Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:37 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với cả nước, cũng như đối với Bộ đội Biên phòng (BĐBP); là trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng; trong đó, các địa phương biên giới và BĐBP có vai trò rất quan trọng.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định vai trò to lớn của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong đấu tranh giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia và xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Nhận rõ vai trò to lớn của đồng bào các DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia nói riêng, Đảng, Nhà nước và các địa phương, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh BĐBP đã có những chủ trương và biện pháp quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Nhiều cán bộ BĐBP là người DTTS được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm công tác, tâm huyết với nghề nghiệp; phát huy tốt vai trò của mình trong thực hiện nhiệm vụ. Một số đồng chí đã và đang giữ những cương vị chủ chốt, có uy tín và phát huy tốt chức trách được giao.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ là người DTTS trong BĐBP vẫn còn những bất cập. Hiện nay, số cán bộ là người DTTS trong toàn lực lượng BĐBP còn thấp, mới đạt 10,77% (dân tộc Tày nhiều nhất, chiếm 0,3%); trong đó, cán bộ cấp Bộ Chỉ huy Biên phòng (BCHBP) tỉnh (thành phố) chiếm 0,01%, cán bộ từ cấp Phòng của BCHBP tỉnh (thành phố) trở lên chiếm 0,02%; hiện mới có 47/53 DTTS có cán bộ trong BĐBP (các dân tộc có nhiều cán bộ trong BĐBP ở phía Bắc là Tày, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, HMông, Hà Nhì, Dao, Cao Lan; miền Trung: Tà Ôi, Nguồn, Pa Cô, Thái, HMông, Giấy; các tỉnh Tây Nguyên: Êđê, Dẻ, Ba Na và Cà Tu)... Tình hình đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của BĐBP trên các địa bàn, khu vực có đông đồng bào DTTS.
Một trong những nguyên nhân của những hạn chế trên là còn không ít cấp uỷ, người chỉ huy chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ BĐBP là người DTTS, do đó chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ này. Công tác tạo nguồn chưa được chú trọng đúng mức; kế hoạch, quy hoạch cán bộ là người DTTS cho BĐBP còn có sự bất cập; nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy trong các nhà trường của BĐBP chưa thật phù hợp với học viên là người DTTS, v.v.
Hiện nay, khu vực biên giới nước ta vẫn là một trong những trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Chúng ra sức lợi dụng các vấn đề "dân tộc", "tôn giáo", "dân chủ", "nhân quyền" để tuyên truyền, kích động phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình”. Để giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, chúng ta cần có giải pháp đồng bộ cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại...; trong đó, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ BĐBP là người DTTS có vai trò rất lớn. Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng hết sức quan tâm đến nhiệm vụ này. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP xác định toàn lực lượng phấn đấu để từ năm 2015 - 2020 số cán bộ BĐBP là người DTTS phải đạt từ 12% - 15%. Để thực hiện được chỉ tiêu đó và khắc phục những hạn chế, bất cập về đào tạo cán bộ người DTTS trong BĐBP, theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
1. Cấp ủy, chính quyền các địa phương và lãnh đạo, chỉ huy các Đồn Biên phòng cần nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ cán bộ BĐBP là người DTTS. Thực tế chứng tỏ rằng, không ai có thể làm tốt hơn cán bộ tại chỗ là người DTTS, vì họ là người địa phương, gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc; họ lại am hiểu phong tục, tập quán, thông thạo tiếng dân tộc. Cho nên, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần đặt công tác đào tạo cán bộ là người DTTS cho BĐBP trong chiến lược đào tạo cán bộ là người DTTS của Đảng, Nhà nước, địa phương, nhưng cần tính đến yếu tố đặc thù của cán bộ BĐBP để có sự ưu tiên nhất định. Các cấp ủy, chỉ huy, chính quyền (nhất là ở cơ sở) cần phát huy trách nhiệm trong phát hiện, bồi dưỡng nguồn, cử đi đào tạo. Các cơ quan, đơn vị BĐBP, một mặt, quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của