Thứ Sáu, 22/11/2024, 16:52 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
“Thanh dã” (với nghĩa: vườn không, nhà trống) là một trong những kế sách chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, được vận dụng khá phổ biến và hết sức tài tình trong sự nghiệp giữ nước. Nhìn lại lịch sử đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập của dân tộc ta, nhất là trong một ngàn năm Thăng Long, chúng ta thấy một vấn đề nổi lên, trở thành quy luật, đó là: dân tộc ta luôn phải đương đầu với quân xâm lược có tiềm lực quân sự hơn hẳn. Vì thế, để thắng địch, cha ông ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp, không chỉ đánh địch bằng tinh thần và lực lượng của cả nước, mà còn bằng “mưu, kế, thế trận”, trong đó có kế sách “thanh dã”. Với kế sách này, cha ông ta đã khoét sâu điểm yếu chí tử của đạo quân xâm lược là chinh chiến xa, công tác đảm bảo hậu cần khó khăn; nếu chiến tranh kéo dài thì địch càng khó khăn gấp bội, sức mạnh chiến đấu suy giảm. Do đó, chúng thường sử dụng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “biến nước bị xâm lược thành nơi cung cấp hậu cần tại chỗ cho đội quân chiếm đóng”. Thực hiện kế sách “thanh dã” kết hợp với cách đánh giặc sáng tạo của chiến tranh toàn dân, toàn diện (phục kích, tập kích, quấy rối, đánh phá cơ sở hậu cần, kỹ thuật …), phá vỡ âm mưu chiến lược nêu trên của địch, đẩy địch vào thế cùng quẫn, tạo lập thời cơ tiến lên tổng phản công, giải phóng đất nước. Thăng Long-Hà Nội là nơi đã từng sử dụng kế sách “ thanh dã” chống lại các cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn của cả vua chúa phong kiến phương Bắc lẫn chủ nghĩa thực dân, đế quốc phương Tây một cách mẫu mực trong lịch sử hàng nghìn năm chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.
Thăng Long với kế sách “ thanh dã” trong ba cuộc chiến tranh chống Mông-Nguyên (thế kỷ 13). Trong ba cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt (1258, 1285 và 1288), quân Mông-Nguyên đều xác định Thăng Long là mục tiêu chủ yếu. Đó cũng là điều dễ hiểu, vì Thăng Long là kinh đô của nước Đại Việt. Nhưng, có một điều chúng không bao giờ hiểu, nằm ngoài dự liệu của chúng, là ngay cả khi chiếm được Thăng Long, chúng vẫn không thể kết thúc chiến tranh, tức là không thể hoàn thành chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, không diệt được đại quân ta, không bắt được vương triều Trần, không đạt được mục đích chiến tranh xâm lược. Chúng hy vọng Thăng Long địa hình bằng phẳng, sẽ là nơi quyết chiến chiến lược, và với đội kỵ binh thiện chiến có sức đột kích nhanh và mạnh, chúng có thể đánh tan được đại quân nhà Trần như đã từng làm với những quốc gia bị chúng xâm lược trước đó ở châu Âu, Bắc Á và gần nhất là nhà Tống (Trung Quốc). Nhưng chúng đã lầm và hoàn toàn bị hẫng hụt khi Thăng Long mà chúng chiếm được chỉ là một tòa thành trống rỗng, không thấy bóng một người dân, họa chăng chỉ còn lại mấy tên sứ giả của Nguyên triều bị trói gô vứt nơi cửa khuyết. Chiếm được Thăng Long, không những không đạt được mục đích, mà ở đây, chúng phải đương đầu với một “kẻ địch mới”, đó là cái đói, cái nóng, ốm đau, bệnh tật... Kế sách “thanh dã” mà triều Trần tiến hành trong ba cuộc kháng chiến chống xâm lược ở thế kỷ 13 đã phát huy tác dụng, hỗ trợ đắc lực cho cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (năm 1258), sau khi chiếm được thành Thăng Long, quân Mông Cổ chỉ đóng quân được ở đây trong không đầy nửa tháng. Bởi hưởng ứng và thực hiện mệnh lệnh của triều đình, nhân dân kinh thành đã dùng kế “thanh dã” khiến quân địch rất khó cướp được lương thực; trong lúc lương thực mang theo để nuôi quân cứ cạn dần, giặc bị rơi vào tình trạng thiếu lương, lại không quen thủy thổ, quân lính đau ốm nhiều… Trong khi đó, quân và dân nhà Trần không ngừng tiến hành những trận đánh nhỏ, lẻ; ngày đêm tập kích và phục kích đồn trại giặc; đột nhập, đốt phá các kho lương, kho cỏ ngựa của giặc và ra sức chuẩn bị phản công. Rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, tướng giặc là Ngột Lương Hợp Thai không có cách gì hơn là định ngày lui quân.Tuy nhiên, để vớt vát sĩ diện, hắn sai sứ giả đến dinh quân ta đóng ở hạ lưu sông Hồng để nói chuyện giảng hòa. Biết giặc đã vào thế cùng quẫn, nhà Trần tận dụng thời cơ, tiến hành tổng phản công, đánh mạnh vào doanh trại giặc ở Đông Bộ Đầu và truy kích giặc trên đường rút chạy. Đáng chú ý, khi chúng chạy đến trại Quy Hóa (Yên Bái), Trại chủ người Mường là Hà Bổng đem quân đón đánh, quân giặc thua to.