QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 00:25 (GMT+7)
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám - một điển hình về công tác vận động quần chúng của Đảng ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám là một trong ba thắng lợi lớn nhất của cách mạng Việt Nam thế kỷ XX. Nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng tháng Tám nói riêng, cũng như toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám chính là một điển hình đặc sắc nhất của công tác vận động, tập hợp quần chúng của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Năm 1930, Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, con đường cách mạng Việt Nam được xác định là con đường cách mạng vô sản. Để thực hiện được con đường giải phóng dân tộc, đưa cách mạng đến thắng lợi, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn nhận rõ vai trò to lớn của quần chúng nhân dân.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn kiên trì tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng, tập hợp các lực lượng yêu nước bằng các hình thức thích hợp trong một tổ chức liên minh - Mặt trận dân tộc thống  nhất nhằm phát huy sức mạnh của cả dân tộc đấu tranh cho mục tiêu chung.
Tháng 5 năm 1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng do Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì đã diễn ra tại Cao Bằng. Tại Hội nghị, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta đã đề xướng một nghị quyết đúng đắn, sáng tạo về đường lối đoàn kết toàn dân tộc - thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Đây là tổ chức "liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn"1.
Cuối năm 1941, trên tờ Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã kêu gọi: " Dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào "Nông dân Cứu quốc hội". Thanh niên phải vào "Thanh niên Cứu quốc hội". Phụ nữ vào "Phụ nữ cứu quốc hội". Trẻ con vào "Nhi đồng cứu quốc hội". Công nhân vào "Công nhân cứu quốc hội". Binh lính vào "Binh lính cứu quốc hội". Các bậc phú hào, văn sĩ vào “Việt Nam Cứu quốc hội”.
           
1- ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, T.3, tr. 3.
2- ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, T.7, tr 461.
Những hội ấy do Việt Nam độc lập đồng minh lãnh đạo. Người có tiền giúp tiền, kẻ có sức giúp sức. Đồng tâm hợp lực. Muôn người một lòng. Nhân cơ hội này mà khôi phục lại Tổ quốc, mà làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập"2.
Với chủ trương đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, Mặt trận Việt Minh đã thu hút được đông đảo nhân dân các tầng lớp khác nhau tham gia. Đến năm 1942, các tổ chức cứu quốc của Việt Minh như Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc đã được thành lập ở nhiều tỉnh. Tỉnh Cao Bằng trở thành trung tâm của phong trào cứu quốc cả nước, nơi đây đã xuất hiện nhiều xã, nhiều tổng hoàn toàn tham gia Việt Minh, có 3 trong tổng số 9 châu "hoàn toàn".
Cho tới năm 1943 - 1944, các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh đã được thành lập và phát triển nhanh chóng ở khắp các tỉnh, thành phố, trong các nhà máy, trường học. Qua đây thấy, Việt Minh là một tổ chức xã hội có cơ cấu tổ chức hoàn thiện nhất, chặt chẽ nhất từ Trung ương xuống các địa phương và thích hợp với mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội và do đó đã tập hợp được lực lượng toàn dân.
Chủ trương đoàn kết, tập hợp lực lượng của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị lực lượng cách mạng, chuyển cách mạng Việt Nam sang thời kỳ cao trào và tiến lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ba ngày sau đó (12-3-1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Chỉ thị đã xác định kẻ thù chính, cụ thể trước mắt của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Nhật, đồng thời nhấn mạnh  đến việc phải mở rộng cơ sở Mặt trận Việt Minh để đoàn kết, vận động, tập hợp mọi lực lượng nhân dân vào cao trào kháng Nhật, cứu nước.
Nhằm tập hợp đông đảo nhân dân tham gia vào cao trào kháng Nhật, cứu nước, Đảng đã ban hành các chủ trương, chính sách, đề ra các khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của hàng chục triệu quần chúng. Đảng đã phát động phong trào "Phá kho thóc để giải quyết nạn đói". Đây là một nghệ thuật phát động quần chúng, trước hết là vì mục tiêu kinh tế cấp bách trước mắt, nhưng có ý nghĩa chính trị lâu dài và hết sức sâu sắc. Chủ trương này đã đáp ứng đúng nguyện vọng bức thiết của nhân dân và qua phong trào, nhân dân đã nhận rõ muốn giành quyền sống cho mình phải đoàn kết dưới ngọn cờ Việt Minh đấu tranh đánh đổ ách thống trị của phát xít Nhật và bè lũ tay sai.
Ngày14-8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, thời cơ tổng khởi nghĩa đã tới. Đảng đã phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên"1.
Đáp lại lời kêu gọi của Đảng và Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã đồng loạt đứng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 14-8-1945, khởi nghĩa nổ ra đầu tiên và thắng lợi tại Quảng Ngãi. Ngày 19-8, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội đã xuống đường khởi nghĩa và giành chính quyền ở thủ đô Hà Nội. Ngày 23-8 tại Huế, hàng vạn nhân dân xuống đường mít tinh, tuần hành buộc chính quyền trung ương của địch phải đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền phong kiến ở Việt Nam . Tại Sài Gòn, ngày 25- 8 hàng triệu nhân dân khởi nghĩa, lật đổ chính quyền tay sai Nhật, lập chính quyền cách mạng. Đồng Nai Thượng và Hải Tiên là nơi nhân dân giành chính quyền cuối cùng vào ngày 28-8-1945.
           
