QPTD -Thứ Năm, 04/08/2011, 00:10 (GMT+7)
Tăng cường rèn luyện y đức - một yêu cầu cơ bản trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Học viện Quân y

Là trung tâm y học hàng đầu của quân đội, Học viện Quân y (HVQY) có nhiệm vụ đào tạo thầy thuốc, nhân viên y tế cho quân đội và ngành Y tế (từ sơ cấp đến đại học và sau đại học); nghiên cứu phát triển y học và y học quân sự; điều trị, cứu chữa thương binh và bệnh nhân. Nhận rõ trách nhiệm của mình, các thế hệ cán bộ, giáo viên, y-bác sĩ, nhân viên, học viên của Học viện luôn phấn đấu, khắc phục khó khăn, xây dựng Học viện ngày càng chính quy, hiện đại, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Một trong những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị bệnh nhân được Đảng uỷ, Ban Giám đốc (BGĐ) Học viện thực hiện trong thời gian gần đây là, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; trong đó, rèn luyện y đức cho đội ngũ cán bộ, y- bác sĩ, giáo viên, học viên là nội dung quan trọng hàng đầu.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của CVĐ đối với rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh (TSVM), đơn vị vững mạnh toàn diện (VMTD), Đảng uỷ và BGĐ Học viện đã quán triệt và triển khai nghiêm túc các chỉ thị, hướng dẫn của trên về thực hiện CVĐ; động viên sự tham gia tự giác, tích cực của mọi cán bộ, giáo viên, học viên, bảo đảm cho CVĐ mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững. Trong khi quan tâm tổ chức một cách toàn diện, cấp uỷ và chỉ huy các cấp  đã chú trọng những yêu cầu riêng của một trung tâm đào tạo thầy thuốc, nhân viên y tế cho quân đội. Các cấp uỷ đã tập trung giáo dục làm cho mọi người nhận thức sâu sắc rằng, thầy thuốc là một nghề đặc biệt, trực tiếp quan hệ đến sức khoẻ, tính mệnh của con người; người thầy thuốc giỏi, đồng thời là người mẹ hiền, phải giàu lòng nhân ái, yêu thương, chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình; trong thực hành y nghiệp phải lấy người bệnh làm trung tâm, mục đích điều trị. Cùng với nâng cao nhận thức, tình cảm, trách nhiệm về CVĐ, Ban Chỉ đạo CVĐ và cấp uỷ các cấp đã chú ý tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị bệnh nhân; tập trung vào đội ngũ cán bộ, y-bác sĩ; đồng thời, hết sức chú ý vào các đối tượng học viên đang học tập tại các cơ sở đào tạo của Học viện. Bởi lẽ, đây là lực lượng thầy thuốc tương lai của quân đội và của ngành Y tế; nếu tổ chức thực hiện tốt CVĐ sẽ tạo điều kiện cho họ trau dồi phẩm chất, nhân cách, năng lực chuyên môn, làm cơ sở cho việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ sau này. Trong qúa trình thực hiện CVĐ, Học viện đã gắn kết chặt chẽ với nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên và việc thực hiện CVĐ “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong đào tạo; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và hiện tượng học viên ngồi nhầm lớp”. Nhờ đó, Học viện đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, bảo đảm cho CVĐ được thực hiện nghiêm túc, đúng mục đích, yêu cầu đề ra; khắc phục được những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức cũng như trong hành động.

