Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:19 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo từ năm 1986 đến nay đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước vừa qua và hiện nay.
80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xóa bỏ chế độ thuộc địa, nửa phong kiến, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc-kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH); thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân, đế quốc xâm lược, giành và bảo vệ độc lập, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên CNXH; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên CNXH. Nhờ đó, Việt Nam từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế, có quan hệ rộng rãi với các nước, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Những thắng lợi đó có ý nghĩa lịch sử và thời đại, bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó nổi bật là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, là sự hy sinh, phấn đấu kiên cường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân suốt 80 năm qua. Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo từ năm 1986 đến nay đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như một cuộc canh tân vĩ đại trong tiến trình lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra những khó khăn, thách thức to lớn, đòi hỏi Đảng ta phải phát huy đầy đủ bản lĩnh chính trị, trí tuệ khoa học trước toàn dân tộc; phải tăng cường, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Trước hết, phải tăng cường công tác tư tưởng, lý luận, nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng. Đảng phải kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghiên cứu, nắm vững và phát triển sáng tạo lý luận Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là định hướng tư tưởng mà còn nhằm đề ra đường lối, chính sách, chủ trương có cơ sở lý luận, khoa học và tính hiện thực. Điều đó đặt ra yêu cầu Đảng phải nắm vững và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, nhất là những quy luật của thời kỳ quá độ lên CNXH, khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, làm trái quy luật. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ hơn nữa nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, nhận thức về mục tiêu, mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN); về những nội dung, hình thức và tổ chức kinh tế, xã hội của thời kỳ quá độ; về những điều kiện và khả năng bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tiến lên CNXH. Tổng kết làm rõ hơn lý luận về Đảng cầm quyền trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; nghiên cứu, tổng kết lý luận văn hoá Việt Nam và xây dựng con người mới Việt Nam; nhận thức rõ hơn lý luận về thời đại và thế giới đương đại. Cùng với đó, Đảng phải tổng kết làm rõ lý luận về quốc phòng, an ninh, học thuyết quân sự thời đại Hồ Chí Minh, làm cơ sở cho chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đảng phải có trình độ cao về lý luận, trí tuệ mới có thể nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, Đảng mà không có lý luận thì giống như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam, giống như người đi trong đêm tối. Đảng yêu cầu mọi tổ chức đảng, cấp uỷ, mọi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập để không ngừng nâng cao trình độ tư tưởng, lý luận, nâng cao học vấn, nắm vững những tri thức cần thiết về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, xã hội, về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội-nhân văn, khoa học lãnh đạo và quản lý.
Hai là, không ngừng phát triển, hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối, nâng cao bản lĩnh chính trị là yêu cầu cơ bản để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, đường lối. Khi Đảng cầm quyền, Cương lĩnh, đường lối của Đảng được cụ thểhoá, thể chế hoá thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung Cương lĩnh 1930 và Cương lĩnh 1991 đã phản ánh quy luật vận động, phát triển đúng đắn của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh 1991 đã nêu rõ 6 đặc trưng của xã hội XHCN ở Việt Nam. Đại hội X của Đảng (4-2006) bổ sung thêm 2 đặc trưng và làm rõ thêm những đặc trưng trước đó. Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) họp tháng 10-2009 đã thảo luận và cho ý kiến về những nội dung bổ sung và phát triển Cương lĩnh 1991 để trình Đại hội XI sắp tới. Cùng với Cương lĩnh là văn kiện cơ bản, trong quá trình đổi mới, Đảng đã đề ra và tổ chức thực hiện đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đường lối CNH, HĐH đất nước; đường lối phát triển nông nghiệp toàn diện giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc; đường lối xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; đường lối phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới; đường lối quốc phòng, an ninh và chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Năng lực hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả Cương lĩnh, đường lối là thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đặt ra yêu cầu phải tăng cường sức mạnh tổ chức, kỷ luật của Đảng và coi trọng công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng"1. Để bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được trang bị cơ bản về lý luận, về quan điểm, đường lối của Đảng, về chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng nâng cao trình độ học vấn, có năng lực tổ chức thực tiễn, có tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức và biết làm tốt công tác vận động quần chúng. Trong công tác cán bộ, phải tiến hành đồng bộ các khâu: đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ, xây dựng và thực hiện tốt chính sách cán bộ. Với vị trí là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, vai trò của tổ chức cơ sở đảng rất quan trọng, bảo đảm cho việc thực hiện đúng đắn đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đại hội X nhấn mạnh, phải dồn sức xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên về tư tưởng chính trị, trình độ năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống, tăng cường công tác phát triển Đảng. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, cần nắm vững quan điểm: Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Bốn là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới kinh tế; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, quan điểm, các nghị quyết; lãnh đạo thể chế hoá, cụ thể hoá đường lối của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, kế hoạch, các chương trình công tác lớn của Nhà nước; bố trí đúng cán bộ và thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước; trái lại, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo của Nhà nước trong quản lý đất nước, xã hội. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) tháng 7-2007 đã ra Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nghị quyết nêu rõ: " Ban Chấp hành Trung ương xác định chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược an ninh quốc gia, phương hướng hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ"2. Bộ Chính trị xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; các kế hoạch và phương án tác chiến chiến lược; chiến lược xây dựng công nghiệp quốc phòng; chiến lược trang bị cho quân đội, công an; phương hướng xây dựng hậu phương chiến lược. Trên cơ sở quan điểm của Đảng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng, các cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện. Đổi mới phương thức lãnh đạo gắn liền với đổi mới phong cách và lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng; hoàn thiện hệ thống quy định, quy chế làm việc của các cơ quan lãnh đạo và tham mưu của Đảng ở các cấp, các ngành và từng lĩnh vực cụ thể.
Công cuộc đổi mới và phát triển đất nước theo con đường XHCN đã và đang đặt ra những vấn đề, những quan hệ cơ bản, đòi hỏi Đảng phải xử lý đúng đắn trong thực hiện vai trò lãnh đạo của một đảng cầm quyền. Quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH; giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị; giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh; giữa nội lực và ngoại lực, giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; giữa Đảng và nhân dân là những quan hệ cơ bản nhất. Nhận thức và giải quyết đúng đắn các mối quan hệ đó sẽ mang lại những thành tựu to lớn; đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố và tăng cường, đưa nước ta phát triển vững vàng trên con đường mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả dân tộc ta đã lựa chọn: CNXH; đồng thời, góp phần đập tan chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta.
PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC
__________
1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 5, tr.269.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 121-122.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011