QPTD -Thứ Bảy, 26/11/2011, 23:59 (GMT+7)
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam với sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam được thành lập trên trên cơ sở sáp nhập Tổng công ty Than Việt Nam với Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam, có chức năng khai thác, chế biến, kinh doanh tài nguyên than-khoáng sản phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sản xuất, kinh doanh đa ngành (điện, cơ khí,  xây dựng, du lịch, dịch vụ...) trên nền tảng công nghiệp Than. Tập đoàn chỉ đạo, điều hành các công ty con, đơn vị trực thuộc theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ tổ chức, hoạt động đã được Chính phủ phê chuẩn. Hiện nay Tập đoàn có 61 công ty con và các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy điều hành của Tập đoàn, với trên 107.960 cán bộ, công nhân viên. Mỗi năm, Tập đoàn sản xuất, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hàng chục triệu tấn than-khoáng sản, đem về cho đất nước một nguồn ngoại tệ lớn. Địa bàn hoạt động của Tập đoàn ở hầu hết các tỉnh trong cả nước, nhưng chủ yếu là ở các tỉnh  miền núi, biên giới, ven biển - địa bàn chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam  xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Nhận thức rõ vai trò quan trọng mang tính chiến lược đó, những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành Than-Khoáng sản Việt Nam có sự đổi mới khá toàn diện, từng bước tổ chức lại sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý, kinh doanh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, cung ứng nhiều than- khoáng sản cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù còn gặp  nhiều khó khăn về nguồn vốn, cơ chế, chính sách và sự cạnh tranh gay gắt về môi trường đầu tư... song được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan và đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân trong toàn Ngành, đến nay, Tập đoàn đã có bước phát triển khá toàn diện, vững chắc và đạt được những kết quả rất khả quan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, năng lực khai thác, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu than- khoáng sản ngày một nâng cao, đáp ứng phần lớn nhu cầu đặt hàng về than-khoáng sản cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Năm 2006, Tập đoàn đã khai thác được 40, 1 triệu tấn than nguyên khai, trong đó than sạch là 36,7 triệu tấn; tiêu thụ 36,850 triệu tấn; tổng doanh thu 27.505 tỷ đồng; thu nhập bình quân toàn Tập đoàn đạt 3.600.000 đồng/người/tháng.  
Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo Tập đoàn và các công ty con đơn vị trực thuộc còn rất quan tâm thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP), xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn và đạt được kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trong Tập đoàn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được nâng cao. Hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, điều hành thực hiện công tác QP, QS từ cơ quan Tập đoàn đến các đơn vị cơ sở được xây dựng, củng cố, kiện toàn, bảo đảm đủ sức tổ chức, quản lý, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ QP, QS được giao. Lực lượng tự vệ và lực lượng dự bị động viên  (DBĐV) được xây dựng theo đúng quy định của Pháp lệnh Dân quân tự vệ  (DQTV) và Pháp lệnh về Lực lượng DBĐV. Trong xây dựng đã chú trọng cả về tổ chức biên chế, quy mô, thành phần, lực lượng và thực hiện đúng nguyên tắc, chế độ, chính sách đã ban hành. Công tác động viên, tuyển quân và thực hiện chính sách hậu phương quân đội được thực hiện chu đáo, ngày càng đi vào nền nếp, đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Tập đoàn cũng còn những hạn chế. Nhận thức của mọi người về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới chưa đầy đủ; thậm chí, một số cán bộ chủ chốt ở công ty, đơn vị cơ sở còn có tư tưởng chưa thực sự quan tâm đến yêu cầu kết hợp kinh tế với quốc phòng nên mức độ hoàn thành nhiệm vụ chưa toàn diện. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác QP,QS ở một số công ty, đơn vị tuy đã được củng cố, tăng cường, song nhìn chung vẫn còn thiếu và yếu, nên việc tham mưu  giúp lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự còn nhiều hạn chế... Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quốc phòng,Tập đoàn đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả những vấn đề cơ bản sau:
1. Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, công nhân về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, pháp lệnh, nghị định, thông tư về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó là những định hướng quan trọng, những cơ sở pháp lý cơ bản để Tập đoàn quán triệt và vận dụng sáng tạo vào điều kiện hoạt động thực tiễn của mình. Tập đoàn đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, công ty, đơn vị thành viên tổ chức tốt việc học tập, quán triệt và phổ biến sâu rộng Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Quốc phòng, Pháp lệnh DQTV, Pháp lệnh về Lực lượng DBĐV... tới cán bộ, công nhân viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt. Hằng năm, Đảng uỷ, Tổng giám đốc Tập đoàn đều có nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về thực hiện công tác quốc phòng, an ninh. Ban chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tập đoàn phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và cơ quan quân sự địa phương sở tại xây dựng kế hoạch công tác quốc phòng, quân sự phù hợp với tình hình nhiệm vụ và điều kiện sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Tích cực kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ,  kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và điều chỉnh, bổ sung những  nội dung và hình thức hoạt động QS, QP sao cho thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng, làm cho mọi cán bộ, công nhân nhận thức đúng, đầy đủ về yêu cầu, nội dung nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam; từ đó nâng cao trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới. Thời gian tới, BCHQS Tập đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh nơi Tập đoàn đứng chân tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho đội ngũ giám đốc, phó giám đốc, bí thư và phó bí thư các doanh nghiệp ( đối tượng 3) và các trưởng ( phó) phòng, ban, đảng viên (thuộc đối tượng 4). Phấn đấu 100% cán bộ chủ chốt các đơn vị (thuộc đối tượng 3 và  đối tượng 4) đều được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng theo quy định.
