QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 21:28 (GMT+7)
Tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện chiến dịch đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 của Đảng đã dự báo tình hình thế giới những năm sắp tới: “Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang... tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp. Các mâu thuẫn lớn của thời đại vẫn rất gay gắt”1. Đối với đất nước ta, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) nếu xảy ra, thì đối tượng tác chiến sẽ là kẻ xâm lược có vũ khí, trang bị hiện đại, chủ yếu là vũ khí công nghệ cao với nhiều phương thức, thủ đoạn tác chiến mới. Đó là những thách thức đối với nhiệm vụ BVTQ Việt Nam XHCN. Do vậy, cùng với việc phát huy ưu thế về chính trị, tinh thần của cuộc chiến tranh chính nghĩa, chúng ta phải thường xuyên nâng cao khả năng phòng thủ đất nước, đặc biệt là khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang (LLVT); trong đó, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến dịch (HLCD) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Những năm qua, công tác HLCD trong toàn quân đã có nhiều chuyển biến tiến bộ cả về nội dung, chương trình và tổ chức, phương pháp. Qua HLCD đã nâng cao được năng lực tư duy và khả năng tổ chức, điều hành tác chiến của chỉ huy và cơ quan chiến dịch-chiến lược (CD-CL); góp phần củng cố, hoàn thiện quyết tâm, kế hoạch tác chiến trên từng địa bàn, hướng chiến lược, cũng như trong phạm vi cả nước; đồng thời, góp phần nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận quân sự Việt Nam trước yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, tổ chức HLCD chưa mang tính tổng hợp cao theo yêu cầu của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, mà chủ yếu giới hạn trong LLVT. Nội dung, phương pháp còn nặng tính kinh nghiệm, chậm đổi mới; lý luận cơ bản về phương thức tác chiến, cách đánh, tổ chức sử dụng lực lượng còn chịu ảnh hưởng nhiều của tư duy chiến tranh giải phóng. Huấn luyện tác chiến phòng thủ quân khu và các loại hình chiến dịch còn đơn giản, một số nội dung chưa bám sát thực tiễn môi trường chiến tranh hiện đại. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, đầu tư đảm bảo tổ chức huấn luyện, diễn tập còn dàn trải.

Để đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng HLCD trong thời gian tới, trước hết các cấp, các đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, nhất là tư duy mới về nhiệm vụ BVTQ. Cần làm cho các đối tượng tham gia huấn luyện thấy rõ mục đích của HLCD là để bảo đảm cho LLVT hoàn thành tốt nhiệm vụ làm nòng cốt trong tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược, cùng các thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong đó, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là tổ chức xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh với phương châm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính; xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc, xây dựng thế trận QPTD gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên từng địa bàn và trong cả nước. Thông qua HLCD, tiếp tục củng cố KVPT, đẩy mạnh sự kết hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh, tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Theo đó, nội dung huấn luyện phải toàn diện về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật; nắm chắc và thực hiện tốt phương châm: Cơ bản, thiết thực, vững chắc; thực hiện huấn luyện theo phương án, sát với thực tiễn chiến tranh, đối tượng tác chiến, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tổ chức, biên chế, trang bị của quân đội. Trong đó, đặc biệt chú trọng khối kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối QPTD, chiến tranh nhân dân của Đảng và khối kiến thức chuyên sâu về chiến lược, chiến dịch, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Với nội dung huấn luyện về công tác tham mưu chiến dịch, tổ chức chỉ huy, điều hành tác chiến của các cấp trong chiến tranh, phải coi trọng kết cấu nội dung, tình huống cho phù hợp với đặc điểm của chiến tranh hiện đại (thời gian ngắn, không gian rộng, sự phân chia về ranh giới giữa tiền tuyến và hậu phương chỉ là tương đối, các hình thức tác chiến ngày càng hòa quyện và có sự chuyển hóa nhanh chóng...). Mặt khác, HLCD còn phải bảo đảm tính thiết thực, tập trung tạo bước chuyển biến về chất lượng trong tổ chức diễn tập chiến dịch, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện chỉ huy, cơ quan, nâng cao trình độ chỉ huy, tham mưu tác chiến của đội ngũ cán bộ CD-CL với rèn luyện nâng cao trình độ, khả năng chiến đấu của đơn vị. Cuộc chiến tranh I-rắc (2003) được một số quốc gia coi như một “mô hình mẫu” của chiến tranh trong thế kỷ 21. Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ và đồng minh đã sử dụng tổng hợp các phương thức, biện pháp tiến hành chiến tranh. Cùng với tiến công quân sự bằng vũ khí công nghệ cao với phương thức tác chiến hiện đại, tổ chức hiệp đồng quân, binh chủng chặt chẽ, khối đồng minh còn tăng cường các hoạt động ngoại giao, kinh tế, tình báo, chiến tranh tâm lý... Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, đổi mới, nâng cao khả năng phòng thủ của đất nước nói chung và chất lượng huấn luyện, trình độ tác chiến của LLVT nói riêng. Đặc biệt là, nâng cao trình độ tổ chức tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện; trong đó, LLVT làm nòng cốt để đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới bằng vũ khí công nghệ cao của kẻ thù. Trong huấn luyện, cần chú trọng cả nội dung tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, đánh địch tiến công trên cả 3 môi trường không-bộ-biển. Tập trung rèn luyện tư duy xem xét, phân tích tổng hợp, đánh giá tình hình của người chỉ huy và cơ quan.

