QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 22:52 (GMT+7)
Thế giới năm 2005 nhìn từ góc độ quân sự - chính trị
Năm 2005 đã qua, thế giới loài người lại trải qua một năm đầy biến động, các mâu thuẫn chồng chéo, đan xen, vận động, diễn biến vô cùng phức tạp, tạo nên bức tranh đầy màu sắc phong phú, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội quốc tế. Có nhà quan sát cho rằng "thế giới năm 2005 giàu có hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn". Nhìn từ góc độ quân sự- chính trị trong bức tranh toàn cầu năm 2005, thấy nổi lên mấy nét chính sau đây:

Những nguy cơ, thách thức, mối đe doạ nhiều loại, nhiều mặt, từ nhiều phía đối với hoà bình, ổn định của thế giới cũng như an ninh của mỗi quốc gia, dân tộc tiếp tục tồn tại và phát triển.

Hầu như là một nghịch lý, thế giới loài người càng phát triển, càng văn minh thì trình độ, mức độ phá hoại, huỷ diệt của "thiên tai, địch hoạ" cũng ngày càng tăng. Hay nói cách khác, những nguy cơ, thách thức, mối đe doạ đối với sự sinh tồn, phát triển của thế giới loài người cũng ngày càng rộng lớn và phức tạp. Đó là chiến tranh và nguy cơ chiến tranh, chủ nghĩa khủng bố; chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền; tình trạng bạo loạn, xung đột vũ trang do mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, chủ nghĩa ly khai...; nguy cơ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt; tình trạng ô nhiễm dẫn đến nguy cơ phá huỷ môi trường sống của con người và sự trừng phạt của thiên nhiên1; các loại tai nạn, tệ nạn xã hội; dịch bệnh hiểm nghèo; tội phạm xuyên quốc gia; tình trạng bất công, đói nghèo và phân hoá giàu nghèo cao độ, v.v. và v.v. Ngay như nước hùng mạnh nhất thế giới có chiến lược toàn cầu để hòng làm bá chủ thiên hạ như Mỹ cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức mà họ phân chia thành: những thách thức truyền thống; những thách thức phi truyền thống; những thách thức mang tính huỷ diệt, và những thách thức mang tính phá hoại. Hơn nữa, hệ thống quốc tế biến động, các hành động phi quốc gia thù địch với Mỹ, v.v. cũng là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến an ninh của Mỹ2. Với những quốc gia nhỏ yếu, kém phát triển thì nguy cơ, thách thức càng nhiều hơn. Các nước, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của mình mà nhìn nhận những nguy cơ, thách thức, mối đe doạ nào là chủ yếu, thứ yếu để chế định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho phù hợp.
Chiến tranh và xung đột vũ trang là bạn đồng hành của xã hội còn có các mâu thuẫn đối kháng giai cấp, dân tộc, tôn giáo. Năm 2005 không có thêm cuộc chiến tranh cục bộ nào, nhưng hàng chục cuộc nội chiến và xung đột vũ trang, bạo loạn, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa ly khai gây ra vẫn tiếp diễn, làm “nóng" lên, gây mất ổn định ở nhiều khu vực. Ngay cả các nước tư bản giàu có, phát triển như Pháp, Ô- xtrây-li-a cũng phải "nóng" lên vì bạo loạn sắc tộc, bạo loạn đường phố.
