Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:09 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là một tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, hoạt động đa ngành, mang tính đặc thù, có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, gắn quá trình phát triển với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh (QP-AN) là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn hết sức quan trọng đối với Tập đoàn, cả trước mắt cũng như lâu dài.
Nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình, quá trình đổi mới về cơ cấu tổ chức, phát triển lực lượng và nâng cao năng lực hoạt động, dù với tên gọi gì và ở giai đoạn nào, cán bộ, nhân viên của Tập đoàn cũng luôn khắc sâu lời Bác Hồ dạy đối với ngành Thông tin-liên lạc để bảo đảm cho “mạch máu” giao thông liên lạc của Đảng, Nhà nước luôn thông suốt trong cả thời chiến lẫn thời bình. Hiện nay, Tập đoàn có 140 đơn vị thành viên kinh doanh về Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin với trên 90.000 cán bộ, nhân viên. Không chỉ có sự lớn mạnh về cơ cấu tổ chức và quy mô lực lượng, Tập đoàn còn có sự bứt phá ngoạn mục trên nhiều lĩnh vực. Năm 1993, mạng viễn thông liên tỉnh được số hóa ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 1994, ngành Bưu điện quyết định tiến thẳng vào công nghệ viễn thông di động công nghệ số (GSM). Cuối năm 1995, hệ thống tổng đài và truyền dẫn trên toàn mạng viễn thông đã được số hóa hoàn toàn, làm cho Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ số hóa mạng lưới cao nhất khu vực và Bưu điện trở thành ngành đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Năm 1998, Điểm Bưu điện-văn hóa xã - một mô hình mới ở cơ sở - đi vào hoạt động, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2000 đến năm 2007, Tập đoàn tiếp tục hội nhập và phát triển theo hướng chuyển từ giai đoạn lựa chọn công nghệ, tạo nguồn lực để phát triển sang giai đoạn đổi mới tổ chức quản lý, tách quản lý nhà nước và sản xuất, kinh doanh, đổi mới mô hình tổ chức công nghệ mới cho phù hợp. Tháng 4/2008, vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam được phóng thành công lên vũ trụ,... (đã có 18 khách hàng, trong đó có những hãng phát thanh, truyền hình, viễn thông lớn của Thái Lan, Xinh-ga-po đăng ký sử dụng VINASAT-1). Hiện nay, mạng lưới Viễn thông và Internet của Tập đoàn tiếp tục tăng trưởng nhanh với việc phát triển mới 448.325 thuê bao điện thoại, nâng tổng số máy phát triển từ đầu năm đến nay lên 9.742.509 máy (di động: 9.032.113) đạt 60,14% kế hoạch, tăng 152% so với cùng kỳ năm 2007. Tổng số máy trên mạng hiện có 37.384.001 máy. Phát triển thuê bao Mega VNN: 13.728 thuê bao, nâng số lượng thuê bao phát triển từ đầu năm đến nay lên 331.371 máy, đạt 53,19% kế hoạch và tổng số thuê bao hiện có là 1.073.968 máy. Cùng với đó, mạng lưới và dịch vụ Bưu chính được mở rộng và tăng cường, với 15.500 điểm phục vụ bưu chính, đưa bán kính phục vụ giảm xuống còn 2,5 km/điểm; 92,5% số xã, phường trên toàn quốc có báo Nhân Dân đọc trong ngày; Bưu điện-văn hóa xã đã triển khai được hơn 8.000 điểm, tương ứng với 84% số xã trong toàn quốc. Đó là những thành tựu quan trọng, chẳng những đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Bưu chính, Viễn thông Việt Nam, mà còn thể hiện sự lớn mạnh và khẳng định khả năng hợp tác, cạnh tranh của Tập đoàn trong quá trình hội nhập.
Gắn liền với quá trình phát triển, Tập đoàn luôn chú trọng nhiệm vụ QP-AN. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và trước những đòi hỏi gay gắt về nhu cầu thông tin liên lạc của đời sống xã hội, Tập đoàn quyết tâm “Đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa và đa dịch vụ” nhưng tiến hành bằng những bước đi thích hợp, bảo đảm sự thống nhất biện chứng trong mối liên hệ giữa phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với tăng cường QP-AN. Việc phát triển cơ sở hạ tầng của Tập đoàn được thực hiện theo quy hoạch, có tính đến cả mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài; đồng thời, phát triển mạng lưới Bưu chính, Viễn thông và công nghệ thông tin luôn đi đôi với các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn và độ dự phòng của hệ thống.
