QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 21:37 (GMT+7)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng-an ninh trong quá trình phát triển
 

Ngành Dầu khí Việt Nam là một ngành kinh tế có vốn đầu tư lớn, kỹ thuật hiện đại, công nghệ tiên tiến và đang có nhiều hợp đồng liên doanh với các quốc gia, các công ty nước ngoài, với nhiều hình thức hợp tác và sở hữu khác nhau. Mặc dù là ngành công nghiệp còn mới ở nước ta, nhưng ngành Dầu khí có vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhất là trên hướng biển.

Xuất phát từ yêu cầu đẩy mạnh phát triển sản xuất-kinh doanh của Ngành trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 29 tháng 8 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (trên cơ sở tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành, tham mưu giúp việc và các ban quản lý dự án của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam), với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác (TD-KT), chế biến, tồn trữ, vận chuyển, làm dịch vụ về dầu khí; lưu thông các sản phẩm dầu khí; tiến hành các hoạt động kinh doanh đa ngành và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QP-AN), bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc theo trách nhiệm và phạm vi được giao. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện có 67 đơn vị thành viên, với trên 23.650 cán bộ, công nhân viên; hoạt động trải dài từ Bắc đến Nam (cả trên biển và đất liền) và đang mở rộng phạm vi hoạt động ở nước ngoài. Mỗi năm, Tập đoàn khai thác và cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hàng chục triệu tấn dầu và hàng nghìn tỷ mét khối khí. Các hoạt động sản xuất-kinh doanh dầu khí của Tập đoàn đã đem lại một nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), củng cố QP-AN của đất nước.
Do đặc điểm các mỏ dầu, khí của Việt Nam phần lớn nằm ở các vùng nội thuỷ hải phận, vùng tiếp giáp thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của đất nước, nên các hoạt động tìm kiếm, TD-KT dầu khí của Tập đoàn thường tập trung chủ yếu ở vùng Biển Đông; bởi vậy, vấn đề bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và các hoạt động tìm kiếm, TD-KT dầu khí trên biển rất phức tạp. TD-KT dầu khí càng xa bờ thì việc khai thác và bảo vệ càng khó khăn, tốn kém.
Quán triệt quan điểm kết hợp kinh tế với QP-AN của Đảng và nhận thức rõ nhiệm vụ quan trọng của Ngành, thời gian qua, ngành Dầu khí đã tích cực đổi mới toàn diện, có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm tìm kiếm, TD-KT sản lượng dầu khí ngày càng lớn cho đất nước; phấn đấu trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước và của khu vực; hoàn thành tốt các nhiệm vụ kinh tế và QP-AN được giao. Trong phát triển sản xuất- kinh doanh, Tập đoàn huy động mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tập trung đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ - thiết bị; cải tiến cơ chế quản lý phù hợp với hoạt động sản xuất-kinh doanh của Ngành; phát triển thị trường dịch vụ, thương mại, ngân hàng, bảo hiểm, tài chính; tích cực mở rộng phạm vi hoạt động dầu khí cả trong nước và ở nước ngoài. Đến nay, công tác tìm  kiếm, TD-KT dầu khí của Tập đoàn đã có bước trưởng thành vượt bậc. Các hoạt động sản xuất-kinh doanh và dịch vụ dầu khí đang hướng tới mục tiêu ổn định và phát triển bền vững. Năm 2006, Tập đoàn đã khai thác được 24,3 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó dầu thô là 17,3 triệu tấn, khí đốt là 7 tỷ m3; tổng doanh thu toàn Ngành đạt 180.188 tỷ VNĐ. Riêng 6 tháng đầu năm 2007, Tập đoàn đã khai thác được 11,3 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó dầu thô đạt 8,04 triệu tấn, khí đốt đạt 3,69 tỷ m3; xuất khẩu dầu thô đạt 7,68 triệu tấn; nộp ngân sách Nhà nước 30.000 tỷ đồng, đạt 51,17% kế hoạch năm.  Quan hệ hợp tác, tìm kiếm dự án đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng và bước đầu đạt kết quả rất khả quan. Hiện nay Tập đoàn đã ký được 2 hợp đồng tìm kiếm, TD-KT dầu khí ở Cu Ba, 2 hợp đồng kinh doanh dầu thô và dầu sản phẩm với các nước trong khu vực Trung Đông, nâng tổng số các dự án TD-KT dầu khí của Tập đoàn đầu tư ở nước ngoài lên 9 dự án; đồng thời, đang tích cực đàm phán để ký hợp đồng với công ty Dầu khí quốc gia Venezuela và tìm kiếm cơ hội đầu tư với nhiều nước khác trên thế giới... Những kết quả trên cho thấy, các hoạt động sản xuất-kinh doanh của Tập đoàn đã có sự phát triển khá toàn diện, đồng đều và vững chắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH và củng cố quốc QP-AN đất nước.
Cùng với tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất-kinh doanh, Tập đoàn luôn nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của Ngành đối với nhiệm vụ QP-AN; xác định việc bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định vùng biển của Tổ quốc là điều kiện quyết định để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển nói chung và ngành Dầu khí nói riêng. Bởi vậy, trong xây dựng các chiến lược phát triển, bên cạnh đảm bảo các yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, Ngành đều tính đến yêu cầu bảo đảm QP-AN. Trong lập các dự án đầu tư, liên doanh, liên kết với nước ngoài; mở rộng hoạt động tìm kiếm, TD-KT dầu khí, Tập đoàn luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các ban, ngành liên quan để thẩm định dự án; trên cơ sở đó, thống nhất xây dựng kế hoạch, phương án hiệp đồng bảo đảm an toàn các công trình dầu khí và các hoạt động dầu khí trên biển. Tập đoàn