QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:17 (GMT+7)
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền khi Việt Nam là thành viên WTO

Xác định con đường đi lên CNXH, Đảng ta khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường XHCN trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 9 và thông qua việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1992, Đảng ta xác định phải đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được Đảng ta đặt ra như một nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tại Đại hội lần thứ 10, Đảng ta lại tiếp tục khẳng định “Đẩy nhanh công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trên các mặt: hệ thống thể chế, chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức; phương thức hoạt động”.

Chúng ta biết rằng, trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch  Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tìm thấy ở đó chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả. Hồ Chí Minh là người đã khởi xướng những tư tưởng, quan điểm về pháp quyền, nhân quyền, về các quyền tự do, dân chủ, về vai trò của pháp luật trong xã hội. Trong Diễn ca về Tám yêu sách gửi các nước đồng minh họp Hội nghị Véc-xây đầu năm 1919, Người viết: “Bảy xin hiến pháp ban hành. Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”.
 Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền đã được vận dụng ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước ta mang tính nhân dân, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, sự hiện diện của Hiến pháp gắn liền với nền dân chủ, với quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhà nước phải thực hiện quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Giữa pháp luật và nhà nước có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Sự phát triển, hoàn thiện của nhà nước và pháp luật không tách rời sự phát triển, tiến bộ của nền văn minh nhân loại và trình độ phát triển cụ thể của từng quốc gia, dân tộc. Đó là một tư tưởng hết sức biện chứng, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước ta.
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách quan trọng, đáp ứng yêu cầu hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của đất nước – giai đoạn hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới.
Để thực hiện đúng lộ trình trong tiến trình hội nhập, chúng ta phải tiến hành đồng bộ một hệ thống giải pháp, nhằm phát huy tối đa lợi thế của đất nước, khắc phục một cách có hiệu quả các yếu kém, tận dụng được thời cơ và thuận lợi, vượt qua thách thức và khó khăn, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì  mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trước hết, chúng ta cần làm rõ những cơ hội, những thuận lợi khi nước ta là thành viên của WTO:
Một là, nước ta được khẳng định tư cách là một đối tác bình đẳng, không bị phân biệt đối xử. Điều này cho phép chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Hai là, nước ta có điều kiện để cải thiện môi trường đầu tư và thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài; đồng thời, cơ hội đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam tăng lên. Ba là, vị thế quốc tế của Việt Nam được đề cao; chúng ta có vị thế mới trong đấu tranh, khi xẩy ra các cuộc tranh chấp thương mại để bảo vệ quyền lợi của đất nước, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp. Bốn là, nước ta có điều kiện để mở rộng hơn nữa quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế; có điều kiện thuận lợi hơn để tìm kiếm những đối tác mới, cả song phương lẫn đa phương.
Tuy nhiên, đồng thời với các cơ hội, thuận lợi nêu trên, nước ta phải vượt qua nhiều thách thức, khó khăn; một mặt, đó là sự  yếu kém của bản thân nước ta về nhiều mặt, mặt khác, là khả năng nắm bắt và xử lý những tình huống phức tạp trong quan hệ quốc tế, trước hết là quan hệ thương mại còn nhiều hạn chế. Những thách thức, khó khăn đó là:
Một là, sức ép cạnh tranh đối với nước ta sẽ  tăng lên gấp bội, từ cạnh tranh sản phẩm đến cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh quốc gia. Hai là, khi nước ta đã hội nhập sâu, toàn diện, trực tiếp vào nền kinh tế thế giới, thì sự tuỳ thuộc lẫn nhau giữa nền kinh tế nước ta với nền kinh tế các nước cũng sẽ tăng lên. Vấn đề này vừa có mặt lợi, vừa có mặt hại đối với nước ta. Bởi vì, một biến động, một rủi ro của một nền kinh tế trong tổ chức WTO sẽ tác động ngay đến các nền kinh tế khác. Nguy cơ rối loạn thị trường, khủng hoảng tài chính - tiền tệ là nhân tố tiềm ẩn, khi xẩy ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển bền vững của nước ta. Ba là, ngoài lĩnh vực kinh tế, các lĩnh vực chính trị, văn hoá, an ninh, quốc phòng, môi trường của nước ta phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, nhất là vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng  và những vấn đề về định hướng XHCN, về bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc - nền tảng tinh thần của xã hội nước ta.
Việc xác định rõ thời cơ, thuận lợi cũng như nguy cơ, thách thức khi nước ta là thành viên WTO là hết sức cần thiết. Điều cần nhấn mạnh là, thời cơ và nguy cơ không phải bất biến mà luôn vận động trong quan hệ biện chứng với nhau; bởi vậy, chúng ta phải có đối sách hợp lý để biến thời cơ thành hiện thực thì sẽ lấn át được nguy cơ, thậm chí biến nguy cơ thành thuận lợi.
