QPTD -Thứ Sáu, 26/08/2011, 21:30 (GMT+7)
Thế giới năm 2010 – dưới góc nhìn kinh tế-chính trị-quân sự

Năm 2010 - năm kết thúc thập niên đầu của thế kỷ XXI - tiếp tục là năm thế giới chứa đựng đầy rẫy các sự kiện. Chính chuỗi các sự kiện đó đã phác họa nên bức tranh thế giới đương đại gồm những gam màu sáng, tối đan xen. Quan sát cận cảnh, chúng ta thấy tình hình kinh tế-chính trị-quân sự thế giới năm qua nổi lên một số điểm đáng chú ý sau.

1. Siêu cường Mỹ “gặp khó”, kinh tế Liên minh châu Âu (EU) rơi vào tình trạng trì trệ, cộng với các nền kinh tế mới nổi (KTMN) bước lên vũ đài chính trị quốc tế, làm thay đổi một bước quan trọng về trật tự cấu trúc quyền lực trên thế giới.

Bước vào thế kỷ XXI, tức là cách đây 10 năm, GDP của Mỹ chiếm gần 1/3 GDP toàn cầu. Song con số này đã giảm vào những năm sau đó, nhất là những năm gần đây. Theo thống kê, năm 2007, GDP của Mỹ chiếm 27% GDP của thế giới; năm 2008 là 25%, năm 2009 là 23%, và năm nay, dự báo là còn nhỏ hơn nữa. Kinh tế suy yếu, chưa kể việc Mỹ có nhiều hành động đơn phương (nhất là thời kỳ chính quyền G.W.Bu-sơ) bất chấp luật pháp quốc tế, đã mặc nhiên làm cho vị thế chính trị của Mỹ cũng giảm. Bức tranh kinh tế EU cũng không sáng sủa gì hơn Mỹ. Kinh tế Pháp, Đức, Anh,... chỉ đạt con số nhỏ nhoi, “khiêm tốn”. Năm 2010, thậm chí, kinh tế của nhiều nước khác trong EU còn tệ hơn. Đó là cuộc khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, điển hình là Hy Lạp, Ai-len, Bồ Đào Nha, I-ta-li-a và Tây Ban Nha.

Trong khi vị thế của Mỹ và EU suy giảm thì trái lại, vị thế của các nền KTMN lại tăng lên rõ rệt. Mặc dù không tránh khỏi cú sốc của “cơn bão” tài chính toàn cầu, song các nền KTMN, đại diện là bốn nước BRIC (Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Bra-xin), ngoài ra còn có Mê-hi-cô, Nam Phi và một số nước khác, vẫn đạt mức tăng trưởng bình quân hằng năm ở con số 6,5%, gấp 2 đến 3 lần mức tăng trưởng bình quân hằng năm của các nước phát triển. Theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), sự đóng góp của nhóm BRIC đối với việc tăng trưởng kinh tế của thế giới trong 5 năm qua đạt gần 50% và dự trữ ngoại hối chiếm khoảng 60% tổng lượng dự trữ ngoại hối toàn cầu. Từ đó, cho phép người ta khẳng định rằng: thời kỳ kinh tế thế giới hoàn toàn do Mỹ chủ đạo đã kết thúc. Các nền KTMN đã trở thành đầu tàu thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đó là lý do vì sao Tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ) lại nhận định: “bốn nước BRIC sẽ đi đầu thống lĩnh kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI”.

Sự trỗi dậy của các nền KTMN diễn ra đồng thời với sự giảm sút vị thế của EU, đặc biệt là của siêu cường Mỹ, dẫn đến trật tự cấu trúc quyền lực trên thế giới thay đổi một bước quan trọng. Điều này thể hiện trước hết ở vai trò ảnh hưởng của Mỹ đối với phần còn lại của thế giới giảm đi đáng kể. Ngày nay, không ít quốc gia, kể cả đồng minh của Mỹ đã dám “nói không” với Mỹ - điều mà Mỹ không hề gặp phải trong nhiều thập kỷ qua. Thực lực giảm, vị thế chủ đạo tình hình chính trị thế giới của Mỹ tất cũng giảm. Các mục tiêu chiến lược của Mỹ, cũng như các giá trị Mỹ mà Mỹ muốn phổ quát chúng ra thế giới - những cái thể hiện quyền lực Mỹ - đều không thực hiện được.

