QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 21:57 (GMT+7)
Thành tựu xóa đói, giảm nghèo - một điểm sáng trong bảo đảm quyền con người ở Việt Nam

Trong các quyền con người, quyền được sống, được tự do, được mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản nhất. Đảm bảo cuộc sống cho con người và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống mọi mặt là thể hiện sự quan tâm đến con người một cách cụ thể và thiết thực nhất. Thành tựu xóa đói, giảm nghèo ở nước ta trong suốt quá trình cách mạng, đặc biệt là trong những năm đổi mới vừa qua, đã thể hiện sinh động không chỉ về mục tiêu tốt đẹp của xã hội chúng ta đang xây dựng, mà còn là một minh chứng hùng hồn về sự bảo đảm quyền con người của Đảng và Nhà nước ta.

 Đảm bảo nhân quyền phụ thuộc trước hết vào quan điểm của giai cấp cầm quyền, vào tính chất chế độ xã hội và trình độ phát triển của đất nước đó. Không phải cứ giầu có là quyền con người được tôn trọng và mọi vấn đề về nhân quyền ở đấy trở thành mẫu mực mà thế giới phải noi theo. Ngược lại, nếu có quan điểm đúng đắn, chế độ xã hội tốt đẹp, thì dù kinh tế còn chậm phát triển, quyền con người ở đó vẫn được đề cao và ngày càng được bảo đảm, vấn đề nhân quyền được giải quyết tốt hơn.
Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn có quan điểm đúng đắn về nhân quyền và hết sức chăm lo, bảo đảm các quyền của người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “...nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng không nghĩa lý gì”. Trong Cương lĩnh 1991, Đảng ta cũng xác định: “phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội. Chính sách xã hội bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất”. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong hơn 20 năm qua cũng được dẫn dắt bởi tư tưởng nhất quán đó. Nền kinh tế của đất nước liên tục tăng tưởng với tốc độ cao, đã cho phép Đảng và Nhà nước ta có nhiều điều kiện cải thiện đời sống của nhân dân. Nhà nước ta đã sử dụng thành tựu tăng trưởng kinh tế cao như một công cụ để hỗ trợ cho những người nghèo gia tăng thu nhập, phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn - nơi phần lớn người nghèo đang sinh sống. Vì vậy, ở một đất nước còn chậm phát triển như Việt Nam, xóa đói, giảm nghèo được xác định là một biện pháp quan trọng nhất để đạt được mục tiêu công bằng xã hội. Đó là một điểm sáng trong bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam.
Theo Báo cáo của các nhà tài trợ "Phát triển Việt Nam năm 2004”, Việt Nam đã đạt được "những thành tựu đáng kể" trong xóa đói, giảm nghèo. Từ cuối thập niên 80 (thế kỷ XX), Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong giảm nhanh tỉ lệ nghèo khổ ở cả thành thị và nông thôn. Tỉ lệ người nghèo đã giảm từ trên 70% vào cuối thập niên 80 xuống dưới 10% vào năm 2005. Điều đó có nghĩa là hàng triệu người dân Việt Nam đã thoát khỏi cảnh nghèo khổ và được đảm bảo tốt về nhân quyền trong gần 2 thập kỷ qua. Vấn đề này, được thể hiện trên các mặt chủ yếu sau:
Trên phương diện chăm lo và bảo đảm cho người dân có "cái ăn", "cái mặc "- nhu cầu cơ bản và thiết yếu nhất của con người. Tại Hội nghị Liên hợp quốc ngày 11-11-2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015). Trong giai đoạn 1993 - 2004, Việt Nam đã giảm được 60% tỉ lệ nghèo khổ. Sản xuất của người dân vượt qua tình trạng tự cung, tự cấp, bước vào sản xuất hàng hóa. Tỉ lệ các sản phẩm của họ bán ra thị trường trong tổng sản lượng sản xuất của mỗi hộ gia đình đã tăng từ 40% năm 1993 lên 70% năm 2002. Khi sản xuất có xu hướng gia tăng, việc hướng về thị trường của các hộ gia đình đã góp phần cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng cho người dân. Giảm nghèo ở Việt Nam phản ánh cả trên bình diện gia tăng chi tiêu đầu người trong hộ gia đình và tăng thu nhập đầu người nhờ có thành tựu của công cuộc đổi mới. Những số liệu điều tra trong giai đoạn 1993 - 1998 cho thấy, chi tiêu bình quân đầu người trong hộ gia đình tăng 41%, chứng tỏ có một sự cải thiện đáng kể mức sống của người dân nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt từ 7% - 8%, một tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều so với tỉ lệ tăng dân số (1,6%/năm), dẫn đến tăng thu nhập bình quân đầu người khoảng 5,6%/năm. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng nhanh từ 98 USD năm 1990 lên 729 USD năm 2006, tức là tăng cao gấp hơn 7 lần trong khoảng thời gian đó. Nhờ vậy, người dân Việt Nam hiện nay không chỉ mặc lành, mặc ấm mà còn mặc đẹp; không chỉ ăn no mà ngày càng ăn ngon hơn; đây là một thực tế không gì có thể xuyên tạc được. Từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã giải quyết được những vấn đề trên, chứng tỏ, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền, trước hết là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Trên phương diện chăm lo cho người dân có chỗ ở và điều kiện đi lại ngày càng tốt hơn. Nhờ thành tựu của công cuộc đổi mới, trong giai đoạn 1993 - 2004, trên cả nước đã xây dựng được 400.000 căn hộ mới cho người nghèo, xóa bỏ tất cả những căn nhà tạm ở 2.000 thôn, xóm. Đến đầu năm 2003, hầu hết các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có đường giao thông từ tỉnh đến huyện, xã. Đường ô tô đã đến được trung tâm 97,42% số xã trong cả nước; 100% thị xã, tỉnh lỵ, 98% số huyện. 64% số xã có điện lưới, trên 60% số xã có điện thoại. Việc đi lại và đảm bảo các phương tiện thông tin của người dân ngày càng được tốt hơn. Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống bưu chính - viễn thông đã làm cho mọi người dân Việt Nam dù ở nơi nào trên đất nước, cũng đều có thể trao đổi, nói chuyện trực tiếp với nhau một cách nhanh chóng, thuận tiện. Người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được bình đẳng về các điều kiện sống như người dân miền xuôi. Mọi người đều được tôn trọng, chăm lo và bảo đảm các điều kiện sống như nhau.
Trong chăm lo y tế, bảo đảm sức khỏe. Ngành y tế và công tác chăm sóc sức khỏe đã đạt được những kết quả to lớn, nhờ tăng trưởng kinh tế cao. Việc cung cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo đã cho phép họ tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, với chi phí thấp và việc cải thiện hệ thống phân phối, thông qua quỹ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đã đem lại những tác động tích cực cho họ. Trong giai đoạn 1993 - 1994, Việt Nam đã tạo điều kiện chăm sóc sức khoẻ miễn phí cho 88% người nghèo. Những năm gần đây, việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp mở rộng phạm vi tiếp cận tín dụng cho người nghèo. Với những nỗ lực trên, bệnh tật đã được kiểm soát trên diện rộng; hiện nay tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng từ 50 tuổi trong thập kỷ 60 (thế kỷ XX) lên gần 71 tuổi... Thành tựu này cho thấy Việt Nam đã quan tâm đến y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung, người nghèo nói riêng tốt hơn một số nước có cùng trình độ phát triển và một số nước có trình độ phát triển hơn. Bởi vậy, Tạp chí Economist xuất bản tại Luân Đôn đã ca ngợi: “Mặc dù Việt Nam vẫn còn là một trong những nước nghèo ở châu á, nhưng sự phát triển của Việt Nam mang tính “nhân bản” cao bởi số người thoát khỏi đói nghèo cao gấp đôi mức trung bình trong khu vực”. Nói cách khác, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam đã hết sức chú trọng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. Trong khi đó, Mỹ là nước giàu nhất thế giới, nhưng lại là nước có rất nhiều người phải sống trong cảnh nghèo cùng cực. Các số liệu cho thấy, số người cực nghèo ở Mỹ hiện nay cao nhất trong 3 thập kỷ gần đây. Thậm chí khi nền kinh tế Mỹ đã được phục hồi sau suy thoái, từ năm 2000 đến năm 2005, số người nghèo ở Mỹ vẫn tăng khoảng 26%. Hiện ở Mỹ có khoảng 60 triệu người nghèo.
