QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 00:47 (GMT+7)
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, công an và quân đội tăng cường đoàn kết, phối hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Công an nhân dân (CAND) và Quân đội nhân dân (QĐND) là lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân do Đảng, Bác Hồ thành lập; là công cụ trọng yếu đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, giành độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ và nhân dân; bảo vệ sự nghiệp đổi mới...

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Bác Hồ luôn quan tâm, giáo dục, rèn luyện LLVT nhân dân, chăm lo giữ gìn sự đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu giữa CAND và QĐND. Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ... Vì vậy càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau”. Tư tưởng vĩ đại của Người về đoàn kết đã biến thành sức mạnh làm nên truyền thống vẻ vang của CAND và QĐND.

Ngay từ khi thành lập và trong đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, để chống lại kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, dưới sự lãnh đạo của Đảng, CAND và QĐND đã luôn kề vai sát cánh cùng với toàn dân, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", chiến đấu anh dũng, kiên cường, thông minh, sáng tạo, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam lên một tầm cao mới, đánh thắng mọi chiến lược chiến tranh xâm lược của kẻ thù, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên CNXH.
Nước nhà thống nhất, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, CAND và QĐND ra sức xây dựng vững mạnh toàn diện, phát huy truyền thống đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả trong công tác và trong chiến đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đặc biệt, từ khi có Quyết định 107/ 2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an (BCA) và Bộ Quốc phòng (BQP) thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”, thì sự phối hợp giữa hai lực lượng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn, vững chắc hơn. Nhất là, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), nền an ninh nhân dân (ANND), xây dựng các tỉnh, thành phố thành các khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chiến lược “diễn biến hoà bình” (DBHB), bạo loạn lật đổ và các hoạt động đội lốt dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để chống phá ta của các thế lực thù địch, phản động, “giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN; đẩy mạnh phát triển kinh tế; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới; tạo lập được môi trường quốc tế thuận lợi, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường thế và lực của đất nước”.
Hiện nay và trong thời gian tới, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN đứng trước thời cơ, thuận lợi mới đan xen với những thách thức, nguy cơ không thể xem thường. Thành tựu của công cuộc đổi mới tạo thế và lực mới, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế để nước ta đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế cũng đặt ra nhiều thách thức, nguy cơ; đặc biệt là các thế lực thù địch, phản động lợi dụng mở cửa, hội nhập để đẩy mạnh chiến lược DBHB bằng những phương thức, thủ đoạn tinh vi, thâm độc, xảo quyệt hơn, nhất là mưu đồ tiến hành “cách mạng đường phố”, “cách mạng mầu sắc”...; móc nối giữa bọn phản động, những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước, công khai hoá, quốc tế hoá các hoạt động chống đối, nhằm hình thành các tổ chức chính trị đối lập; lấy vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để kích động tư tưởng ly khai, tự trị; đưa người, phương tiện, vũ khí, tiền của cho các tổ chức phản động trong nước tiến hành các hoạt động phá hoại, bạo loạn, gây mất ổn định chính trị, xã hội, thậm chí can thiệp vũ trang, nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở nước ta. Tình hình đó, đặt ra cho nhiệm vụ QP-AN, bảo vệ Tổ quốc những yêu cầu mới, đòi hỏi CAND và QĐND cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tăng cường đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Để nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa CAND và QĐND trong tình hình mới, cần tập trung làm tốt một số mặt chủ yếu sau:
1- Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về kết hợp QP với AN, kết hợp QP-AN với các lĩnh vực khác; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với hoạt động phối hợp giữa CAND và QĐND thời kỳ mới. Đảng ta khẳng định, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau; xây dựng là gốc của bảo vệ và bảo vệ là bộ phận hợp thành của xây dựng; xây dựng phải gắn với bảo vệ, phải nhằm mục đích xây dựng và phát triển. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Bảo vệ Tổ quốc XHCN là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó sức mạnh AN và QP có vai trò đặc biệt quan trọng. Như vậy, bảo vệ Tổ quốc XHCN trong điều kiện mới đòi hỏi phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với CNXH, lấy giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển KT-XH là lợi ích cao nhất của dân tộc; lấy sức mạnh bên trong là nhân tố quyết định; kết hợp chặt chẽ các mặt kinh tế, QP-AN, đối ngoại, trong đó kết hợp QP-AN là nòng cốt, nhằm chủ động phòng ngừa, sớm phát hiện và triệt tiêu những nhân tố gây mất ổn định từ bên trong và bên ngoài, ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ gây ra xung đột, chiến tranh.
