QPTD -Chủ Nhật, 18/09/2011, 00:11 (GMT+7)
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh

Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) là tập đoàn kinh tế đa sở hữu, kinh doanh đa ngành, chủ yếu là ngành công nghiệp đóng tàu, sửa chữa tàu thủy và vận tải biển. Tập đoàn có 124 đơn vị thành viên, 78.576 cán bộ, công nhân viên, đứng chân ở 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hoạt động của Tập đoàn phần lớn diễn ra ở khu vực ven biển, đảo trên vùng biển của Tổ quốc và một bộ phận hoạt động thường xuyên trên đại dương.

Những đặc điểm cơ bản trên phản ánh nét đặc thù về lĩnh vực hoạt động, đồng thời cũng chi phối trực tiếp đến việc triển khai các nhiệm vụ quốc phòng – an ninh (QP-AN) của Tập đoàn. Song, quán triệt quan điểm kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường QP-AN của Đảng, Tập đoàn luôn gắn quá trình sản xuất, kinh doanh với công tác quốc phòng, quân sự, an ninh, bảo đảm mỗi bước phát triển của Tập đoàn là mỗi bước xây dựng, củng cố tiềm lực QP-AN, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong điều kiện mới.

Nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả kinh doanh là vấn đề được lãnh đạo, chỉ huy Tập đoàn và các đơn vị thành viên quan tâm hàng đầu. Làm tốt nhiệm vụ trọng tâm này sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện CNH, HĐH đất nước, đồng thời là cơ sở để tăng cường tiềm lực QP-AN. Với nhận thức như vậy và được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Tập đoàn đã tiến hành đổi mới toàn diện, từ đổi mới công nghệ đến đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; từ đổi mới công tác đào tạo đến khâu quản lý, sử dụng nguồn nhân lực và từ củng cố vững chắc thị trường truyền thống đến mở rộng phạm vi thị trường ra khu vực và thế giới. Trong lĩnh vực đóng tàu, sửa chữa tàu và vận tải biển, Tập đoàn tập trung vào các biện pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và cước phí vận chuyển, kết hợp với từng bước giải quyết các vấn đề về vốn, về những rủi ro trong sản xuất, kinh doanh và về thị trường. Đó là những nguyên nhân chủ yếu, bảo đảm cho Tập đoàn có bước tiến quan trọng về đầu tư phát triển, năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Những năm gần đây, sản xuất của Tập đoàn liên tục có sự tăng trưởng, năng lực đóng mới và sửa chữa tàu biển được nâng lên ngang tầm với các nước trong khu vực. Nhờ vậy, VNASHIN đã thực hiện thành công chiến lược sản phẩm trọng điểm, sản phẩm mũi nhọn mang tính đột phá, như: sê-ri tàu hàng 6.500 tấn, 11.500 tấn, tàu dầu 13.500 tấn, tàu con-ten-nơ 1.000 – 1.600 TEU, 1.700 TEU, tàu hút bùn 1.000 – 1.500 m3/h, sà-lan 2.500 tấn. Đặc biệt, Tập đoàn thi công kho nổi chứa dầu FSO-5 bảo đảm đúng tiến độ, triển khai đóng tàu chở dầu thô 100.000 tấn, tàu LASH 10.000 tấn. Ngoài các sản phẩm đó, hiện nay VINASHIN đã và đang đóng tàu theo đơn đặt hàng của các chủ tàu thuộc Vương quốc Anh, Đan Mạch, I-xra-en và một số nước khác.

