QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 00:18 (GMT+7)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí trước yêu cầu mới

Cách đây tròn 85 năm, vào ngày 21 tháng 6 năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng,  báo chí cách mạng nước ta không ngừng phát triển, luôn đi đầu trên trận địa tư tưởng-văn hóa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

  

Báo chí là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng; là một trong những công cụ sắc bén, hiệu quả để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng; tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên, cổ vũ, tổ chức nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, là chiếc cầu hữu nghị để Việt Nam mở rộng giao lưu, hội nhập với thế giới.

Xuất phát từ vai trò to lớn, quan trọng của báo chí đối với đời sống xã hội, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin khẳng định: Báo chí có tính giai cấp, tính đảng, tính nhân dân, tính văn hóa. Đảng cách mạng phải lãnh đạo báo chí cách mạng, đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Về vấn đề  này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “... Phải có lập trường chính trị vững chắc, chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng"1.  Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam, Người căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ"2. Trong bức điện gửi Hội Nhà báo Á-Phi, Người nhấn mạnh: "Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng"3. Người còn động viên, nhắc nhở những người làm báo: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà"4. Người căn dặn: "Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình"5.

Thực hiện lời dạy của Bác, 85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng đã dùng báo chí như là vũ khí đấu tranh, công cụ tuyên truyền, phương thức lãnh đạo cách mạng, trở thành những nhà báo xuất sắc; hàng trăm nhà báo đã chiến đấu, hy sinh anh dũng trong tư thế của nhà báo-chiến sỹ. Có tác phẩm báo chí được in ấn thô sơ dưới hầm sâu, trong ngục tối, trong những điều kiện hết sức khó khăn, nhưng đã được đồng chí, đồng bào chuyền tay nhau đọc; thắp lên trong họ niềm tin mãnh liệt về lý tưởng cách mạng, hun đúc ý chí, khích lệ hành động xả thân vì nghĩa lớn. Nhiều tác phẩm báo chí như hồi kèn tập hợp, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xiết chặt đội ngũ, dưới cờ Đảng quang vinh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, báo chí cách mạng luôn đi đầu trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, những tấm gương điển hình tiên tiến, loại bỏ cái xấu, cái ác; tích cực đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, chống tham nhũng, tiêu cực, làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch...

Cuộc đấu tranh về chính trị, tư tưởng thể hiện trên trận tuyến báo chí, dù thời chiến hay thời bình luôn gay go, phức tạp; ở giai đoạn hiện nay, tính chất đó còn cao hơn so với trước. Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và xu hướng toàn cầu hóa  kinh tế diễn ra mạnh mẽ, sâu sắc, tạo ra nhiều cơ hội và cả những thách thức. Cách thức thu nhận, trao đổi thông tin (mạng internet, các website, các blog cá nhân; sự tương tác nhiều chiều trong thông tin); các trào lưu, khuynh hướng tư tưởng xâm nhập, tác động vào nước ta ngày càng mạnh mẽ. Các thế lực cơ hội, phản động, thù địch tăng cường chống phá ta trên nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, báo chí; thực hiện âm mưu "Diễn biến hoà bình" ngày càng thâm độc, nham hiểm hơn,...

Trước tình hình đó, để nâng cao hiệu quả lãnh đạo đối với báo chí, Đảng ta phải không ngừng đổi mới tư duy, phong cách, phương thức lãnh đạo đối với công tác báo chí.  Đảng lãnh đạo báo chí bằng việc đề ra nghị quyết, chỉ thị, định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống báo chí và định hướng nội dung thông tin, tuyên truyền của báo chí; lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên trong cơ quan báo chí; lãnh đạo các đoàn thể chính trị trong cơ quan báo chí. Nhà nước có trách nhiệm thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng về báo chí bằng pháp luật, chính sách trong quản lý hoạt động báo chí. Trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã có bước chuyển quan trọng trong việc đổi mới tư duy, phong cách và phương thức lãnh đạo đối với công tác báo chí. Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 63-CT/TW, ngày 25-7-1990 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí, xuất bản. Có thể nói rằng, đây là văn kiện quan trọng đầu tiên nêu rõ nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với báo chí; đồng thời, xác định các công việc mà Đảng, Nhà nước cần thực hiện để lãnh đạo, quản lý báo chí; trách nhiệm của cơ quan chủ quản; trách nhiệm, quyền hạn của người phụ trách cơ quan báo chí và việc thành lập các tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp báo chí, ngày 31-3-1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản; Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) ra Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 18-2-1995 về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng. Trong đó, Đảng yêu cầu phải: nâng cao chất lượng, hiệu quả của báo chí; coi trọng công tác bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ phụ trách báo chí, nắm vững và chủ động thực hiện đúng đắn, sáng tạo các định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng; đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng, tiêu cực, chống âm mưu "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch... Đến Đại hội VIII, lần đầu tiên Đảng đề ra chủ trương sớm hoạch định một chiến lược quốc gia về thông tin, theo hướng: coi trọng việc nâng cao chất lượng thông tin đại chúng, tính chân thật, tính chiến đấu và tính đa dạng của thông tin; phát hiện và đề cao các nhân tố mới, đấu tranh phê phán các hiện tượng tiêu cực, tăng cường công tác thông tin đối ngoại.

