Thứ Bảy, 23/11/2024, 20:03 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, có truyền thống hữu nghị từ lâu đời. Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (18-1-1950), hai đảng, hai chính phủ và nhân dân hai nước đã dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, cả về vật chất lẫn tinh thần trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ từ năm 1991 đến nay, hợp tác Việt – Trung đã phát triển nhanh chóng trên mọi lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi nước. Khuôn khổ quan hệ giữa hai nước không ngừng được nâng cấp. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu tháng 2 năm 1999, lãnh đạo cấp cao hai nước xác định phương châm 16 chữ định hướng phát triển quan hệ hai nước hướng tới thế kỷ XXI là: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai. Tháng 11 năm 2005, một lần nữa, lãnh đạo cấp cao hai nước làm phong phú thêm nội hàm quan hệ hai nước theo tinh thần 4 tốt: Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt. Đặc biệt, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh tháng 5 năm 2008, trên cơ sở phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, lãnh đạo hai bên nhất trí xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Trong gần 20 năm gần đây, hai nước tổ chức các cuộc giao lưu cấp cao một cách thường xuyên với trên 70 đoàn qua lại từ cấp Thường trực Ban Bí thư hoặc ủy viên thường trực Bộ Chính trị trở lên. Những hoạt động đó đã làm cho quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển.
Bằng các hình thức trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các ban của đảng, nhất là về lĩnh vực đào tạo cán bộ, xây dựng đảng…, sự hợp tác giữa hai đảng trong nhiều năm qua đã được đẩy mạnh lên một bước quan trọng, góp phần tạo ra sự tin cậy giữa hai đảng, hai nhà nước. Hai bên đã tổ chức 6 cuộc hội thảo xung quanh các vấn đề về lý luận, kinh nghiệm xây dựng đảng, về quản lý nhà nước, về đổi mới, cải cách, mở cửa và hội nhập quốc tế.
Cùng với các ban của đảng, các bộ, ngành tương ứng của hai nước cũng không ngừng giao lưu, hợp tác. Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Các lực lượng chức năng của hai nước trong những năm gần đây đã tổ chức 9 lần tuần tra chung trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Lực lượng Hải quân hai nước đã nhiều lần phối hợp diễn tập tìm kiếm, cứu nạn trên biển và tổ chức thăm viếng, trao đổi kinh nghiệm về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Quan hệ hợp tác giữa các địa phương cũng được hai bên chú trọng. Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam đã có nhiều hình thức hợp tác và hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các tỉnh, thành phố: Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, Hải Nam, Thiên Tân, Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Trùng Khánh,… của Trung Quốc. Các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã thành lập ủy ban công tác liên hợp để trao đổi biện pháp tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể nhằm xây dựng đường biên giới giữa hai nước thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển. Các địa phương ở khu vực biên giới hai nước còn tích cực thúc đẩy khuôn khổ hợp tác theo phương châm “hai hành lang, một vành đai kinh tế”.
Giao lưu trao đổi giữa các đoàn thể quần chúng của hai bên ngày càng mở rộng và có hiệu quả, góp phần tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ hai nước không ngừng phát triển. Từ năm 2000 đến nay, Trung ương Đoàn thanh niên hai nước thường xuyên tổ chức hoạt động gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt – Trung. Việc tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới Việt – Trung lần thứ nhất (tháng 5 năm 2009), Liên hoan thanh niên Việt – Trung quy mô hàng vạn người (tháng 8 năm 2010), trên thực tế, đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước.
Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch,... giữa hai nước đã có bước phát triển sâu rộng. Hơn 60 hiệp định và thỏa thuận hợp tác cấp chính phủ đã được Việt Nam và Trung Quốc ký kết. Các hiệp định và thỏa thuận này đã và đang được hai bên triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên. Kể từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tính đến tháng 6 năm 2010, Trung Quốc có 727 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với tổng số vốn là 3 tỉ USD, đứng thứ 14/91 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, nhưng tổng kim ngạch thương mại hai nước vẫn đạt 21,35 tỉ USD, tăng 5,76% so với năm 2008, tăng 650 lần so với năm 1992. Năm 2010, hai bên đang tích cực phấn đấu thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 25 tỉ USD theo hướng từng bước cân bằng và phát triển bền vững. Các khoản tín dụng ưu đãi dài hạn và viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc dành cho Việt Nam cũng góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội ở nhiều địa phương của Việt Nam.
