Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:03 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Việc tạo dựng hiệu quả thế trận đối ngoại - quốc phòng - an ninh luôn là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cũng như sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Với đặc thù địa- chính trị, địa- chiến lược quan trọng và là một nước có trình độ phát triển thấp trong khu vực, nhân tố quyết định bảo đảm cho sức mạnh Việt Nam chính là sự đoàn kết và gắn kết của các lực lượng trong nước, mà một nội dung quan trọng là sự kết hợp giữa đối ngoại - quốc phòng - an ninh.
Thực vậy, trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, nếu quân sự là nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược, an ninh giúp củng cố và bảo vệ chính quyền non trẻ trước thù trong giặc ngoài, thì đối ngoại không chỉ là một mặt trận góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng đối phương có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn gấp nhiều lần, mà còn giúp khôi phục quan hệ hòa hiếu với kẻ địch trước đây. Mỗi khi đánh thắng giặc ngoại xâm bằng quân sự, cha ông ta luôn chủ động sử dụng ngoại giao để hàn gắn quan hệ, kiến tạo hòa bình, nhằm dập tắt “muôn đời chiến tranh” và “mở nền muôn thuở thái bình”. Kế tiếp truyền thống đó, sau khi lãnh đạo toàn quốc kháng chiến đánh đuổi thực dân xâm lược, giành độc lập cho đất nước, tháng 9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với thế giới chính sách đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.
Toát lên từ những dẫn chứng ấy trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là mối quan hệ khăng khít giữa đối ngoại - quốc phòng - an ninh. Mặc dù có những đặc thù và biện pháp tiến hành khác nhau, nhưng đối ngoại, quốc phòng và an ninh đều có mục tiêu chung là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Sự phối hợp giữa đối ngoại - quốc phòng - an ninh lại càng phải khăng khít và chặt chẽ hơn trước trong thời đại toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng trở nên sâu sắc. Tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song thế giới vẫn chứng kiến nhiều thách thức an ninh như nạn khủng bố, bệnh dịch, thiên tai, khủng hoảng lương thực, khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như tranh chấp và xung đột về tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ ngày càng gia tăng...
Những thách thức đó đã, đang và sẽ tiếp tục là các nguy cơ nghiêm trọng đối với nền an ninh, sự ổn định và thịnh vượng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Xử lý những thách thức an ninh này không phải là nhiệm vụ đơn giản, do tính chất đa dạng, phức tạp, quy mô rộng và tốc độ tác động nhanh của chúng. Hơn nữa, sau hơn 20 năm đổi mới và hội nhập, trong một xã hội “mở” ngày nay, những thách thức an ninh bên ngoài tác động ngày càng nhanh, mạnh mẽ đến đất nước ta cùng với quá trình đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Nhất là, các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh chiến lược "Diễn biến hòa bình", chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các mặt, các lĩnh vực…
Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức tính đa chiều của các thách thức an ninh. An ninh không chỉ liên quan đến quân sự thông thường mà gắn với các khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường...; an ninh không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà gắn với an ninh quốc tế. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" thể hiện rõ nhất tư duy chiến lược của Đảng về các thách thức an ninh khi chỉ rõ mục tiêu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay là: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội và nền văn hoá; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.