Cùng với chiến lược phát triển mang tính quy hoạch, kế hoạch và các biện pháp kỹ thuật, nhiệm vụ QP-AN của Tập đoàn còn được biểu hiện sinh động qua quá trình hoạt động thực tiễn. Đó là hoạt động phối hợp, hợp tác, hỗ trợ thường xuyên giữa Tập đoàn với ngành Thông tin Quân sự, qua đó bảo đảm tốt thông tin liên lạc phục vụ hoạt động lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hoạt động của nhân dân và lực lượng vũ trang trong thời bình và sẵn sàng cho tình huống đất nước có chiến tranh. Để có cơ sở lập các phương án động viên quốc phòng, Tập đoàn đã phối hợp với Bộ Quốc phòng khảo sát mạng lưới Bưu điện, Viễn thông trên toàn quốc. Đối với các vùng đặc biệt khó khăn về thông tin, Tập đoàn đã tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống thông tin vệ tinh thế hệ mới IP/STAR nhằm phục vụ thông tin, góp phần thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm QP-AN. Với mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng có mạng lưới viễn thông, tin học quốc gia tiên tiến, hiện đại, hoạt động hiệu quả, an toàn và tin cậy, phủ sóng trên cả nước, Tập đoàn đã chỉ đạo và tạo mọi điều kiện cần thiết cho bưu điện các tỉnh, trong đó ưu tiên cho các địa bàn trọng điểm chiến lược, vùng sâu, vùng xa; duy trì và nâng cao hiệu quả của 8 trung tâm thông tin viễn thông biển, đảo phục vụ quân và dân trên đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Đảo, Trường Sa, Cát Bà, Vĩnh Thực, Cô Tô, Bạch Long Vĩ,...; hỗ trợ cho nhiều đồn biên phòng triển khai các thiết bị thông tin vệ tinh ở vùng biên giới, hải đảo. Tính đến nay, Tập đoàn đã chuyển giao cho Bộ Tư lệnh Thông tin và các đơn vị thông tin liên lạc của các quân khu trên 50 tổng đài độc lập, 1 hệ thống tổng đài có dung lượng 12 nghìn số, 11 kênh vệ tinh, 6 máy phát công suất lớn và nhiều thiết bị tiên tiến khác, góp phần hỗ trợ ngành thông tin quân sự nâng cao năng lực bảo đảm về thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ huy các hoạt động quân sự, quốc phòng trong thời bình và sẵn sàng đối phó với chiến tranh công nghệ cao nếu xảy ra.
Nhiệm vụ QP-AN của Tập đoàn ở 140 đơn vị thành viên còn được thể hiện bằng những hoạt động cụ thể, gắn với đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ của chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang ở địa phương, cơ sở. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên, đăng ký thanh niên trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, giáo dục QP-AN theo các luật, pháp lệnh đã quy định, Tập đoàn luôn chủ động phối hợp với các lực lượng trên địa bàn trong việc xây dựng các phương án huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập phòng, chống lụt bão, thiên tai. Song song với mạng lưới bưu chính phục vụ phát triển KT-XH, các công ty Bưu chính của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội và cơ quan hữu quan đảm bảo an ninh thông tin liên lạc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ lợi dụng đường bưu điện để chuyển tải, phát tán các tài liệu phản động nhằm chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.
Hậu quả của thiên tai ảnh hưởng hết sức nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân vùng bão, lũ và ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó có Bưu chính, Viễn thông. Đối với Tập đoàn, việc trực tiếp tham gia khắc phục hậu quả của thiên tai là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong thời bình. Để thực tốt nhiệm vụ này, lãnh đạo, chỉ huy Tập đoàn và các đơn vị thành viên, nòng cốt là tự vệ và lực lượng dự bị động viên, luôn chủ động phối hợp với các lực lượng cả trước, trong và sau bão, lũ trong việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; đồng thời, có các biện pháp bảo vệ cơ sở, thiết bị và có phương án khắc phục hậu quả, bảo đảm thông tin liên lạc nhanh nhất.
