QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 23:58 (GMT+7)
Thành tựu và những vấn đề đặt ra đối với công tác tôn giáo trong sự nghiệp đổi mới
Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng, bắt đầu từ Đại hội VI đến nay đã hơn hai thập kỷ. Nhìn lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước trên mọi lĩnh vực, không thể không nói đến thắng lợi của sự đổi mới tư duy, đường lối và chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.

Có thể thấy, một thời gian dài, kể cả sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, trong hệ thống XHCN, quan điểm “tả” khuynh về tôn giáo vẫn còn tồn tại; thường nhấn mạnh sự khác biệt cơ bản giữa tôn giáo với CNXH; tập trung chủ yếu vào sự đối lập về hệ tư tưởng; xem xét bản chất tôn giáo một cách thiên lệch, bằng cách cắt xén phiến diện mệnh đề của C.Mác: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. ở nước ta, vào thời kỳ đó, ảnh hưởng của quan điểm trên cũng khá nặng nề, ít nhiều hạn chế việc thực hiện đường lối, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. 

Đáng mừng là, ngày 16-10-1990, Bộ Chính trị khóa VI đã ra Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”, đánh dấu mốc mở đầu cho bước ngoặt phát triển nhận thức về tôn giáo. Nghị quyết này đề ra hai luận điểm mang tính đột phá, khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chế độ mới. Tiếp đó, Đảng ta còn ra nhiều văn kiện khác thể hiện sự đổi mới tư duy về tôn giáo, đặc biệt là Chỉ thị 37-CT/TW ngày 2-7-1998 của Bộ Chính trị “Về công tác tôn giáo trong tình hình mới” và Nghị quyết số 25 –NQ/TW ngày 12-3-2004 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7, khóa IX “Về công tác tôn giáo”. Gần đây nhất, Đại hội X của Đảng còn khẳng định : “Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc”. Điều đó cho thấy, tôn giáo ở nước ta không chỉ được xem là một “thực tại xã hội”, mà còn là một lực lượng xã hội quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, của dân tộc.
Từ tinh thần đổi mới tư duy về tôn giáo, hàng loạt các chính sách về tôn giáo đã lần lượt ra đời. Có thể nói, chúng ta đã có những bước tiến vững chắc trong việc thể chế hóa các quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Tiếp theo những đạo luật và văn bản pháp quy về vấn đề tôn giáo đã được Nhà nước ta ban hành trong thời kỳ trước, ngày 21-3-1991, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra “Quy định về các hoạt động tôn giáo”; tiếp đó, năm 1993, Chính phủ ra Nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo: Ban Tôn giáo Chính phủ. Sau đó là nhiều văn bản khác rất quan trọng: Nghị định số 26/CP của Chính phủ “Về các hoạt động tôn giáo”; Quyết định số 125/2003 ngày 18-6-2003 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa IX “Về công tác tôn giáo”. Đặc biệt, tháng 7-2004, việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; tháng 2-2007, Ban Tôn giáo Chính phủ cho công bố Sách trắng “Tôn giáo và Chính sách tôn giáo ở Việt Nam” là những sự kiện quan trọng, được dư luận rộng rãi trong nước và quốc tế hết sức quan tâm. Căn cứ vào Pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành “Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo”; trong đó, công tác tôn giáo được coi là công tác vận động quần chúng (thuộc phạm trù công tác dân vận), với luận điểm quan trọng: “Thực chất công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”.
