QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:52 (GMT+7)
Thế giới \\"hậu Cô-xô-vô\\" và vấn đề an ninh quốc tế

Sau gần một năm kể từ khi chính quyền tự phong của tỉnh Cô-xô-vô, thuộc Xéc-bi-a đơn phương tuyên bố độc lập (2-2008), hiệu ứng của nó đã gây những tác động tiêu cực đến an ninh, ổn định ở khu vực Ban-căng và trên thế giới.

Theo các nhà phân tích quốc tế, gần một năm qua, phương Tây đã biến Cô-xô-vô thành một vùng đất lệ thuộc và bất ổn định. Một điều tra được công bố mới đây cho biết, tình hình kinh tế, xã hội ở Cô-xô-vô rất ảm đạm, tỷ lệ người thất nghiệp tăng cao, chiếm tới hơn 57% dân số; trong đó, tỷ lệ người thất nghiệp ở độ tuổi lao động chiếm tới hơn 70%; buôn bán ma-túy và nhiều hoạt động "ngầm" khác là nguồn thu tài chính chủ yếu của Cô-xô-vô. Đây cũng là nơi cung cấp tới gần 90% lượng hê-rô-in cho châu Âu. Nhiều người đã gọi Cô-xô-vô là "Si-xin" ở khu vực Ban- căng. Cùng với đó, việc công nhận độc lập của Cô-xô-vô, hậu thuẫn cho Tổng thống tự phong Ha-xim Tha-xi - vốn là thủ lĩnh của các nhóm Hồi giáo cực đoan người gốc An-ba-ni - phương Tây đã khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Xéc-bi-a và Cô-xô-vô, giữa tộc người Xéc-bi-a và người gốc An-ba-ni ở Cô-xô-vô và ở nhiều nước khác thuộc khu vực Ban-căng, như ở Xlô-vê-ni-a, Crô-a-ti-a, Mác-xê-đô-ni-a… Phản ứng trước việc đơn phương tuyên bố độc lập của Cô-xô-vô, các nhà lãnh đạo Xéc-bi-a đã tuyên bố không công nhận nền độc lập của Cô-xô-vô, kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, trong đó bao gồm cả Cô-xô-vô- vốn là biểu tượng văn hóa của người Xéc-bi-a. Còn ở Cô-xô-vô, nhiều tổ chức vũ trang người Xéc-bi-a đã kêu gọi liên kết với nhau, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang nhằm thành lập nhà nước riêng tách khỏi Cô-xô-vô. Việc Cô-xô-vô tuyên bố độc lập cũng làm chính phủ nhiều nước ở khu vực Ban-căng hết sức lo ngại, bởi nó có thể là liều thuốc kích động chủ nghĩa dân tộc ở nước họ, nhất là các nhóm vũ trang người gốc An-ba-ni và người gốc Xéc-bi-a tiến hành các hành động ly khai cực đoan, đòi độc lập, nhằm thực hiện cái mà họ gọi là "ý nguyện dân tộc thiêng liêng",  xây dựng nhà nước "Đại An-ba-ni", "Đại Xéc-bi-a"…