Khu vực Trung Đông vẫn là nơi tập trung nhiều mâu thuẫn nhất, nóng bỏng và mất ổn định nhất, đã từng được coi như “thùng thuốc súng”, “lò lửa” chiến tranh, xung đột vũ trang, bạo lực khủng bố. Việc Mỹ coi đây là trọng điểm chống khủng bố, thực hiện chiến lược “dân chủ hoá”, “ Đại Trung Đông” càng làm tăng thêm mâu thuẫn và tình trạng bất ổn ở khu vực này. Cuộc chiến tranh "chống khủng bố" ở I-rắc do Mỹ tiến hành từ năm 2003, trên thực tế vẫn chưa kết thúc và Mỹ thực sự bị sa lầy, phải trả giá đắt, "tiến thoái lưỡng nan". Gần 16 vạn quân Mỹ vẫn phải chiếm đóng nước này, thêm hàng trăm lính Mỹ đã bị chết trong năm 2005, nâng tổng số quân Mỹ chết ở I-rắc lên 2150 người và 30.000 người dân I-rắc thiệt mạng. Chính quyền Mỹ đang đứng trước sức ép của dư luận trong, ngoài nước Mỹ đòi phải rút quân. Nhiều nước có quân ở I-rắc cũng tuyên bố sẽ rút khỏi nước này vào năm 2006. Dư luận hy vọng thông qua cuộc tuyển cử bầu Quốc hội ngày 15-12 vừa rồi, nhân dân I-rắc sẽ có được chính quyền thực sự đại biểu cho quyền lợi của mình và mang lại hoà bình, ổn định cho đất nước đau thương này, nhưng xem ra còn rất khó khăn, phức tạp. Người Xăn-ni ở I-rắc đã cáo buộc có gian lận, đòi bỏ phiếu lại. Tình hình I-rắc còn diễn biến phức tạp. Mặc dù giới cầm quyền Mỹ vẫn tìm mọi lý lẽ thanh minh, bào chữa cuộc chiến tranh I-rắc do họ phát động, nhưng ngày14-12-2005, Tổng thống G.W. Bu-sơ cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm khi quyết định tiến công I-rắc là dựa trên những thông tin tình báo sai lầm, và hứa sẽ “chịu trách nhiệm sửa chữa sai lầm bằng cách cải thiện năng lực tình báo”. Trong chuyến thăm một số nước châu Âu đầu tháng 12-2005, Ngoại trưởng Mỹ, bà C. Rai-xơ cũng thừa nhận "có lẽ Mỹ đã sai lầm trong cuộc chiến chống khủng bố". Sự thừa nhận sai lầm của Mỹ tuy muộn màng nhưng "có còn hơn không". Vấn đề là Mỹ sẽ sửa chữa sai lầm đó như thế nào chứ không chỉ là “cải thiện năng lực tình báo” của Mỹ.
Cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin vẫn kéo dài là vấn đề nổi cộm làm cho khu vực Trung Đông luôn nóng bỏng, “lộ trình hoà bình”gập ghềnh, trắc trở bởi các làn sóng bạo lực ăn miếng trả miếng của hai bên đối địch, hận thù. Tuy nhiên, vào nửa cuối 2005 đã có chuyển biến tích cực. Đó là việc chính quyền của Thủ tướng A. Sa-rôn lần đầu tiên đã thực hiện kế hoạch đơn phương rút khỏi dải Ga-da sau 38 năm chiếm đóng bất hợp pháp, trả lại cho phía Pa-le-xtin tiếp quản dải đất này. Nếu như đây được coi là một “đột phá khẩu”, một tiền lệ cho việc I-xra-en sẽ rút hết khỏi các vùng đất chiếm đóng trái phép của Pa-le-xtin theo tinh thần các Nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) - mấu chốt cơ bản để giải quyết triệt để cuộc xung đột này, thì đó thực sự là một đóng góp to lớn cho hoà bình, ổn định ở Trung Đông. Còn nếu đây chỉ là một kế hoạch “lùi một, tiến hai”, rút khỏi dải Ga-da để tăng cường củng cố, “đẩy mạnh thực dân hoá ở khu Bờ Tây”, tiếp tục chiếm đóng trái phép lãnh thổ còn lại của Pa-le-xtin như dư luận cảnh báo, thì sẽ báo hiệu một “vòng xoáy bạo lực” mới ở Trung Đông, “lộ trình hoà bình” do nhóm “Bộ tứ” vừa gia hạn lại sẽ gập ghềnh, trắc trở không biết đến bao giờ.
