QPTD -Thứ Bảy, 17/09/2011, 00:40 (GMT+7)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quân sự-quốc phòng địa phương ở huyện miền núi, biên giới Hương Khê

Là một huyện miền núi, biên giới, Hương Khê có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực phòng thủ của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và Quân khu 4 nói chung. Trong những năm đổi mới vừa qua, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Hương Khê đã nỗ lực phấn đấu và giành được thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) cũng như củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN). Tuy nhiên, hiện nay Hương Khê vẫn là một huyện nghèo, tình hình mọi mặt còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Chứt, Rục) còn lạc hậu,... Lợi dụng khó khăn đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá, hòng gây mất ổn định chính trị-xã hội trên địa bàn.

Trên cơ sở nắm vững đặc điểm, tình hình của địa phương; đồng thời, nhận thức sâu sắc mối quan hệ giữa 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong tình hình mới, những năm qua, Huyện ủy Hương Khê đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo địa phương phát triển toàn diện, trong đó hết sức coi trọng công tác quân sự-quốc phòng (QS-QP) địa phương. Trước yêu cầu phát triển của tình hình, nhiệm vụ, hằng năm, Huyện ủy đều tổ chức quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác QP-AN cho các đối tượng, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 12-CT/TƯ, ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 112/CT-ĐU ngày 9-10-2007 của Thường vụ Đảng ủy Quân khu 4 và Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, từ huyện đến xã, thị trấn đều có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác QS-QP địa phương phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa bàn. Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân Huyện đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng cụm, tuyến an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; đồng thời, phân công các đồng chí Thường vụ Huyện ủy trực tiếp theo dõi và phụ trách từng cụm, tuyến. Hằng tuần, hằng tháng, các cụm, tuyến đều tổ chức giao ban nắm tình hình, phân công nhiệm vụ cho các bộ phận; 6 tháng và cuối năm tiến hành tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

Một trong những trọng tâm lãnh đạo của Huyện trong thời gian qua là, tập trung xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, gắn kết phát triển KT-XH với củng cố QP-AN trên địa bàn. Chủ trương của Huyện là, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí của trên, kết hợp với huy động các nguồn lực tại chỗ, tập trung xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, đường cơ động, bảo đảm tính vững chắc, liên hoàn. Trong quy hoạch phát triển KT-XH, xây dựng các dự án khu dân cư, hệ thống giao thông, các nông trường, lâm trường, xí nghiệp,… Huyện đều chú ý đến tính lưỡng dụng của các hạng mục công trình, bảo đảm sẵn sàng chuyển từ thời bình sang thời chiến khi có tình huống chiến tranh xảy ra. Với lợi thế về phát triển kinh tế trang trại, chuyên canh một số loại cây trồng (bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, cây gió Trầm, keo lá Tràm,...) và xây dựng các làng nghề truyền thống (mộc dân dụng, mộc gia dụng,...), Huyện chủ trương: một mặt, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trang trại, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao; mặt khác, đề cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ trang trại trong việc đóng góp kinh phí và tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhằm nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng đối với nhiệm vụ QS-QP địa phương, Huyện coi trọng lãnh đạo thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng. Năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008, Huyện đã bố trí cho 10 cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN do trên tổ chức; mở lớp bồi dưỡng cho 184 cán bộ đối tượng 4; 2.192 đảng viên đối tượng 5 và 96 chức sắc, chức việc tôn giáo. Việc tổ chức giáo dục quốc phòng cho học sinh phổ thông, thanh niên trong độ tuổi được duy trì thành nền nếp, bảo đảm cả về nội dung và số lượng người tham gia học tập. Do lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ mặt công tác này, nên nhận thức của các đối tượng, nhất là cán bộ, đảng viên về âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “Diễn biến hòa bình” được nâng lên rõ rệt; tinh thần cảnh giác cách mạng của quần chúng nhân dân được nâng cao. Đặc biệt, là một huyện có đông giáo dân (gần 30% dân số), nên các cấp hết sức chú ý bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo đúng quy định. Vì vậy, phần lớn các chức sắc, chức việc tôn giáo đều có nhận thức đúng về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, vận động giáo dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, phát huy truyền thống quê hương, thi đua lao động, sản xuất, “Xây dựng dòng họ an ninh văn hóa”,... Nhờ đó, dân chủ ở cơ sở luôn được phát huy, đoàn kết lương - giáo ngày càng bền chặt; tình hình tôn giáo trên địa bàn ổn định, 11 xứ đạo và 56 họ đạo hoạt động bình thường, đúng pháp luật; địa bàn Huyện không có các “điểm nóng” xảy ra.

Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh làm nòng cốt cho nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn là một nhiệm vụ quan trọng, được Huyện lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt trong thời gian qua. Chủ trương nhất quán của Huyện là, kiện toàn lực lượng thường trực đủ về số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng; bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch, nội dung, chương trình huấn luyện, diễn tập theo yêu cầu của trên. Với lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV), dự bị động viên (DBĐV), Huyện xác định, đây là lực lượng trực tiếp, tại chỗ, làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ QS-QP địa phương tại cơ sở; góp phần tích cực cùng các lực lượng khác củng cố hệ thống chính trị, xây dựng địa bàn an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá ngay từ cơ sở. Hằng năm, căn cứ vào Pháp lệnh Dân quân tự vệ và Pháp lệnh Dự bị động viên, Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tiến hành đăng ký công dân trong độ tuổi để quản lý, bổ sung luân phiên vào lực lượng nòng cốt; tiến hành rà soát, phân loại quân nhân dự bị hạng 1, hạng 2; tổ chức phúc tra và huy động lực lượng DBĐV đúng kế hoạch, bảo đảm đủ chỉ tiêu cho các đầu mối. Với chủ trương xây dựng lực lượng DQTV “vững mạnh, rộng khắp”, Huyện tập trung chỉ đạo xây dựng điểm ở các đơn vị: Phú Gia, Phú Phong, Hương Trà, Lâm trường Chúc A, sau đó nhân rộng trên toàn địa bàn. Việc bổ nhiệm quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị DBĐV, thăng quân hàm theo chức danh được Huyện lãnh đạo, chỉ đạo đúng nguyên tắc; các chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị và gia đình họ được giải quyết theo đúng quy định, tạo sự ổn định về tư tưởng, yên tâm phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Công tác huấn luyện DQTV và DBĐV luôn được duy trì chặt chẽ, đúng kế hoạch, nội dung, chương trình huấn luyện do trên quy định. Từ năm 1996 đến nay, Huyện đã điều động huấn luyện DQTV 1.208 lượt người, trong đó có 93 sĩ quan và 1.115 hạ sĩ quan, binh sĩ; kiểm tra kết quả huấn luyện 100% đạt yêu cầu, có 93- 97% khá, giỏi. Báo động kiểm tra sẵn sàng động viên được 1.037 lượt người, trong đó có 100 sĩ quan và 937 hạ sĩ quan, binh sĩ; cung cấp nguồn cho các đơn vị quân số luôn đạt từ 95 - 97%; tổ chức 2 đợt diễn tập khu vực phòng thủ đảm bảo an toàn tuyệt đối. Thông qua huấn luyện, diễn tập, trình độ, năng lực tổ chức chỉ huy, điều hành của đội ngũ cán bộ cũng như trình độ kỹ, chiến thuật của đội ngũ hạ sĩ quan, binh sĩ không ngừng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Một trọng tâm khác cũng được Huyện coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sâu sát, đó là xây dựng Cơ quan Quân sự vững mạnh, làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã về công tác QS-QP địa phương và trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời, xây dựng Đảng bộ Quân sự Huyện trong sạch, vững mạnh, Cơ quan Quân sự Huyện vững mạnh toàn diện. Khó khăn hiện nay đặt ra đối với ngành Quân sự Huyện là, chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, năng lực của một số đồng chí còn hạn chế; điều đó phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tham mưu, nắm tình hình, chỉ đạo cơ sở thực hiện nhiệm vụ. Để khắc phục tình trạng đó, thời gian qua, Đảng ủy Quân sự Huyện đã rất chú trọng tới việc kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự địa phương các cấp bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu tổ chức. Hiện nay, 100% số xã, thị trấn của Huyện đã thành lập được Ban chỉ huy Quân sự; đội ngũ này cơ bản được đào tạo qua các lớp Chỉ huy trưởng Quân sự xã, phường, thị trấn do Tỉnh tổ chức; sau đào tạo đều được bố trí đúng chức danh. Để xây dựng Cơ quan Quân sự Huyện vững mạnh toàn diện, Huyện chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng tại chức, kết hợp với cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của Tỉnh và Quân khu; đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chỉ huy tham mưu, cán bộ chính trị và cơ quan trong việc bám, nắm cơ sở, chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, Công an và các đoàn thể giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh trên địa bàn. Nhờ có chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng, nên năng lực của đội ngũ cán bộ quân sự địa phương thời gian gần đây đã có sự chuyển biến đáng kể, giúp cho cấp ủy, chính quyền chủ động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác QS-QP địa phương.

Có thể nói rằng, công tác QS-QP địa phương trong những năm qua ở huyện Hương Khê đã có nhiều tiến bộ. Tổng kết công tác QS-QP hằng năm đều được trên đánh giá cao: được Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen “Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển, giao quân năm 2005 - 2007”; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Đơn vị có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bão lụt năm 2007”; được ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen trong thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng; được Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh tặng Bằng khen Đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển, giao quân 2006-2007;… Những thành tích và kết quả đó đã thiết thực góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, QP-AN của Huyện; tạo đà để Huyện tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu trong những năm tiếp theo.

Yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đòi hỏi huyện Hương Khê phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QS-QP địa phương; bảo đảm gắn kết chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố QP-AN, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Các cấp ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cụm, tuyến an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu, vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị; nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, nhất là đối với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và có đạo. Lãnh đạo các địa phương, đơn vị phải luôn chủ động nắm chắc diễn biến tình hình trên các tuyến biên giới, nội địa, kịp thời phát hiện và giải quyết những vụ việc nảy sinh từ cơ sở; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương - giáo, tạo sự đồng thuận xã hội trong quần chúng nhân dân, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Phan Thị Tập

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy

 

Ý kiến bạn đọc (0)