Với những nội dung kể trên, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) đã kịp thời đưa ra những tư duy mới về an ninh để đối phó với bốn nguy cơ mà Đảng đã nêu cách đây 14 năm là tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng XHCN; nạn tham nhũng, tệ quan liêu và "Diễn biến hòa bình" vẫn chưa có chiều hướng suy giảm. Tham gia xử lý những thách thức đối với an ninh và phát triển của ta kể trên là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề của đối ngoại, quốc phòng - an ninh, những lực lượng “đầu sóng ngọn gió” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận cả những thuận lợi và cơ hội đan xen trong môi trường an ninh phức tạp hiện nay. ? bên ngoài, thuận lợi lớn nhất đối với đất nước ta là xu thế hòa bình, hợp tác để phát triển vẫn là xu thế lớn trên thế giới. Trên cơ sở những lợi ích an ninh và phát triển chung, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng, các nước đều tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế và hợp lực để cùng nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu và các mối đe doạ an ninh phi truyền thống hết sức bức xúc…Tập hợp lực lượng trên thế giới ngày nay đã thay đổi nhiều, dựa trên những điểm đồng về lợi ích, trong đó, các nước đều lấy lợi ích dân tộc làm cốt lõi. Các nước đều nỗ lực cải thiện quan hệ và tránh để cạnh tranh, đối đầu trở thành đối kháng làm đổ vỡ quan hệ; tìm mẫu số chung để dung hòa lợi ích.
Ở trong nước, những thành tựu to lớn sau hơn 20 năm đổi mới đã tạo cho Việt Nam thế và lực mới, tạo thuận lợi để ta triển khai và phối, kết hợp các hoạt động ngoại giao chính trị, quốc phòng, an ninh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là thành viên tích cực của nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị Á- Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Tiến trình Thượng đỉnh Đông Á (EAS), v.v.
Đứng trước những thách thức và cơ hội đó, để góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, các ngành đối ngoại, quốc phòng, an ninh cần thực hiện cho được mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cụ thể, đối ngoại, quốc phòng, an ninh cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn trên các phương diện sau đây:
Một là, đối ngoại cần phối hợp chặt chẽ với quốc phòng và an ninh trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đấu tranh chống lại các âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, nhằm can thiệp vào công việc nội bộ hoặc “Diễn biến hòa bình”. Nhất là, các mưu đồ lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "tôn giáo", hòng can thiệp, gây mất an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chống phá Đảng, chế độ và nhân dân ta.
Hai là, phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại và quốc phòng - an ninh trong việc đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, củng cố và triển khai các khuôn khổ hợp tác toàn diện, ổn định, lâu dài và tin cậy lẫn nhau đã được thiết lập với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, khu vực, các đối tác lớn, các trung tâm kinh tế và chính trị, các nước bạn bè truyền thống và các đối tác khác.
Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại và quốc phòng - an ninh trong triển khai đường lối kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Quốc phòng- an ninh hỗ trợ đắc lực cho đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện, tiền đề cho mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế. Về phần mình, đối ngoại phải phát huy được vai trò là cầu nối với thế giới, nhằm kết hợp tốt nhất sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ quốc tế cho sự nghiệp CNH, HĐH, tạo thế và lực mới cho đất nước.
Bốn là, chủ động thúc đẩy ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa với ngoại giao quốc phòng - an ninh, nhằm góp phần xây dựng và củng cố lòng tin, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau; đồng thời, cùng đóng góp trực tiếp vào việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế có lợi cho việc củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước.
Cuối cùng, cần phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại và quốc phòng - an ninh trong công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, chia sẻ thông tin, nhằm đưa ra những đánh giá khách quan và đúng nhất về những diễn biến của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, xác định đối tượng, đối tác, thời cơ, thuận lợi cũng như những thách thức, nguy cơ để chúng ta có thể tạo ra sự nhất trí và thống nhất trong xây dựng phương án đối phó, triển khai có hiệu quả hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Tăng cường công tác tổng kết lý luận và thực tiễn kết hợp đối ngoại-quốc phòng-an ninh, tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ, theo hướng cán bộ ngành đối ngoại cần hiểu và có kiến thức về công tác quốc phòng - an ninh và cán bộ quốc phòng - an ninh cũng được trang bị sâu hơn về kiến thức đối ngoại...
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, các ngành đối ngoại, quốc phòng, an ninh đang nỗ lực phát huy truyền thống phối hợp chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng thể, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, thực hiện thành công công cuộc CNH, HĐH đất nước, xây dựng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Phạm Bình Minh
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011