Ngoài các vấn đề I-rắc, quan hệ I-xra-en - Pa-le-xtin, thì quan hệ Xy-ri với Li-băng cũng căng thẳng sau khi ông Ha-ri-ri, cựu Thủ tướng Li-băng bị sát hại, Xy-ri bị nghi ngờ liên quan đến vụ này. Thêm vào đó, vấn đề hạt nhân ở I-ran cũng gây quan hệ căng thẳng giữa nước này với phương Tây, đặc biệt quan hệ I-ran với I-xra-en. Đầu năm 2005, “Nguyệt san át-lan-tich” (Mỹ) cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuẩn bị một kế hoach tấn công I-ran theo ba giai đoạn nếu các nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này không có hiệu quả. Đầu tháng 12-2005, Thủ tướng A.Sa-rôn tuyên bố I-xra-en sẽ đứng trên cùng một trận tuyến với các nước phương Tây và sẽ giải quyết chương trình hạt nhân của I-ran bằng vũ lực. Tờ “Thời báo chủ nhật” (Anh) ngày 11-12-2005 cho hay, Chính phủ I-xra-en đã phê chuẩn kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của I-ran vào tháng 3-2006 - thời gian mà họ coi là I-ran có thể hoàn thiện kỹ thuật chế tạo đầu đạn hạt nhân. Tháng 10-2005, Tổng thống I-ran A. A-ma-đi-nê-giát từng tuyên bố đòi “xoá I-xra-en khỏi bản đồ thế giới”, ngày 8-12-2005 lại lên tiếng, nói rằng “khối u” Nhà nước I-xra-en cần được chuyển sang châu Âu. Những lời lẽ này làm cho quan hệ của I-ran với I-xra-en và các nước phương Tây càng căng thẳng. Dư luận quốc tế hy vọng các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân của I-ran thông qua con đường đàm phán hòa bình, sớm tìm ra giải pháp thoả đáng trên tinh thần trách nhiệm.
Ngoài khu vực Trung Đông, phải kể đến các điểm nóng tiếp theo là các cuộc nội chiến và xung đột vũ trang tiếp diễn ở một số nước như Li-bê-ri-a, Xu-đăng, Cốt-đi-voa (châu Phi), Nê-pan (Nam Á), Cô-lôm-bi-a (Nam Mỹ),v.v. Khu vực Trung Á và một số nước Cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây cũng tiếp tục mất ổn định, hậu quả của việc Mỹ và phương Tây thực hiện chiến lược “mở rộng dân chủ”, thúc đẩy các cuộc “cách mạng màu sắc”, “cách mạng đường phố”, như  Gru-di-a, U-crai-na, Bê-la-rut, Ca-dắc-xtan, Tuốc-mê-ni-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, A-dec-bai-gian, v.v. Dù thành công hay thất bại, “cách mạng màu sắc”, “mở rộng dân chủ” theo kiểu phương Tây đều dẫn đến tình trạng mất ổn định ở các nước này.
Chủ nghĩa khủng bố là nguy cơ, hiểm hoạ mang tính toàn cầu, là thách thức, đe doạ hàng đầu đối với an ninh của nhiều quốc gia. Năm 2005, hàng ngàn vụ khủng bố đã xảy ra trên thế giới, nhiều nhất vẫn là ở khu vực Trung Đông, Trung á, Nam á, Đông Nam á (In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan). Lớn nhất là các vụ đánh bom khủng bố ở khu nghỉ mát Sam En-sếch (Ai Cập) ngày 23-7-2005, làm hơn 90 người chết, hơn 200 người bị thương. Cũng trong tháng 7-2005, thủ đô Luân Đôn của nước Anh đã rung chuyển bởi liên tiếp xảy ra hai vụ đánh bom liều chết, làm cho 52 thường dân thiệt mạng, 700 người bị thương. Các vụ đánh bom khủng bố ở Gióoc-đa-ni, ở In-đô-nê-xi-a (hồi tháng10) cũng làm hàng trăm người chết và bị thương. Thế lực của chủ nghĩa khủng bố đã hình thành một mạng lưới phân bố rộng rãi khắp nơi và có thể tấn công ở những nơi nào mà chúng muốn. Phạm vi và tính chất của các cuộc tấn công khủng bố được mở rộng, không chỉ giới hạn ở những mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế mà cả mục tiêu dân sự và thường dân vô tội. Đa số các vụ khủng bố vẫn nhằm vào người Mỹ, quyền lợi của Mỹ và các đồng minh, “khách hàng” của Mỹ, can dự vào cuộc can thiệp quân sự ở Trung Đông.
