QPTD -Thứ Ba, 09/08/2011, 22:56 (GMT+7)
Tăng cường đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự

Vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự (VK,PTKTQS) trang bị cho quân đội được sử dụng với mục đích làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và các nhiệm vụ quân sự khác. Đây là loại tài sản có giá trị đặc biệt, do Nhà nước độc quyền quản lý, được pháp luật quy định; đồng thời, là một hiểm họa, nếu nó không được quản lý chặt chẽ, để xảy ra mất mát, nhất là rơi vào tay những phần tử xấu, sẽ gây hậu quả khó lường, trực tiếp đe dọa tính mạng con người và ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Thời gian qua, mặc dù Nhà nước và quân đội đã có nhiều biện pháp nhằm đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm VK,PTKTQS, nhưng tình hình tội phạm trong lĩnh vực này vẫn diễn biến phức tạp; nhiều vụ việc nghiêm trọng vẫn xảy ra. Theo thống kê của các cơ quan quản lý pháp luật trong quân đội, từ năm 2003 đến 2007, số vụ án về tội xâm phạm VK,PTKTQS chiếm tới 4,68% số vụ và 3,93% số bị cáo các loại, mà cơ quan pháp luật đã đưa ra truy tố, xét xử. Đây là con số đáng báo động, cho thấy mức độ vi phạm trong lĩnh vực này là không thể xem thường.

Đáng chú ý, tính chất của các vụ xâm phạm VK,PTKTQS không giống nhau; có vụ do người ngoài quân đội trực tiếp thực hiện, nhưng cũng có vụ xảy ra do quân nhân móc nối, câu kết với người ngoài quân đội cùng thực hiện hành vi phạm tội. Đa số các vụ việc xảy ra tại những đơn vị làm nhiệm vụ ở miền núi, biên giới; số VK,PTKTQS sau khi bị chiếm đoạt thường được các đối tượng bán qua biên giới hoặc cung cấp cho bọn tội phạm sử dụng làm phương tiện gây án. Trong thực tế, có những vụ mất VK,PTKTQS, nhưng không được đơn vị phát hiện kịp thời, nên tội phạm có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, chiếm đoạt lượng vũ khí không nhỏ; chỉ khi thông qua kiểm tra, kiểm kê, đơn vị mới phát hiện ra. Có trường hợp, kẻ chiếm đoạt VK,PTKTQS phạm một tội khác, khi bị bắt mới khai ra hành vi phạm tội... Điển hình như các vụ: Vụ Nguyễn Văn M., nguyên là trợ lý Ban Chỉ huy Quân sự của một huyện ở khu vực phía Nam, được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý vũ khí, do thiếu trách nhiệm đã để kẻ gian chiếm đoạt một số súng AR15. Vụ Đinh Văn K., nguyên là thủ kho quân khí của một đồn biên phòng ở một tỉnh biên giới phía Tây Bắc, đã lợi dụng sơ hở của chỉ huy Đồn, móc nối với đối tượng ngoài xã hội lấy cắp súng AK đem bán. Vụ Đinh Khắc Th., quân nhân dự bị ở Quân khu 9, trong thời gian tập trung huấn luyện, đã lấy cắp 02 súng AK bán cho đối tượng ngoài xã hội…Các đối tượng phạm tội trên đều đã bị cơ quan pháp luật xét xử nghiêm khắc.

Qua theo dõi, nghiên cứu tình hình tội phạm và hoạt động đấu tranh với các tội xâm phạm VK,PTKTQS, bước đầu có thể thấy nổi lên một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do nhận thức của một bộ phận quân nhân về pháp luật và ý thức pháp luật trong việc bảo vệ, bảo quản VK,PTKTQS còn hạn chế. Trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, một bộ phận quân nhân, do thiếu tích cực học tập, rèn luyện, lại tiêm nhiễm lối sống thực dụng, buông thả, chạy theo đồng tiền và các tệ nạn xã hội,... đã dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật nói chung và xâm phạm VK,PTKTQS nói riêng.

Thứ hai, một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị quân đội chưa thực sự quan tâm, đề cao công tác quản lý, bảo quản và xử lý vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; cá biệt, còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cấp dưới. Một số cơ quan, đơn vị chưa chấp hành nghiêm Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Quy chế xử lý vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, thiết bị vật tư trong quân đội; thậm chí, còn có hành vi lợi dụng, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước và của quân đội. Ở một số đơn vị khác, việc xây dựng và củng cố kho tàng chưa được thực hiện thường xuyên; khâu chọn người làm nhiệm vụ quản lý VK,PTKTQS còn đơn giản, chủ quan; công tác tổ chức canh gác, bảo vệ còn thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, kiểm kê, điểm nghiệm,... chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ ba, hoạt động của một số cơ quan bảo vệ pháp luật trong quân đội còn những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; công tác phối hợp trong xử lý tội phạm chưa nhịp nhàng, đồng bộ và chưa phân định rõ thẩm quyền; tỷ lệ phát hiện, điều tra còn hạn chế; có vụ việc, công tác xử lý còn kéo dài, dẫn đến hiệu quả giáo dục, đấu tranh phòng ngừa chưa cao. Mặt khác, việc xử lý bằng pháp luật trong một số trường hợp còn thiếu kiên quyết; thường các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng mới áp dụng các biện pháp hình sự, còn các trường hợp khác (sử dụng vũ khí để săn thú, bắn chim hoặc dùng lựu đạn, chất nổ để đánh cá,...), cơ quan pháp luật thường chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính. Điều đó phần nào dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật.

