QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 01:17 (GMT+7)
Thắng lợi của Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (6-1-1946): “Toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân”

Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng khẳng định trước thế giới và quốc dân đồng bào: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và  độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Trên thực tế, nước ta là một nước tự do, độc lập, nhưng về mặt pháp lý chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận, thêm vào đó đang ở tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”- những hậu qủa của chế độ phong kiến, thực dân, thiên tai và nguy cơ một cuộc chiến tranh xâm lược mới do nhiều kẻ thù bên ngoài cùng lúc tiến hành, được các thế lực phản động bên trong hậu thuẫn. Do đó, một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ngay sau ngày thành lập nước là xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức. Công việc này không chỉ để củng cố và tăng cường chính quyền vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân, mà còn làm cho thế giới nhận thấy tính hợp pháp, hợp hiến của một chính quyền do nhân dân bầu ra.

Ngày 3-9-1945, một ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra “ Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, trong đó có vấn đề “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái  mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v”. Việc quyết định tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội để thông qua Hiến pháp xác nhận mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân là một biểu hiện tính chất nhân dân của cuộc cách mạng Tháng 8-1945 và nhiệm vụ bảo vệ, phát triển những thành quả của cuộc cách mạng này. Theo mục tiêu của cách mạng và Nghị quyết của Quốc dân Đại hội Tân Trào - sau khi cách mạng thành công, phải xây dựng chính thể dân chủ cộng hòa và thành lập Chính phủ chính thức của nhân dân do Quốc hội, được bầu theo lối phổ thông đầu phiếu, cử ra - Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức ngay cuộc Tổng tuyển cử.
Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 14- SL gồm 7 điều, quy định những việc cần thiết để tiến hành Tổng tuyển cử: thời hạn, tư cách cử tri, người ứng cử... và những quy định trong các sắc lệnh tiếp theo, như Sắc lệnh 51-SL ngày 17-10-1945, Sắc lệnh số 71-SL ngày 2-12-1945..., chứng tỏ việc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội không chỉ đáp ứng nguyện vọng, yêu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân, thể hiện tính chất tiến bộ của chế độ xã hội mới mà còn bảo đảm những quy định về mặt pháp lý.
Việc tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một sự kiện trọng đại, vì đây là lần bầu cử Quốc hội đầu tiên trong lịch sử dân tộc, và cũng là nước có bầu cử đầu tiên trong các nước thuộc địa và phụ thuộc. Cho nên, để công việc này được diễn ra suôn sẻ là cả một cuộc đấu tranh gay gắt trong điều kiện đất nước có thù trong, giặc ngoài, có nhiều khó khăn, phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội. Các báo phản động như các tờ “ Việt Nam”, “Thiết Thực”, “Đồng Tâm” tiến hành một chiến dịch tuyên truyền nhằm xuyên tạc ý nghĩa việc Tổng tuyển cử. Theo chúng, nhân dân thất học không đủ trình độ làm chủ đất nước cũng như lựa chọn người đại biểu của mình và chúng kêu gọi tẩy chay cuộc Tổng tuyển cử với chiêu bài: “Lúc này cần tập trung lực lượng chống Pháp xâm lược, chứ không nên mất thì giờ, công việc vào Tổng tuyển cử”. Thực chất ý đồ của chúng là phá hoại Tổng tuyển cử, vì chúng biết sẽ không được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội do những hành động phản dân, hại nước đã tự bóc trần các nhãn mác “quốc gia”, “ái quốc” giả hiệu mà chúng thường đeo bám. Đó là điều mà chúng không hề muốn. Quan trọng hơn, qua việc Tổng tuyển cử tự do và dân chủ này, nhân dân sẽ bầu những đại biểu Quốc hội xứng đáng của mình và một Chính phủ hợp pháp, vững mạnh được thành lập. Để củng cố tinh thần làm chủ, trách nhiệm và danh dự người công dân một nước độc lập, Hồ Chí Minh, trong “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”, công bố ngày 5-1-1946, đã chỉ rõ: “ Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ miền Nam rằng: Về mặt quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Mỗi lá phiếu có sức lực như một viên đạn.
Ngày mai, quốc dân sẽ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã:
Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,
Kiên quyết chống bọn thực dân,
Kiên quyết tranh quyền độc lập". Điều này chứng tỏ rằng: việc đi bầu cử đại biểu Quốc hội của nhân dân Việt Nam ngay sau cách mạng Tháng 8-1945 là biểu hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của ý chí quyết tâm bảo vệ, củng cố nền độc lập dân tộc.
