QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 01:09 (GMT+7)
Thanh Hóa kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh
Đại hội X của Đảng đã xác định: "Kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh theo phương châm phát triển kinh tế, xã hội là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc; ổn định chính trị, củng cố quốc phòng-an ninh vững mạnh là điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội". Phương châm chiến lược đó là cơ sở cho việc thống nhất nhận thức và hành động trong cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời đã được Đảng bộ, chính quyền Tỉnh quán triệt và vận dụng nghiêm túc vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương hiện nay.

Quán triệt đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI đã xác định phương hướng phấn đấu của Tỉnh từ 2005 đến 2010 là: phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững, tạo thế và lực để đến năm 2020 trở thành một tỉnh công nghiệp; tăng trưởng kinh tế gắn liền với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với tăng cường và củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN).

Để cụ thể hóa việc kết hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với tăng cường QP-AN, Tỉnh đã chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp cả về nâng cao nhận thức, tư tưởng cũng như xây dựng các thiết chế, điều kiện đảm bảo sao cho đáp ứng tình hình, nhiệm vụ cách mạng và phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của mình. Trong quá trình phát triển hiện nay, Thanh Hóa có những thuận lợi cơ bản: tiềm năng kinh tế phong phú, đa dạng; nguồn lực lao động dồi dào; nhân dân có truyền thống cách mạng kiên cường, truyền thống lao động cần cù... Đồng thời cũng có những thử thách, khó khăn không nhỏ đòi hỏi Tỉnh phải nỗ lực phấn đấu để vượt qua. Đó là: điểm xuất phát về kinh tế còn thấp; dân số đông, diện tích khu vực miền núi rộng, địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng KT-XH nhiều vùng còn yếu kém. Thêm vào đó, Tỉnh lại nằm cách xa các vùng kinh tế động lực... Nhằm thống nhất nhận thức tư tưởng và tình hình, nhiệm vụ cách mạng nói chung; tình hình, nhiệm vụ của địa phương nói riêng trong cán bộ và nhân dân làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp trong Tỉnh đã chú trọng thường xuyên tới công tác phổ biến, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới. Công tác chính trị, tư tưởng; công tác giáo dục quốc phòng đã được tiến hành thường xuyên tới đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Đối với nhiệm vụ QP-AN, công tác chính trị, tư tưởng đã tập trung quán triệt các chủ trương, nhiệm vụ QP-AN mà Đại hội X của Đảng đã xác định; làm cho mọi cấp, mọi ngành và LLVT ngày càng thấu suốt hai nhiệm vụ chiến lược; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới và quan điểm quốc phòng toàn dân. Đồng thời, trong tuyên truyền, giáo dục, học tập làm rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta hiện nay, nhất là chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực phản động, thù địch; qua đó, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Đi đôi với thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, cấp ủy và chính quyền các cấp trong Tỉnh đã có những định hướng cơ bản tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố QP-AN đối với từng ngành, lĩnh vực hoạt động. Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả công tác QP-AN. Quán triệt, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết của Bộ Chính trị về các vấn đề liên quan tới KT-XH và QP-AN, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng các chương trình hành động sát hợp với tình hình, đặc điểm, nhiệm vụ của từng địa phương, từng ngành. Một số đề án đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc, phát huy tác dụng tích cực trên thực tế như: Đề án 07 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về công tác QP-AN; Kế hoạch 15/CT-TƯ triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với dân quân, tự vệ và lực lượng dự bị động viên; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 của Chính phủ về phòng chống tội phạm; Chương trình về thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới... Những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh tăng cường chỉ đạo xây dựng, phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, xây dựng thế trận QP-AN ở tuyến biên giới, bờ biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các dự án: định canh, định cư đối với đồng bào dân tộc Mông; xóa bỏ cây thuốc phiện ở vùng cao biên giới; xây dựng đường vành đai biên phòng đang được triển khai có hiệu quả đã có ý nghĩa rất lớn về KT-XH, QP-AN.
Quan điểm của Đảng về sự kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN phải được thực hiện ngay trên từng địa bàn, vùng, lãnh thổ, từ công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch và hình thành các dự án đầu tư phát triển đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong Tỉnh quán triệt và vận dụng thực hiện. Chương trình phát triển KT-XH tổng thể của Tỉnh hiện nay chú trọng tập trung đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm: Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm phía Tây; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu vực miền núi; đẩy nhanh xây dựng cảng tổng hợp Nghi Sơn và các cụm cảng địa phương... Trong xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án trên, Tỉnh luôn chú trọng giải quyết hài hòa các giá trị cả về kinh tế, dân cư, văn hóa, xã hội, QP-AN...
