Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:18 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
III. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Thực tiễn và những vấn đề đặt ra cho thấy: để tăng cường sức mạnh quốc phòng (SMQP), bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong tình hình mới, phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược. Trong tình hình hiện nay, theo chúng tôi, cần tập trung vào những giải pháp chủ yếu sau:
1-Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục quốc phòng-an ninh (QP-AN), tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn dân đối với sự nghiệp QP-AN, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới và Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về công tác giáo dục QP-AN; trong đó, vấn đề quan trọng, cơ bản nhất là tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự quản lý, điều hành của chính quyền và vai trò tham mưu của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác giáo dục QP-AN. Đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo phải được thể hiện bằng chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, kế hoạch công tác. Cơ quan quân sự và công an cần phát huy vai trò nòng cốt, chủ động làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát tình hình thực tiễn; giúp Hội đồng giáo dục QP-AN và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra kết quả và những vấn đề đặt ra trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa chương trình, nội dung, phương thức tiến hành công tác giáo dục QP-AN sát với từng đối tượng; kết hợp giáo dục thường xuyên với giáo dục có trọng tâm, trọng điểm. Về nội dung, cùng với việc giáo dục lòng yêu nước, yêu chế độ, lịch sử, truyền thống của Đảng và dân tộc, lòng tự tôn dân tộc; quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) và an ninh nhân dân (ANND), cần chú trọng giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức và toàn dân nhận thức đúng mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, cũng như đặc điểm, tính chất phức tạp, sự tác động của nó đối với sự nghiệp QP-AN, bảo vệ Tổ quốc XHCN của nhân dân ta. Đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cần được mở rộng hơn đến đội ngũ cán bộ chủ chốt các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí; chức sắc, chức việc các tôn giáo... Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức và cá nhân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc XHCN thông qua hoạt động công tác theo chức năng, nhiệm vụ và trên cương vị, chức trách được phân công; tỉnh táo, linh hoạt, mềm dẻo khi xử lý các vấn đề trong quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá-xã hội, QP-AN, đối ngoại..., theo đúng quan điểm của Đảng: đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc.
2-Bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của Nhà nước trong xây dựng nền QPTD. Theo đó, tiếp tục củng cố, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ chế vận hành của từng thành phần trong cơ chế; trong đó, chú trọng xác định rõ hơn mối quan hệ trong lãnh đạo, quản lý quốc phòng giữa cấp quân khu và địa phương. Mối quan hệ đó được biểu hiện cụ thể ở việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy các quân khu thông qua việc ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ quốc phòng theo định kỳ. Căn cứ vào kế hoạch chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Tư lệnh các quân khu chủ động phối hợp, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh (thành phố) triển khai thực hiện công tác quốc phòng. Cơ quan quân khu thường xuyên bám sát địa phương nắm tình hình, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo kế hoạch đã được Tư lệnh quân khu phê duyệt. Uỷ ban nhân dân các tỉnh (thành phố) hằng năm thông báo cho Bộ Tư lệnh quân khu kế hoạch xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) có liên quan đến quốc phòng.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh (thành phố) có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương cấp mình thực hiện mệnh lệnh, chỉ lệnh của Tư lệnh Quân khu về công tác quốc phòng, quân sự. Đối với các địa phương, từ cấp tỉnh (thành phố) đến cơ sở (xã, phường), cần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, quản lý QP-AN của các tổ chức đảng, chính quyền; nâng cao năng lực làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quân sự, công an trong nhiệm vụ xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND, xây dựng lực lượng QP-AN vững mạnh trên địa bàn.
3-Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh và đối ngoại trong xây dựng tiềm lực quốc phòng và đấu tranh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Về kết hợp kinh tế với quốc phòng, cần giải quyết tốt mối tương tác giữa lợi ích kinh tế, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm QP-AN, bảo đảm mỗi bước phát triển KT-XH là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng. Kết hợp kinh tế với quốc phòng phải phù hợp với đặc điểm từng vùng lãnh thổ, từng lĩnh vực, từng ngành, từng địa phương, đơn vị cơ sở; được thể hiện ngay từ trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án KT-XH. Đặc biệt, vùng biên giới đất liền, nơi “phên dậu” của Tổ quốc, cần được tăng cường đầu tư nhiều nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng KT-XH gắn với tăng cường QP-AN, nhất là mạng đường giao thông, mạng thông tin liên lạc, bảo đảm y tế; điều chỉnh, bố trí lại dân cư ra sát biên giới; xây dựng, phát triển các trung tâm cụm xã, các khu kinh tế cửa khẩu; phát triển văn hoá-xã hội; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; xây dựng biên giới đoàn kết hữu nghị, hợp tác, phát triển ổn định lâu dài. Vùng biển, đảo là nơi có tiềm năng kinh tế lớn, cũng là hướng phòng thủ chủ yếu của đất nước, cùng với việc phát triển các ngành kinh tế biển gắn với bảo đảm QP-AN, cần tập trung đầu tư phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững hệ thống các đảo, trước hết là các đảo có vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nhiều tiềm năng để có bước đột phá về kinh tế biển, đảo. Đồng thời, xây dựng hệ thống đảo, đặc biệt là các đảo, quần đảo xa bờ trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Quân đội nhân dân (QĐND) là lực lượng nòng cốt trong thực hiện kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, cần tận dụng thành tựu CNH, HĐH, phấn đấu xây dựng nền công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ, có tiềm lực ngày càng mạnh, phù hợp với nền kinh tế đất nước; tập trung xây dựng các Khu kinh tế-quốc phòng, các dự án lấn biển, góp phần phát triển KT-XH, gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận QP-AN ở những vị trí trọng yếu trên tuyến biên giới, ven biển của Tổ quốc; tích cực tham gia một số loại hình kinh tế biển, gắn với tăng cường QP-AN trên biển, đảo, như: khai thác, chế biến, nuôi trồng, xuất khẩu thuỷ, hải sản; đầu tư xây dựng các đội tàu công ích làm dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân; tham gia xây dựng, phát triển ngành đóng tàu biển, dịch vụ cảng biển; tổ chức các đội tàu đánh bắt cá xa bờ kết hợp với bảo đảm QP-AN trên các vùng biển. Các doanh nghiệp quân đội cần tích cực, chủ động tham gia hoạt động kinh tế gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên các lĩnh vực: bưu chính-viễn thông, bay dịch vụ, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ cảng biển...