Thứ tư, còn có những bất cập trong các quy định của pháp luật về tội phạm liên quan đến VK,PTKTQS, mà chủ yếu là thiếu các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, làm cho hoạt động của các cơ quan pháp luật trong xử lý tội phạm còn thiếu thống nhất và đồng bộ.

Thứ năm, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm của một số đơn vị quân đội và địa phương chưa cao, nên tình trạng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng vẫn xảy ra, nhưng ít được ngăn chặn hoặc không thông báo kịp thời cho cơ quan có trách nhiệm để xử lý theo thẩm quyền.

Để đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các tội xâm phạm VK,PTKTQS trong quân đội, điều có ý nghĩa xuyên suốt là phải đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị, ý thức trách nhiệm xây dựng quân đội, xây dựng đơn vị đối với mọi cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đơn vị và trong nhân dân, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các địa phương nắm chắc đặc điểm, tính chất nguy hiểm của các loại VK,PTKTQS và các điều khoản quy định về tội xâm phạm VK,PTKTQS theo luật định. Đối với những quân nhân được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ kho tàng, trạm, xưởng,... cần phải giáo dục thường xuyên về ý thức bảo vệ của công, bảo vệ vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; xác định rõ trách nhiệm của từng tập thể, từng người nếu để xảy ra mất mát. Công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, giáo dục pháp luật phải gắn với giáo dục đạo đức; chú trọng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm chính” theo tấm gương của Bác Hồ, xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh đối với mọi cán bộ, chiến sĩ. “Xây” luôn phải đi đôi với “chống”; vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần có biện pháp đề cao tinh thần chống tiêu cực trong tập thể, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện chạy theo lối sống vật chất, đề cao đồng tiền.

Cùng với công tác giáo dục, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; trong đó, yêu cầu giữ gìn, bảo quản VK,PTKTQS của đơn vị an toàn tuyệt đối, không để xảy ra thất thoát trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, cần phải được xác định là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân và tập thể. Liên quan đến vấn đề này, cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cần hết sức chú ý việc lựa chọn, sử dụng nhân sự vào các vị trí: quản lý, thủ kho quân khí, kho vật tư kỹ thuật,... nhất thiết phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, gắn bó với quân đội, với đơn vị; có ý thức làm chủ tập thể, hiểu biết về pháp luật và kỷ luật quân đội; có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; có tinh thần cảnh giác, phát hiện kịp thời những đối tượng có hành vi xâm phạm VK,PTKTQS; có thái độ kiên quyết đấu tranh, bảo vệ tài sản của quân đội;... Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành các quy chế, quy định, nội quy hoạt động của cơ quan, đơn vị, bộ phận và có biện pháp chỉ đạo đưa việc chấp hành các quy chế, quy định, nội quy đó thành nền nếp trong đơn vị.

Nhằm hạn chế sơ hở trong quản lý VK,PTKTQS, cần tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống kho tàng, nhà xưởng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; đồng thời, duy trì nền nếp các chế độ thống kê, phân loại, kiểm tra, kiểm kê, điểm nghiệm và báo cáo; chỉ đạo sâu sát các khâu bàn giao VK,PTKTQS và thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng trong lĩnh vực này. Các đơn vị đóng quân gần dân hoặc làm nhiệm vụ trên các địa bàn biên giới, miền núi, cần đề cao cảnh giác trong công tác phòng, chống tội phạm; chú ý giữ mối liên hệ thường xuyên với các cơ quan quản lý pháp luật của địa phương, xây dựng phong trào quần chúng rộng rãi tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, cùng phối hợp thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm trong và ngoài đơn vị quân đội,v.v.

Để nâng cao tính răn đe đối với hành vi phạm tội, các cơ quan quản lý pháp luật trong và ngoài quân đội cần áp dụng những chế tài xử phạt nghiêm minh đối với loại hình tội phạm xâm phạm VK,PTKTQS; việc truy tố, xét xử cần bảo đảm theo đúng trình tự pháp luật, tránh để lọt người, lọt tội. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự, cũng như việc hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với các tội xâm phạm về VK,PTKTQS phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của loại hình tội phạm này.

Đại tá QUÁCH THÀNH VINH

Tòa án Quân sự Trung ương

 

Ý kiến bạn đọc (0)