Trên phương diện chăm lo đến nhu cầu được học tập của người dân. Một trong những tiến bộ đáng kể nhất ở Việt Nam là mở rộng giáo dục, đào tạo, trong đó người nghèo chỉ phải chi trả 1/7 chi phí giáo dục. Trong giai đoạn 1993 - 2004, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học cho số trẻ em trong độ tuổi và đạt 50% phổ cập giáo dục trung học cơ sở cho mọi người dân. Hiện nay, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số có 128 người đạt trình độ trên đại học; 11.471 người có trình độ đại học, cao đẳng; 72.642 người có trình độ trung học chuyên nghiệp; 60.000 công nhân kỹ thuật. Điều quan trọng là đội ngũ này đang đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ từ cơ sở đến Trung ương. Trình độ của đại biểu là người dân tộc thiểu số trong Quốc hội khoá XII cũng cao hơn trước, với 12 đại biểu có trình độ trên đại học, 71 đại biểu có trình độ đại học, cao đẳng. Những năm gần đây, cùng với việc gia tăng thu nhập cho người dân, đầu tư cho giáo dục mang tính xã hội hóa hơn, có sự đóng góp lớn hơn từ người dân, trong khi đó ngân sách của Nhà nước dành cho giáo dục vẫn tiếp tục được tăng lên, phản ánh tư tưởng nhất quán của Đảng và Nhà nước ta coi phát triển giáo dục - đào tạo là một quốc sách hàng đầu; quốc sách vì mục tiêu nâng cao dân trí cho người dân, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Kinh tế phát triển, nghèo đói bị đẩy lùi, dân trí được nâng cao đã tạo điều kiện để người dân tham gia ngày càng tích cực hơn vào các hoạt động chính trị - xã hội. Người ta khó có thể hăng hái tham gia hoạt động chính trị - xã hội khi mà hằng ngày phải đối mặt với “cái ăn”, “cái mặc” và trình độ văn hóa thấp kém. Thực tế cho thấy, nhờ thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo và phát triển giáo dục mà người dân Việt Nam (kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số) tham gia các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng tăng. Trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ tương đương với tỉ lệ dân số của họ và thường có đủ đại biểu của hầu hết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trong các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp cũng có tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số như vậy. Trong số 450 đại biểu Quốc hội khóa X có 78 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,3%, nâng số dân tộc có đại biểu Quốc hội lên 34/54. Trong Quốc hội khóa XI, có 86 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,26%.  Quốc hội khóa XII hiện nay, số đại biểu là người dân tộc thiểu số là 87 trên tổng số 493 đại biểu chiếm 17,65%. Đáng chú ý, có 40/87 đại biểu người dân tộc thiểu số là nữ. Trong Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1999 - 2004, tỉ lệ đại biểu là người các dân tộc thiểu số ở cấp tỉnh là 14%, cấp huyện 17% và cấp xã 19%. Điều đó chứng tỏ các quyền của người dân Việt Nam đã phát triển toàn diện; nói cách khác, nhân quyền được đề cao và tôn trọng. Đó là một thực tế không thể bác bỏ!
Những thành tựu cơ bản trong xóa đói, giảm nghèo trên đây cho thấy, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến bảo đảm các quyền của người dân; điều đó, được chính người Mỹ thừa nhận. Ông Steven Krysiak ở bang California đã gửi cho Thông tấn xã Việt Nam tại Washington bức thư mà ông đã gửi cho nữ Hạ nghị sĩ Zoe Lofgren, người đồng bảo trợ “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2004”, trong đó ông viết: “Tôi đã tới Việt Nam từ năm 1992. Tôi đã thấy những thiệt thòi mà người dân Việt Nam phải gánh chịu, do hậu quả của chính sách cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên, mỗi lần tới Việt Nam tôi lại thấy mức sống của người dân nơi đây được cải thiện hơn" (tác giả bài viết này nhấn mạnh). Ngay ông Phó đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Johnatha Alois, cũng khẳng định, Chính phủ Hoa Kỳ đánh giá cao những thành tựu phát triển to lớn của Việt Nam, đặc biệt là thành quả xoá đói, giảm nghèo. Điều đó giải thích tại sao kết quả khảo sát của Viện Gallup quốc tế tại 53 nước trên thế giới về mức độ lạc quan của người dân trong năm 2007 đã cho thấy: người Việt Nam lạc quan nhất thế giới. Chính các quyền của người dân được đảm bảo ngày càng tốt hơn, lòng dân đồng thuận cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng xã hội mới, đã tạo cho Việt Nam một môi trường đầu tư thuận lợi, như đánh giá của các tổ chức thế giới là ổn định nhất toàn cầu.
Bên cạnh những thành tựu chủ yếu trên, cũng cần thẳng thắn thấy rằng, mặc dù phần lớn người dân Việt Nam không còn phải sống dưới mức nhu cầu tối thiểu về lương thực, quần áo, nhà ở..., nhưng do các đặc điểm kinh tế, lịch sử cụ thể của đất nước, đời sống của nhân dân ta hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Cho nên, ngay cả khi Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong xóa đói, giảm nghèo, vẫn cần phải có những nỗ lực hơn nữa nhằm tiếp tục đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo để hoàn thành những mục tiêu đã cam kết, xây dựng một xã hội giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh như Đảng, Nhà nước ta đã đề ra.
Xóa đói, giảm nghèo là một thành tựu lớn của Việt Nam, được thế giới thừa nhận; đó cũng là một điểm sáng về bảo đảm nhân quyền của Việt Nam! Chăm lo đến các quyền của con người, từ các quyền tối thiểu ăn, mặc, ở, đến các quyền phát triển hơn về chất, là sức khỏe và giáo dục, đào tạo, đặc biệt là tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội, càng khẳng định những thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền, trong điều kiện đất nước vẫn còn nghèo, kinh tế chậm phát triển.
PGS, TS. Đỗ Đức Định
và TS. Nguyễn Văn Bảy
 

Ý kiến bạn đọc (0)