Ngày nay, cả thế giới và mỗi quốc gia đều phải lo toan, đối phó với chủ nghĩa khủng bố. LHQ đã có Nghị quyết chống khủng bố, rất nhiều nước có “Luật chống khủng bố”, tổ chức xây dựng lực lượng chống khủng bố, lập các phương án chống khủng bố trong nước mình và hợp tác quốc tế chống khủng bố. Nhưng hầu như khủng bố vẫn không giảm mà ngày càng gia tăng, cuộc chiến chống khủng bố còn rất cam go, lâu dài. Nguyên nhân của tình trạng này có rất nhiều. Điều cơ bản và trước hết là về nhận thức,  xuất phát từ lập trường, quan điểm và lợi ích khác nhau, các nước chưa có được nhận thức, định nghĩa về khủng bố, về nguyên nhân, động cơ khủng bố một cách đầy đủ, thống nhất để có những phương thức, biện pháp hữu hiệu loại trừ tận gốc rễ chủ nghĩa khủng bố. Việc chống khủng bố một cách phiến diện, nặng về các biện pháp quân sự, thậm chí phát động chiến tranh như Mỹ đã làm ở I-rắc là sai lầm, không có hiệu quả.
Chống khủng bố quốc tế là cuộc đấu tranh lâu dài, cần phải triển khai hợp tác quốc tế một cách toàn diện, đồng bộ với sự chủ đạo của LHQ. Ngoài việc tổ chức, xây dựng, tập hợp lực lượng, xây dựng luật pháp chống khủng bố, các quốc gia cần phải thông qua các chương trình phát triển kinh tế, thiết lập sự công bằng xã hội, xoá bỏ dần áp bức, đói nghèo, bất công, bất bình đẳng dân tộc, tôn giáo, nâng cao trình độ dân trí… để dần dần loại bỏ tận gốc chủ nghĩa khủng bố. Cần nhấn mạnh thêm, chống khủng bố phải đi đôi với chống lợi dụng “chống khủng bố” để thực thi chủ nghĩa bá quyền, mượn cớ “chống khủng bố” để gây chiến tranh, “thúc đẩy dân chủ hoá” để can thiệp nội bộ nước khác, khuấy động “cách mạng màu sắc” gây mất ổn định các quốc gia. Chủ nghĩa bá quyền cũng thực sự là một nguy cơ, thách thức và mối đe doạ đối với hoà bình, ổn định thế giới, an ninh của các quốc gia, dân tộc. Ngoài ra, cũng cần phải chống chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa ly khai thường dùng khủng bố như một phương thức để đạt mục tiêu chính trị.
Hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá, nhất thể hoá khu vực, hợp tác và đấu tranh cho hoà bình và phát triển, cho một trật tự thế giới công bằng, tốt đẹp vẫn là xu thế chủ đạo, là dòng chính của thời đại và có phát triển mới.
Trong thế giới ngày nay, không một quốc gia đơn lẻ nào có thể đối phó hiệu quả với những nguy cơ, thách thức nhiều mặt, ngày càng tăng và mang tính toàn cầu. Để có thêm sức mạnh vượt qua thách thức, để ổn định và phát triển, hầu hết các nước đều hội nhập vào xu thế toàn cầu hoá kinh tế, nhất thể hoá khu vực, hợp tác và đấu tranh cho hoà bình và phát triển, cho một trật tự thế giới công bằng, tốt đẹp. Xu thế này vẫn là chủ đạo, là dòng chính của thời đại và tiếp tục phát triển trong năm 2005.
LHQ là tổ chức quốc tế lớn nhất bao gồm 191 quốc gia thành viên, là diễn đàn mang tính toàn cầu, tiêu biểu cho xu thế toàn cầu hoá, hợp tác và đấu tranh trên phạm vi toàn cầu. Đại hội đồng LHQ khoá 60 tiếp tục thảo luận và quyết định những vấn đề liên quan đến hoà bình, an ninh và sự phát triển của thế giới. Đặc biệt, vấn đề cải tổ LHQ tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong vấn đề này, xu thế hợp tác và đấu tranh cũng diễn ra sôi nổi, diễn biến phức tạp. Đa số các thành viên đòi cải tổ LHQ nói chung, Hội đồng bảo an (HĐBA) nói riêng theo hướng dân chủ hoá, tăng cường tính đại diện cho các châu lục, mở rộng các thành viên thường trực và không thường trực của HĐBA, tăng cường vai trò, sức mạnh, quyền uy và hiệu quả của LHQ để tổ chức quốc tế lớn nhất này thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của mình, góp phần xứng đáng vào việc bảo đảm hoà bình, ổn định và phát triển của thế giới. Những mưu toan hạ thấp vai trò, làm suy yếu, hoặc lợi dụng, thâu tóm LHQ làm công cụ phục vụ cho lợi ích của một thiểu số nào đó là trái với lợi ích của hoà bình, an ninh thế giới, bị dư luận rộng rãi phản đối.
