực đối với xã hội, nhất là trong điều kiện chiến tranh. Song cơ chế đó cũng đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, dẫn tới bệnh chủ quan, duy ý chí, quan liêu, cửa quyền... làm hạn chế dân chủ. Khi đề ra đường lối đổi mới, Đại hội VI của Đảng (12-1986) đã nhấn mạnh bài học lấy dân làm gốc, chủ trương phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Trong bối cảnh mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng ta chủ trương: tiếp tục mở rộng dân chủ XHCN; đề ra phương thức thực hiện dân chủ phù hợp và có hiệu quả. Hội nghị Trung ương 6 (khóa VI, tháng 3-1989) chỉ rõ vấn đề có tính nguyên tắc là: "Xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng CNXH. Dân chủ phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật, pháp luật, với ý thức trách nhiệm công dân. Dân chủ phải có lãnh đạo, lãnh đạo để phát huy dân chủ đúng hướng; mặt khác phải lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ trên cơ sở phát huy dân chủ. Dân chủ với nhân dân nhưng phải nghiêm trị những kẻ phá hoại thành quả cách mạng, an ninh trật tự và an toàn xã hội"1. Thực hiện tốt nguyên tắc đó đã bảo đảm cho công cuộc đổi mới ở nước ta phát triển đúng định hướng XHCN, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh 1991) đã nêu rõ: "Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Dân chủ gắn liền với công bằng xã hội phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội thông qua hoạt động của Nhà nước do nhân dân cử ra và bằng các hình thức dân chủ trực tiếp. Dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, phải được thể chế hoá bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm"2. Quan niệm, nhận thức lý luận và thực tiễn về dân chủ ngày càng được làm sáng tỏ trong quá trình đổi mới. Hai mươi năm thực hiện Cương lĩnh 1991 cũng là chặng đường không ngừng xây dựng, thực hiện và hoàn thiện nền dân chủ XHCN. Quá trình thực hiện dân chủ trong xã hội được gắn liền với thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng; với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Quá trình đó đã động viên và tổ chức nhân dân xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng củng cố sức mạnh, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở tất cả các cấp. Điều đó cho thấy, nền dân chủ XHCN ở Việt Nam đã thực sự phát huy vai trò quan trọng trên những vấn đề cơ bản của đất nước.

Về chính trị, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước đều khẳng định nguyên tắc: tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Điều 2, Hiến pháp 1992, nêu rõ: Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Điều 3, Hiến pháp 1992, nhấn mạnh: Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Một nội dung căn bản thể hiện dân chủ về chính trị dưới chế độ XHCN ở nước ta là: Luật Bầu cử bảo đảm cho nhân dân có điều kiện để lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào các cơ quan Nhà nước. Đảng và Nhà nước ta cũng hết sức quan tâm động viên và tổ chức toàn dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị; kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức chính quyền và cán bộ, đảng viên, công chức; nhân dân đóng góp ý kiến, sáng kiến, trí tuệ để xây dựng, phát triển cương lĩnh, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Về kinh tế, dân chủ trong lĩnh vực này đã được mở ra bắt đầu từ Hiến pháp 1946 và tiếp tục được phát triển trong đường lối đổi mới Dân giàu là mục tiêu của Nhà nước, của xã hội; mọi người dân có quyền sở hữu tư liệu sản xuất để sản xuất, kinh doanh, làm giàu hợp pháp; được tự do lựa chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; được thành lập doanh nghiệp không hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh. Hiện  nay, ở Việt Nam tồn tại và phát triển 5 thành phần kinh tế, 3 hình thức sở hữu; mọi người dân, với khả  năng, trí tuệ đã và đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, làm giàu và nâng cao đời sống của gia đình và cá nhân; nhà nước không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm cho sự phát triển đó; đồng thời, tích cực chăm lo hoàn thiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. của Đảng (1986). Đến Hiến pháp 1992, vấn đề dân chủ về kinh tế được thể hiện trong đường lối phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên nhiều hình thức sở hữu, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng;

Về văn hoá, giáo dục, khoa học, mọi người Việt Nam được quyền hưởng thụ và phát triển các giá trị văn hoá, giáo dục, khoa học. Đảng đã đề ra và thực hiện đường lối xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hoá Việt Nam theo hướng: dân tộc, hiện đại, nhân văn; kế thừa và phát huy các giá trị văn hiến của các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, tinh hoa văn hoá nhân loại; phát huy tài năng, sáng tạo văn hoá trong nhân dân; nghiêm cấm truyền bá tư tưởng, văn hoá phản động, đồi trụy, bài trừ mê tín, hủ tục; thực hiện tốt chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo và chiến lược khoa học - công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ trên tất cả các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, khoa học, văn học, nghệ thuật; đồng thời, động viên và tổ chức toàn dân xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, văn minh từ gia đình đến cộng đồng, xã hội.

Về xã hội, Đảng và Nhà nước chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm cho các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp nhau cùng tiến bộ; coi trọng phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đảng và Nhà nước chú trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với những thời cơ, thuận lợi to lớn, song cũng có không ít khó khăn, thách thức. Để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo chúng tôi, Đảng và Nhà nước ta cần thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau.

Trước hết, cần tiếp tục khẳng định rõ: dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước; xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân là vấn đề cơ bản nhất của dân chủ XHCN. Dân chủ XHCN phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, thông qua hoạt động của nhà nước do nhân dân bầu ra và các hình thức dân chủ trực tiếp. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hoá bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Nhà nước quy định và bảo vệ các quyền công dân, quyền con người, đi đôi với đề cao nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người; đồng thời, chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của mỗi người.

Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc đảm bảo cho nền dân chủ XHCN ở nước ta không ngừng phát triển và hoàn thiện. Để thực hiện tốt vấn đề đó, cần xây dựng nhà nước có đủ năng lực định ra pháp luật và tổ chức quản lý xã hội bằng pháp luật; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Hệ thống nhà nước phải không ngừng được hoàn thiện; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; có cơ chế kiểm tra, giám sát trong thực hiện các quyền đó.

Thứ ba, phát huy vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong việc đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, chăm lo lợi ích của đoàn viên, hội viên...

 Thứ tư, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là Đảng cầm quyền, đủ sức lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là vấn đề nguyên tắc, quyết định đến bản chất, phương thức, tổ chức hoạt động và hiệu quả của nền dân chủ XHCN ở nước ta.

PGS,TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

________

1- ĐCSVN -  Văn kiện Đảng toàn tập, tập 49, Nxb CTQG, H. 2007,  tr. 591-592.

2- Sđd, tập 51, Nxb CTQG, H. 2007, tr.145.

 

Ý kiến bạn đọc (0)