QPTD -Chủ Nhật, 21/08/2011, 23:52 (GMT+7)
Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam trước yêu cầu phát triển và bảo vệ Tổ quốc

Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) là tập đoàn kinh tế Nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, có nhiệm vụ quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia; đầu tư, sản xuất, kinh doanh (SXKD) các ngành, nghề, lĩnh vực chủ yếu, như: dịch vụ viễn thông đường trục, viễn thông - công nghệ thông tin, truyền thông; khảo sát, tư vấn, thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng các công trình viễn thông và công nghệ thông tin; xuất nhập khẩu, cung ứng vật tư, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin... và một số ngành nghề khác. Hiện nay, VNPT có 140 đơn vị thành viên, với hơn 9 vạn cán bộ, công nhân viên; địa bàn hoạt động trải dài trên khắp 3 miền (Bắc, Trung, Nam), từ biên giới đến hải đảo. Với chức năng, nhiệm vụ đó, VNPT có vai trò rất quan trọng trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh (QP-AN), bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Hội đồng quản trị, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới toàn diện, đề ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, điều hành SXKD theo kế hoạch của Nhà nước và định hướng phát triển chung của toàn Ngành; đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, xây dựng, ban hành các cơ chế, quy chế nội bộ, tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị thành viên SXKD có hiệu quả. Nhờ vậy, hoạt động đầu tư, SXKD của VNPT phát triển nhanh và bền vững; đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực KT-XH và QP-AN. Trong 5 năm qua, nhiệm vụ SXKD của Tập đoàn đều đạt và vượt chỉ tiêu, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và giữ mức khá cao (tính bình quân hằng năm: doanh thu tăng 22,3%; nộp ngân sách tăng 12%; lợi nhuận tăng 5,2%). Riêng năm 2009, mặc dù chịu sự tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới, nhưng VNPT vẫn hoàn thành vượt kế hoạch năm đề ra, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2008 về các chỉ tiêu: tổng doanh thu 78.600 tỷ đồng (đạt 100,19% kế hoạch, tăng 29,7%); lợi nhuận 13.500 tỷ đồng (đạt 103,43% kế hoạch); nộp ngân sách 8.100 tỷ đồng (đạt 105,88% kế hoạch, tăng 15,29%); năng suất lao động (tính trên doanh thu) đạt trên 873 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 23%; tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên trong Tập đoàn. Những thành quả đó đã góp phần tích cực vào việc ngăn chặn suy giảm của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Công tác đầu tư, xây dựng cơ bản của VNPT được đẩy mạnh. Năm 2009, VNPT đã giải ngân 21.500 tỷ đồng (cao nhất từ trước tới nay), tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, như: mạng di động, băng rộng, dịch vụ 3G... tại các vùng kinh tế trọng điểm; phát triển mới 22.202.000 máy điện thoại, đạt 114,7% kế hoạch. Đồng thời, Tập đoàn đã chỉ đạo và tạo mọi điều kiện cho các đơn vị Bưu điện, Viễn thông các tỉnh (thành phố) ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa bảo đảm cho phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN trên các địa bàn trọng điểm. Hiện nay, 100% số xã trong cả nước có điện thoại; trên 91% số xã có báo đến trong ngày; 401 xã trọng điểm biên giới, xã đảo, xã có đồn biên phòng, cửa khẩu quốc gia được cập nhật thông tin tại 401 điểm bưu điện xã; đã xây dựng 8.100 điểm bưu điện-văn hoá xã trong cả nước, cung cấp mọi dịch vụ bưu chính, viễn thông và nâng cao dân trí cho nhân dân; duy trì phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của 8 trung tâm thông tin, viễn thông biển, đảo, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN trên các đảo: Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Đảo, Trường Sa, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Vĩnh Thực... Đặc biệt, Tập đoàn đã phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 (tháng 4 năm 2008) và đang tổ chức, quản lý, khai thác có hiệu quả; đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt xong hệ thống truyền hình hội nghị (tháng 4 năm 2009), phục vụ tốt việc giao ban trực tuyến của Chính phủ. Chất lượng mạng lưới các dịch vụ của VNPT được duy trì ổn định, đã khẳng định uy tín, vị thế của Tập đoàn trong phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN bảo vệ đất nước.

Cùng với đó, Tập đoàn còn tham gia tích cực, hiệu quả các hoạt động "xóa đói, giảm nghèo", "đền ơn đáp nghĩa", khuyến học... Từ năm 2008 đến nay, thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Tập đoàn đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị thành viên trên địa bàn hỗ trợ 200 tỷ đồng cho 2 huyện nghèo: Sìn Hồ, Mường Tè (tỉnh Lai Châu) và ký thoả thuận với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp thực hiện; sử dụng quỹ chính sách, xã hội của Tập đoàn để xây dựng 24 căn nhà tặng các gia đình chính sách, người có công; hỗ trợ 22 tỷ đồng xây nhà bán trú dân nuôi; tặng 6000 suất học bổng cho học sinh, trị giá 3 tỷ đồng... góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, với chế độ, xây dựng "thế trận lòng dân" ngày càng vững chắc trên địa bàn.  

Quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là SXKD, Tập đoàn luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự (QP, QS). Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn luôn quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của Bộ Quốc phòng về QP-AN, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, trực tiếp là Nghị định số 119/2004/NĐ-CP của Chính phủ "Về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương"; Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Về tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới"... Trên cơ sở đó, Tập đoàn xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn Ngành tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP, QS; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thành viên quán triệt Luật Quốc phòng; Luật Nghĩa vụ quân sự; Pháp lệnh Dân quân tự vệ; Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên...và nhiệm vụ QP, QS hằng năm đến từng cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, đơn vị; tăng cường rà soát, nắm chắc số lượng, phân loại đối tượng thuộc diện phải bồi dưỡng kiến thức QP-AN, xây dựng kế hoạch gửi cán bộ dự học và trực tiếp bồi dưỡng theo phân cấp, đúng quy định. Năm 2009, Tập đoàn đã cử 85 đồng chí cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN do các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức; đồng thời, chỉ đạo khối các học viện, nhà trường thuộc Tập đoàn thực hiện nghiêm túc chương trình môn học giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên đúng theo quy định. Nhờ đó, nhận thức và ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trong Tập đoàn về công tác QP-AN được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn tại các đơn vị và địa bàn. Việc kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN luôn được Tập đoàn coi trọng. Các chiến lược phát triển của Ngành giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020, bên cạnh đảm bảo các yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển SXKD, Tập đoàn đều tính đến yêu cầu bảo đảm phục vụ QP-AN. Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư, liên doanh, liên kết, mở rộng SXKD, xây dựng cơ bản, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đều chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các địa phương và các ban, ngành liên quan thẩm định các dự án, thực hiện đúng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN của các địa phương; đồng thời, thống nhất xây dựng kế hoạch, phương án hiệp đồng bảo đảm an toàn các công trình, đặc biệt là công trình trên địa bàn trọng điểm, biên giới và biển, đảo. Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ có hiệu quả Bộ Tư lệnh Thông tin trong việc bàn giao và chuyển giao công nghệ các thiết bị thông tin, liên lạc hiện đại phục vụ nhiệm vụ QP-AN. Các cơ quan, đơn vị thành viên kết hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đứng chân chăm lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc; tổ chức, phối hợp tuần tra, canh gác bảo vệ mục tiêu; bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt, an toàn, nhằm phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các hoạt động phá hoại, khủng bố, xâm phạm chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo, kích động gây bạo loạn, lật đổ... và xử trí các tình huống trong phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Ban Chỉ huy Quân sự của Tập đoàn và các đơn vị thành viên thường xuyên được củng cố, kiện toàn, phát huy tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo Tập đoàn về công tác QP, QS; tích cực đổi mới công tác huấn luyện quân sự, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, công nhân viên. Lực lượng tự vệ được Tập đoàn tổ chức, xây dựng theo đúng quy định của Pháp lệnh Dân quân tự vệ, đạt tỷ lệ 17% so với tổng số cán bộ, công nhân viên của Tập  đoàn; chỉ đạo các đơn vị tổ chức lực lượng chiến đấu tại chỗ, biên chế các trung đội binh chủng thông tin theo nhiệm vụ; thường xuyên chăm lo công tác phát triển đảng viên mới, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương tổ chức huấn luyện nâng cao trình độ mọi mặt cho lực lượng tự vệ. Các cơ quan, đơn vị trong Tập đoàn thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên, chủ động bố trí, sắp xếp, biên chế, đăng ký sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân dự bị theo đúng quy định; thực hiện tốt công tác huấn luyện, động viên, kiểm tra, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng kế hoạch, thống kê, quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các phương tiện kỹ thuật đã đăng ký, sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của các cơ quan quân sự địa phương; xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm trang bị dự phòng, các thiết bị phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, báo cáo thống kê với cơ quan quân sự địa phương. Các phương án, kế hoạch bảo đảm, tác chiến-trị an, tác chiến khu vực phòng thủ huyện (quận), tỉnh (thành phố), động viên quốc phòng của các đơn vị thành viên thường xuyên được rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, phù hợp với sự phát triển của tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.

Những thành tựu đó đã khẳng định chiến lược phát triển đúng đắn của Tập đoàn trong tiến trình đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; tạo động lực quan trọng để Tập đoàn tiếp tục phát triển vững chắc trong những năm tới, xứng đáng là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin của cả nước, góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH, tăng cường tiềm lực QP-AN, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

ThS. PHAN HOÀNG ĐỨC

Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc

Chỉ huy trưởng Ban CHQS Tập đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)