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ 2 (năm 1285), mặc dù nhà Trần đã lập nhiều phòng tuyến để ngăn giặc từ biên giới đến sông Vạn Kiếp, nhưng vì thế giặc quá mạnh nên không thể ngăn nổi, và chúng chiếm Thăng Long lần thứ 2. Vận dụng bài học chống giặc trong cuộc kháng chiến lần trước, trước khi rời khỏi Thăng Long, triều đình nhà Trần đã cho tiêu hủy những của cải, lương thực không thể mang theo; đồng thời, yết bảng ở khắp nơi kẻ chợ và thôn quê, chỉ rõ rằng: phàm các châu huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến nên liều chết mà đánh, hoặc sức chống cự không nổi thì phải trốn vào trong rừng, không được đầu hàng... Hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình, ở Thăng Long và các vùng địch chiếm đóng, nhân dân ta thực hiện kế sách “thanh dã”, triệt nguồn lương thực tại chỗ của chúng. Cùng với đó, ở các vùng sau lưng địch, các đội dân binh phối hợp chặt chẽ với một bộ phận phân tán tại chỗ của quân triều đình, ngày đêm hoạt động ráo riết, liên tiếp đánh vào các căn cứ đóng quân và các đội đi cướp lương, gây cho địch nhiều tổn thất. Đặc biệt, quân và dân Thăng Long đã hoạt động ráo riết, tiến công lực lượng vận chuyển lương thảo giữa đại bản doanh của địch với hậu phương chiến lược của chúng; tập kích các mục tiêu của địch trong kinh thành và chặn đánh quân địch nống ra ngoài để càn quét và cướp lương thảo… Thời tiết chuyển dần sang mùa hè làm cho quân lính phương Bắc phát sinh ốm đau, bệnh tật ngày càng nhiều. Bằng cuộc rút lui chiến lược tài tình, cùng kế “thanh dã” và sức mạnh kháng chiến của cả nước, quân và dân nhà Trần không những bảo toàn và phát triển được lực lượng kháng chiến mà còn dần đẩy địch vào thế yếu, lực suy, từ đó tạo ra thời cơ thực hành phản công chiến lược. Do đó, chỉ trong vòng 2 tháng, kinh đô Thăng Long một lần nữa lại được giải phóng hoàn toàn khỏi ách chiếm đóng của quân Nguyên-Mông.
Đổ lỗi cho hai lần xâm lược Đại Việt bị thất bại là do chuẩn bị hậu cần không chu đáo, nên khi tiến hành chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ ba (1288), Hoàng đế nước Nguyên là Hốt Tất Liệt đã cho chuẩn bị chiến tranh khá kỹ. Hắn hạ chiếu phát quân Mông Cổ và quân Hán ở ba tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng 7 vạn người, 500 chiến thuyền, cùng 7.000 binh ở Vân Nam, 1 vạn 5.000 lê binh ở bốn châu (Nhai, Quỳnh, Đạm, Vạn) và quân của các châu khác, đưa tổng số quân lên đến 30 vạn; lại sai Vạn hộ Trương Văn Hổ chở 17 vạn thạch lương; dưới sự tổng chỉ huy của Trấn Nam Vương Thoát Hoan sang xâm lược nước ta. Nhà Trần đã chuẩn bị khá chu đáo cả tinh thần lẫn lực lượng cho cuộc kháng chiến, nhưng trước thế giặc mạnh, Bộ chỉ huy kháng chiến nhà Trần đã chủ trương và dùng phục binh ngăn chặn cuộc tiến công của đại binh giặc càng lâu càng tốt; đồng thời, sử dụng kế sách “thanh dã”, bỏ ngỏ thành Thăng Long, tạm lui về miền đất Đông Nam, chờ thời cơ tổng phản công chiến lược. Cũng như hai cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt trước đó, lần này quân địch chiếm đóng Thăng Long và Vạn Kiếp. Đại quân của địch lại rơi vào tình thế cạn kiệt lương thực vì quân tải lương không theo kịp quân chiến đấu; vả lại, xung quanh nơi giặc đóng, nhân dân bỏ đi hết, kho lẫm trống rỗng; muốn cướp được lương thực của dân thì quân địch phải chia lẻ từng toán, rời xa nơi đồn trại… Đây chính lại là thời cơ để Hương binh, Lộ binh, dân binh Đại Việt phục kích, tiêu