Quan điểm đổi mới và những chủ trương, chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước ta về tôn giáo và công tác tôn giáo đã đem lại hiệu quả tích cực. Xét ở tầm vĩ mô, những năm gần đây, mối quan hệ giữa Nhà nước và các tôn giáo (Giáo hội, Hội thánh, Ban Trị sự, Hội đồng Giáo xứ,...) ngày càng được cải thiện. Điều này phù hợp với đời sống tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh đất nước phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới; vì thế, được đông đảo đồng bào có đạo và không có đạo hoan nghênh và bước đầu được thế giới nhìn nhận theo hướng tích cực. Trên cả 3 khâu: theo đạo, hành đạo và quản đạo đều đã được thể chế hóa và cơ bản phù hợp với thực tiễn. Đáng chú ý, mối quan hệ giữa “hoạt động tôn giáo” và “công tác tôn giáo” cũng được giải quyết tốt hơn. Mối quan hệ này vốn không hề đơn giản, vì các “hoạt động tôn giáo” là lợi ích sống còn của các chủ thể tôn giáo, còn “công tác tôn giáo” lại là vấn đề thuộc phạm trù quản lý nhà nước. ở đây, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như các quan điểm của Đảng ta nhấn mạnh các điểm tương đồng, tính tích cực và đồng thuận xã hội hướng tới mục tiêu “Giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Về mặt vi mô, có thể thấy, tôn giáo ở nước ta những năm gần đây có nhiều đổi thay quan trọng cả trong sinh hoạt cũng như quan hệ Đạo - Đời. Đến nay, Nhà nước ta đã công nhận tư cách pháp nhân của 16 tổ chức tôn giáo. Một số tôn giáo, hệ phái khác sẽ được đăng ký và công nhận trong thời gian tiếp theo. Cả nước hiện có 25 ngàn cơ sở thờ tự, 56 ngàn chức sắc, nhà tu hành và gần 20 triệu tín đồ thuộc 6 tôn giáo chính (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Islam giáo, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo). Các sinh hoạt tôn giáo, nghi lễ tập thể được tôn trọng; một số lễ hội tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn như Lễ hội Nô-en, Lễ Phật Đản, Lễ hội La Vang,... không chỉ là sự kiện quan trọng trong đời sống tâm linh của người có đạo, mà còn là ngày hội tinh thần chung của đông đảo nhân dân, lôi cuốn hàng vạn người tham gia. Phần lớn các tôn giáo ở nước ta hiện nay đều thể hiện đường hướng đồng hành với dân tộc qua các khẩu hiệu khác nhau, như: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” (Công giáo); “Phụng sự Thiên chúa, phụng sự Tổ quốc” (Tin Lành); “Đạo Pháp, dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội” (Phật giáo); “Nước vinh - Đạo sáng” (Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo);v.v. Điều quan trọng hơn cả là, đến nay, nhận thức về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng đúng đắn, sâu sắc hơn. Một bầu không khí xã hội cởi mở đã và đang lan tỏa; ranh giới vô hình mà khắc nghiệt về sự phân biệt “lương, giáo” mà các thế lực thực dân, đế quốc, phong kiến trước đây cố tình khoét sâu, nay đã căn bản được gỡ bỏ, tạo nên những điểm sáng trong quan hệ Đạo - Đời. Tất nhiên, trong những năm qua và còn lâu dài, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta. Nhưng có thể nói, xu hướng tôn giáo ở Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và CNXH là không thể đảo ngược.
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới đất nước ta đang đứng trước cả thời cơ và thách thức to lớn. Yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh của đất nước tiếp tục đòi hỏi phải phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có vai trò to lớn của đồng bào các tôn giáo. Việc nước ta trở thành thành viên của WTO và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cũng đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ đối với các tôn giáo và công tác tôn giáo. Trong khi đó, sự tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch xung quanh vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo vẫn không ngừng gia tăng, làm cho bức tranh tôn giáo ở nước ta trong thời kỳ đổi mới bên cạnh mảng sáng là chính, vẫn xuất hiện một vài gam màu tối. Do đó, vấn đề vô cùng quan trọng hiện nay đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là phải tiếp tục tham gia vào việc khơi nguồn sáng cho bức tranh tôn giáo của đất nước; đồng thời, khắc phục những nhận thức lệch lạc, những thái độ và cách làm không phù hợp với tư duy mới của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện được điều đó, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, để đồng bào có đạo không  mặc cảm về những khác biệt giữa người có đạo và người không có đạo; nhận thấy điểm tương đồng về mục tiêu xã hội giữa CNXH và tôn giáo; từ đó phấn khởi, tự tin, đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương - giáo, vừa ra sức phấn đấu thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, vừa hoàn thành bổn phận cá nhân trong việc thực hiện các lễ nghi tôn giáo. Về vấn đề này, chúng ta cần tích cực tuyên truyền trong nhân dân, không chỉ là người có đạo, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà ở đó nổi bật quan điểm về sự tương đồng giữa đạo đức tôn giáo với đạo đức cộng sản. Sinh thời, Hồ Chí Minh tự cho mình là một người không theo đạo, một người Cộng sản, theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nhưng luôn coi Đức Phật Thích Ca, Chúa Giê-su, Đức Khổng Tử đều là những nhà “hiền triết”, những bậc thày vĩ đại. Người tự nhận mình là “một học trò nhỏ của các vị ấy”. Thiết nghĩ, cán bộ, đảng viên ngày nay, nếu không thấu hiểu sâu sắc điều này, khó có thể làm tốt công tác dân vận trong đồng bào có đạo.Vấn đề đặt ra là, để tôn giáo luôn đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới của Đảng, của dân tộc, chúng ta phải giúp cho đồng bào có đạo nhận thấy rõ: CNXH sẽ đem lại những giá trị tốt đẹp cho đồng bào các tôn giáo. Không phải chỉ bằng lời nói suông, mà quan trọng hơn là việc làm, là thành quả  mà công cuộc đổi mới mang lại cho đồng bào có đạo cũng như không có đạo. Đó sẽ là “thứ ngôn ngữ” tuyên truyền hiệu quả nhất để giải quyết gốc rễ mối quan hệ giữa Đạo và Đời.