Trong quá trình xây dựng, phát triển gắn với nhiệm vụ QP-AN, Tập đoàn luôn chú trọng thực hiện công tác chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội. Những năm gần đây, Tập đoàn đã đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Vì người nghèo”, xây dựng Quỹ sáng tạo khoa học kỹ thuật, Quỹ học bổng Vừ A Dính,... Theo đó, đã xây dựng 1.600 nhà tình nghĩa, tình thương; phụng dưỡng 600 bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tu bổ nhiều nghĩa trang, mộ chí các liệt sỹ ở Tây Ninh, Đà Nẵng, Quảng Trị; hàng chục đài, bia tưởng niệm các liệt sỹ giao liên; tổ chức quy tập 956 mộ liệt sỹ giao liên với chi phí trên 19 tỷ đồng,v.v. Gần đây nhất, Tập đoàn đã tài trợ cho chương trình “Kỷ niệm 40 năm những đóa hoa bất tử” tổ chức tại Ngã ba Đồng Lộc số tiền 40 triệu đồng. Trong đợt lũ dữ xảy ra vào tháng 8 tại các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua, Tập đoàn là một trong những đơn vị đầu tiên ủng hộ nhân dân các vùng bị thiệt hại nặng với số tiền 330 triệu đồng. Đó là những việc làm thiết thực không chỉ có ý nghĩa về KT-XH mà còn có ý nghĩa không nhỏ về QP-AN.
Những kết quả đạt được trên đây vừa là tiền đề, vừa là động lực to lớn và quan trọng giúp cho Tập đoàn tiếp tục phát triển. Những năm tới, nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Tập đoàn sẽ triển khai sâu rộng và toàn diện công tác đổi mới về tổ chức, hệ thống quản lý theo mô hình tập đoàn kinh tế, giữ vai trò chủ lực trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và công nghệ thông tin, đẩy mạnh CNH, HĐH, tạo động lực cho các ngành, các lĩnh vực khác phát triển. Tuy vậy, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Tập đoàn nói riêng, của đất nước nói chung, bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít thách thức. Đó là thách thức trong việc bảo đảm an ninh thông tin, thách thức trong cạnh tranh, hợp tác và ở một góc độ khác, còn có thách thức giữa bảo đảm hiệu quả kinh doanh với việc thực hiện các nhiệm vụ về QP-AN. Bởi vậy, muốn vượt qua thách thức, Tập đoàn phải đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, cần đặt lên hàng đầu việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mạng lưới Bưu chính, Viễn thông, bảo đảm phục vụ tốt và an toàn thông tin phục vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Trong khi cần tiến nhanh trên con đường hội nhập, mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các tập đoàn, đơn vị, cá nhân hay quy mô chính phủ, phải bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ theo định hướng XHCN, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, coi đó là vấn đề có tính nguyên tắc. Sự lớn mạnh của Tập đoàn phải tương ứng với tiềm lực quốc phòng được tạo ra, kể cả về phương tiện, con người và công nghệ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tính đến lợi nhuận nhưng phải hướng tới mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân. Phát triển mạng lưới Bưu chính, Viễn thông ở thành phố, đô thị phải đi đôi với phát triển ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những vùng có vị trí quan trọng về QP-AN. Đó là những vấn đề mà Tập đoàn, trực tiếp là lãnh đạo, chỉ huy các cấp, Ban chỉ huy Quân sự Tập đoàn và Ban chỉ huy Quân sự các đơn vị thành viên cần tiếp tục quán triệt đến mọi cán bộ, nhân viên. Có như vậy mới bảo đảm cho Tập đoàn phát triển bền vững, thực hiện tốt yêu cầu kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, góp phần giữ vững ổn định chính trị, giữ vững độc lập chủ quyền, phát triển đất nước theo định hướng XHCN và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hoàng Thọ Thái
Bí thư Đảng ủy - Chính trị viên
Ban CHQS Tập đoàn
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011