Các nền KTMN thì ngược lại. Vị thế của họ ngày càng được nâng lên trong cục diện quốc tế. Quyền phát ngôn trong nền chính trị thế giới của họ ngày càng được cộng đồng quốc tế coi trọng. Các vấn đề quốc tế quan trọng như vấn đề chống khủng bố, chương trình hạt nhân của I-ran và của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu,... đều đang và sẽ cần tiếng nói mạnh mẽ của các nền KTMN. Nhờ những đóng góp cả về kinh tế, chính trị của mình, các nền KTMN trở thành trụ cột quan trọng trong việc thúc đẩy thế giới hòa bình và phát triển. Và suy cho cùng, chính sự trỗi dậy của các nền KTMN đã phá vỡ trật tự thế giới đơn cực tồn tại bấy lâu nay, thay vào đó là một thế giới đa cực, đa trung tâm quyền lực; cũng vì thế, nó khắc chế được ý đồ của một siêu quyền lực duy nhất đối với phần còn lại của thế giới.

2. Phương thức xã hội tự do dân chủ phương Tây kém thế, phương thức phát triển “đi theo con đường riêng của mình” dần chiếm ưu thế.

Sau khi hệ thống XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, giới chính trị phương Tây, đặc biệt là Mỹ, dự báo: phong trào chủ nghĩa cộng sản sẽ sớm “mất đi”, phương thức xã hội tự do dân chủ phương Tây trở thành “phương thức cuối cùng” của xã hội loài người. Tuy nhiên, điều dự báo chẳng hề có cơ sở này có kết quả gần như ngược lại. Trên thực tế, ý đồ thúc đẩy phương thức tư duy chính trị và nền kinh tế thị trường tự do chủ nghĩa phương Tây mà đại diện là Mỹ (còn gọi là phương thức xã hội phương Tây) trên toàn cầu đã bị phá sản. Kể từ khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, phương thức xã hội phương Tây gặp phải thách thức nghiêm trọng. Kinh tế của các nước phát triển trì trệ liên tục trong nhiều năm. Một số nước đang phát triển chọn (hoặc bị ép buộc) đi theo con đường phát triển của phương Tây, đã nhận được kết quả tai hại cả về kinh tế lẫn chính trị. Cơn bão tài chính bắt nguồn từ Mỹ cuối năm 2008, kể cả cuộc khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách ở nhiều quốc gia  EU trong năm 2010, vừa là cuộc khủng hoảng tiền tệ, vừa là cuộc khủng hoảng phương thức phương Tây và cũng vừa là cuộc khủng hoảng phương thức kinh tế chủ nghĩa tự do phương Tây. Chính nó đã tác động tiêu cực đến thể chế kinh tế xã hội phương Tây; làm mất đi sự ảnh hưởng đối với các nước không theo phương hướng phát triển của phương Tây; đồng thời, còn làm chậm lại tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại.

Còn các nền KTMN, một mặt chống lại sức ép của phương Tây, mặt khác chủ động chọn con đường phát triển riêng cho mình nên tình hình phát triển ở các nước đó đều tốt hơn các nước rập khuôn phương thức phương Tây. Cần nói rằng, “con đường phát triển riêng cho mình” mà các nước trên đã chọn là phương thức phát triển năng động, tự chủ, kết hợp bối cảnh quốc tế với hoàn cảnh, đặc thù của mỗi nước, tuyệt đối không rập khuôn máy móc và không khuất phục trước một sức ép nào. Thành công ở các nền KTMN đã chứng minh đó là con đường phát triển phù hợp.

Rõ ràng sau “chiến tranh lạnh”, phong trào CNXH quốc tế, tuy biểu hiện ở nhiều góc độ, song sự thật là nó chẳng những không mất đi mà còn đứng vững và tiếp tục phát triển. Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của phương thức xã hội ở các nền KTMN khiến phương thức phương Tây mất đi bản sắc, cũng như ảnh hưởng của nó. Những điều này càng cho thấy dự báo “phong trào chủ nghĩa cộng sản sẽ “mất đi”, phương thức phương Tây sẽ trở thành “phương thức cuối cùng” của xã hội loài người chỉ là điều dự báo hoàn toàn vô  căn cứ.   

