QPTD -Thứ Tư, 31/08/2011, 00:09 (GMT+7)
Thanh tra quốc phòng trước yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Công tác thanh tra nói chung, thanh tra Quốc phòng nói riêng là công tác quan trọng thường xuyên, lâu dài, gắn liền với lãnh đạo và chỉ huy các cấp.  Không có công tác thanh tra thì hiệu lực của lãnh đạo, chỉ huy không cao. Thanh tra là để mọi công tác, việc làm của mỗi tổ chức, cá nhân ngày càng tốt hơn. Do vậy, thanh tra phải thực sự là “tai mắt của trên, là bạn của dưới”. Trước yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, ngày 28/9/1992 Thanh tra Quân đội đổi tên thành Thanh tra Quốc phòng (TTQP), đánh dấu sự phát triển về chức năng, nhiệm vụ.

TTQP là một bộ phận của Thanh tra Chính phủ, được tổ chức thành hệ thống trong quân đội; có chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước về quốc phòng. TTQP có nhiệm vụ thanh tra các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Quốc phòng (BQP); các tổ chức, cá nhân người Việt Nam chấp hành pháp luật về quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và các tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có hoạt động liên quan đến pháp luật về quốc phòng... Sự ra đời, quá trình xây dựng và phát triển của TTQP đã góp phần to lớn vào công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân. TTQP là một tất yếu khách quan, phù hợp với cơ chế lãnh đạo, quản lý, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và quân đội.

Những năm qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, chấp hành các nghị quyết của Đảng uỷ Quân sự Trung ương, chỉ thị của Bộ trưởng BQP và chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ, TTQP đã chủ động bám sát tình hình, tiến hành thanh tra có trọng điểm việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của các bộ, ngành, địa phương theo Nghị định 119/2004/NĐ - CP ngày 11/5/2004 của Chính phủ trên những nội dung cơ bản: công tác giáo dục quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm đời sống và sự vận hành cơ chế lãnh đạo, quản lý quốc phòng của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, v.v. Ngoài nội dung thanh tra thường xuyên, TTQP còn chú trọng thanh tra việc quản lý nhà nước về quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, từ năm 1992 đến nay, TTQP đã đi sâu thanh tra việc xây dựng nền QPTD, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và việc chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự; công tác quản lý, huấn luyện quân dự bị động viên, dân quân, tự vệ... Trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ và tiến hành công tác thanh tra một cách chủ động, tích cực, TTQP đã giúp cấp uỷ, chính quyền các bộ, ngành, địa phương nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của mình; kịp thời khắc phục những mặt yếu, khâu yếu trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng nền QPTD; đồng thời, giúp BQP có cơ sở để quản lý chặt chẽ hơn việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở các bộ, ngành và địa phương. Trong những năm qua, các cuộc thanh tra công tác quốc phòng đã kết luận đúng thực trạng tình hình; chỉ ra những mặt làm được và những mặt hạn chế của các bộ, ngành, địa phương, góp phần định hướng cả về nhận thức và tổ chức thực hiện, tạo nhân tố tích cực, thúc đẩy xây dựng nền QPTD vững mạnh. Qua thực tiễn công tác, TTQP đã thực sự góp phần cùng với Thanh tra Chính phủ giúp BQP và Chính phủ quản lý tốt việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần quan trọng vào việc củng cố, xây dựng nền QPTD vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Cũng qua công tác TTQP cho thấy, bên cạnh nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vẫn còn có bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa thật tốt nhiệm vụ này. Nhận thức về vị trí, vai trò công tác quân sự, quốc phòng của một số cán bộ, nhất là ở một số đơn vị làm kinh tế chưa đúng, chưa sâu sắc, chưa toàn diện; còn có biểu hiện “khoán” cho cơ quan quân sự địa phương, cán bộ quân sự chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Trước yêu cầu xây dựng nền QPTD, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, một bộ phận cán bộ thanh tra còn bộc lộ một số thiếu sót, hạn chế; cá biệt có nơi, triển khai công tác thanh tra chưa đúng trình tự quy định, phương pháp chưa thống nhất, làm cho hiệu quả công tác thanh tra có lúc, có nơi chưa cao.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của nhân dân ta đang đứng trước cả thời cơ to lớn và thách thức không nhỏ. Quá trình thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, bên cạnh mặt tích cực là cơ bản, cũng chứa đựng nhiều nhân tố làm tăng thêm tính chất phức tạp trong củng cố, xây dựng nền QPTD. Do đó, để mỗi tổ chức, cá nhân phát huy được tinh thần trách nhiệm đối với công tác quân sự, quốc phòng, tích cực tham gia xây dựng nền QPTD vững mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác TTQP.