Điểm nổi bật trong thực hiện CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là việc tăng cường rèn luyện y đức. Để thực hiện tốt nội dung này,  Đảng uỷ Học viện đã xây dựng chương trình hành động cho các đối tượng; đồng thời, thường xuyên lãnh đạo, kiểm tra tổ chức thực hiện của các đơn vị. Cùng với việc quán triệt, học tập các nội dung theo quy định, Đảng uỷ Học viện chỉ đạo các cấp uỷ ra nghị quyết chuyên đề về rèn luyện y đức, chống tiêu cực trong điều trị; học tập 12 điều y đức của Bộ Y tế ban hành… Từ những yêu cầu chung, Học viện đã cụ thể hoá thành tiêu chí cụ thể về rèn luyện y đức cho từng đối tượng. Đối với cán bộ, nhân viên y tế phải có phẩm chất đạo đức tốt, phong cách giao tiếp hoà nhã, lịch sự, văn minh, có lối sống trong sạch, lành mạnh; mỗi người phải “sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật”, kiên quyết đấu tranh với hiện tượng quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho người bệnh. Với đối tượng làm công tác giáo dục-đào tạo, phải thực hiện tốt phương châm “Dạy nghề gắn với dạy người”; bảo đảm tính đồng bộ giữa trang bị tri thức, trình độ chuyên môn với xây dựng bản lĩnh chính trị, động cơ, thái độ học tập, phẩm chất đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, tinh thần say mê, trung thực trong học tập và nghiên cứu khoa học. Với đối tượng làm công tác phục vụ, tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chu đáo, tận tụy và thái độ ứng xử trong mọi công việc; luôn nêu cao tinh thần “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, chống tham ô, lãng phí. Trên cơ sở quy định đó, Học viện tổ chức quán triệt, lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện; đồng thời, phổ biến thành quy định để mọi người thực hiện. Từng đơn vị tổ chức cho các đối tượng viết thu hoạch, đăng ký phấn đấu về rèn luyện y đức, thông qua chi bộ và có sự kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, các tổ chức quần chúng và Hội đồng bệnh nhân trong các bệnh viện. Xuất phát từ đặc điểm, nhiệm vụ của Học viện, việc làm theo lời dạy của Bác - “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền” - đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên phải có sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao; mỗi người phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, năng lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, điều trị của Học viện.

Thực hiện việc chuyển mạnh sang “làm theo” tấm gương của Bác, Học viện đã duy trì nghiêm nền nếp chế độ trong đào tạo và điều trị, thực hiện các quy định về văn minh trong giao tiếp ứng xử. Trong giáo dục - đào tạo, cùng với việc hoàn thiện nội dung, chương trình sát với từng đối tượng và yêu cầu thực tiễn, Học viện đã đẩy mạnh cải tiến phương pháp dạy học; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tích cực cải tiến phương pháp tổ chức, quản lý học tập và rèn luyện kỷ luật; quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ năng lực đào tạo các chuyên ngành theo đúng nội dung, chương trình. Với tinh thần “nói và làm theo gương Bác”, Học viện đã thực hiện nghiêm túc CVĐ “hai không” trong giáo dục và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt, rèn luyện nghiêm”, nâng cao ý thức tự học, tự quản, tự rèn trong đội ngũ học viên. Bởi vậy, kết quả đào tạo hằng năm của Học viện đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Riêng năm học 2007-2008, đào tạo Sau đại học có 100% đạt yêu cầu, 98,4% (đối với Cao học khoá 14 và Bác sĩ chuyên khoa cấp II khoá 20) đến 99,4% (đối với Bác sĩ chuyên khoa cấp I khóa 30) đạt từ khá trở lên; đào tạo Đại học có 99,21% đạt yêu cầu, 75,4% đạt khá giỏi; đào tạo Trung học có 99% đạt yêu cầu, 56% đạt khá giỏi. Cùng với đó, Học viện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đối với cán bộ, giáo viên và học viên. Năm qua, toàn Học viện đã hoàn thành 18 đề tài và dự án khoa học, trong đó có 2 đề tài cấp Nhà nước, 6 đề tài cấp Bộ; nhiều đề tài có giá trị khoa học cao, được ứng dụng vào thực tiễn khám, chữa bệnh và đạt kết quả tốt. 

Với quan niệm: y đức biểu hiện qua tinh thần, thái độ, trách nhiệm, và năng lực chuyên môn, hiệu quả thực tế khám, điều trị cho bệnh nhân, Học viện đã thường xuyên quan tâm đến các chế độ điều trị và nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Ngoài nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, HVQY (mà trực tiếp là Bệnh viện 103, Viện Bỏng Quốc gia và Trung tâm Đào tạo-nghiên cứu công nghệ phôi) đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm tạo sự  chuyển biến tích cực trong xây dựng y đức, nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người bệnh. Đặc biệt, các nền nếp, chế độ điều trị, chăm sóc thương, bệnh binh được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ; người bệnh được bảo đảm các chế độ ăn uống khoa học theo bệnh lý và được quan tâm đầy đủ đến đời sống tinh thần. Các chế độ chuyên môn như: giao ban hằng ngày, điểm bệnh hằng tuần, chế độ bệnh án, khám, kê đơn, cấp cứu… được thực hiện nghiêm. Các cơ sở điều trị thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm chế độ chuyên môn. Định kỳ trong từng thời gian, hội đồng bệnh nhân đều tổ chức sinh hoạt, đối thoại với lãnh đạo của các bệnh viện trong Học viện nhằm tạo mối quan hệ chân thành, cởi mở, gần gũi giữa thầy thuốc với người bệnh; đồng thời, lấy ý kiến người bệnh về ý thức phục vụ của nhân viên y tế để làm cơ sở xây dựng và củng cố y đức của người thầy thuốc theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Nhờ đó, mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân càng thêm gắn bó; tinh thần, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ y-bác sĩ được phát huy; năng lực điều trị, uy tín của  Học viện được khẳng định trong thực tiễn.

