QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 00:24 (GMT+7)
Thực hiện có hiệu quả tự phê bình và phê bình, góp phần củng cố đoàn kết thống nhất trong Đảng
Thực tế cho thấy, trải qua 20 năm lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn coi công tác xây dựng Đảng là một nhiệm vụ then chốt; giáo dục, rèn luyện đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên. Vì vậy, tự phê bình và phê bình luôn là vũ khí sắc bén, giúp Đảng ta  nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng, tìm ra những nguyên nhân của tồn tại, yếu kém và có những giải pháp thích hợp để khắc phục; từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo nhân dân từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu “ Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh , theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; Đảng ta ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của đất nước, của thời đại.

Tuy nhiên, hiện nay công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều yếu kém, khuyết điểm, chưa theo kịp với sự phát triển và những tác động nhiều chiều của tình hình mới; đặc biệt là tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống còn diễn ra nghiêm trọng; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước bị giảm sút. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân từ hiêu quả của việc đấu tranh tự phê bình và phê bình của không ít cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng. Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 6 ( lần 2 ) khóa VIII đã nêu: Sinh hoạt tự phê bình và phê bình nhiều nơi không thành nền nếp, nơi thực hiện thì rất nặng về hình thức, kém hiệu quả. Tự phê bình rất yếu, thiếu tinh thần tự giác. Tình trạng phổ biến là xuê xoa thỏa hiệp, đặc biệt thường né tránh các vấn đề về nhận thức quan điểm, đường lối và thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu. Ngược lại, không ít nơi đấu đá... hoặc trù dập người phê bình thẳng thắn... một số nơi... thủ thế lẫn nhau, đến khi có vấn đề đụng đến cá nhân... mới  bung ra". Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng chỉ rõ: cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình trong các cơ quan, tổ chức Đảng, đảng viên chưa đạt yêu cầu đặt ra, điều đó dẫn đến tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn diễn ra nghiêm trọng. Trong thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ án, điển hình như: vụ Năm Cam, vụ Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vụ Bùi Tiến Dũng và đồng bọn ở PMU-18, vụ Mai Văn Dâu ở Bộ Thương mại, vụ Vietsovpetrô, vụ Nguyễn Đức Chi ở Khánh Hòa, Nguyễn Lâm Thái và giám đốc nhiều tỉnh, thành móc ngoặc với nhau nâng giá thiết bị viễn thông, bòn rút công quỹ Nhà nước… Điều đáng quan tâm là các vụ án này đều có sự móc ngoặc, tiếp tay hoặc chủ mưu của những cán bộ, đảng viên (cả cán bộ, đảng viên giữ cương vị chủ chốt) thoái hóa, biến chất với các tên tội phạm, buôn lậu ở ngoài xã hội; chỉ khi bị báo chí hay nhân dân phát giác, tố cáo thì mới lộ ra, còn vai trò các tổ chức Đảng ở đây hầu như bị tê liệt. Thực tế trên cho thấy mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động xấu đến nhiều mặt, cả về nhận thức, tư tưởng, đạo đức, tác phong…của không ít cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên, làm cho chủ nghĩa cá nhân có đất phát triển; lợi ích tập thể, xã hội bị hạ thấp, lợi ích ích kỷ, hẹp hòi của cá nhân, cục bộ được đề cao; tinh thần đoàn kết, thống nhất của cán bộ, đảng viên bị xói mòn; tổ chức Đảng, đảng viên “vô cảm” với khuyết điểm của chính mình và đồng chí, đồng đội; thậm chí tự phê bình và phê bình bị biến thành “tấm bình phong” cho bọn thoái hóa, biến chất thực hiện mưu đồ tranh quyền, đoạt lợi; kéo bè, kéo cánh lũng đoạn tổ chức, che đậy hành vi tham ô, tham nhũng… Từ đó, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội về chính trị lợi dụng để chia rẽ nội bộ Đảng, làm rạn nứt sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm mất uy tín của Đảng với nhân dân; làm cho sức chiến đấu của Đảng dần bị tê liệt…dẫn đến uy tín của tổ chức Đảng và đảng viên ở nhiều tổ chức, địa phương bị suy giảm. Vì vậy, cần nhận thức rõ tự phê bình và phê bình là quy luật của quá trình xây dựng và phát triển của Đảng có ý nghĩa then chốt để  góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng cường sức chiến đấu cho các tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện yêu cầu trên, đòi hỏi cần phải có những giải pháp sau:

           
1- Hồ Chí Minh- Toàn tập,  Nxb CTQG, H. 1996,  T.12, tr.  510
2- Hồ Chí Minh- Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, T.5, tr. 260
3- Sđd, tr. 261
Trước hết, cần đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về mục đích, nội dung, phương pháp, yêu cầu, vị trí, vai trò của tự phê bình và phê bình cho đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp ( đặc biệt là cấp ủy, cán bộ, đảng viên chủ trì các cấp). Đồng thời, tăng cường giáo dục lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, ý chí đấu tranh trong Đảng. Thực tế, không ít cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa có nhận thức đầy đủ về tự phê bình và phê bình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình  đồng chí thương yêu lẫn nhau”1. Hiện nay, Đảng ta là đảng cầm quyền, đảng viên thường là những người có chức, có quyền, có trọng trách trước tiên xây dựng, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm tấm gương sáng, hạt nhân lãnh đạo vận động quần chúng nhân dân xây dựng,  phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng: người đời không phải là thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm; tổ chức Đảng cũng vậy, Đảng không phải “từ trên trời rơi xuống”, “Đảng là người, nên có sai lầm”, tức là cũng có lúc khỏe mạnh, lúc ốm đau, bệnh tật, đó là lẽ thường tình; do đó, cần phải có “thần dược”, để chữa trị các chứng bệnh trong các tổ chức Đảng và mỗi cá nhân đảng viên, “thang thuốc hay nhất” là tự phê bình và phê bình. Người nói: “Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng "lê lết quả dưa”2; Người nhấn mạnh “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính"3. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên “mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Tự phê bình và phê bình không chỉ là nguyên tắc, mà còn là đạo đức, tác phong, là biện pháp hàng đầu, là "thứ vũ khí sắc bén nhất", là "cách tốt nhất" để giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên, củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Mục đích của tự phê bình và phê bình là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ; là để sửa cách làm việc tốt hơn, đúng hơn; làm cho kỷ luật và dân chủ trong Đảng ngày càng tốt hơn; là để đoàn kết, thống nhất nội bộ. Tự phê bình và phê bình không phải là “dịp” để tâng bốc, xu nịnh lấy lòng cấp trên, xoa dịu cấp dưới; hay để xoi mói, nói xấu, bôi đen, hạ nhục, trả thù lẫn nhau… Tự phê bình và phê bình phải nhằm vào việc, chứ không phải nhằm vào người; phải trên cơ sở “có tình thương yêu đồng chí”. Chỉ khi nào nhận thức đúng vấn đề này thì tổ chức Đảng các cấp, cán bộ, đảng viên mới có thể phát huy tinh thần trách nhiệm, tự giác đẩy mạnh tự phê bình và phê bình để giúp nhau cùng tiến bộ, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trong đó chú trọng giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bồi dưỡng đạo đức cách mạng, phương pháp, tác phong công tác, qua đó nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cho mỗi cán bộ, đảng viên làm cơ sở, nền tảng thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần nhận thức rõ tự phê bình và phê bình là một quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là yêu cầu cơ bản của công tác xây dựng Đảng và giáo dục, rèn luyện đảng viên.