"Bóng đen" của chủ nghĩa ly khai cực đoan đang hiện hữu, có nguy cơ đẩy Ban-căng vào tình trạng xung đột, mất ổn định, đe dọa đến an ninh, ổn định ở khu vực này và trên thế giới. Phân tích về chiến lược của phương Tây đối với Cô-xô-vô, nhiều chính khách cho rằng, đây thực chất là chính sách thực dân kiểu mới của phương Tây, hoàn toàn không xuất phát từ lợi ích chính đáng của các dân tộc ở các nước sở tại, mà chỉ lợi dụng vấn đề "độc lập" của Cô-xô-vô để kích động chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan, gây mất ổn định, lấy đó làm con bài phục vụ cho mưu đồ bá chủ khu vực Ban-căng và thế giới. Do đó, nền độc lập của Cô-xô-vô thực chất là "nền hòa bình giả tạo", chỉ làm cho tình hình ở đây thêm phức tạp, mất ổn định. Họ cũng cảnh báo, chiến lược đó cũng đang tạo "nghịch lý" cho cái mà phương Tây gọi là "cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu". Phương Tây một mặt kêu gọi tiến hành chiến tranh "chống khủng bố"; mặt khác, để thực hiện mưu đồ chiến lược, lại dung túng, nuôi dưỡng, kích động chủ nghĩa ly khai cực đoan, chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo…, làm cho những việc làm đó lại trở thành nguồn gốc của chủ nghĩa khủng bố. Đây là "vòng luẩn quẩn" trong cuộc chiến chống khủng bố của phương Tây. Việc làm đó, trước mắt có thể đạt được một số mục tiêu nhất  thời, nhưng về lâu dài sẽ phản tác dụng, vì đó là "lấy gậy ông đập lưng ông". Chuyên gia của nhiều nước còn khẳng định, với cách làm như vậy, trong tương lai không xa, phương Tây sẽ phải bổ sung vào danh sách chống khủng bố của mình những nhóm khủng bố mới ở Ban-căng; trong số đó, có thể gồm cả những nhóm Hồi giáo cực đoan người gốc An-ba-ni ở Cô-xô-vô, mà phương Tây đã từng hậu thuẫn. Trong lịch sử, trùm khủng bố Al Qaeda Bin La-đen cũng đã từng được Mỹ và một số nước phương Tây trợ giúp, coi là "đồng minh" trong cái mà họ gọi là cuộc chiến chống "Xô-viết xâm lược" ở áp-ga-ni-xtan (thập niên 80 thế kỷ XX). 