Kết hợp quốc phòng với an ninh cần được triển khai rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn trong thế trận chung bảo vệ Tổ quốc XHCN cả ở cấp vĩ mô và vi mô, trên phạm vi cả nước và từng địa phương, cơ sở, nhất là ở vùng xung yếu, trọng điểm về QP-AN của đất nước (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), khu vực biên giới, thành phố lớn. QĐND và Công an nhân dân là hai lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Quyết định 107/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, phát huy tinh thần đoàn kết, hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ: giáo dục QP-AN; xây dựng “thế trận lòng dân”; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh toàn diện; phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; tăng cường đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ đường lối, nền tảng tư tưởng của Đảng.
Kết hợp QP-AN với đối ngoại trong bối cảnh mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các ngành chức năng mà trọng tâm là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cần chủ động phối hợp tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược và các đối sách xử lý thắng lợi các tình huống về QP-AN và đối ngoại để giữ vững chủ quyền lãnh thổ, quan hệ tốt với các nước láng giềng và sự ổn định chính trị của đất nước; phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và đấu tranh quốc phòng, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Cùng với đó, cần tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, nâng tầm các quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, đa phương với các nước đối tác, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống, các nước trong khối ASEAN và các nước lớn trên thế giới, góp phần tăng cường SMQP, sức mạnh của quân đội để bảo vệ đất nước tốt hơn, có khả năng răn đe, ngăn ngừa và đẩy lùi các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia.
4-Xây dựng chiến lược quốc phòng phù hợp với yêu cầu tăng cường SMQP, bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chiến lược Quốc phòng nhằm mục tiêu tăng cường hơn nữa SMQP, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc XHCN. Theo đó, tập trung vào nghiên cứu những vấn đề cơ bản, như: đánh giá tình hình; xác định mục tiêu của Chiến lược Quốc phòng; lựa chọn hướng phát triển quốc phòng, hệ thống giải pháp tổ chức thực hiện. Trong đó, ưu tiên xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trước hết là xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại (trong đó, có những lĩnh vực, bộ phận tiến thẳng lên hiện đại). Nội dung cơ bản hàng đầu là xây dựng QĐND vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; đủ khả năng, bản lĩnh đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hoà bình”, âm mưu “phi chính trị hoá” quân đội của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, để làm tròn vai trò nòng cốt trong đấu tranh quốc phòng; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... và sẵn sàng đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, cần tăng cường các biện pháp phòng thủ trên các hướng, địa bàn chiến lược; tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng công tác huấn luyện bộ đội, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, kỹ thuật ở tất cả các cấp. Trong điều kiện mới, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần chủ động nghiên cứu vận dụng tổ chức lực lượng phù hợp với tổ chức quân đội thời bình, sẵn sàng cho thời chiến, theo hướng: giảm lực lượng ở cơ quan, khâu trung gian, tăng cường lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Mặt khác, kiên quyết đầu tư có trọng điểm trong việc mua sắm, sản xuất một số loại vũ khí, trang bị hiện đại cho lực lượng Hải quân, Không quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Một số kiến nghị
- Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp; bảo đảm có chương trình, kế hoạch công tác (hằng năm và 5 năm); đồng thời, có giải pháp phù hợp để không ngừng nâng cao chất lượng công tác giáo dục QP-AN cho các đối tượng, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực cơ chế lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với sự nghiệp QP-AN phù hợp với phát triển của thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
- Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống giải pháp bảo vệ Tổ quốc mang tính tổng hợp, toàn diện; nhất là sự kết hợp giữa các lĩnh vực hoạt động kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Theo đó, không nên tách riêng từng vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh, QP-AN với đối ngoại. Chỉ có như vậy mới phát huy tối đa mọi nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
- Cùng với xây dựng, hoàn thiện Chiến lược Quốc phòng, cần khẩn trương xây dựng Chiến lược Quân sự và các chiến lược chuyên ngành khác, nhằm cụ thể hoá một cách thiết thực Chiến lược bảo vệ Tổ quốc XHCN về lý luận, nhất là trong xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong điều kiện mới.
ĐỒNG ĐỨC - PHẠM TRANG - QUANG CHUYÊN
_____________________
(*) Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân số 9 và 10-2010
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011