Bước phát triển của Tập đoàn không chỉ được đánh dấu bằng những sản phẩm có tính chiến lược, mà còn được thể hiện ở tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ. Nhờ thường xuyên được kiện toàn, củng cố, tổ chức đảng các cấp đã phát huy được vai trò lãnh đạo, bảo đảm cho Tập đoàn luôn giữ vững định hướng phát triển. Các tổ chức: Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên luôn được lãnh đạo các cấp quan tâm, hoạt động có hiệu quả. Đời sống của cán bộ, công nhân viên không ngừng được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người đạt 3.600.000 đồng/tháng. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cả về trình độ quản lý, ứng dụng khoa học, công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Năng lực vận tải biển của Tập đoàn cũng được nâng lên một bước rõ nét. Đội tàu Biển Đông và Đội tàu Viễn Dương VINASHIN có khả năng hoạt động độc lập, dài ngày trên khắp các vùng biển và đại dương.

Những kết quả bước đầu đạt được đã chứng minh khả năng tự chủ và khả năng cạnh tranh của Tập đoàn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. ở một góc độ khác, năng lực sản xuất và hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn đã và đang đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng tiềm lực QP-AN của đất nước. Số liệu đăng ký về lực lượng, phương tiện bảo đảm cho nhiệm vụ QP-AN hằng năm liên tục có sự thay đổi tích cực cả về số lượng, chất lượng. Các loại trang thiết bị cũ cơ bản được thay thế bằng các phương tiện mới, hiện đại hơn, trong đó có một số khí tài, phương tiện hoàn toàn mới về nhóm và chủng loại đã được đưa vào đăng ký, có khả năng đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ QP-AN trong điều kiện mới.

Tuy vậy, không phải cứ nâng cao năng lực sản xuất là đồng thời tỉ lệ thuận với tiềm lực về QP-AN. Để biến cơ sở vật chất và con người thành tiềm lực quốc phòng, quân sự và để biến khả năng tiềm tàng thành khả năng hiện thực, Tập đoàn chú trọng trước hết đến công tác giáo dục QP-AN, coi đó là mặt công tác quan trọng, thường xuyên, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho mọi cán bộ, công nhân viên. Thực hiện Quyết định số 83/2006/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Về việc thành lập Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Tập đoàn đã thành lập Ban CHQS các cấp (gồm Ban CHQS Tập đoàn và Ban CHQS của 65 đơn vị thành viên đủ điều kiện thành lập). Những cơ quan này đã và đang phát huy tốt vai trò quản lý và tham mưu về nhiệm vụ QP-AN cho lãnh đạo, chỉ huy cùng cấp. Nhờ đó, công tác giáo dục QP-AN ở Tập đoàn đã từng bước đi vào nền nếp. Lãnh đạo Tập đoàn và đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các đơn vị thành viên đã tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN đúng, đủ thành phần, số lượng theo quy định; trên 400 cán bộ phòng, ban và đảng viên ở khu vực Hà Nội và 30% các đối tượng trong toàn Tập đoàn đã được bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo phân cấp.

Kết quả từ công tác giáo dục QP-AN và do Ban CHQS được kiện toàn nên các nhiệm vụ QP-AN của Tập đoàn được triển khai ngày càng thuận lợi hơn. Trên cơ sở quán triệt đường lối quốc phòng, quân sự, an ninh của Đảng, với nhiệm vụ tham gia xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT), Tập đoàn đã đầu tư xây dựng 28 nhà máy đóng tàu và cảng biển ven biển theo một trục từ Móng Cái đến Cà Mau. Các hạng mục công trình này được thẩm định chặt chẽ, bảo đảm phù hợp với mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài, trong đó có nhiều công trình mang tính lưỡng dụng, có thể đáp ứng một số yêu cầu cơ bản về QP-AN trong thời bình và thời chiến. Quá trình tham gia xây dựng KVPT, Tập đoàn và các đơn vị thành viên còn tích cực phối hợp, trao đổi kinh nghiệm với cơ quan quân sự địa phương về việc xây dựng các phương án bảo vệ, tác chiến. Hiện nay, 100% các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan của Tập đoàn đã có kế hoạch bảo vệ thường xuyên cũng như khi xảy ra sự cố, thiên tai. Các nhà máy, xí nghiệp lớn còn lập các kế hoạch tác chiến, trong đó xác định rõ phương án bảo vệ tại chỗ, phương án di dời, phòng tránh, phương án chuyển từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thời bình sang sản xuất, kinh doanh thời chiến và phục vụ thời chiến. Thông qua luyện tập, diễn tập và được sự giúp đỡ của các lực lượng quân đội, công an, nên các kế hoạch, phương án bảo vệ, tác chiến của Tập đoàn thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, có thể đáp ứng với yêu cầu thực tế.