1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, T.3, tr. 209.
Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày tiến hành tổng khởi nghĩa (từ 14 đến 28-8-1945), nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi này là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực chuẩn bị lực lượng cách mạng suốt 15 năm của Đảng, là thắng lợi của việc tạo dựng thời cơ, nắm và tận dụng thời cơ tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa trên cả nước, nhưng trên hết là thắng lợi của sự vận dụng sáng tạo vào điều kiện Việt Nam đường lối khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong cách mạng tháng Tám, Đảng ta mới chỉ có 5.000 đảng viên, một số khá đông bị giam cầm trong nhà tù, trại tập trung và bị đày biệt xứ; lực lượng vũ trang cách mạng do Đảng lãnh đạo cũng chỉ mới có khoảng 5.000 người, nhưng với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, với phương pháp thực hiện linh hoạt, sự đoàn kết trong Đảng muôn người như một, Đảng đã đoàn kết, vận động toàn dân  dưới lá cờ của Đảng thực hiện thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, sự cai trị của Nhật và lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót ngàn năm, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đây là thời điểm cách mạng thể hiện vai trò to lớn của những cán bộ, đảng viên hoạt động trong phong trào quần chúng. Họ tham gia các đoàn thể cứu quốc, từ đó đem chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng phổ biến, tuyên truyền trong nhân dân. Họ đã dựa vào dân, vào sức mạnh của lòng yêu nước, thương nòi trong nhân dân làm nền tảng chính trị, xã hội cho Đảng; Đảng gắn bó với dân, dân tin yêu, gắn bó với Đảng, là cơ sở nhân sức mạnh của Đảng lên gấp bội, biến Đảng thành vô địch, trong tương quan đối mặt với kẻ thù đông và mạnh. Đây chính là một bước hiện thực hoá sinh động tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh.
           
1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X,  Nxb CTQG, H. 2006, tr. 40-41.
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đang nỗ lực đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Những thành tựu qua 20 năm đổi mới (1986-2006) đang là tiền đề thuận lợi cho đất nước ta tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội với nhịp độ nhanh hơn, chất lượng tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, phát triển, nhất là trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ đan xen nhau... Để đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, vận hội, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Nghị quyết Đại hội Đảng X khẳng định : "Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược nhất quán của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"1. Thuận lợi lớn, có tính chất cơ bản để quán triệt và thực hiện thắng lợi chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc mà Nghị quyết đã nêu, là hiện nay riêng về số đảng viên, ta có khoảng 3 triệu, gấp nhiều lần so với thời kỳ cách mạng tháng Tám. Cùng với đó, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được tăng cường, đó là những nhân tố cơ bản và là cơ sở vững chắc để chúng ta có quyền tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà Đảng và nhân dân ta đã xác định. Tuy nhiên, không thỏa mãn, dừng lại, một vấn đề cốt tử đặt ra, Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII để không ngừng nâng cao hơn nữa năng lực và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Bởi thực tế xã hội hiện nay vẫn diễn ra những hiện tượng quan liêu, tham nhũng trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng. Một mặt, Đảng phải không ngừng tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Mặt khác, mỗi đảng viên phải tiếp tục phát huy vai trò tiền phong của mình như trong cách mạng tháng Tám; thấm nhuần quan điểm: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; coi trọng công tác vận động quần chúng, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ trong một mặt trận thống nhất; khắc phục bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Hơn lúc nào hết phải hiểu thật sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu, trong một đất nước, địa vị cao nhất là dân, bởi “dân là chủ”, “bao nhiêu lợi ích vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Công tác dân vận phải góp phần vào nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng; góp phần xây dựng cuộc sống mới, đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi cán bộ, đảng viên cần luôn tâm niệm: nếu cán bộ, đảng viên nào làm giảm lòng tin  của nhân dân đối với Đảng, tức là đã làm suy yếu sức mạnh của Đảng và vì vậy cũng không còn xứng đáng là đảng viên Cộng sản.
 
ThS. Trần Huyền
Viện Hồ Chí Minh - Học viện CTQG Hồ Chí Minh
 
 

Ý kiến bạn đọc (0)