hao lực lượng địch một cách hiệu quả. Trong hoàn cảnh đó, nhân lúc địch lúng túng, vua Trần một mặt giả sai sứ sang trại giặc xin hòa ước; mặt khác, lại cho quân cảm tử đánh phá doanh trại giặc vào ban đêm. Bí thế, chủ tướng giặc là Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đi đón đoàn thuyền tải lương bằng đường biển do Trương Văn Hổ chỉ huy đã đến vùng biển Đông Bắc (Quảng Ninh ngày nay); đồng thời, dời đại bản doanh về Bắc Giang, sau khi phá hủy thành Thăng Long cho bõ tức. Ra đến biển, Ô Mã Nhi rụng rời khi nhận được tin đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đã bị thủy quân nhà Trần, dưới sự chỉ huy của danh tướng Trần Khánh Dư, đánh tan, mất toàn bộ số lương thực, khí giới (tháng 2-1288). Không thể kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt khi lương thảo nuôi quân đã bị cạn kiệt và thời tiết đang dần chuyển sang mùa hè khiến đạo quân vốn quen nơi xứ lạnh phát sinh bệnh tật…, tháng 4-1288, Thoát Hoan buộc phải cho rút quân về nước theo hai hướng thủy, bộ. Thời cơ đã điểm, quân và dân nhà Trần đồng loạt tổng phản công, đánh thắng lớn quân địch ở ải Nội Bàng và sông Bạch Đằng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên xâm lược nước ta lần thứ ba.
Hà Nội với kế sách “thanh dã”, "tiêu thổ kháng chiến” trong 60 ngày đêm khói lửa, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Bảy thế kỷ sau, vào những năm giữa của thế kỷ 20, lịch sử chống giặc ngoại xâm bằng kế sách “thanh dã”, “tiêu thổ kháng chiến” lại được quân và dân Thăng Long-Hà Nội phát huy lên một tầm cao mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kẻ xâm lược lần này là quân đội viễn chinh của thực dân Pháp. So sánh lực lượng giữa ta và địch tuy xấp xỉ về quân số, nhưng chúng có ưu thế tuyệt đối về trang bị kỹ thuật và kỹ thuật chiến đấu. Mặt khác, khi nổ ra kháng chiến ở Thủ đô, quân Pháp đã trong thế bố trí lực lượng xen kẽ với ta ở từng khu phố, từng khu vực, địa bàn. Để làm thất bại âm mưu của địch, ta chủ động tiến công trước, rồi liên tục chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng của chúng, giam chân địch trong thành phố càng lâu càng tốt, nhằm tạo điều kiện giúp cho cả nước có thời gian chuẩn bị mọi mặt chuyển sang thời chiến. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng vũ trang chủ động rút ra ngoài thành phố, nhằm bảo toàn lực lượng, kháng chiến lâu dài. Điều đáng quan tâm là, cùng với đó, chúng ta đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện kế sách “thanh dã”, ‘tiêu thổ kháng chiến”. Ngay từ những ngày đầu chiến sự nổ ra, các gia đình trong mỗi phố đã quẳng bàn ghế, sập gụ, hòm xiểng, cánh cửa… ra đường phố, hình thành các ụ chướng ngại, chiến lũy để cản địch. Công nhân hỏa xa, công nhân xe điện đẩy các toa tàu ra giữa đường phố; tự vệ hạ cây, ngả cột đèn chắn các ngã tư, ngã năm. Nhân dân nội thành tản cư ra các cửa ô đã cùng nhân dân ngoại thành đào hàng chục ki-lô-mét hào giao thông, hàng trăm công sự chiến đấu và phòng tránh; tham gia phá hoại đường sá, cầu cống, nhà cửa… để ngăn chặn địch. Có thể nói, thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược có phần đóng góp đáng kể của quân và dân Hà Nội, nhất là trong thời kỳ đầu, với kế sách “thanh dã”, “tiêu thổ kháng chiến”, bỏ lại những thành phố, thị xã, làng mạc trống không, với khẩu hiệu “tản cư cũng là cứu nước”, lên chiến khu kháng chiến hẹn ngày trở về giải phóng Thủ đô...
Kế sách “thanh dã” là niềm tự hào trong chống giặc ngoại xâm của đất “Thăng Long ngàn năm văn hiến” và là một nét độc đáo trong di sản quân sự của dân tộc ta. Mặc dù ngày nay, chiến tranh diễn ra với phương thức mới, hiện đại, vũ khí kỹ thuật cao... nhưng ưu điểm của dân tộc chống xâm lược và điểm yếu của kẻ đi xâm lược là bất biến, tuy mức độ có khác nhau. Kế sách “thanh dã” trong chống giặc ngoại xâm vì thế, vẫn cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thời kỳ mới.
HÀ THÀNH
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011