Đúng như vậy, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra khá gay go, phức tạp, một vài địa phương ở miền Nam bị Pháp chiếm đã đổ máu. Mặc cho bọn phản động tuyên truyền phá hoại, các tầng lớp nhân dân vẫn phấn khởi, nhiệt liệt hưởng ứng, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội. Nhiều người có tài, đức, thực tâm yêu nước đã tự ứng cử hoặc được các đoàn thể quần chúng giới thiệu ra ứng cử, tạo nên một bầu không khí dân chủ, lành mạnh. Cử tri trao đổi, thảo luận, chất vấn rồi quyết định, tự tay mình viết vào lá phiếu ghi tên người mình tín nhiệm làm đại biểu Quốc hội. Những cử tri chưa biết chữ, hoặc ốm đau, tật nguyền thì có người viết giúp một cách trung thực. Những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại bị vạch trần, những kẻ vi phạm pháp luật bị xử lý.
Ngày Tổng tuyển cử thực sự trở thành ngày hội của quần chúng, toàn dân nô nức tham gia. Các cháu thiếu nhi háo hức đi cổ động, chào mừng ngày hội của ông bà, chú bác, anh chị. Cử tri ăn mặc như đi dự lễ hội, bất chấp lời đe dọa, ngăn trở của bọn phản động ở vùng tự do, cũng như bom đạn của Pháp ở vùng chúng chiếm đóng. ở khu  vực Ngũ Xá (Hà nội), bọn phản động huy động một lực lượng đông, có vũ trang cả súng liên thanh để ngăn cản tiến hành việc bầu cử (cấm treo quốc kỳ, đặt hòm phiếu...), nhưng nhân dân vẫn hoàn thành nhiệm vụ và quyền lợi công dân của mình (gần 92% cử tri đi bầu). Tại Sài gòn - Chợ lớn, có hàng trăm hòm phiếu cố định, hoặc chuyển đến khu dân cư để cử tri bỏ phiếu cho thuận lợi, tránh việc đàn áp, khủng bố của địch. Tuy vậy, ở đây vẫn có 42 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử. ở Nha Trang, thực dân Pháp huy động máy bay bắn phá những nơi tổ chức bầu cử, làm 4 người chết, trong đó có một em bé 2 tuổi và 12 người bị thương.
Với tinh thần đấu tranh ngoan cường cho độc lập, tự do, với ý thức làm chủ mạnh mẽ, 89% cử tri trong cả nước, ở vùng tự do cũng như vùng bị địch tạm chiếm, từ thành thị, nông thôn đến vùng rừng núi Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, tận vùng sâu, vùng xa như Lũng Cú (Hà Giang), chót mũi Cà Mau, đã đi bầu và  bầu được 333 đại biểu, trong đó 87% đại biểu Quốc hội là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 39 đại biểu các dân tộc thiểu số. Hồ Chí Minh là người kiến tạo nên Đại hội Quốc dân Tân Trào và Quốc hội, hướng Đại hội và Quốc hội vào những quyết sách lớn trong sự nghiệp giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (tháng 1-1946), bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đánh dấu một bước phát triển mới trong việc củng cố nền độc lập dân tộc vừa giành được, thực hiện thể chế dân chủ thực sự, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân và vì dân; khẳng định kết quả đấu tranh lâu dài giành quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân của nhân dân Việt Nam, đặc biệt từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vì điều kiện chiến tranh, Quốc hội khóa I tồn tại suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và những năm đầu miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đã góp phần tạo nên thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đặt cơ sở cho miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), miền Nam đấu tranh giải phóng đất nước, rồi sau đó là cả nước đi lên CNXH, đóng góp vào việc xây dựng pháp chế xã hội chủ nghĩa.
 Tháng năm này (2007), nhân dân Việt Nam nô nức tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, trong điều kiện đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng CNXH, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những bài học kinh nghiệm của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên hết sức quý báu cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa mới để có một cơ quan lập pháp thật sự vững mạnh, dân chủ, trung thành với lợi ích của cách mạng, của nhân dân dân, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa được nhân dân lựa chọn và quyết tâm thực hiện thành công. Trải qua 11 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có nhiều đóng góp để giữ gìn bình yên cho nhân dân đi bầu cử và nhiều đại biểu xuất sắc của Quân đội được nhân dân chọn bầu làm đại biểu Quốc hội, tiêu biểu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - đại biểu Quốc hội trong nhiều khóa liền. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII sẽ tiếp thu và phát huy cao hơn những bài học kinh nghiệm, thành quả của việc bầu cử và hoạt động của Quốc hội những khóa trước, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, sớm đưa đất nước lên hàng các quốc gia phát triển. Trong cuộc bầu cử này, nhân dân sẽ chọn lựa và bầu ra được những đại biểu xứng đáng của mình. Đó là những người yêu nước, tâm huyết với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, có kiến thức văn hóa - xã hội sâu sắc, biết nghĩ, biết bàn việc nước, có năng lực hành động và bản lĩnh vững vàng trong hoàn cảnh Việt Nam đã là thành viên của WTO.
GS, TS. Phan Ngọc Liên
Đại học Sư phạm Hà Nội
 
Ý kiến bạn đọc (0)