Sau 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, báo chí nước ta có những khởi sắc đáng mừng; song, cũng còn bộc lộ những hạn chế trước yêu cầu mới của thực tiễn. Để khắc phục tình trạng đó, ngày 17-10-1997, Bộ Chính trị (khoá VIII) ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí; trong đó, xác định các quan điểm và định hướng lớn; đồng thời, yêu cầu các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí nhận rõ và chủ động khắc phục các yếu kém, khuyết điểm. Trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), Đảng yêu cầu: phải hiện đại hoá hệ thống thông tin đại chúng; sắp xếp hợp lý nhằm tăng hiệu quả thông tin; xây dựng và từng bước thực hiện chiến lược truyền thông quốc gia phù hợp đặc điểm nước ta và xu thế phát triển của truyền thông thế giới; ngăn chặn, hạn chế thông tin độc hại, tiêu cực qua mạng internet; không ngừng nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ, chất lượng tư tưởng, văn hoá của hệ thống thông tin đại chúng; khắc phục khuynh hướng "thương mại hoá" trong hoạt động báo chí; chăm lo đặc biệt về định hướng chính trị, tư tưởng, văn hoá cũng như kỹ thuật đối với báo chí. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, khi đề cập đến công tác lãnh đạo báo chí, tiếp tục khẳng định quan điểm mang tính khoa học: "phát triển đi đôi với quản lý tốt"...  Nghị quyết nêu rõ: “Báo chí, xuất bản... làm tốt chức năng tuyên truyền thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát hiện những nhân tố mới, cái hay, cái đẹp trong xã hội, giới thiệu gương người tốt việc tốt, những gương điển hình tiên tiến, phê phán các hiện tượng tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh với những quan điểm sai trái; coi trọng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của thông tin;... khắc phục khuynh hướng "thương mại hoá" trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, ý thức trách nhiệm, trình độ văn hoá và nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của đội ngũ báo chí, xuất bản"6. Để định hướng hoạt động của báo chí, xuất bản trong thời kỳ mới, căn cứ vào tình hình cụ thể, Đảng ta cũng ban hành một số nghị quyết, chỉ thị, thông báo quan trọng. Nổi lên là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) "Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới"; trong đó, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị-xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng.

Cùng với đó, Đảng khẳng định: phải tăng cường thể chế hóa đường lối, nghị quyết của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 282, ngày 24-12-1956 quy định chế độ hoạt động của báo chí; về những điều báo chí không được thông tin; thủ tục cấp giấy phép và điều kiện hoạt động của báo chí và lưu chiểu; hình thức kỷ luật nếu báo chí vi phạm. Từ đó đến nay, cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, hệ thống văn bản pháp luật về báo chí được bổ sung và từng bước hoàn thiện. Tiêu biểu như: Luật Báo chí 1989; Luật Báo chí 1999; Đề án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí  năm 1999; Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg, ngày 28-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Thông tư số 07/2007/ TT-VHTT của Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi Thẻ nhà báo; Quyết định số 52/2008/QĐ-BTTTT, ngày 02-12-2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí; Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT, ngày 31-12-2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú trong nước của các cơ quan báo chí; Nghị định số 97/2008/NĐ-CP, ngày 28-8-2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet; Nghị định số 28/2009/NĐ-CP, ngày 20-03-2009 quy định xử phạt hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet; Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020... Như vậy, chỉ trong một thời gian không dài, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan làm công tác tham mưu của Đảng và Nhà nước về báo chí đã xây dựng, ban hành một khối lượng khá lớn các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý báo chí. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, bảo đảm cho các cơ quan báo chí, xuất bản hoạt động theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích đã được xác định.

Để bảo đảm cho báo chí thực sự là công cụ tin cậy của Đảng, Nhà nước, thể hiện tiếng nói của nhân dân, đòi hỏi những người làm báo phải vững vàng về lập trường, quan điểm; trong sáng về đạo đức, lối sống; sắc bén về chuyên môn, nghiệp vụ. Trong suốt quá trình phát triển của sự nghiệp báo chí, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Bởi vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ những người làm báo luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng; bám sát thực tiễn, không ngừng sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có chất lượng cao, phản ánh trung thực mọi mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, các cấp đã thường xuyên coi trọng việc xây dựng tổ chức đảng trong cơ quan báo chí vững mạnh về mọi mặt; đề cao vai trò đảng viên của người làm báo, nhất là đội ngũ những người giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt trong cơ quan báo chí; giữ đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí và nhà báo; nâng cao chất lượng tư tưởng, chính trị, văn hoá, khoa học của từng cơ quan báo chí, để báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp và là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Hoạt động của báo chí thực chất là hoạt động chính trị; nội dung quan trọng nhất trên báo chí là nội dung chính trị; vì vậy, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của báo chí, xuất bản trong tình hình hiện nay là một đòi hỏi khách quan, đồng thời là nguyên tắc cơ bản bảo đảm tính Đảng trong hoạt động của báo chí. Có thông qua sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của báo chí mới đi đúng hướng và thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm xã hội của mình. Mọi mưu toan "phi chính trị hóa" đối với hoạt động báo chí, cố tình tách báo chí ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đều là ảo tưởng; dù với danh nghĩa gì, cũng làm cản trở tới hoạt động của báo chí cách mạng; đồng thời, cũng làm cản trở tới sự phát triển, tiến bộ của đất nước, tổn hại đến lợi ích của nhân dân.

TS. NGUYỄN THẾ KỶ

Vụ trưởng vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương

__________

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 414.

2- Sđd, tập 10, tr. 616.

3- Sđd, tập 11, tr. 441.

4- Sđd, tập 5, tr. 131.

5- Sđd, tập 9, tr. 415.

6- ĐCSVN -  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 116.

 

Ý kiến bạn đọc (0)