AN và QP là hai lĩnh vực có đối tượng bảo vệ khác nhau, nhưng đều chung một mục tiêu là bảo vệ Tổ quốc và có cùng bản chất của dân, do dân, vì dân, mang tính toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, nên có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại, vừa là tiền đề, vừa là kết quả của nhau. QP vững mạnh là nền tảng vững chắc để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm AN; ngược lại, bảo đảm AN, trật tự ổn định là thành tố tạo nên sức mạnh QP. Sự kết hợp QP với AN nói chung, phối hợp giữa CAND và QĐND nói riêng phải quán triệt quan điểm đó và phải phục vụ cho mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ Tổ  quốc XHCN.
Một vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc là sự phối hợp hoạt động giữa CAND và QĐND phải đảm bảo phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo đặc thù riêng của từng Ngành; đồng thời, phải hỗ trợ, bổ sung cho nhau, nhân lên gấp bội sức mạnh QP-AN. Vì vậy, sự phối hợp giữa hai lực lượng phải được thể chế hoá bằng luật pháp. Thực tế cho thấy, pháp luật càng rõ ràng, cụ thể, thì hoạt động phối hợp giữa CAND và QĐND càng chất lượng, hiệu quả. Trên cơ sở Quyết định 107/2003/QĐ-TTg, BCA và BQP cần tăng cường phối hợp tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chiến lược QP, AN quốc gia, xây dựng các văn bản pháp luật về lĩnh vực QP-AN; ban hành các thông tư, chỉ thị liên Bộ về công tác QP-AN, quy chế phối hợp giữa CA và QĐ với các bộ, ban, ngành liên quan, nhất là quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò chủ quản trong các hoạt động phối hợp, trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, tăng cường pháp chế XHCN trên lĩnh vực này; duy trì nghiêm chế độ phối hợp thanh tra, kiểm tra việc quán triệt và triển khai nhiệm vụ QP-AN của các cấp, các bộ, ngành, địa phương.
2- Phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền QPTD, nền ANND, thế trận QPTD gắn với thế trận ANND. Củng cố QP-AN, bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Chống bọn xâm lược  và bọn phá hoại là nhiệm vụ của QĐ, của CA nói riêng và toàn dân nói chung; là nhiệm vụ mà QĐ và CA phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt... Khi tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được”. Do đó, vận động, tổ chức quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng nền QPTD gắn với nền ANND, thế trận QPTD gắn với thế trận ANND vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lơược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà CA và QĐ đóng vai trò nòng cốt. CA và QĐ cần tăng cường phối hợp tổng kết, đánh giá kết quả xây dựng nền QPTD gắn với nền ANND trong thời gian vừa qua, từ đó tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng nền QPTD với nền ANND trên địa bàn. Tập trung vào công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH gắn với QP-AN, xây dựng “thế trận lòng dân” trên cơ sở xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội, đảm bảo dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN. Giữ vững an ninh chính trị, an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội của địa phương, nhất là phối hợp, hiệp đồng trong xử lý các tình huống về QP-AN và đối ngoại tại các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, biển, đảo, không để bị động, bị bất ngờ. Đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) ngày càng vững chắc; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân, chú trọng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, các đoàn thể, địa phương, GDQP cho học sinh, sinh viên và cho toàn dân, nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức trách nhiệm, đoàn kết xây dựng nền QPTD gắn với nền ANND.
3-  Phối hợp xây dựng CAND và QĐND vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QP-AN, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng CAND, QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành, sắc bén của Đảng, Nhà nước, nhân dân vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu khách quan của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cấp uỷ, chỉ huy các cấp của CA và QĐ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhất là xây dựng bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; qua đó, phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, “Công an nhân dân”, “LLVT của dân, do dân và vì dân”. Tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo lực lượng, nhất là trong diễn tập các phương án, kế hoạch tác chiến phòng thủ khu vực, xây dựng “phòng tuyến an ninh”, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác dân vận, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Nâng cao chất lượng phối hợp nghiên cứu phát triển lý luận khoa học quân sự, khoa học công an, nghệ thuật chiến tranh nhân dân hiện đại, phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng, hiện đại hoá trang bị, vũ khí, xây dựng CAND và QĐND xứng đáng với truyền thống anh hùng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Trung tướng, PGS, TS. Trần Đại Quang
Ủy viên BCH TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
 

Ý kiến bạn đọc (0)