Ngoài xu thế toàn cầu hoá, hợp tác và đấu tranh trên phạm vi toàn cầu thông qua các tổ chức toàn cầu như LHQ, WTO (Tổ chức Thương mại thế giới)..., thì xu thế nhất thể hoá khu vực  cũng tiếp tục phát triển. Năm 2005, hầu hết các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, vùng, tiểu vùng đều hoạt động sôi nổi, hoặc mở rộng quy mô, hoặc củng cố, tăng cường tổ chức hiện có, tăng cường hiệu quả hợp tác, liên kết từng mặt hoặc toàn diện về kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh.
Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC) gồm 21 quốc gia thành viên đã họp Hội nghị cấp cao lần thứ 13 tại Bu-san (Hàn Quốc) trong hai ngày 18 và 19-11-2005 với chủ đề “ Hướng tới một cộng đồng, vượt qua thử thách, làm nên thay đổi”. Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC năm 2006. Trung tuần tháng 12-2005, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã họp Hội nghị cấp cao lần thứ 11 tại Cu-a-la-lăm-pơ (Ma-lai-xi-a) tỏ rõ quuyết tâm xây dựng “Hiến chương ASEAN” (Hiến pháp của ASEAN), dự định hai năm nữa sẽ hoàn thành. Đây là những bước tiến trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, nhất thể hoá khu vực của ASEAN.
Ngày 14-12-2005, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần đầu tiên, khai mạc tại Cu-a-la-lăm-pơ. Hội nghị này bao gồm 16 nước thành viên (10 nước ASEAN làm nòng cốt, và 6 nước khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ấn Độ, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a). Hội nghị đã thảo luận về việc tiến tới xây dựng Cộng đồng Đông Á, thực hiện giấc mơ về một cộng đồng chung của các nước Đông Á nhằm cân bằng ảnh hưởng và lợi ích với Liên minh châu Âu (EU) cũng như khu vực mậu dịch tự do của các nước châu Mỹ.
Các tổ chức khu vực khác ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi Trung Á (SCO -Tổ chức hợp tác Thượng Hải gồm Trung Quốc, Nga và 4 nước Trung Á láng giềng) cũng diễn ra các hội nghị cấp cao và triển khai các hoạt động thực tế theo xu thế vừa hợp tác vừa đấu tranh cho hoà bình và phát triển.
Trong khi các nước lớn hợp tác và đấu tranh, cạnh tranh nhau để thiết lập trật tự thế giới đơn cực hay đa cực, thì tuyệt đại đa số các quốc gia, dân tộc trên thế giới vẫn kiên trì hợp tác và đấu tranh cho một trật tự thế giới công bằng, tốt đẹp, các quốc gia, dân tộc, tôn giáo đều bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, chung sống hoà bình, hợp tác cùng có lợi.  Do vậy, thế giới năm 2005 nhìn chung vẫn là hoà dịu, các lực lượng hoà bình vẫn mạnh hơn các lực lượng chiến tranh, khủng bố. Mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn đạt 4%. Mặc dù gặp nhiều thiên tai và nhiều khó khăn, trở ngại do mặt trái của xu thế toàn cầu hoá gây ra, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2005 vẫn đạt tới 8,4%, mức cao nhất trong gần chục năm nay, tình hình chính trị ổn định, được dư luận thế giới đánh giá là một trong những nơi an toàn nhất thế giới, điểm đến hấp dẫn của khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài. LHQ đánh giá Việt Nam là điển hình trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ.
Các nước tiếp tục điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực và thực lực quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang, chủ động đối phó trước những nguy cơ, thách thức của thời đại.