15

Trước hết, cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, bộ, ngành đối với công tác quân sự, quốc phòng và công tác TTQP. Công tác quân sự, quốc phòng là một mặt công tác quan trọng của bộ, ngành, địa phương. Làm tốt công tác quân sự, quốc phòng, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định là điều kiện cơ bản nhất để thu hút đầu tư, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ khác mà địa phương, bộ, ngành đề ra. Vấn đề này đòi hỏi các cấp uỷ, chính quyền ở bộ, ngành và địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng ở cấp mình. Sự lãnh đạo, chỉ đạo không dừng ở việc ra nghị quyết, chỉ thị, mà phải thể hiện trong từng quy hoạch, kế hoạch được tổ chức thực hiện nghiêm túc và có sự thanh tra, kiểm tra kết quả cụ thể, bảo đảm cho mỗi bước phát triển của bộ, ngành, địa phương là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng. Để thực hiện điều đó, hằng năm, căn cứ vào kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ và TTQP về thực hiện công tác quốc phòng, cấp uỷ, thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên chỉ đạo cơ quan hoặc cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm cùng cơ quan thanh tra của bộ, ngành, địa phương mình xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với TTQP tổ chức thanh tra công tác quân sự, quốc phòng theo đúng kế hoạch đã xác định. Cơ quan, cán bộ làm công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương cần chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và duy trì nền nếp công tác thanh tra, kiểm tra một cách chặt chẽ và đạt kết quả thiết thực. Hằng năm, căn cứ vào hướng dẫn của BQP, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác quốc phòng; trong báo cáo kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm phải đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng một cách khách quan, cụ thể.

  Hai là, cần tích cực đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của TTQP các cấp. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, diện thanh tra đòi hỏi phải được mở rộng, trong khi biên chế, tổ chức đội ngũ cán bộ thanh tra không tăng. Bởi vậy, công tác thanh tra không nên làm một cách tràn lan, mà cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, trên cơ sở nghiên cứu, nắm chắc tình hình, xác định đúng đối tượng thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các đối tượng trọng điểm. Thanh tra dù ở cấp nào cũng cần có kế hoạch ngay từ đầu năm để cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông báo kế hoạch cho đối tượng được thanh tra, làm cho tổ chức, cá nhân được thanh tra chủ động phối hợp với đoàn thanh tra, đảm bảo tính kế hoạch, chất lượng và hiệu quả. Ở cấp quân khu, ngoài thanh tra các đơn vị quân đội, cần chủ động thanh tra các tỉnh (thành phố), huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh), xã (phường, thị trấn); tạo điều kiện để thanh tra BQP tiến hành thanh tra được nhiều hơn các bộ, ngành và các tổng công ty. Có như vậy mới giải quyết được mâu thuẫn giữa đối tượng được thanh tra ngày càng nhiều, trong khi lực lượng và thời gian để thanh tra lại có hạn. Ngoài ra, quá trình thanh tra phải tuân thủ nghiêm túc quy trình đã xác định; không làm tắt hoặc tự thêm các bước tiến hành thanh tra. Khi tiến hành thanh tra phải tuân theo pháp luật Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ và các quy định của quân đội; đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực, kịp thời, công khai, dân chủ và không cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Ba là, để công tác TTQP ngày càng đạt được hiệu quả cao, cần thường xuyên chăm lo kiện toàn bộ máy thanh tra và xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra các cấp đủ sức làm tròn nhiệm vụ được giao. Xây dựng được đội ngũ cán bộ thanh tra có đủ số lượng, trình độ chuyên môn vững, nghiệp vụ thanh tra chắc, phẩm chất đạo đức trong sạch là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến chất lượng thanh tra. Do đó, cấp ủy và người chỉ huy các cấp cần coi trọng tạo nguồn cán bộ và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng phù hợp; đồng thời, quan tâm đúng mức việc bồi dưỡng đội ngũ thanh tra viên cả về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là việc nắm vững Luật Thanh tra, Luật Quốc phòng, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành TTQP, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phong cách lãnh đạo, năng lực quản lý hoạt động của Ngành; vai trò, trách nhiệm và đạo đức, tư cách của cán bộ và đội ngũ thanh tra viên các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.

60 năm đã qua, kể từ ngày 25/01/ 1948, ngành TTQP đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng vào việc tham mưu cho BQP và Chính phủ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng. Để công tác TTQP hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, TTQP rất mong Bộ sớm ban hành các thông tư, hướng dẫn triển khai Luật Quốc phòng cho các địa phương, bộ, ngành, tạo cơ chế vận hành, làm cơ sở để công tác thanh tra triển khai được thuận lợi. Ngành TTQP cũng mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quân đội và cấp uỷ, chính quyền các bộ, ngành, địa phương trong việc tạo điều kiện và phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN NUÔI

Phó Chánh Thanh tra Quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)