3. Mỹ thất bại cả về quân sự lẫn chính trị tại Áp-ga-ni-xtan.

Năm 2010, mục tiêu mà Mỹ theo đuổi là loại trừ sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố tại Áp-ga-ni-xtan chứ không phải là xây dựng một chế độ dân chủ ở nước này. Tháng 12-2009, việc Mỹ tăng 30.000 quân, các nước NATO bổ sung khoảng 7.000 quân, nâng tổng số quân của Mỹ và NATO tại Áp-ga-ni-xtan lên tới 150.000 quân, chính là bước đi ban đầu để Mỹ thực hiện mục tiêu trên. Có thêm quân trong tay, Mỹ muốn tăng sức mạnh để chống lại những phần tử nổi dậy, bảo vệ các trung tâm mấu chốt, sau đó “chuyển giao quyền lực cho chính quyền Áp-ga-ni-xtan”. Song toan tính của Mỹ đã vấp phải sự đáp trả quyết liệt của các phần tử Ta-li-ban. Ngay từ tháng 1-2010, bất chấp các cuộc tiến công của liên quân, quân Ta-li-ban vẫn đánh chiếm trung tâm thủ đô Ca-bun, kết hợp tiến công ở nhiều khu vực, trong đó có vụ tiến công gần phủ Tổng thống Ca-dai. Trước tình hình đó, ngày 13-2, Mỹ và NATO phối hợp với quân đội Áp-ga-ni-xtan phát động Chiến dịch Ma-giát, tiến công các phần tử nổi dậy. Nhưng chiến dịch quân sự quy mô lớn này cũng không giúp Mỹ thực hiện được cái gọi là “làm cho các phần tử Ta-li-ban không còn chỗ ẩn náu”, mà còn tiếp tục làm thương vong nhiều người dân vô tội. Thế rồi, từ chỗ cứng rắn, thiên về giải pháp quân sự, Mỹ chuyển sang chiến lược “mềm” bằng cách thuyết phục Ta-li-ban đàm phán và tham gia cơ cấu quyền lực ở Ca-bun. Song rốt cuộc, chiến lược mới - chiến lược vừa đánh, vừa đàm - cũng thất bại nốt. Quốc hội Mỹ đánh giá chi phí của Mỹ có thể lên tới 65 tỷ USD cho cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan trong năm 2010. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh hao tiền, tốn của của Mỹ đã bước sang năm thứ mười mà chưa thấy đâu là hồi kết.

4. Tiến trình hòa bình Trung Đông chẳng những chưa có dấu hiệu vãn hồi, mà thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ khôn lường.

Cuộc xung đột I-xra-en và Pa-le-xtin trong vòng 43 năm qua đã trở thành một kỷ lục của lịch sử đương đại. Sau nhiều năm “nói chuyện” với nhau bằng súng đạn, mãi đến năm 2000, I-xra-en và Pa-le-xtin mới nối lại các cuộc đàm phán, nhưng mỗi lần gặp nhau lại là một lần thất bại. Năm 2010, hai bên tiến hành đàm phán (sau một năm đóng băng) dưới sự bảo trợ của Mỹ, tiếp tục là một thất bại nữa. Phía I-xra-en đòi Pa-le-xtin công nhận “nhà nước Do Thái”, ủng hộ quy định tuyên thệ trung thành với nhà nước Do Thái; nối lại việc xây dựng ở Đông Giê-ru-xa-lem. Người Pa-le-xtin thì đe dọa thực hiện các biện pháp đơn phương và tuyên bố “xây dựng các khu định cư là bước đi đơn phương của I-xra-en”. Nhưng cuộc hòa đàm giữa hai bên không đạt được một kết quả đáng kể nào. Và sự việc thì có thể sẽ không dừng ở đó. Theo mạng tin Thời báo châu Á,ra ngày 28-10, nếu cuộc hòa đàm I-xra-en - Pa-le-xtin tới đây chấm dứt trong hỗn loạn, thì chính quyền B.Ô-ba-ma có thể cần một “thắng lợi ngoại giao” bằng cách can dự vào I-ran để nâng cao vị thế của mình. Đây là một nhận định không ai dám bỏ qua. Mạng tin này cũng dẫn lời ông M. In-đích, cựu quan chức cấp cao và là nhà thương thuyết của Mỹ rằng, “Nếu ông B.Ô-ba-ma thành công trong vấn đề Pa-le-xtin, nó sẽ góp phần thuyết phục I-ran rằng: theo đuổi vũ khí hạt nhân là không phù hợp với lợi ích của Tê-hê-ran. Tuy nhiên nếu thất bại, Mỹ có thể phải tiến hành cuộc chiến tranh thứ ba ở Trung Đông và lần này với I-ran”.

