QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:24 (GMT+7)
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh thực hiện công tác giáo dục quốc phòng-an ninh

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao của cả nước; nơi tập trung các cơ quan của Trung ương, trung tâm giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) với số lượng lớn các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Xuất phát từ vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô, nên nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), nền an ninh nhân dân nói chung và giáo dục quốc phòng- an ninh (GDQP-AN) nói riêng trên địa bàn Thủ đô rất nặng nề, yêu cầu cao, cần có những chủ trương đồng bộ và giải pháp phù hợp.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, nhất là từ khi có Chỉ thị số 62-CT/TW, ngày 12-02-2001 của Bộ Chính trị về "Tăng cường công tác GDQP toàn dân trước tình hình mới"; Nghị định số 15/2001/NĐ-CP, ngày 01-5-2001 của Chính phủ về GDQP, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GDQP toàn dân, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên (HS,SV) và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quán triệt và thực hiện Chỉ thị 62-CT/TW của Bộ Chính trị, Thành phố đã xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra chương trình hành động cụ thể, nhằm đưa công tác này vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực. Cấp ủy, chính quyền các quận, huyện đã quán triệt, triển khai thực hiện theo đúng quan điểm, chủ trương của Thành phố và hướng dẫn của cơ quan cấp trên về công tác GDQP-AN toàn dân, nhất là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nền QPTD trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện, các ban, ngành chức năng của Thành phố như: Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Tuyên giáo, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS), Công an Thành phố, Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ,… đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhờ đó chất lượng GDQP-AN cho các đối tượng ngày càng được nâng cao. Hội đồng GDQP-AN Thành phố và Hội đồng GDQP-AN các quận, huyện được thành lập và thường xuyên được củng cố, kiện toàn, từng bước đi vào hoạt động có nền nếp, duy trì đúng quy chế làm việc và kế hoạch công tác, phát huy tốt vai trò làm tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác GDQP-AN.

Thành phố đã có nhiều chủ trương, giải pháp để nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Đối với Hà Nội, khó khăn lớn nhất là việc khảo sát, thống kê số cán bộ ở các cục, vụ, viện của Trung ương, bảo đảm cho mọi người trong diện này đều được tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Hội đồng GDQP-AN Thành phố đã tham mưu, đề xuất với Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo BCHQS và Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiến hành rà soát, phân loại, lập kế hoạch bồi dưỡng cán bộ. Nhờ vậy, hằng năm việc cử cán bộ đối tượng 1 và 2 tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN ở Học viện Quốc phòng và Trường Quân sự Quân khu Thủ đô được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm chất lượng và hiệu quả cao. Các đối tượng còn lại (3, 4, 5), BCHQS Thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành và các quận, huyện tổ chức khảo sát, nắm chắc số lượng cán bộ để có kế hoạch mở lớp phù hợp với điều kiện từng địa phương. Trong 5 năm 2003-2007, đã có 407 cán bộ đối tượng 1 và 2 tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN, đạt tỷ lệ 100%; Thành phố mở 25 lớp cho 4.774 cán bộ đối tượng 3, 123 lớp cho 18.559 cán bộ đối tượng 4 và 534 lớp cho 92.465 cán bộ, đảng viên đối tượng 5. Thông qua công tác này, nhiều đơn vị như Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, các quận Đống Đa, Long Biên và các huyện Gia Lâm, Thanh Trì là những cơ quan và địa phương luôn duy trì tốt hoạt động của Hội đồng GDQP-AN, cũng như công tác GDQP-AN trên địa bàn. Đối với lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên, thông qua công tác huấn luyện hằng năm, Thành phố đã đưa nội dung bồi dưỡng kiến thức QP-AN vào chương trình huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị cho lực lượng này. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào hệ thống văn bản pháp quy của Đảng, Nhà nước về công tác quốc phòng như: Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh Dân quân tự vệ, Pháp lệnh Dự bị động viên; đồng thời, giáo dục cho họ nắm chắc nhiệm vụ và những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng, từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, Thành phố còn tiến hành mở các lớp bồi dưỡng cho 2.514 lượt đối tượng là đoàn viên, thanh niên đường phố.

Ngoài các đối tượng trên, Thành phố đã tổ chức được 16 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 1.060 vị chức sắc, chức việc các tôn giáo (đạt tỷ lệ 66,4%). Sau khi được bồi dưỡng, các vị chức sắc, chức việc đã hiểu rõ hơn về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và tham gia bảo vệ Tổ quốc, từ đó tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện tốt nghĩa vụ công dân trong cộng đồng dân cư, sống “tốt đời, đẹp đạo”.

