Thứ Bảy, 23/11/2024, 19:46 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành chủ quyền, độc lập dân tộc của nhân dân ta, việc xây dựng căn cứ địa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do căn cứ địa là điều kiện tiên quyết để tiến hành đấu tranh vũ trang nên hầu như tất cả các cuộc khởi nghĩa vũ trang hoặc chiến tranh giải phóng đều có căn cứ địa và chúng thường được xây dựng ngay từ những ngày đầu “dấy nghĩa”; không ngừng được mở rộng, phát triển trong suốt quá trình đấu tranh vũ trang chống kẻ thù xâm lược. Tùy theo tính chất, quy mô của từng cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng, có thể có một hoặc một vài căn cứ địa với những cấp độ khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng và địa bàn, các điều kiện cần thiết cho hoạt động đấu tranh vũ trang. Chính vì thế, hầu như địa danh của căn cứ địa nào trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta cũng đều trở thành tên gọi của các cuộc khởi nghĩa chống xâm lược: Mê Linh, Lam Sơn, Tây Sơn, Ba Đình, Bãi Sậy, Hùng Lĩnh, Hương Khê, Yên Thế, Bắc Sơn, Ba Tơ, Nam Kỳ...
Xuất phát từ tính chất, vai trò của căn cứ địa là vùng “đất căn bản”, nơi đứng chân và là chỗ dựa cho lực lượng vũ trang chuẩn bị mọi mặt để tiến hành khởi nghĩa hoặc chiến tranh giải phóng nên nó cần hội đủ ba nhân tố căn bản: thiên thời , địa lợi , nhân hòa; góp phần làm nên một căn cứ địa tốt: tiến có thể đánh, lui có thể giữ. Luận về vai trò của địa - quân sự, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, sau ba cuộc kháng chiến của nhà Trần chống quân Mông-Nguyên xâm lược (thế kỷ 13) giành thắng lợi, đã tổng kết trong sách Binh thư yếu lược: “Cái đạo hành binh quý nhất ở địa lợi, địa lợi không rõ thì rất khó ra quân kỳ, đặt quân phục”1; còn Nguyễn Trãi - danh nhân văn hóa thế giới- sau khi cùng Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (thế kỷ 14) lật đổ ách thống trị của nhà Minh, giành thắng lợi, đã sảng khoái viết: “Quan hà bách nhị do thiên thiết. Hào kiệt công danh thử địa tàng”2 (Nơi đây địa hình sông núi thiên hiểm, một người có thể chống được trăm người. Đây chính là nơi để người anh hùng lập công danh).
Sau nhiều năm bôn ba khắp các châu lục để tìm đường giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, ngày 8-2-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng đang dâng cao. Người chọn Pắc Bó, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để đặt đại bản doanh và chọn tỉnh Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên với sự quả quyết: căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Với tầm nhìn của một nhà chiến lược quân sự đại tài, của một nhà văn hóa lớn, Người không những hiểu rất rõ tầm quan trọng của các nhân tố thiên-địa -nhân trong xây dựng căn cứ địa mà còn phân định khoa học cấp độ của từng nhân tố: “Trong hai phe giao chiến, phe nào có đầy đủ điều kiện nhân hòa là phe ấy thắng. Chỉ phe nào vì chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có đủ điều kiện nhân hòa”3. Người phân tích: “Từ khi giựt được chính quyền trong tay phát xít Nhật, chúng ta luôn luôn chiến đấu để bảo vệ đất nước bằng mọi hình thức: chính trị, kinh tế, quân sự. Quân đội Việt Nam và dân chúng Việt Nam đã liên kết thành một khối, quyết không chịu làm nô lệ dưới một chế độ thuộc địa nào. Trong khi chiến đấu, chúng ta được dân chúng ủng hộ, nhất định chúng ta được dư luận thế giới tán đồng, nhất định chúng ta sẽ thắng”4.
Là một chiến sĩ cách mạng suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng nhân dân, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi nội hàm của khái niệm thiên thời không chỉ bó hẹp trong phạm vi thời tiết nắng mưa, nóng rét, mà còn là thời gian, là điều kiện hành động phù hợp với thời cơ, thời cuộc, với xu thế của thời đại. Nói rộng ra là phù hợp với quy luật vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Thiên thời còn là điều kiện kinh tế-xã hội, điều kiện mùa màng trong từng thời điểm. Vào cuối năm 1946, Người viết: “Hơn nữa, dân ta năm nay được mùa không phải lo đói, lo rét như hồi đầu năm. Với điều kiện vật chất đầy đủ, dân chúng đã có đủ lực lượng chiến đấu đến cùng”5. Về nội hàm của khái niệm địa lợi, theo quan điểm của Người: không chỉ có sông sâu, núi hiểm, mà còn có con người sinh trưởng tại chỗ quyết tâm đánh giặc, vận dụng được những cách đánh có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm địa hình, địa thế. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Từ hang cùng, ngõ hẻm, núi sâu rừng rậm, đâu đâu cũng là nước Việt Nam, đâu đâu cũng có dân Việt Nam ở. Quân địch tiến đến chỗ nào, không thuộc địa hình, địa vật bằng dân quân Việt Nam ở chỗ đó. Chúng sẽ bị đánh úp bất ngờ”6.