Trong bối cảnh đất nước ta đang có những bước chuyển mình vững chắc, hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tốc độ CNH, HĐH ngày càng tăng,... sự thích ứng xã hội của các tôn giáo sẽ diễn ra như một tất yếu. Vì vậy, để giải quyết một cách hòa bình  vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, cần tăng cường tính đối thoại trong lĩnh vực này. Chúng ta đều biết, ở bất cứ quốc gia nào, đời sống tôn giáo cũng có sắc thái riêng; không đâu có thể tuyên bố đã giải quyết thấu đáo vấn đề tôn giáo. Thế giới gần đây đã chứng kiến nhiều sự kiện kinh hoàng, mà một trong những nguyên nhân của nó là do thiếu đối thoại. Công tác tôn giáo của chúng ta những năm gần đây, bên cạnh nhiều bài học hay, cũng có một số bài học chưa hay, trong đó có bài học về đối thoại. Có thể nói, đối thoại là phương pháp không chỉ những người ngoài tôn giáo quan tâm, mà bản thân các tôn giáo cũng rất tán thành. Đối thoại là nhằm tìm ra điểm tương đồng, thu hẹp những khác biệt, tiến tới tiếng nói chung. Xét về ý nghĩa của công tác tuyên truyền, đối thoại cũng là quá trình chuyển hóa đi đến sự thống nhất, làm cơ sở để đoàn kết, cùng phấn đấu vì lợi ích cao nhất của dân tộc. Vừa qua, chúng ta đã tham gia một số đối thoại quan trọng trên bình diện quốc tế và khu vực: “Đối thoại không chính thức ASEM về nhân quyền”; “Đối thoại tín ngưỡng ASEM”; “Đối thoại về hợp tác giữa các tôn giáo trong khu vực”. Đó là sự cọ xát cần thiết để tôn giáo nước ta đồng hành cùng đất nước hội nhập với thế giới. Còn ở trong nước, sự cởi mở, thông thoáng trong chính sách tôn giáo của Nhà nước ta gần đây đã có tác dụng tích cực. Song chúng ta phải phấn đấu đối thoại nhiều hơn nữa, để thu hẹp sự cách biệt và đối lập.
Vấn đề then chốt để tiếp tục đổi mới công tác tôn giáo, là phải đặt tôn giáo trong mối quan hệ với nhà nước pháp quyền XHCN; bảo đảm bình thường hóa các sinh hoạt tôn giáo trong điều kiện pháp luật được bảo đảm. Càng làm tốt điều này, đời sống tôn giáo ở nước ta càng được ổn định vững chắc và góp phần xây đắp, củng cố hơn đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Văn kiện Đại hội X của Đảng cũng đề cập đến việc “các tôn giáo hợp pháp” và được pháp luật bảo đảm khi “hoạt động theo pháp luật”. Muốn vậy, Nhà nước ta cần sớm hoàn thiện và ban hành Bộ luật về Tôn giáo, làm cơ sở để công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được triển khai, thực hiện có hiệu quả.
Một vấn đề khác cũng đáng quan tâm là, trong khi tình hình tôn giáo ở nước ta đang phát triển tích cực; đời sống tôn giáo của đồng bào có đạo trên khắp đất nước đang ngày càng được cải thiện, thì một số thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn cố tình làm ngơ trước sự thật lịch sử; ra sức cấu kết, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kích động, tìm cách khoét sâu sự khác biệt; tung tin bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào các tôn giáo. Mục đích của chúng là, thông qua vấn đề tôn giáo, gắn với vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN ở nước ta...
Do đó, công tác tôn giáo phải luôn luôn đề cao cảnh giác, chủ động đối phó với tình hình, những diễn biến phức tạp có thể xảy ra. Công tác vận động quần chúng phải hết sức tỉnh táo, linh hoạt; vừa kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân, vừa phải nắm chắc cơ sở, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện những đối tượng và dấu hiệu vi phạm pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong hệ thống chính trị bảo vệ, giữ gìn đời sống, sinh hoạt tôn giáo lành mạnh của đồng bào có đạo, không để kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ, kích động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn.
Xu hướng đồng hành của tôn giáo cùng dân tộc trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, vì mục tiêu “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ở nước ta đang diễn ra. Điều đó đạt được đến đâu còn phụ thuộc rất lớn ở nỗ lực chủ quan, sự am hiểu quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước của các cơ quan, tổ chức, lực lượng, ban, ngành hữu quan và sự vận dụng đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo công tác tôn giáo trong thực tiễn sự nghiệp đổi mới của đất nước.
GS, TS. Đỗ Quang Hưng
Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo
 

Ý kiến bạn đọc (0)