Cùng với công tác giáo dục QP-AN và xây dựng thế trận trong KVPT, lãnh đạo, chỉ huy Tập đoàn, trực tiếp là Ban CHQS, đã hướng dẫn các đơn vị thành viên thực hiện tốt Pháp lệnh Dân quân tự vệ. Lực lượng tự vệ của Tập đoàn được tổ chức phù hợp với tổ chức sản xuất và tính chất hoạt động, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Hằng năm, lực lượng tự vệ được Tập đoàn bảo đảm về ăn, mặc (đồng phục), huấn luyện và hoạt động thường xuyên với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó, Ban CHQS các cấp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương và các đơn vị liên quan trong việc đăng ký, quản lý lực lượng dự bị động viên và đăng ký thanh niên nhập ngũ. Thực hiện công tác này, Tập đoàn luôn chú ý bảo đảm tỉ lệ đảng viên, đoàn viên, duy trì tỉ lệ quân dự bị theo quy định và bảo đảm tốt về tiêu chuẩn chính trị, sức khỏe của thanh niên trước khi nhập ngũ.

Những kết quả đạt được nêu trên là cơ sở mới, giúp cho VINASHIN tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, VINASHIN cũng nhận thức được đầy đủ những thách thức, khó khăn đang đặt ra. Đó là thách thức của cạnh tranh, là đòi hỏi khả năng tự chủ cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, là những nhân tố tiềm ẩn có thể gây mất ổn định trên Biển Đông làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Đó còn là những vấn đề mới về nhiệm vụ QP-AN đối với Tập đoàn, đòi hỏi trong khi giải bài toán về lợi nhuận phải thấy được cả lợi ích trước mắt cũng như lâu dài; không chỉ gắn lợi ích kinh tế với lợi ích xã hội mà còn phải gắn kinh tế – xã hội với QP-AN. Vì vậy, để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ QP-AN, lãnh đạo Tập đoàn, trực tiếp là Ban CHQS Tập đoàn và Ban CHQS các đơn vị thành viên phải triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, trước hết là đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quan trọng này, ngoài nội dung theo quy định, Tập đoàn và mỗi đơn vị phải xác định các nội dung sao cho sát đặc thù hoạt động của ngành cũng như có cách thức bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng. Cụ thể, đối với các đơn vị trong bờ thì nội dung bồi dưỡng phải gắn chặt với yêu cầu phòng thủ dân sự, với xây dựng thế trận QP-AN ven biển. Với lực lượng thường xuyên hoạt động trên biển thì nội dung giáo dục, bồi dưỡng phải gắn với tính chất hoạt động trên biển, bảo đảm cho mỗi cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn cũng đồng thời là một chiến sĩ, cùng các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh trên biển. Đối với bộ phận hoạt động thường xuyên trên các vùng biển và đại dương thì ngoài các nội dung trên còn phải có nội dung bồi dưỡng về công tác đối ngoại nhân dân, qua đó để mỗi cán bộ, nhân viên vừa tạo dựng uy tín, thương hiệu của VINASHIN, vừa góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng. Trên cơ sở kết quả của công tác giáo dục QP-AN, việc kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với củng cố QP-AN phải được cụ thể hóa vào từng lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. Có như vậy, Tập đoàn mới loại trừ được những biểu hiện chạy theo lợi nhuận, xem nhẹ những yêu cầu về QP-AN, thay vào đó là chủ động, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ QP-AN, góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Phạm Văn Duy

Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS Tập đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)