Xu hướng điều chỉnh chung và cơ bản cũng như năm trước: tăng cường phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước. Trên cơ sở đó, tăng cường xây dựng tiềm lực, thực lực quốc phòng, an ninh, tăng chi phí quốc phòng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang… Trong xây dựng quân đội, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu, tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, nâng cao chất lượng tổng hợp; chú trọng xây dựng không quân, hải quân, lực lượng phản ứng nhanh, lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố; tăng cường nghiên cứu, phát triển lý luận quân sự; tăng cường mua sắm, nghiên cứu chế tạo vũ khí, trang bị công nghệ cao, kết hợp với cải tiến, nâng cấp vũ khí, trang bị hiện có; cải cách công tác giáo dục, đào tạo, tuyển quân, diễn tập, huấn luyện sát với thực chiến, đặc biệt với yêu cầu chiến tranh công nghệ cao, yêu cầu chống khủng bố, chống "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ...
Trong xu thế điều chỉnh chung đó, mỗi nước có những ưu tiên, trọng điểm điều chỉnh khác nhau, tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh, vị thế, lợi ích, mục tiêu chiến lược của mình. Chẳng hạn, Mỹ là nước siêu cường, có mục tiêu chiến lược toàn cầu làm bá chủ thế giới, không để cho nước nào thách thức được địa vị siêu cường của mình, năm 2005, chi phí quân sự của Mỹ lên tới 422 tỷ USD, bằng tổng chi phí quân sự của tất cả các nước lớn còn lại. Ngày18-3-2005, Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức công bố báo cáo "Chiến lược quốc phòng Mỹ" năm 2005. Bản báo cáo này được hình thành trên cơ sở tổng kết những bài học kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh áp-ga-ni-xtan, chiến tranh I-rắc và các hành động quân sự khác để đưa ra yêu cầu quân đội Mỹ cần đẩy nhanh chuyển đổi quân sự nhằm thích ứng với tình hình mới. Bản báo cáo nêu 4 đặc điểm: một là, tư tưởng xây dựng quốc phòng dựa trên khả năng Mỹ áp dụng hành động "đánh đòn phủ đầu" ngày càng rõ rệt. Hai là, phạm vi tác chiến của quân Mỹ sẽ được mở rộng chưa từng có. Ba là, Mỹ chú trọng hơn tới vị trí, vai trò của các nước liên minh, lôi kéo họ phục vụ cho mục tiêu của Mỹ. Bốn là, Mỹ tiếp tục thực hiện quy hoạch điều chỉnh, bố trí lực lượng quân sự trên phạm vi toàn cầu... Chiến lược quốc phòng mới này của Mỹ sẽ có tác động, ảnh hưởng đến cục diện chiến lược, tình hình quân sự - chính trị trên phạm vi toàn cầu...
Năm 2006, chắc chắn những nguy cơ, thách thức, mối đe doạ đối với hoà bình, ổn định của thế giới, an ninh của các quốc gia, dân tộc, như nguy cơ chiến tranh, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa bá quyền, những mưu toan can thiệp, lật đổ bằng "diễn biến hoà bình", "cách mạng màu sắc" dưới các chiêu bài "dân chủ', "nhân quyền",v.v., vẫn tồn tại và phát triển. Nhưng hợp tác và đấu tranh, hoà bình và phát triển vẫn là dòng chính của thời đại. Các quốc gia sẽ tiếp tục có những đối sách cần thiết về quốc phòng, an ninh để ổn định và phát triển không ngừng.
 
Nguyễn Trung
 
1- Ngày 28-11-2005, nhà khoa học hàng đầu của Anh là Rô-bớt May cùng nhiều nhà khoa học khác, đã lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng của hiện tượng ô nhiễm môi trường toàn cầu là mối đe doạ đối với nền văn minh nhân loại. Đặc biệt các chất thải gây “hiệu ứng nhà kính” làm biến đổi khí hậu toàn cầu, gây nên những thiên tai  khủng khiếp. Đáng tiếc là Mỹ, quốc gia thải ra tới 40% chất khí gây “hiệu ứng nhà kính” thì  vẫn không chịu ký kết Nghị định thư Ki-ô-tô để giảm thiểu các chất thải này, với lý do điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế Mỹ.
2- Trích báo cáo "Chiến lược quốc phòng Mỹ" năm 2005, ngày 18-3-2005 của Bộ Quốc phòng Mỹ.
 

Ý kiến bạn đọc (0)