QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 23:42 (GMT+7)
Thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh – Bộ đội Biên phòng gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số
Biên giới, biển đảo có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, vùng biên giới, biển đảo có 943 xã, phường thuộc các huyện, thị xã của 43 tỉnh, thành, với gần 8.000 bản, thôn, xóm, gồm 94 vạn hộ, hơn 5 triệu nhân khẩu của 50 dân tộc anh em. Đây là vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, có khó khăn về nhiều mặt, nhất là kinh tế - xã hội,  nhưng lại là địa bàn xung yếu về quốc phòng - an ninh, nơi mà các thế lực thù địch hết sức coi trọng, giành giật để làm chỗ đứng chân, tổ chức xây dựng lực lượng, đẩy mạnh các hoạt động chống phá trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ.
Xuất phát từ vị trí quan trọng của địa bàn biên giới, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và chăm lo xây dựng vùng biên giới, biển đảo, đặc biệt là quan tâm chăm lo, xây dựng lực lượng chuyên trách làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc. Trong ngày thành lập (3-3-1959), khi giao nhiệm vụ cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Chúng ta phải dựa vào dân. Nhất là công an biên phòng ở những nơi đồng bào thiểu số, phải chú ý đến phong tục, tập quán của đồng bào, luôn giáo dục, giúp đỡ đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, phục cán bộ thì đồng bào hết sức giúp đỡ, có khi hy sinh cả cho ta. Đối với những đơn vị ở biên thùy hay ở các đảo, việc ấy phải hết sức chú ý; phải giúp đỡ dân, ngày thường tìm mọi cách giáo dục họ, giúp đỡ, tổ chức họ. Muốn làm như thế, phải nắm vững chính sách đối với đồng bào thiểu số, điều đó rất cần thiết”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, BĐBP luôn luôn lấy "dân làm gốc" trong công tác biên phòng. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được biểu hiện tập trung nhất, cô đọng nhất, đó là vì nước, vì dân: nước nhà hoàn toàn độc lập, nhân dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành và Người đã suốt đời hành động vì mục tiêu lý tưởng ấy. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, BĐBP không dừng lại ở khẩu hiệu, những buổi lên lớp về lý luận trên hội trường, mà đã cụ thể hóa và phát động thành chương trình hành động thiết thực trong toàn lực lượng. Từ năm 2000, toàn lực lượng đã phát động phong trào "BĐBP học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy”, đẩy mạnh các mặt công tác và xây dựng lực lượng BĐBP theo hướng “ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, BĐBP thực hiện nhiều giải pháp, trong đó công tác vận động quần chúng là cơ bản, then chốt. Công việc hàng đầu của công tác này là phải thấm nhuần và thực hiện tốt phương châm “nghe được dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, giải thích cho dân hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ chủ quyền, giữ gìn trật tự, an ninh biên giới để nhân dân thực hiện đúng, có sự giúp đỡ và chỉ dẫn của BĐBP. Biên giới, vùng biển và hải đảo nước ta tiếp giáp với nhiều quốc gia có các chế độ chính trị khác nhau và ở mỗi tuyến, mỗi vùng lại có những điều kiện địa lý, kinh tế, văn hóa với các trình độ khác nhau, gắn với các dân tộc khác nhau nên cách thức hoạt động của BĐBP cũng không thể đồng nhất. Nhưng dù ở tuyến biên giới nào, vùng đồng bào dân tộc nào thì BĐBP đều phải dựa vào dân, gắn bó với nhân dân các dân tộc để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BĐBP luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “... phải chú ý đến phong tục, tập quán của đồng bào". Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ biên phòng cần đặc biệt chú ý đến đặc điểm riêng của cư dân nơi mình công tác, “cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, đôn đốc theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn”. Lấy đó làm phương châm hành động, BĐBP đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan  tiến hành đồng bộ việc khảo sát, phân loại, lập kế hoạch và triển khai việc vận động quần chúng, xây dựng chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội với từng cơ sở cụ thể. Được sự giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể quần chúng, cán bộ, chiến sĩ biên phòng xuống bám dân, nắm địa bàn, kiên trì vận động, thuyết phục, giáo dục nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố lòng tin của dân đối với Đảng, với chế độ. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã tích cực tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền, hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội ở cơ sở vùng sâu, vùng xa; làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ, đảng viên, nhất là ở các cơ sở vùng biên giới, hải đảo, vùng có nhiều đồng bào theo đạo, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và các địa bàn trọng điểm. Nhờ tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc, đi đôi với chống lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân của các thế lực thù địch; nhờ chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể ngày càng được nâng lên, BĐBP đã thường xuyên nắm và quản lý chắc tình hình địa bàn; đã tổ chức tốt các cuộc tấn công chính trị với các đối tượng tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, truyền đạo trái pháp luật ở địa phương, tổ chức đưa người dân tộc thiểu số vượt biên, trọng điểm là tuyến biên giới Tây Nguyên. Khắc sâu lời Bác Hồ dạy, cán bộ chiến sĩ biên phòng nắm vững chủ trương, đối sách, vận dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý, đã vận động, tổ chức nhân dân đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới với phương châm: giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia nhưng không để xảy ra xung đột hoặc đối đầu căng thẳng, lấy đấu tranh của phong trào quần chúng là chủ yếu; luôn biết tự kiềm chế, bình tĩnh trong xử lý các tình huống. Vì vậy, đã ngăn chặn, đẩy lùi được các hành động xâm canh, xâm cư, lấn chiếm biên giới, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Công tác đấu tranh chống tội phạm trên các tuyến biên giới những năm qua diễn ra vô cùng gay gắt, có trường hợp thương vong, đổ máu, nhưng nhờ sự hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng và  sự giúp đỡ tận tình của nhân dân trên địa bàn, cùng với tinh thần chủ động tiến công, mưu trí, sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự thôn bản được nhân rộng và phát huy hiệu quả ở các địa bàn, góp phần tích cực vào việc giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc và an ninh, trật tự khu vực biên giới và vùng biển.
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh: phát triển kinh tế – văn hóa- xã hội miền núi là bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế quốc dân, BĐBP đã tích cực, chủ động tham gia thực hiện chiến lược này. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã ngày đêm bám địa bàn, bám dân, coi “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, khắc phục mọi khó khăn, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương phục vụ cho phát triển kinh tế -văn hóa- xã hội của từng địa bàn. Chương trình phối hợp với các ngành tham gia giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo luôn được quan tâm thực hiện có hiệu quả. BĐBP đã tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp vận động nông dân các dân tộc đẩy mạnh phát triển sản xuất và tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; cùng với Mặt trận Tổ quốc tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và cuộc vận động “vì người nghèo”; đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo cho cán bộ Mặt trận,  cán bộ làm công tác vận động quần chúng và tuyên truyền đặc biệt. Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP còn chủ động khảo sát xây dựng các điểm chỉ đạo toàn diện về phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh ở các xã, thôn, bản biên giới, ven biển; phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, định canh, định cư; tổ chức khám, chữa bệnh, mở các lớp học: xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn đóng quân. BĐBP các tỉnh còn chủ động chỉ đạo và triển khai công tác phòng, chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân.
Trên cơ sở nhận thức đúng vị trí chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là nền tảng vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân - động lực chủ yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; BĐBP làm theo lời Bác đã dạy: “ phải nắm vững chính sách với đồng bào thiểu số ”. BĐBP luôn làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương triển khai và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.
ở lĩnh vực kinh tế, đó là tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu nhập bình quân cho mọi người dân, hộ dân, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, tăng các phúc lợi công cộng xã hội như mạng lưới điện quốc gia, đường giao thông (nhất là đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã trong vùng), trường học, trạm y tế, nguồn nước sạch... ở lĩnh vực chính trị, đó là phát huy quyền làm chủ của người dân vào các vấn đề chính trị - xã hội của đất nước, tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp. ở lĩnh vực văn hoá- xã hội, đó là việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, cổ vũ những sáng tạo bằng song ngữ và quyền hưởng thụ văn hoá của đồng bào; tạo điều kiện về trường, lớp cho con, em đồng bào các dân tộc đi học, xóa bỏ hủ tục và tệ nạn xã hội.
Ổn định biên giới, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ chiến lược đòi hỏi sự tham gia của toàn dân, trực tiếp nhất là nhân dân và các lực lượng chức năng hoạt động trên tuyến biên giới. Việc hướng dẫn nhân dân chấp hành tốt kỷ cương, phép nước, Luật Biên giới quốc gia, giữ gìn và phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới là trách nhiệm cao cả của BĐBP, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Đại tá, ThS. Lê Minh Tý
 
Ý kiến bạn đọc (0)