Nhận thức sâu sắc về phát triển KT-XH là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh để thực hiện nhiệm vụ này. Nhờ đó KT-XH của Tỉnh trong những năm gần đây đã có sự phát triển tích cực. Từ 1989 đến nay kinh tế của Tỉnh phát triển liên tục, có tốc độ cao: giai đoạn 1990 - 1995, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 3,7%; giai đoạn 1996 - 2000 đạt 7,3%; từ 2001 tới 2005 đã tăng trên 9%, năm 2006 là 10,2% và GDP bình quân theo đầu người đạt 471 USD. Điều đáng quan tâm là cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng và gắn với thị trường, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Hiện nay nông nghiệp chiếm 30,3%, công nghiệp 36,5%, xây dựng và dịch vụ 33,2%. Sự tăng trưởng về kinh tế đã tạo động lực vật chất quan trọng để động viên nhân dân tham gia các hoạt động chính trị xã hội; đồng thời còn tạo ra nguồn lực để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tổ chức thực hiện các hoạt động QP-AN. Công tác xóa đói, giảm nghèo được tiến hành tích cực, nên tỷ lệ hộ đói nghèo từ 21,94% năm 2000 giảm xuống còn 10% năm 2005. Cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác giáo dục, y tế được tăng cường. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, hàng năm có trên 95% học sinh các cấp tốt nghiệp; 25 - 30% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. 100% huyện, thị, thành phố, xã, phường hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 89,1% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở... Trên 96% dân số đã có điện sinh hoạt, được xem truyền hình, nghe đài phát thanh, hầu hết các xã có điểm bưu điện - văn hóa xã; có trên 30% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng trong Tỉnh được quan tâm đầu tư, đã có bước phát triển đáng kể. Hầu hết các trục giao thông chính được cải tạo, nâng cao; các cầu qua sông lớn được xây dựng nối liền các vùng miền; nhiều tuyến đường giao thông liên huyện được làm mới; đường giao thông nông thôn vùng đồng bằng, ven biển được nhựa hóa, bê tông hóa... Những thành quả về KT-XH nêu trên là tiền đề rất quan trọng cho sự phát triển tiếp theo; đồng thời còn góp phần thiết thực vào việc xây dựng cơ sở chính trị - xã hội; xây dựng lực lượng và thế trận hậu cần, kỹ thuật trong khu vực phòng thủ Tỉnh.
Sự ổn định về chính trị, vững mạnh về QP-AN là điều kiện để phát triển KT-XH; do vậy, trong khi tập trung phát triển KT-XH, cấp ủy, chính quyền các cấp trong Tỉnh vẫn luôn luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN. Hiện nay, Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ về chiều sâu, chăm lo tổ chức xây dựng các LLVT của Tỉnh vững mạnh toàn diện, thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.
Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự, công an làm tham mưu được vận hành ngày càng nền nếp, có hiệu quả. Thông qua đó, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị được phát huy để thực hiện nhiệm vụ QP-AN. Công tác xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên các tuyến địa bàn trọng điểm với sự tham gia của các địa phương, các cấp, các ngành trong Tỉnh đã được triển khai thực hiện khá toàn diện, gắn với các chủ trương phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị và cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện nhiệm vụ QP-AN, quân sự địa phương hằng năm. Việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt để phát huy vai trò của hệ thống chính trị. Liên tục trong nhiều năm qua, chất lượng tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ Tỉnh đã được nâng lên. Tỷ lệ số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh tăng từ 38,42% (năm 2003) lên 74,77% (năm 2006); số tổ chức cơ sở đảng yếu kém giảm dần từ 1,31% (năm 2003) xuống 1,03% (năm 2006). Hệ thống chính quyền các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn, ngày càng nâng cao vai trò, hiệu quả trong quản lý, điều hành. Tình hình cơ sở trong Tỉnh nhìn chung ổn định và có sự phát triển tích cực. Năm 2003 số cơ sở đạt tiêu chuẩn vững mạnh toàn diện là 57,23%; đến năm 2006 số đó là 63,24%, không còn cơ sở yếu kém... Những kết quả tích cực về mặt kinh tế, chính trị, xã hội nêu trên đã trở thành nền tảng đảm bảo cho việc thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN của Tỉnh.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, phải tập trung cao độ cho nhiệm vụ phát triển KT-XH, song Tỉnh ủy, UBND Tỉnh luôn quan tâm ngăn ngừa và khắc phục các biểu hiện sai lệch cả trong nhận thức và trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN như: tuyệt đối hóa vai trò kinh tế; tách rời phát triển KT-XH với củng cố QP-AN, hoặc phó mặc công tác QP-AN cho lực lượng chức năng. Thông qua các chủ trương và giải pháp cụ thể gắn với tình hình, nhiệm vụ của Tỉnh trong từng giai đoạn, Tỉnh ủy và UBND Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phối hợp, hiệp đồng tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ QP-AN trong thời kỳ mới. Trong đó, hết sức coi trọng tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ là một hình thức bồi dưỡng, kiểm tra tổng hợp về ý thức, tổ chức, lực lượng, khả năng thực tế của cấp ủy, chính quyền và LLVT, các cấp, ngành, địa phương đối với nhiệm vụ QP-AN. Từ 1989 tới nay, Tỉnh đã tổ chức được 3 cuộc diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh; 22/27 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ 2 lần; 100% các sở, ban, ngành từ Tỉnh tới huyện đều đã xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động QP-AN.
Xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức để thực hiện tốt chức năng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ quân sự-quốc phòng địa phương, quản lý nhà nước về quốc phòng là một nội dung thường xuyên được cấp ủy, chính quyền các cấp trong Tỉnh quan tâm. Hằng năm có từ 80 - 95% đảng bộ, chi bộ cơ sở của LLVT địa phương đạt trong sạch, vững mạnh. Trong năm 2006, 100% đầu mối các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh đều đạt tiêu chuẩn vững mạnh toàn diện. Bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ và lực lượng dự bị động viên được tổ chức chặt chẽ, được giáo dục, huấn luyện nghiêm túc, chất lượng tổng hợp ngày càng cao; phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Công an thật sự phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ QP-AN và tham gia có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương. Hằng năm Tỉnh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự địa phương, nhiệm vụ quốc phòng được giao. Tình hình an ninh chính trị, xã hội ổn định. Truyền thống anh hùng trong sự nghiệp giải phóng đất nước trước đây đã được LLVT Tỉnh tiếp tục phát huy vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Phấn đấu để có nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với QP-AN, phát huy vai trò nòng cốt của LLVT trong công tác QP-AN là những yếu tố cơ bản đảm bảo để Thanh Hóa ổn định, phát triển, góp phần xứng đáng cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Đại tá Hoàng Văn Bá
Phó bí thư Đảng ủy Quân sự, Chính ủy BCHQS Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)