Thứ Năm, 24/04/2025, 18:30 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Binh đoàn Cửu Long thành lập ngày 20-7-1974, trên cơ sở hợp nhất các đơn vị tiền thân của chủ lực Miền là Công trường 9, Công trường 7 và một số đơn vị khác. Trải qua 35 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn đã lập nên nhiều chiến công vang dội; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh, xây đắp nên truyền thống: “Trung thành, đoàn kết, anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng”. Sau 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, Binh đoàn bước vào thời kỳ sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đây cũng là thời kỳ mà Binh đoàn có điều kiện để thực hiện tốt công tác chính sách nói chung, chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nói riêng của mình.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính sách, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, Binh đoàn chủ trương tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ ổn định hậu phương, gia đình; quan tâm giải quyết tốt các chế độ chính sách với người có công và các tồn đọng khác về chính sách. Đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chính sách của Binh đoàn. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã nghiên cứu, quán triệt và vận dụng có hiệu quả các chủ trương, quan điểm, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác chính sách; làm tốt công tác tư tưởng, bảo đảm kịp thời, chính xác mọi quyền lợi, tạo được lòng tin của cán bộ, chiến sĩ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về thực hiện công tác chính sách cán bộ, Binh đoàn đặt trọng tâm vào việc “hợp lý hóa” gia đình cán bộ, để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ ổn định hậu phương, gia đình. Là đơn vị chủ lực, cơ động của Bộ, thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn phía Nam của Tổ quốc, nhưng phần lớn đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên quốc phòng của Binh đoàn quê ở phía Bắc, vợ con đa số xuất thân từ nông thôn, làm ruộng là chủ yếu. Vì vậy, Binh đoàn chủ động thực hiện kế hoạch “hợp lý hóa” gia đình cho đội ngũ cán bộ một cách phù hợp, nhằm từng bước ổn định nơi ăn ở, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và xuất phát từ thực tế, Binh đoàn đã phối hợp với các địa phương thành lập các khu dân cư, (có hạ tầng cơ sở hiện đại, đáp ứng theo đúng chuẩn của từng địa phương) ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh để bố trí nhà ở cho cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp... theo kế hoạch “hợp lý hóa”, từng bước ổn định hậu phương, gia đình cán bộ quân đội. Nhờ đó, đến nay: 82,71% cán bộ tại chức của Binh đoàn đã có nhà ở ổn định. Những năm gần đây, do không còn quỹ đất để cấp cho cán bộ, Binh đoàn chủ trương xây dựng chung cư để số cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng chưa được cấp đất, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở được xét thuê giá rẻ, góp phần ổn định cuộc sống gia đình. Cùng với đó, Binh đoàn còn tạo điều kiện ưu tiên tuyển chọn con em cán bộ vào các cơ quan, đơn vị có nhu cầu làm việc (114 công nhân viên và 107 nhân viên hợp đồng); vận động cán bộ ủng hộ một ngày lương, tạo nguồn vốn cho các sĩ quan cấp phân đội vay để chăn nuôi và góp vốn xây dựng nhà ở, tạo điều kiện từng bước ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ luôn yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Binh đoàn.
Về công tác liệt sĩ. Do đặc điểm chiến tranh kéo dài, các đơn vị chiến đấu độc lập sâu trong lòng địch, nên phần lớn cán bộ, chiến sĩ hy sinh được đơn vị hoặc nhân dân địa phương chôn cất, nhưng đến nay không xác định được tên, tuổi, quê quán của liệt sĩ. Hơn nữa, do đặc điểm của đơn vị chủ lực, chiến đấu cơ động liên tục, các đơn vị sát nhập, giải thể nhiều lần, nên việc bảo quản hồ sơ, danh sách liệt sĩ bị thất lạc nhiều, gây không ít khó khăn cho công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Trước thực trạng đó, Binh đoàn chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp và cơ quan chức năng chú trọng công tác quản lý hồ sơ mộ liệt sĩ; lập danh sách quân nhân hy sinh, từ trần, mất tin, mất tích đưa vào lưu trữ, thống nhất quản lý bằng công nghệ thông tin được gần 40.000 hồ sơ; chỉ đạo cơ quan chính sách các cấp tiếp tục tổ chức sưu tầm hồ sơ, sơ đồ mộ liệt sĩ trên các địa bàn. Việc làm đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hồ sơ, tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và cho thân nhân các gia đình đến tìm mộ liệt sĩ, cũng như thực hiện các chế độ, chính sách khác. Cùng với đó, Binh đoàn còn dựa vào những cán bộ, cựu chiến binh đã từng chiến đấu, công tác trên các chiến truờng miền Đông Nam Bộ để tổ chức khảo sát và cất bốc được hàng trăm mộ liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, Binh đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi Binh đoàn chiến đấu để khảo sát, tìm kiếm, quy tập, bốc cất hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang. Điển hình là việc phối hợp cùng với Uỷ ban nhân dân, Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước tổ chức quy tập được một mộ tập thể, với 117 bộ hài cốt liệt sĩ thuộc Đơn vị M.41, Công trường 7 hy sinh ngày 29-11-1967. Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã cùng địa phương tổ chức khắc một bia đá tập thể, tổ chức lễ an táng và lễ truy điệu trọng thể, trang nghiêm. Cơ quan chính sách Binh đoàn và các đơn vị đã tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình thân nhân liệt sĩ cất bốc riêng lẻ hàng trăm hài cốt liệt sĩ, trả lời hàng ngàn đơn thư tìm mộ liệt sĩ và các chế độ chính sách khác. Nhiều cán bộ, cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường miền Đông Nam Bộ đã tích cực giúp đỡ các thân nhân liệt sĩ đi đến những nơi các đồng đội hy sinh để tìm hài cốt đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ.