2. Gắn xây dựng chiến lược phát triển của Tập đoàn với xây dựng  thế trận quốc phòng, an ninh trên từng vùng, từng địa bàn đóng quân. Thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành Than-Khoáng sản Việt Nam là  "sản xuất và cung ứng thỏa mãn các nhu cầu về Than của nền kinh tế" và xuất phát từ môi trường kinh doanh của Ngành, Tập đoàn và các công ty, đơn vị thành viên có nhiều chủ trương, giải pháp đầu tư phát triển ngành Than-Khoáng sản trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước. Tập đoàn đã và đang huy động mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tập trung đầu tư theo chiều sâu, tích cực đổi mới công nghệ và thiết lập các cơ chế quản lý phù hợp, nhằm tạo bước đột phá mới về năng suất lao động, chất lượng, hàm lượng tri thức trong sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2010, sản xuất và tiêu thụ được 40-45 triệu tấn than. 
Xuất phát từ đặc điểm phân bố khoáng sản than ở nước ta thường nằm ở những vùng núi cao, biên giới, ven biển - nơi có địa thế rất quan trọng đối với công cuộc phòng thủ của đất nước, nên trong chiến lược phát triển đến năm 2010 và 2020, Tập đoàn xác định vừa bảo đảm kết hợp hài hòa giữa mục tiêu, yêu cầu phát triển Ngành theo hướng hiện đại; vừa bảo đảm yêu cầu phục vụ quốc phòng-an ninh của đất nước. Để đạt được yêu cầu đó, Tập đoàn  tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy hoạch phát triển chiến lược của Ngành phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi nước ta đã gia nhập WTO. Trong quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp than-khoáng sản, công nghiệp cơ khí, vật liệu nổ công nghiệp, xây dựng các nhà máy điện; hệ thống kho tàng, bến cảng..., Tập đoàn đều tính đến yêu cầu kết hợp kinh tế với quốc phòng- an ninh trong thời bình cũng như thời chiến. Các mỏ than lớn hiện nay đều  nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời là khu vực phòng thủ chiến lược của đất nước, nên Tập đoàn rất chú trọng đầu tư phát triển, nâng cao năng lực khai thác, chế biến, tiêu thụ để vừa thỏa mãn nhu cầu cung ứng than cho các thành phần kinh tế trong nước và xuất khẩu; vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ QP,QS và củng cố thế trận phòng thủ trong khu vực; bảo đảm, khi có chiến tranh, các mỏ than sẽ trở thành các cứ điểm, tuyến phòng thủ vững chắc của địa phương và đất nước. Các dự án lớn, như khai thác quặng bô-xít ở Đăk Nông, mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) và các nhà máy nhiệt điện do Tập đoàn đầu tư xây dựng hoặc tham gia góp vốn đầu tư xây dựng, như nhiệt điện Na Dương (Lạng Sơn), Cẩm Phả, Hà Khánh (Quảng Ninh), Nông Sơn (Quảng Nam)... đã và đang được đầu tư phát triển, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế miền núi, vùng sâu, vùng xa và tăng cường sức mạnh quốc phòng-an ninh trên từng địa bàn. Các nhà máy cơ khí do Tập đoàn quản lý cũng đang được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại hóa để nâng cao năng lực chế tạo và sửa chữa thiết bị mỏ, thiết bị công nghiệp và sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu QP,QS khi cần thiết. Cùng với đó, Tập đoàn rất chú trọng xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội gắn với xây dựng các công trình quốc phòng, như xây dựng mới và nâng cấp các tuyến vận tải đường bộ, đường thuỷ; điều chỉnh, bố trí các khu dân cư, xây dựng trường học, bệnh viện; mở mang, nâng cấp hệ thống cảng biển, bến thủy nội địa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển và tăng cường tiềm lực, sức mạnh phòng thủ ven biển của đất nước.
3. Chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế BCHQS các cấp, nâng cao chất lượng lực lượng tự vệ, lực lượng DBĐV đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đặc biệt, trước xu thế đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thực hiện các cam kết với WTO, nhiều vấn đề mới về xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng DBĐV, nhất là trong các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nước ngoài và doanh nghiệp cổ phần hoá đang đặt ra cho Tập đoàn. Thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực rà soát, củng cố, bổ sung, kiện toàn BCHQS  các cấp, bảo đảm đơn vị nào có tổ chức lực lượng tự vệ đều có BCHQS và Ban chỉ huy tự vệ. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong xây dựng, củng cố lực lượng tự vệ, lực lượng DBĐV, bảo đảm có số lượng đủ, chất lượng cao, phù hợp với quy mô sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn, cơ quan, đơn vị.  Hiện nay,Tập đoàn đã xây dựng được 15 tiểu đoàn, 17 đại đội, 16 trung đội tự vệ với tổng số trên 5.500 cán bộ, chiến sĩ, chiếm tỷ lệ 5,53% tổng số cán bộ, công nhân viên. Các đơn vị tự vệ từ cơ quan Tập đoàn đến các đơn vị cơ sở đều được xây dựng, củng cố, kiện toàn theo hướng tinh, gọn, mạnh, đủ sức làm nòng cốt trong bảo vệ sản xuất, bảo vệ địa bàn, cơ quan, đơn vị. Lực lượng DBĐV tiếp tục được quản lý, đăng ký, thống kê số lượng, chất lượng, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị kỹ thuật để lập kế hoạch động viên đúng quy định, bảo đảm sẵn sàng động viên khi có lệnh. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi đứng chân, tích cực tham gia xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc, góp phần cùng cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.
Hoàng Văn Thái
Phó Tổng giám đốc
Chỉ huy trưởng BCHQS Tập đoàn
 

Ý kiến bạn đọc (0)