QPTD -Chủ Nhật, 21/08/2011, 00:19 (GMT+7)
Thềm lục địa theo Công ước 1982

Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước 1982) đã đưa ra định nghĩa mới về khái niệm thềm lục địa cùng với chế độ pháp lý của nó.

Về định nghĩa thềm lục địa, Điều 76, khoản 1 của Công ước ghi rõ: Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến mép ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi mép ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn.

Các khoản 5, 6, 7 (Điều 76) còn bổ sung: trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 mét một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý, với điều kiện tuân thủ các quy định cụ thể về việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa trong Công ước 1982 và phù hợp với các kiến nghị của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa được thành lập trên cơ sở Phụ lục II của Công ước 1982.

Như vậy, định nghĩa trên đã nêu bật bản chất pháp lý của thềm lục địa và mở rộng thềm lục địa với những tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Nó không những chỉ rõ khái niệm thềm lục địa, mà còn đưa ra các tiêu chí xác định thềm lục địa, bao gồm tiêu chí về địa chất và tiêu chí về khoảng cách. Đây là kết quả đấu tranh lâu dài (từ năm 1930 đến năm 1982) của các quốc gia và thực thể trong việc bảo vệ quyền khai thác chính đáng đối với thềm lục địa của mình.

Về chế độ pháp lý,  Điều 77 của Công ước quy định:

 “1. Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình;

2. Các quyền nói ở khoản 1 có tính chất đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển đó;

3. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thật sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào”.

Theo Công ước, quốc gia ven biển có nghĩa vụ phải đóng thuế cho Cơ quan quyền lực đáy đại dương đối với phần lợi tức khai thác được từ thềm lục địa nằm ngoài giới hạn 200 hải lý.

Công ước 1982 còn quy định các quốc gia khác có quyền thực hiện các quyền tự do biển cả trên thềm lục địa của quốc gia ven biển, với điều kiện là họ phải tôn trọng các quyền của quốc gia đó. Điều 78 của Công ước quy định:

 “1. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước ở phía trên hay của vùng trời trên vùng nước này;

2. Việc quốc gia ven biển thực hiện các quyền của mình đối với thềm lục địa không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền và các tự do khác của các quốc gia khác đã được Công ước thừa nhận, cũng không được cản trở việc thực hiện các quyền này một cách không thể biện bạch được”.

 (Thực hiện: LÊ CƯỜNG)

 

Ý kiến bạn đọc (0)