Một hiệu ứng từ "Cô-xô-vô độc lập" khiến dư luận hết sức lo ngại là nó trở thành một nguyên do đẩy cục diện tranh giành địa- chiến lược giữa các cường quốc, nhất là giữa Mỹ và Nga, ở khu vực Ban-căng và trên thế giới ngày càng gay gắt, phức tạp. Giới phân tích quốc tế cho rằng, tách Cô-xô-vô khỏi Xéc-bi-a là một phần quan trọng trong chính sách bao vây, ngăn chặn, kiềm chế Nga của Mỹ và phương Tây. Chính sách đó thực chất là sự tiếp nối "chính sách ngăn chặn" thời kỳ "chiến tranh lạnh" mà Mỹ và phương Tây đã sử dụng đối với Nga, được cụ thể hóa bằng việc NATO kết nạp các nước Đông Âu, các nước Ban-tích thuộc không gian "hậu Xô-viết"; thông qua đó, mở rộng biên giới NATO tiến sát tới biên giới nước Nga; từng bước loại bỏ ảnh hưởng của Nga ở các khu vực mà Nga vốn vẫn coi là "sân nhà"; lấy "dân chủ" để can thiệp công việc nội bộ của Nga… Các việc đó nhằm thực hiện mục tiêu làm suy yếu nước Nga, biến Nga thành "công dân hạng 2" phụ thuộc vào phương Tây. Nó cũng được thực hiện dưới chiêu bài "chống khủng bố" để Mỹ triển khai bố trí các căn cứ quân sự ở nhiều nước Trung á, Trung Đông; mới đây, là triển khai hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD) ở Ba Lan và Cộng hòa Séc…, hình thành thế trận bao vây, kiềm chế quân sự đối với Nga. Tại Cô-xô-vô, Mỹ cũng đã xây dựng căn cứ quân sự Camp Bondsteed là một trong những căn cứ quân sự hiện đại hàng đầu thế giới. Từ đây, Mỹ sẽ nâng cao đáng kể khả năng khống chế về quân sự đối với châu âu, mà trực tiếp là phần phía Tây của Nga. Trước việc phương Tây ngày càng gia tăng sức ép quân sự, hậu thuẫn cho Cô-xô-vô độc lập, hòng loại bỏ ảnh hưởng của Nga ở khu vực Ban-căng, Tổng thống Nga khi đó là V. Pu-tin đã nghiêm khắc cảnh cáo phương Tây rằng, việc phương Tây phớt lờ luật pháp quốc tế, công nhận nền độc lập của Cô-xô-vô là "sai lầm nghiêm trọng", sẽ gây những hậu quả khôn lường đối với an ninh ở Ban-căng và trên thế giới. Ông cũng vạch rõ, những việc làm của phương Tây đối với Nga thời gian qua, nhất là ở Cô-xô-vô, chứng tỏ phương Tây vẫn không thay đổi chính sách kiềm chế, ngăn chặn Nga; điều đó "thách thức nghiêm trọng" đất nước Nga, buộc Nga phải có những hành động đáp trả thích đáng để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia ở những khu vực có quan hệ truyền thống. Với tuyên bố cứng rắn này, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã cảnh báo với phương Tây về một "giới hạn đỏ" mà phương Tây phải tính tới trong quan hệ với Nga. Điều đó cũng lý giải vì sao Nga có phản ứng quyết liệt trước mưu đồ của Mỹ và phương Tây hòng thu nạp Gru-di-a vào NATO. Vừa qua, Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự  đánh bại cuộc đột kích của Gru-di-a vào Nam Ô-xê-ti-a (vùng lãnh thổ đang đòi ly khai của Gru-di-a); tiếp đó, tuyên bố công nhận nền độc lập của Nam Ô-xê-ti-a và áp-kha-di-a, làm cho quan hệ giữa Nga và NATO, đặc biệt là quan hệ với Mỹ, hết sức căng thẳng. Hai nước đang có những hành động mà nhiều nhà phân tích cho là "ăn miếng trả miếng". Để trả đũa chiến dịch quân sự của Nga ở Gru-di-a, Mỹ kêu gọi NATO thành lập mặt trận chống Nga, đe dọa loại Nga ra khỏi tổ chức G.8, ngăn cản Nga gia nhập WTO. Mượn danh chuyển hàng cứu trợ cho Gru-di-a, Mỹ và một số nước NATO đưa nhiều tầu chiến đấu hiện đại đến biển Đen; ký thỏa thuận triển khai tên lửa đánh chặn ở Ba Lan, đẩy nhanh tốc độ triển khai NMD ở Đông Âu để gây sức ép với Nga. Mát-xcơ-va cũng đáp trả bằng việc tuyên bố ngừng quan hệ quân sự với NATO, xem xét lại các thỏa thuận quân sự đã ký với Mỹ; đưa máy bay chiến lược, tầu chiến đấu đến tập trận chung với Vê-nê-du-ê-la ở vùng biển Ca-ri-bê, vốn được coi là "sân sau" của Mỹ. Nga cũng tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa chiến lược Tô-pôn M, tên lửa Ba-lu-va phóng từ tầu ngầm có khả năng "chọc thủng" bất cứ hệ thống NMD hiện có nào trên thế giới. Vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố nêu rõ, Nga không chấp nhận phía Mỹ nói và hành động thay cho thế giới. Nga cũng ký với Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a hiệp ước an ninh, cam kết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của hai vùng đất này. Việc làm này của Nga làm cho quan hệ Nga với phương Tây càng thêm căng thẳng.