Hai là, tăng cường xây dựng môi trường dân chủ, công khai gắn với nâng cao tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật trong Đảng. Đây là vấn đề có ý nghĩa trực tiếp quyết định đến chất lượng, hiệu quả của tự phê bình và phê bình; bởi lẽ, dân chủ là điều kiện thực hiện tự phê bình và phê bình; nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình là biểu hiện rõ nét tinh thần của dân chủ. Dân chủ là bản chất của một đảng mác-xít chân chính; trong Đảng thiếu vắng dân chủ, sẽ xuất hiện hiện tượng không bình đẳng trong tự phê bình và phê bình và cũng  làm biến dạng các mối quan hệ chủ thể trong quá trình tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình. Công khai là một biểu hiện của dân chủ, không công khai thì không thể biết đúng - sai để tự phê bình và phê bình. Vì vậy, dân chủ luôn gắn liền với công khai; thực hiện công khai cần đầy đủ trên các mặt, trong đó chú trọng công khai về đánh giá phẩm chất, năng lực, sử dụng cán bộ; công khai về tài chính. Điều này không hề làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên; mà ngược lại, qua công khai, cán bộ, đảng viên có được những thông tin chính xác về thực trạng trên các mặt công tác của đơn vị mình, từ đó có nhận thức đúng để thực hiện tự phê bình và phê bình một cách có hiệu quả; còn nếu không công khai sẽ làm cho cán bộ, đảng viên không biết thông tin chính xác, không biết thực trạng của đơn vị, không có kết luận đúng mức…,từ đó nảy sinh dư luận đồn đoán, thổi phồng, xuyên tạc làm mất uy tín của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt dân chủ và công khai là “liều thuốc” hiệu nghiệm để chống lại căn bệnh chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, mỗi vấn đề đều có phạm vi của nó, dân chủ phải luôn gắn chặt với tập trung và thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng. Phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.
Ba là, tích cực, chủ động nghiên cứu bổ
sung, hoàn thiện các thiết chế đảm bảo để công tác tự phê bình và phê bình được thực hiện thường xuyên, có thực chất. Khắc phục tình trạng hình thức, xuôi chiều, "dĩ hòa vi quý", tránh né...trong tiến hành tự phê bình và phê bình. Đưa tự phê bình và phê bình vào nền nếp trong sinh hoạt Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cả về nhận thức tư tưởng, đạo đức, phẩm chất, ý thức chấp hành Điều lệ, đường lối, chủ trương của Đảng và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên. Xây dựng cơ chế, thiết chế thích hợp nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia thực hiện tốt tự phê bình và phê bình; đưa công tác này thành một chỉ tiêu thi đua trong công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng; khắc phục tình trạng cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết trong Đảng. Đồng thời, phát huy tinh thần của quần chúng tham gia phê bình tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt, phải thực hiện có hiệu quả trong tự phê bình và phê bình ở cấp ủy, cán bộ, đảng viên chủ trì các cấp. Thực tế cho thấy, đây là vấn đề trực tiếp quyết định nhất đến hiệu quả của tự phê bình và phê bình. Nơi nào cấp ủy, cán bộ, đảng viên chủ trì có nhận thức đúng, sống liêm khiết; có thái độ kiên quyết, động cơ trong sáng, phương pháp thích hợp, chân tình, thì ở đó tự phê bình và phê bình đi đúng hướng, có tác dụng tích cực và nếu ngược lại, ở đó sẽ không có tự phê bình và phê bình một cách bình đẳng cả trong tổ chức lẫn ở mỗi cán bộ, đảng  viên và cũng không thể có được môi trường lành mạnh để phát huy tinh thần tự giác, tích cực khi thực hiện tự phê bình và phê bình.
 Đảng ta là một Đảng cầm quyền, có tổ chức chặt chẽ, luôn thống nhất về ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, lấy tự phê bình và phê bình làm “ thứ vũ khí sắc bén nhất” để nâng cao nhận thức, củng cố tinh thần đoàn kết, thống nhất, tăng cường sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Vì vậy, thực hiện có hiệu quả tự phê bình và phê bình trong tình hình hiện nay là biện pháp hữu hiệu đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó máu thịt với nhân dân, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN mà lịch sử và dân tộc giao phó trong thời kỳ mới.
 
Trung tá Nguyễn Minh Sơn
     
 

Ý kiến bạn đọc (0)