Với những gì diễn ra như vậy, người ta hiểu vì sao Trung Đông lại dường như đang chuẩn bị cho tình huống chiến tranh. Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất vừa khai trương căn cứ hải quân mới. Ai Cập và Arập Xê-út (theo mạng phân tích tình báo Debka File của I-xra-en) đã tiến hành tập trận chung với quy mô chưa từng có nhằm chống lại “mối đe dọa từ I-ran”. Mới đây, không quân I-xra-en tập trận trên bầu trời Hy Lạp, mô phỏng một cuộc tiến công vào I-ran, v.v.

Vậy là, trong vai người bảo trợ, cũng như các lần trước, năm nay Mỹ chẳng những không vãn hồi được hòa bình Trung Đông, mà còn là tác nhân khiến cho khu vực vốn bất ổn này có thể còn bất ổn hơn, thậm chí dẫn đến nguy cơ khôn lường. Nói cách khác, cuộc hòa đàm I-xra-en - Pa-le-xtin bị “chết lâm sàng” ngay từ cuối tháng 9-2010 một lần nữa chứng tỏ, khả năng của Mỹ, quyền lực của Mỹ đã bị giới hạn tại khu vực này.

Ngoài bốn vấn đề trên, năm 2010 khép lại cũng là năm đáng nhớ khi Nga và Mỹ ký Hiệp ước START mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược. Đó là một sự kiện quốc tế quan trọng trong tiến trình hướng tới một thế giới phi hạt nhân. Cùng với sự kiện này, có thể nói, năm 2010 là năm quan hệ Nga - NATO đang phát ra những tín hiệu tích cực chưa từng có, đặc biệt là, lần đầu tiên trong lịch sử, hai bên đã đồng ý cùng nhau hợp tác về vấn đề hệ thống tên lửa phòng thủ. Sẽ còn quá sớm để lạc quan về bước đột phá mang tính chiến lược giữa hai thực thể, song rõ ràng là cả Nga và NATO đang muốn và cần sự hợp tác thiết thực vì lợi ích của nhau và vì lợi ích toàn cầu. Năm 2010 còn là năm biểu hiện rõ ràng hơn về xu thế hình thành cấu trúc khu vực. Đó là, Cộng đồng các nhà nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (không bao gồm Mỹ và Ca-na-đa) được thành lập vào tháng 2-2010. Ở khu vực Đông Nam Á, ASEAN đang trở thành một trong những trung tâm mới của thế giới, với mục tiêu xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

 Cùng với những tín hiệu tích cực, năm 2010, nhân loại cũng phải chứng kiến không ít thảm họa, điển hình là vụ động đất kinh hoàng ở Ha-i-ti, lũ lụt ở Pa-ki-xtan, ở Trung Quốc, Việt Nam, sóng thần và núi lửa phun trào ở In-đô-nê-xi-a, v.v. Về chính trị, an ninh, năm 2010 là năm mà người ta không thể quên các cuộc khủng hoảng chính trị tại Hà Lan, Thái Lan, Cư-rơ-gư-xtan và Cô-xô-vô, hay các vụ: I-xra-en tiến công đoàn tàu cứu trợ nhân đạo, Mỹ bán “gói” vũ khí cho Arập Xê-út trị giá 60 tỉ USD; Nga, I-rắc, Pa-ki-xtan, Áp-ga-ni-xtan liên tiếp phải hứng chịu các vụ đánh bom khủng bố và nạn khủng bố bom thư phủ bóng đen hãi hùng lên phần lớn châu Âu và Mỹ, v.v. Chưa hết, càng về cuối năm, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên càng có dấu hiệu căng thẳng, đáng lo ngại nhất là bùng nổ sự giao tranh dữ dội bằng đấu pháo ở khu vực Đảo Di-ơn-piêng giữa hai miền vào ngày 23-11.

Như vậy, bên cạnh xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn chiếm vị trí chủ đạo của thế giới, năm 2010, thế giới còn hiện hữu nhiều bất ổn và nguy cơ bất ổn. Để triệt tiêu các bất ổn và nguy cơ bất ổn đó, chỉ có đàm phán hòa bình, giải quyết xung đột, tranh chấp bằng phương thức hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế thì lợi ích của mỗi quốc gia mới được đảm bảo trên thực tế. Hành động đơn phương sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bất chấp luật pháp quốc tế thì chỉ mang lại hận thù, nuôi dưỡng hận thù bất tận. Lịch sử đã chứng minh như vậy.

ĐỨC LÊ

 

Ý kiến bạn đọc (0)