Phương Tây đã biến Cô-xô-vô thành "sân khấu" của các nước lớn, nhưng nó cũng làm cho mâu thuẫn giữa Mỹ và EU, mâu thuẫn nội bộ EU càng gay gắt. Gần một năm trôi qua, việc công nhận nền độc lập của Cô-xô-vô vẫn là vấn đề nổi cộm, gây chia rẽ trong nội bộ EU. Trong khi một số nước EU ngay lập tức công nhận nền độc lập của Cô-xô-vô thì nhiều thành viên khác vẫn giữ lập trường trung dung, coi việc công nhận độc lập của Cô-xô-vô là "quá sớm", là "chưa cần thiết". Chính khách một số nước EU còn chỉ rõ, mưu đồ của Mỹ muốn thông qua việc độc lập của Cô-xô-vô nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Nga ở đây, nhưng cũng gián tiếp làm chậm tiến trình "nhất thể hóa" của EU -  trung tâm quyền lực mà Mỹ lo ngại có thể thách thức vị thế bá chủ của Mỹ. Và rằng, việc EU công nhận nền độc lập của Cô-xô-vô sẽ đẩy quan hệ EU với Nga xấu đi, điều đó có thể gây "hiệu ứng ngược" không có lợi cho EU, nhất là Nga hiện đang là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng của EU. Mới đây, Thủ tướng I-ta-li-a đã thẳng thừng phản đối ý đồ của Mỹ lôi kéo NATO thành lập mặt trận chống Nga, cho rằng việc làm đó là "sai lầm chiến lược". Nhiều chuyên gia cho rằng, hành động quân sự của Nga đối với Gru-di-a ở Nam Ô-xê-ti-a vừa qua là hệ quả trực tiếp của sự kiện "Cô-xô-vô tuyên bố độc lập", đánh dấu sự kết thúc của cục diện thế giới đơn cực do Mỹ chi phối, mở đầu cục diện thế giới đa cực mà trong đó, Mỹ và nhiều trung tâm quyền lực khác quan hệ với nhau theo kiểu vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, để tranh giành ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích quốc gia. Đây cũng là đặc trưng nổi bật trong quan hệ quốc tế thời kỳ "hậu Cô-xô-vô".

Việc các nhà lãnh đạo Cô-xô-vô đơn phương tuyên bố độc lập là hành động ly khai cực đoan, vi phạm trắng trợn Nghị quyết 1244 (năm 1999) của Liên hợp quốc (LHQ), mà theo đó, LHQ khẳng định nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nam Tư - nay là Xéc-bi-a; tạo ra một tiền lệ nguy hiểm đối với công pháp quốc tế và an ninh thế giới. Phải thấy rằng, ngay từ năm 1999, Mỹ và NATO cũng đã "qua mặt" LHQ để tiến hành chiến dịch quân sự mà họ gọi là "nhân đạo", nhằm bảo vệ những người Cô-xô-vô gốc An-ba-ni, khiến cho dư luận khu vực và thế giới hết sức bất bình. Tiếp đó, năm 2003, bất chấp sự phản đối của LHQ, Mỹ, Anh cũng đã đơn phương tiến hành cái gọi là "cuộc chiến chống khủng bố", lật đổ chính quyền của Tổng thống I-rắc Xa-đam Hút-xen. Thời gian đó, Mỹ cũng công khai chủ trương thay thế LHQ bằng NATO, vì cho rằng, LHQ không còn tác dụng trong thời kỳ "hậu chiến tranh lạnh"… Hậu quả của những việc làm trên của Mỹ là đến nay Mỹ vẫn đang "sa lầy" ở I-rắc, ở áp-ga-ni-xtan và nhiều vấn đề quốc tế khác… Điều đó càng khẳng định một thực tế là, trong hệ thống quốc tế đương đại, LHQ vẫn là tổ chức quốc tế có vai trò mà không một tổ chức nào khác có thể thay thế được trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách đặt ra là LHQ phải có những cải tổ toàn diện để phù hợp với tình hình thế giới mới.

Là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam khẳng định lại lập trường tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ; yêu cầu các bên liên quan trong các cuộc tranh chấp, xung đột, hành động kiềm chế, giải quyết vấn đề qua đối thoại hòa bình. Việt Nam phản đối việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để can thiệp vào nước khác, kích động chủ nghĩa ly khai, nhằm thực hiện những toan tính riêng. Đó là việc làm không phù hợp với thực tế đa dân tộc, đa tôn giáo của các nước, đi ngược trào lưu hòa bình, hợp tác và phát triển của thời đại. Việt Nam cũng khẳng định đã và sẽ làm hết trách nhiệm, tích cực đóng góp những đề xuất, ý kiến để cải tổ LHQ, nhất là để nâng cao tính đại diện, tính dân chủ cho Hội đồng Bảo an LHQ, để cơ quan quyền lực hàng đầu này có thể phát huy vai trò của mình trong việc đảm bảo an ninh và hòa bình của thế giới.

Minh Đức

 

Ý kiến bạn đọc (0)