Tuy nhiên, số lượng mộ liệt sĩ xác định được danh tính so với thực tế quân nhân hy sinh của các đơn vị trong Binh đoàn, nhất là hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đạt tỷ lệ rất thấp. Trong khi đó, hồ sơ lưu trữ bị thất lạc nhiều, nhân chứng ngày càng ít đi do tuổi tác, sức khỏe. Vì vậy, Binh đoàn đang tích cực vận động các Hội Cựu chiến binh, các nhân chứng lịch sử tham gia khảo sát, hoặc vẽ sơ đồ các địa danh, trận chiến đấu trước đây để các đơn vị có nhiệm vụ quy tập mộ liệt sĩ tìm kiếm, đưa về an táng tại các nghĩa trang. Đây cũng là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội nói chung và ngành Chính sách toàn quân cũng như Binh đoàn nói riêng, nhằm giải quyết có hiệu quả tồn đọng chính sách sau chiến tranh.
Đối với công tác thương binh, Binh đoàn chú trọng chỉ đạo quản lý tốt hồ sơ thương binh, bởi đó là một nội dung cực kỳ quan trọng, không những bảo đảm quyền lợi của các đối tượng đang công tác, mà còn giải quyết quyền lợi cho các đối tượng đã chuyển ra ngoài quân đội. Tính đến nay, hơn 7.000 thương binh của Binh đoàn được cấp giấy chứng nhận thương binh đúng thủ tục quy định của Bộ Quốc phòng và ngành Lao động-Thương binh-Xã hội. Do quản lý tốt hồ sơ gốc, nên trong số thương binh đã chuyển ra ngoài quân đội, có một số đồng chí bị mất giấy chứng nhận thương binh, hoặc chưa chuyển thủ tục hồ sơ thương binh về địa phương, đã được Ban Chính sách Binh đoàn giải quyết chu đáo. Hiện tại, 100% thương binh đang công tác ở Binh đoàn đã có hồ sơ lưu trữ chính xác, đầy đủ.
Việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Binh đoàn thường xuyên chăm lo. Các đơn vị đã tổ chức nghiêm túc việc quán triệt các chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong giai đoạn mới. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn luôn tự hào và biết ơn sự hy sinh cống hiến lớn lao của các thế hệ cha anh đi trước cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ăn quả nhớ người trồng cây”, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Cửu Long đã phát huy tinh thần trách nhiệm, hăng hái đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần để chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách. Nhân các ngày lễ, Tết hằng năm, các đơn vị trong Binh đoàn đã trích hàng trăm triệu đồng từ quỹ đóng góp của cán bộ, chiến sĩ để thăm hỏi tặng quà, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ, trẻ em nghèo nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, người có công trên địa bàn.
Binh đoàn đã nghiêm túc thực hiện Hướng dẫn số 728/HD-CT, ngày 25-7-2006 của Tổng cục Chính trị về chương trình toàn quân xây dựng 1.000 Nhà tình nghĩa, trong hai năm 2006-2007 và Chỉ thị số 244/CT/ ĐUQSTƯ, ngày 23-6-2008 của Đảng ủy Quân sự Trung ương “Về tăng cường công tác chính sách và chương trình toàn quân xây dựng 1.500 Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội”. Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã chỉ đạo chặt chẽ việc khảo sát và xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội, bảo đảm chính xác, đúng đối tượng, thể hiện sự biết ơn và nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn đối với các đối tượng chính sách; có tác dụng giáo dục tốt đối với các tầng lớp nhân dân địa phương. Toàn Binh đoàn đã đóng góp 2.213 ngày công, xây dựng được 74 Nhà tình nghĩa, 159 Nhà đồng đội ở nhiều địa phương, trị giá trên 4 tỷ đồng, vượt 300% so với chỉ tiêu cấp trên giao.
Trong thời gian tới, Binh đoàn sẽ tập trung chỉ đạo cơ quan chính sách phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong Binh đoàn và giữa Binh đoàn với ngành Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh và Hội Cựu chiến binh các địa phương, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác chính sách nói chung và chính sách hậu phương quân đội nói riêng. Binh đoàn mong muốn các cơ quan chức năng chỉ đạo thống nhất các mặt công tác chính sách từ cơ quan Bộ đến các đơn vị cơ sở trong toàn quân. Ngoài chiến lược lâu dài về công tác chính sách đối với cán bộ đang tại ngũ, cần có chế độ ưu đãi cho cán bộ công tác ở các vùng khó khăn, rừng núi, hải đảo, các lực lượng có tính chất đặc thù,... bảo đảm phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, để mọi người càng tin tưởng vào chế độ chính sách, yên tâm công tác. Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội nên có trang WEB về “Tìm mộ liệt sĩ” để giúp cho các đối tượng tìm hài cốt liệt sĩ, tin tức người thân, có thể truy cập một cách dễ dàng, đỡ phải đi lại tốn kém tiền bạc, thời gian.
Đại tá PHAN TIẾN HẠC
Phó Chính ủy Binh đoàn
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011