Hợp tác về giáo dục, đào tạo và du lịch giữa hai nước cũng có bước phát triển mạnh. Số lượng lưu học sinh của mỗi bên tại nước bên kia không ngừng tăng nhanh. Hiện nay, Việt Nam có gần 12.000 học sinh đang học tập tại các trường đại học của Trung Quốc và Trung Quốc có khoảng 2.000 học sinh đang học tập tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, hằng năm có từ 600.000 đến 700.000 lượt du khách Trung Quốc vào Việt Nam.
Với sự nỗ lực chung của cả hai bên, các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước đã từng bước được hai bên giải quyết. Hai nước đã ký nhiều hiệp ước, hiệp định. Đó là Hiệp ước biên giới trên đất liền (ký năm 1999), Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (ký năm 2004), Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ (ký năm 2004). Năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc. Năm 2009, hai bên ký kết Nghị định thư về Phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu (ba văn kiện này có hiệu lực từ ngày 14-7-2010). Đó là những sự kiện quan trọng có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước thời kỳ mới. Đó cũng là cơ sở để xây dựng đường biên giới Việt – Trung thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển bền vững lâu dài, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình đàm phán giải quyết các vấn đề về biên giới trên đất liền, về Vịnh Bắc Bộ trên đây là tiền đề, là niềm tin để hai bên tiếp tục đàm phán hòa bình giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) do các thành viên ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002.
Những thành quả trong quan hệ Việt – Trung 60 năm qua là tài sản quý báu và là cơ sở vững chắc để nhân dân hai nước tiếp tục vững bước trên con đường hợp tác, phát triển, hòa bình và hữu nghị. Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến đổi phức tạp. Kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi nhưng chưa vững chắc. Nhiều vấn đề mang tính toàn cầu, nhất là về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, xung đột sắc tộc, tôn giáo,... đang đặt ra những thách thức to lớn đối với từng nước, từng khu vực và toàn nhân loại. Trước tình hình đó, vì lợi ích của mỗi nước và vì sự ổn định, phát triển của khu vực, Việt Nam và Trung Quốc cần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, đẩy mạnh giao lưu và tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ song phương; tăng cường trao đổi, giao lưu giữa hai đảng, nhất là trao đổi về lý luận và kinh nghiệm xây dựng đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, quản lý nhà nước, hợp tác bồi dưỡng cán bộ. Việc hợp tác giữa các bộ, ngành, giữa các địa phương, nhất là các địa phương ở hai bên biên giới cũng cần được hai bên thúc đẩy hơn nữa, đi vào thực chất hơn nữa nhằm góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước.
Hai là, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư mang tính thực chất. Trước hết, hai bên cần duy trì đà tăng trưởng ổn định, lâu dài của kim ngạch thương mại giữa hai nước, đi đôi với việc giải quyết vấn đề mất cân bằng trong thương mại song phương. Thời gian tới, hai bên cần khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư, nhất là đối với các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn để hiện thực hóa các dự án hợp tác mà hai bên đã ký kết.
Ba là, tăng cường hợp tác về văn hóa và giao lưu hữu nghị, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hai nước, đặc biệt là cho thế hệ trẻ về truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa.
Bốn là, duy trì sự ổn định và giải quyết thỏa đáng vấn đề biên giới lãnh thổ; thực hiện nghiêm túc ba văn kiện về biên giới trên đất liền mà hai nước đã ký kết. Thông qua hiệp thương hữu nghị, hai bên tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, trên cơ sở đó tìm ra giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông.
Năm là, hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề đa phương, các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng. Là hai nước láng giềng, gần gũi về địa lý, việc Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc chính thức vận hành từ 1-1-2010, Việt Nam và Trung Quốc càng có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi nước.
Nhìn lại chặng đường 60 năm quan hệ Việt -Trung, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sâu sắc đối với sự giúp đỡ quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc anh em. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau như một luôn hết sức coi trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện với Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Nhân dân Việt Nam vui mừng trước những thành tựu to lớn mà nhân dân Trung Quốc đã đạt được trong 60 năm qua, nhất là trong hơn 30 năm cải cách, mở cửa và coi đó như là thành tựu của chính mình. Tình hữu nghị thắm tình đồng chí, anh em được hai nước dựng xây, vun đắp trong hàng thập kỷ qua là tài sản vô giá, đồng thời cũng là động lực to lớn để hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa tiếp tục sự nghiệp cách mạng của mình. Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc sẽ phát triển ngày càng tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích căn bản, lâu dài của hai đảng, hai chính phủ và nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
PHẠM GIA KHIÊM
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011