Để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế, Học viện đã hết sức chú trọng đến công tác bồi dưỡng, đào tạo cho từng đối tượng, sát với yêu cầu thực tiễn của từng chuyên khoa, chuyên ngành. Trên cơ sở đó, đội ngũ thầy thuốc của Học viện đã phát triển một cách toàn diện, vừa giỏi về chuyên ngành mình, vừa biết được các chuyên ngành khác, làm cơ sở nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh nhân. Công tác huấn luyện, thực hành được tiến hành theo phương châm: trên bồi dưỡng dưới; thầy thuốc giỏi, các chuyên gia đầu ngành bồi dưỡng các bác sĩ, nhân viên y tế mới ra trường; đồng thời, chú ý động viên mọi người tự học, tự nghiên cứu, trao đổi, chuyển giao kỹ thuật y học tại chỗ... Ngoài ra, hằng năm Học viện cử cán bộ đi đào tạo, nghiên cứu khoa học ở nước ngoài; chủ động mở các lớp học ngoại ngữ để cán bộ có điều kiện tự nghiên cứu nâng cao kiến thức chuyên môn và khả năng hội nhập. Đến nay, toàn Học viện có 5 Nhà giáo Nhân dân, 6 Thầy thuốc Nhân dân, 29 Nhà giáo Ưu tú và 100 Thầy thuốc ưu tú; 90% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó có 172 tiến sĩ… Cùng với nâng cao trình độ cho đội ngũ thầy thuốc, Học viện đã tập trung xây dựng, củng cố cơ sở vật chất, kỹ thuật, các dịch vụ phục vụ thương, bệnh binh và người bệnh, theo hướng: phát huy các kỹ thuật truyền thống gắn với nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Bệnh viện 103 và Viện Bỏng Quốc gia đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại như: kỹ thuật can thiệp mạch, vi phẫu thuật, ghép gan, mổ tim mở, hút áp lực âm liên tục trong điều trị bệnh nhân bỏng nặng, mở rộng kỹ thuật nội soi, nuôi cấy sinh tử thành tinh trùng cho những người vô sinh… Với phương châmgắn điều trị với giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học, những năm qua, HVQY đã đào tạo cho quân đội và ngành Y tế nhiều thế hệ bác sĩ có phẩm chất, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, các cơ sở điều trị của Học viện đã khám và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân, cả trong và ngoài quân đội (riêng năm 2008 đã tổ chức khám cho 220 ngàn lượt người, điều trị cho 30 ngàn lượt bệnh nhân). Thực hiện chương trình quân, dân y kết hợp, Học viện đã tổ chức nhiều đoàn thầy thuốc về các trung tâm điều trị thương, bệnh binh nặng, vùng sâu, vùng xa để khám, chữa bệnh, tư vấn sức khoẻ, cấp thuốc miễn phí; tham gia phong trào hiến máu tình nguyện; tặng quà cho trên 6.000 lượt người thuộc các đối tượng chính sách…

Thực hiện tốt CVĐ “Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó coi trọng việc rèn luyện y đức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên ở HVQY, không những đã góp phần xây dựng nền tảng đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, mà còn là động lực to lớn để Học viện hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng Đảng bộ TSVM, Học viện VMTD. Năm 2008, toàn Đảng bộ có 96,3% tổ chức cơ sở đảng đạt TSVM, 88% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, 94% đơn vị đạt VMTD. Với thành tích đạt được trong giáo dục - đào tạo, điều trị và xây dựng đơn vị, Học viện được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (10-2008) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu” nhằm góp phần xây dựng, giữ gìn y đức, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, điều trị, vừa là trách nhiệm, vừa là quyết tâm chung của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, học viên, nhân viên HVQY.

Thiếu tướng, BS. VŨ ĐĂNG KHIÊN

Chính ủy Học viện

 
Ý kiến bạn đọc (0)