GDQP-AN cho thế hệ trẻ HS,SV được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm trang bị cho họ ý thức, tri thức quốc phòng và những kỹ năng quân sự cần thiết để làm cơ sở thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm công dân và cương vị công tác khi ra trường đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trước mắt, xây dựng ý thức, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện và tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nhà trường và trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 39 học viện, trường đại học, 47 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, với lưu lượng trên 271.000 sinh viên và 117 trường trung học phổ thông (THPT) với trên 100.000 học sinh. Ngoài việc tổ chức cho HS,SV học tập trung ở 2 trung tâm GDQP (Hà Nội 1 và Hà Nội 2), hằng năm Thành phố phải đảm nhiệm GDQP-AN cho hàng trăm nghìn lượt HS,SV còn lại. Hội đồng GDQP-AN Thành phố đã chỉ đạo BCHQS Thành phố phối hợp với Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch liên ngành triển khai cho Ban Chỉ huy Quân sự các quận, huyện và các trường THPT tổ chức GDQP-AN cho học sinh theo chương trình quy định. Mỗi năm, có hơn 100.000 lượt học sinh THPT và hơn 271.000 sinh viên được tham gia GDQP-AN, kết thúc môn học đều tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả, từ đó tạo cho các em có ý thức, trách nhiệm tốt hơn đối với môn học. Để nâng cao chất lượng môn học, Sở GD-ĐT đã tuyển chọn đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm tham gia các lớp đào tạo giáo viên GDQP-AN; đồng thời, tổ chức thí điểm hình thức học rải đối với học sinh THPT (trong 2 năm 2006-2007 đã cử 50 cán bộ, giáo viên tham gia lớp đào tạo giáo viên GDQP tại trường Đại học Sư phạm, bồi dưỡng cho 240 giáo viên lịch sử, giáo dục công dân, thể chất để bổ sung lực lượng giáo viên GDQP, tổ chức học rải môn GDQP cho học sinh trường THPT Chu Văn An để rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn Thành phố). Việc tổ chức học rải, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo cho các trường THPT tiến hành đối với các môn lý thuyết, học tập trung đối với các môn quân sự. Vì vậy, chất lượng giáo dục môn học ngày càng được nâng lên.

Tổ chức GDQP-AN cho các tầng lớp nhân dân được cấp ủy, chính quyền và  ban, ngành, đoàn thể các cấp tiến hành thường xuyên bằng các hình thức phong phú, thiết thực, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tạo nên ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác này được các quận, huyện chủ động đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm địa bàn. Nội dung tập trung đi sâu vào tuyên truyền về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam; trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền QPTD vững mạnh, gắn với xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội… Phương pháp GDQP-AN cho các tầng lớp nhân dân được tiến hành bằng các hình thức đa dạng: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chuyên trang trên báo, chuyên mục trên sóng phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương; qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên trong các hoạt động quân sự, quốc phòng tại địa phương, nhất là hội thao, hội thi, diễn tập, thi tìm hiểu truyền thống nhân các ngày lễ lớn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội..., đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nền QPTD, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định về chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, Thành phố Hà Nội đang triển khai quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới" và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP, ngày 10-7-2007 của Chính phủ về GDQP-AN, được cụ thể hóa bằng hệ thống chủ trương, giải pháp đồng bộ, nhằm nâng cao chất lượng GDQP-AN, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQP-AN các cấp, nhất là Hội đồng GDQP-AN Thành phố, đủ khả năng làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GDQP-AN đạt kết quả. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp GDQP-AN toàn dân phù hợp với từng đối tượng, trước hết là bồi dưỡng kiến thức QP- AN cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn GDQP-AN trong các nhà trường, bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, từng bước chuẩn hóa kiến thức QP-AN theo đối tượng giảng dạy; tăng cường bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, nhằm nâng cao chất lượng chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từng bước tăng cường cơ sở vật chất cho công tác GDQP-AN, nhất là vũ khí, thao trường, phòng học chuyên dùng ở các Trung tâm GDQP-AN, các nhà trường... Bằng các giải pháp tổng hợp, phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng GDQP-AN, tạo tiền đề cho xây dựng nền QPTD vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Đại tá HOÀNG HOA CHÂU

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy

Chỉ huy trưởng BCHQS Thành phố

 

Ý kiến bạn đọc (0)