Trong lịch sử hiện đại của cách mạng Việt Nam, đã nhiều lần, ở nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, chúng ta đã thực hiện thành công nghệ thuật tạo thời cơ, nhanh nhạy nắm bắt thời cơ và đã biến thời cơ thành hiện thực thắng lợi to lớn.
Để thực hiện tốt hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta phải tiến hành đồng bộ một hệ thống chính sách kinh tế, xã hội phù hợp. Trong đó, một vấn đề quan trọng cần phải tập trung là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Bởi vì, khi hội nhập kinh tế quốc tế, để bảo đảm sự tương thích của pháp luật quốc gia với các không gian pháp lý có tính quốc tế đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh công tác lập pháp.
Việc nước ta gia nhập WTO đã đặt ra những yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước sao cho vừa phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới mà vẫn giữ được các đặc trưng riêng của Việt Nam. Đó là tiền đề quan trọng bảo đảm cho Nhà nước ta thực hiện có hiệu quả, nghiêm túc các cam kết quốc tế, một trong những yêu cầu quan trọng của công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.
Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh việc đổi mới, trước hết là công tác lập pháp. Chúng ta không những phải soạn thảo và thông qua nhiều đạo luật mới mà còn phải rà soát, sửa đổi những đạo luật đã có, sao cho đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh đất nước đã gia nhập WTO. Do vậy, công tác lập pháp của nước ta trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII trở nên cấp bách hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây. Quốc hội phải thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát tối cao của Quốc hội. Song song với việc nâng cao chất lượng hoạt động của mình, trước hết phải bảo đảm tốt công tác lập pháp, phải đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan hành pháp, xây dựng một Chính phủ gọn về tổ chức, rõ về chức năng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động.
Trong điều kiện hiện nay, chức năng quản lý của Chính phủ gồm hai nhóm cơ bản sau đây:
-  Nghiên cứu chính sách thể chế;
- Điều hành mang tính chất hành chính công quyền.
Để thực hiện chức năng hành pháp của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội X của Đảng nêu rõ: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại. Luật hoá cơ cấu, tổ chức của Chính phủ; tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bảo đảm tinh gọn và hợp lý. Phân cấp mạnh, giao quyền chủ động hơn nữa cho chính quyền địa phương, nhất là trong việc quyết định về ngân sách, tài chính, đầu tư, nguồn nhân lực, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Trung ương”. Cụ thể, Chính phủ cần thực hiện bốn nhóm quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống nhất bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm cho toàn bộ hệ thống này hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đủ mạnh, để hoàn thiện các chức năng hành pháp.
- Bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong đời sống Nhà nước và xã hội.
- Thống nhất quản lý hành chính nhà nước về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và đối ngoại.
Thực hiện chính sách xã hội, trong đó cần quan tâm chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo.
- Thực hành những biện pháp hữu hiệu bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước, xã hội và bảo vệ môi trường.
  Về quyền tư pháp, trong bối cảnh hiện nay cần lưu ý, trọng tâm của cải cách tư pháp chính là cải cách tổ chức và hoạt động của Toà án, với quan điểm: Toà án là trung tâm của hệ thống tư pháp và sự độc lập của Toà án trong việc xét xử là điều kiện cơ bản bảo đảm Toà án thực hiện vai trò của mình là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã xác định: “Xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người... Cải cách tư pháp khẩn trương, đồng bộ; lấy cải cách hoạt động xét xử làm trọng tâm; thực hiện cơ chế công tố gắn với hoạt động điều tra. Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Đổi mới mạnh mẽ pháp luật, thủ tục về hoạt động tư pháp trong tất cả lĩnh vực: hình sự, dân sự, hành chính...theo hướng chuyển các hoạt động xét xử của Toà án sang chế độ tranh tụng để thật sự bảo đảm quyền bình đẳng của các bên trong quá trình tranh tụng tại Toà án.
Đội ngũ cán bộ, công chức luôn giữ vai trò quan trọng trong thực thi pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với toàn xã hội. Trong bối cảnh hiện nay của nước ta, càng đòi hỏi đội ngũ công chức phải có trình độ chuyên nghiệp cao; đồng thời, phải có thái độ tận tuỵ phục vụ nhân dân. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động và đang được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện, có ý nghĩa quan trọng nhằm khắc phục sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức.
Để chiến thắng trong quá trình hội nhập, chúng ta phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN, nhân dân ta sẽ tận dụng được cơ hội, thuận lợi, vượt qua được thách thức, khó khăn, xây dựng nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, như Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra.
GS, VS. Nguyễn Duy Quý
Nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam
 

Ý kiến bạn đọc (0)