Đặc trưng cơ bản của HLCD là phát triển tư duy về nghệ thuật quân sự; đó là tư duy lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy vũ khí, trang bị chưa hiện đại đánh thắng kẻ thù có vũ khí, trang bị hiện đại hơn. Do đó, trong HLCD, cần tập trung rèn luyện năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, bản lĩnh tổ chức, chỉ huy của người cán bộ CD-CL, để luôn nhạy bén, sáng suốt, kịp thời đề xuất các chủ trương, biện pháp xử lý, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Kết hợp chặt chẽ công tác huấn luyện, diễn tập với tổ chức xây dựng, bổ sung các phương án, kế hoạch tác chiến CD-CL phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của đất nước, đặc biệt là khu vực biển, đảo. Nội dung HLCD còn phải bảo đảm cho cán bộ có đủ năng lực làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chính sách về công tác quốc phòng, quân sự; trang bị kiến thức vừa toàn diện, vừa chuyên sâu, cả lý luận và thực tiễn, mang tính tổng hợp ở tầm vĩ mô; đồng thời, hoàn thành tốt những nhiệm vụ cụ thể theo chức trách được giao.

Về phương pháp, HLCD được thực hiện theo phương pháp tổng hợp, toàn diện, lấy diễn tập, luyện tập là phương pháp huấn luyện cơ bản; đối tượng chủ yếu là cán bộ chỉ huy và cơ quan cấp CD-CL. Huấn luyện theo phương án, mô phỏng theo quyết tâm, kế hoạch tác chiến BVTQ hoặc theo quyết tâm tác chiến phòng thủ trong một khu vực, một địa bàn chiến lược (tuỳ theo cấp tổ chức); có thể tổ chức diễn tập chỉ huy, cơ quan kết hợp với thực binh của các đơn vị, địa phương tham gia. Quy trình HLCD được thực hiện theo các giai đoạn: huấn luyện cơ bản, huấn luyện phân đoạn (tập bài theo nhóm) và huấn luyện tổng hợp (diễn tập). Huấn luyện cơ bản được thực hiện trong các học viện, nhà trường, dựa trên phương pháp dạy, học tích cực. Huấn luyện phân đoạn được thực hiện theo phân cấp, cấp trên huấn luyện cho cấp dưới; tổ chức theo nhóm (tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật), lấy huấn luyện tập bài nhanh là phương pháp chủ yếu. Luyện tập chỉ huy, cơ quan, trên cơ sở cung cấp đầy đủ các dữ liệu (trong đầu bài) để các đối tượng nghiên cứu, luyện tập theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu HLCD hằng năm để xây dựng kế hoạch luyện tập theo yêu cầu của từng tình huống CD-CL, nhằm làm cho chỉ huy và cơ quan nắm chắc thứ tự các bước công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch. HLCD trong những năm tới cần tập trung vận hành cơ chế hoạt động của KVPT  tỉnh (thành phố) theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-BCT và Nghị định 152/2007/NĐ-CP; trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền đối với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, nhất là trong giai đoạn chuyển hoạt động của địa phương từ thời bình sang thời chiến. Bên cạnh đó, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch định kỳ tổ chức huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng chỉ huy-tham mưu cho cán bộ chỉ huy và cơ quan từ cấp sư đoàn trở lên; tăng cường chỉ đạo diễn tập có thực binh; kết hợp chặt chẽ giữa HLCD với huấn luyện chiến đấu để nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của cán bộ các cấp. Luyện tập chỉ huy, cơ quan trên bản đồ có thể tổ chức tại sở chỉ huy thường xuyên của đơn vị; kết hợp huấn luyện lý luận với mô phỏng tình huống, tránh việc học tập lý luận đơn thuần trong HLCD. Để kiểm tra, đánh giá kết quả HLCD trong năm, cơ quan cấp trên có thể xây dựng các bài tập mô phỏng theo quyết tâm, kế hoạch của đơn vị, thực hiện một nhiệm vụ, một tình huống trong thời gian ngắn theo phương pháp tập bài nhanh. Vấn đề cốt lõi nhất trong tập bài là giúp cho người học tìm ra mâu thuẫn chủ yếu của hai bên trong quá trình diễn biến chiến dịch, chiến tranh, từ đó có phương pháp giải quyết phù hợp, đạt mục đích đề ra.

Trong quá trình tổ chức HLCD phải coi trọng vận dụng những bài học kinh nghiệm trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, nhất là bài học trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; trên cơ sở đó, vận dụng, phát triển vào điều kiện mới của chiến tranh BVTQ. So với chiến tranh giải phóng thì chiến tranh BVTQ ngày nay có sự phát triển nhiều mặt; tuy nhiên, trong đấu tranh vũ trang, phương thức tiến hành chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực và phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân địa phương vẫn là hai phương thức cơ bản, xuyên suốt, kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tác chiến của các binh đoàn chủ lực, bao gồm các hoạt động tác chiến tập trung, hiệp đồng quân chủng, binh chủng trên các quy mô, hình thành các chiến dịch trên từng hướng chiến lược hoặc địa bàn trọng yếu được kết hợp chặt chẽ với chiến tranh nhân dân địa phương trên ba vùng chiến lược, hình thành thế trận rộng khắp luôn là những bài học kinh nghiệm quý báu. Trong chiến tranh BVTQ, chúng ta có thuận lợi rất cơ bản là quân đội được xây dựng ngày càng vững mạnh về mọi mặt; thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao, các KVPT địa phương được xây dựng ngày càng vững chắc. Vì vậy, công tác HLCD còn phải nâng cao trình độ tổ chức phối hợp, hiệp đồng giữa các binh đoàn chủ lực cơ động với hoạt động tác chiến của LLVT địa phương trong KVPT.

Để không ngừng nâng cao chất lượng HLCD, các cấp còn phải kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, thường xuyên bổ sung, hoàn thiện nội dung, phương pháp, đưa công tác HLCD đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao.

Cùng với huấn luyện chiến đấu, HLCD là nhiệm vụ trung tâm của quân đội trong thời bình, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ CD-CL cũng như chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thực tiễn chiến tranh rất đa dạng, phong phú; vì vậy, mỗi cán bộ CD-CL phải tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, đặc biệt là tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức để có tư duy quân sự tầm CD-CL sắc bén, độc lập, sáng tạo, chủ động trong mọi tình huống, không để đất nước bị động, bất ngờ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.

Trung tướng Phạm Ngọc Khóa

Cục trưởng cục Tác chiến

__________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb CTQG, H. 2006, tr.73,74.

 

Ý kiến bạn đọc (0)