Như vậy, Hồ Chí Minh đứng trên quan điểm chiến tranh nhân dân, lấy con người là trung tâm để nhìn nhận, xử lý vấn đề địa lợi một cách khoa học và cách mạng. Quan điểm địa lợi của Người mang tính tổng hợp và toàn diện, không bó hẹp ở tầm nhìn chiến thuật mà bao quát cả tầm nhìn chiến lược. Kết luận của Hồ chí Minh về vai trò và tác động của ba nhân tố thiên-địa-nhân trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng là: “Có ba điều kiện nhân hòa, địa lợi và thiên thời như trên, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công”. Ở đây, bằng cái nhìn biện chứng của người cách mạng, Bác Hồ đã sắp xếp lại vị trí của ba nhân tố, đặt nhân hòa - "lòng dân” lên hàng đầu.
Đảng và nhân dân ta đã vận dụng thành công tư tưởng nêu trên của Người vào xây dựng căn cứ địa - hậu phương trong khởi nghĩa vũ trang cũng như trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trước cách mạng Tháng 8-1945, chúng ta đã xây dựng được các căn cứ địa cách mạng vững chắc ở những nơi thường hội đủ cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa (núi rừng Việt Bắc, Tây Bắc, Rừng Sác, rừng ngập mặn Cà Mau). Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, ta đã tổ chức chiến trường thành các chiến khu, liên khu, quân khu. Trong quá trình chiến tranh, căn cứ vào thế và lực của ta, sự bố trí lực lượng và hoạt động của địch, ta đã điều chỉnh tổ chức các chiến trường nhằm tạo thế có lợi, phù hợp với cách đánh của ta. Nếu trong kháng chiến chống Pháp, ta tổ chức các chiến khu tương đối gọn nhẹ, gộp lại thành các liên khu rộng lớn phụ trách từng chiến trường, phù hợp với sự phát triển của chiến tranh..., thì trong kháng chiến chống Mỹ, trên một số chiến trường nhất định, ta tổ chức thành các quân khu, các mặt trận với phạm vi hẹp hơn để phân tán, thu hút, cầm chân quân địch mà tiêu hao, tiêu diệt chúng. Trên từng chiến trường, ta đều tổ chức xây dựng các căn cứ địa làm nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo và chỉ huy, căn cứ hậu cần bảo đảm cho lực lượng kháng chiến. Căn cứ địa thường được xây dựng ở các vùng địa hình rừng núi hiểm trở và ở cả những vùng nông thôn đồng bằng có địa thế thuận lợi và dân cư tin cậy. Cũng vì thế, trong chiến tranh giải phóng, địch luôn tìm mọi cách phát hiện, tiến công, hòng xóa bỏ các căn cứ địa, tiêu diệt các cơ quan lãnh đạo chỉ huy, tiêu diệt chủ lực của ta. Ta kiên quyết chiến đấu đánh bại các cuộc tiến công của địch, tiêu diệt nhiều sinh lực của chúng, giữ vững căn cứ địa của ta. Quá trình xây dựng, củng cố căn cứ địa cách mạng, căn cứ địa trên các chiến trường là quá trình vừa chiến đấu vừa xây dựng, kết hợp chặt chẽ chính trị với quân sự, dựa vào lực lượng vũ trang ba thứ quân và lực lượng toàn dân. Đó cũng là quá trình hoàn thiện thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, đồng thời xây dựng chế độ mới ở những vùng do ta làm chủ. Chiến tranh cách mạng và chiến tranh nhân dân là chiến tranh không chiến tuyến. Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược cũng như trong chống Mỹ, cứu nước, dựa vào lòng dân, dựa vào sức dân, vào các cơ sở cách mạng ban đầu, ta đã phát triển chiến tranh du kích trong vùng sau lưng địch, xây dựng các thôn (ấp) chiến đấu, các căn cứ du kích ở nông thôn, xây dựng các “lõm” căn cứ, các bàn đạp trong các thành thị. Đó là những cái “ chốt” của kháng chiến, của cách mạng, là nơi dừng chân của du kích, của cán bộ hoạt động bí mật trong lòng địch, là nơi ém quân hoặc là cơ sở hậu cần, bảo đảm cho lực lượng đặc công, biệt động và có lúc cả bộ đội chủ lực đánh địch ngay trong hang ổ của chúng. Đó cũng là chỗ dựa để ta lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền, bảo vệ cơ sở kinh tế, văn hóa, các công trình phục vụ công cộng khi ta vào giải phóng hoặc tiếp quản các thành phố thị xã.
Ngày nay, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân mà nền tảng là khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần- kỹ thuật các cấp, nhằm chủ động đối phó hiệu quả với mọi tình huống chiến tranh xâm lược, mà trước hết làm thất bại mọi âm mưu phá hoại, xâm lược của kẻ thù. Ba nhân tố thiên-địa-nhân, vì thế không chỉ có vai trò quan trọng trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh giải phóng mà còn hết sức quan trọng trong xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm mang tính hiện thực được đúc kết từ lịch sử, chúng ta cần nhận thức đúng về vai trò của thiên thời, địa lợi, nhân hòa và vận dụng chúng một cách sáng tạo vào điều kiện mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN MINH ĐỨC
______________
1- Trần Quốc Tuấn - Binh thư yếu lược, Nxb Khoa học xã hội, H.1970, tr.135.
2- Thơ văn Nguyễn Trãi - Bạch Đằng hải khẩu- Nxb Văn học, H.1989, tr.87.
3,4,5 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 463, 464.
6 - Hồ Chí Minh - Sđd, tr. 164.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011