và các đơn vị thành viên cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, với các đơn vị hoạt động trên biển và ven biển chăm lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân trên biển và ven biển ngày càng vững chắc; thường xuyên rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án hiệp đồng tác chiến, tuần tra, phối hợp trong đấu tranh với các hành động xâm phạm chủ quyền vùng biển của quốc gia, trong xử trí các tình huống xảy ra trên biển (phòng, chống bão, cứu hộ, cứu nạn, xử lý các sự cố tràn dầu, v.v), góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đối ngoại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, môi trường an ninh, ổn định vùng biển của đất nước. Cùng với đó, Tập đoàn cũng thường xuyên quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng, quân sự (QP-QS) để xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn Ngành tổ chức triển khai thực hiện. Chăm lo đổi mới công tác huấn luyện quân sự, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, nhân viên; củng cố, kiện toàn lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên của Ngành vững mạnh về mọi mặt, nhất là về chính trị - tư tưởng, đủ sức thực hiện tốt các nhiệm vụ QP-QS được giao; Tập đoàn cũng thường xuyên rà soát, hoàn chỉnh các kế hoạch, phơương án tác chiến, nhất là kế hoạch động viên Ngành cho nhiệm vụ QP-QS khi có chiến tranh xảy ra; tăng cường đầu tư nguồn tài lực xây dựng các cơ sở TD-KT dầu khí của Ngành thành những “tiền đồn” trên tuyến đầu, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ  trên biển, đảo của Tổ quốc.
Để đẩy mạnh hơn nữa phát triển KT-XH, kết hợp với tăng cường tiềm lực QP-AN trước yêu cầu mới, thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau:
1-Tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị nhận thức đúng các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN trước yêu cầu mới. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ phát triển sản xuất-kinh doanh và bảo đảm QP-AN trong từng cơ quan, đơn vị thành viên. Qua đó, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức đối với nhiệm vụ xây dựng Tập đoàn ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
2- Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển công tác tìm kiếm, TD-KT dầu khí, theo hướng hiện đại hoá, phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch khai thác và cung cấp dầu khí cho đất nước, đảm bảo chỉ tiêu tăng trữ lượng dầu khí mỗi năm đạt 35-40 triệu tấn dầu quy đổi. Tổ chức tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và phân phối-kinh doanh khí, bảo đảm cung cấp đủ khí cho các nhà máy điện ở Phú Mỹ trong những năm tiếp theo. Vận hành an toàn nhà máy Đạm Phú Mỹ và Cà Mau. Đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án công trình trọng điểm của Nhà nước về dầu khí, đảm bảo đưa các công trình vào vận hành đúng tiến độ và yêu cầu chất lượng. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố, các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.
3. Tích cực chủ động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực dầu khí. Xây dựng đội ngũ cán bộ trong Tập đoàn Dầu khí đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đủ trình độ với các loại hình lao động dầu khí, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển sản xuất-kinh doanh và củng cố QP-AN của Ngành; góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
4. Hoàn thiện phương án tổ chức Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đổi mới doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, chú ý sự phù hợp với các quy định của WTO, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất-kinh doanh, mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư của nước ngoài vào tìm kiếm, TD-KT dầu khí ở các khu vực còn mở. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành triệt để thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.
5- Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Ngành, tăng cường xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân trên hướng biển, trên địa bàn đơn vị thuộc Ngành đứng chân hoạt động ngày càng vững chắc. Tích cực triển khai thực hiện kế hoạch, phương án bảo vệ vùng biển, đảo, bảo vệ các hoạt động tìm kiếm, TD-KT dầu khí; dự kiến nhiều phương án sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, kiên quyết không để bị động, bất ngờ về chiến lược. Tập trung xây dựng, củng cố Ban Chỉ huy Quân sự các cấp và lực lượng tự vệ, dự bị động viên có đủ số lượng, chất lượng, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, xung kích của Ngành trong bảo vệ chủ quyền vùng biển và các hoạt động dầu khí trên biển.  Tích cực phối hợp cùng các đơn vị lực lượng vũ trang, cấp uỷ, chính quyền các địa phương vận động, tổ chức đưa dân ra sinh sống và lao động, sản xuất trên các đảo và quần đảo; xây dựng cơ sở hạ tầng cho các hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ và tìm kiếm, TD-KT dầu khí trên các vùng biển của nước ta.
6- Tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp giữa Tập đoàn với các bộ, ngành, địa phương trong các hoạt động phát triển kinh tế biển nói chung, tìm kiếm, TD-KT dầu khí nói riêng, nhất là phát huy sức mạnh tổng hợp trong xử lý các tình huống xảy ra, góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm vùng biển; bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta trên biển.
Vũ Xuân Lũng
Trưởng ban Thanh tra-Bảo vệ
Phó Chỉ huy trưởng BCHQS Tập đoàn DKVN
 

Ý kiến bạn đọc (0)