Bộ Tư lệnh BĐBP về xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS tại chỗ; mặt khác, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền để đồng bào các DTTS nhận thức rõ chủ trương đào tạo cán bộ là người DTTS cho BĐBP của Đảng, Nhà nước và quân đội, từ đó động viên đồng bào tích cực vận động, tạo điều kiện để con em mình tham gia. Các đơn vị BĐBP chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tạo nguồn, tuyển chọn nguồn ngay từ cơ sở; đồng thời, thường xuyên quan tâm, giúp đỡ (đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng kinh nghiệm thực tế, kỹ năng thực hành), tạo điều kiện cho học viên cử tuyển về đơn vị công tác thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
2. Coi trọng việc củng cố và nâng cấp hệ thống trường bán trú ở xã, trường nội trú ở các huyện vùng cao, miền núi; quan tâm đầu tư mở rộng quy mô trường dân tộc nội trú Trung ương. Các địa phương cần hoàn thiện việc xây dựng và trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các trường bán trú ở vùng sâu, vùng xa, trường nội trú ở các huyện vùng cao, miền núi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút được nhiều con em các DTTS đến trường. Bởi lẽ, đây là một nguồn nhân lực quan trọng bổ sung cho các ngành nghề ở miền núi, biên giới; cho các trường đại học, cao đẳng của quốc gia cũng như của quân đội và BĐBP. Các doanh nghiệp được hỗ trợ các huyện nghèo (theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008 của Chính phủ "Về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo") cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tốt chính sách giáo dục, đào tạo, nâng cao mặt bằng dân trí. Theo đó, các địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp bố trí đủ giáo viên cho các huyện nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà “bán trú dân nuôi”, nhà ở cho giáo viên ở các thôn, bản; xây dựng trường Dân tộc nội trú cấp huyện theo hướng liên thông với các cấp học ở huyện (có cả hệ trung học phổ thông nội trú) để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ cho các huyện nghèo; tăng cường, mở rộng chính sách đào tạo ưu đãi theo hình thức cử tuyển và theo địa chỉ cho học sinh người DTTS. Cùng với đó, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho các trường trung học phổ thông dân tộc nội trú Trung ương với chức năng dự bị đại học và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường này để con em các DTTS có đủ trình độ vào các trường đại học, cao đẳng của quốc gia nói chung, của quân đội và của BĐBP nói riêng.
3. Bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể mang tính chiến lược, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS đáp ứng cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý giữa các vùng, miền và thành phần dân tộc. Trong quy hoạch chung, cần chú trọng đến nguồn cán bộ của các dân tộc cư trú ở các huyện, xã biên giới. Trên cơ sở quy hoạch chung, Bộ Tư lệnh BĐBP cần xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ là người DTTS ở các địa phương trên các tuyến biên giới, để chủ động tạo nguồn, đào tạo và quản lý, sử dụng lâu dài. Từ đó, các cơ quan, đơn vị thuộc BĐBP cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc tuyển chọn học sinh từ các trường phổ thông và trường dân tộc nội trú; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh đăng ký dự thi vào các trường của BĐBP. Các đơn vị BĐBP cần tổ chức các lớp bồi dưỡng hoặc cử đi bồi dưỡng văn hoá cho đối tượng quân nhân (chưa tốt nghiệp trung học phổ thông) là người DTTS để nâng cao trình độ văn hoá, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo lâu dài. Các cơ quan của Bộ Tư lệnh BĐBP và BCHBP các tỉnh (thành phố) cần làm tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các trường, đơn vị làm tốt công tác tạo nguồn và đào tạo cử tuyển cán bộ là người DTTS, bảo đảm số lượng, chất lượng và hiệu quả. Các đơn vị BĐBP cần tích cực, chủ động nghiên cứu đề xuất báo cáo Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP để có những chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng tạo nguồn đào tạo, sử dụng sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp là người DTTS trên tất cả các tuyến biên giới. Hằng năm, Bộ Tư lệnh BĐBP cần sớm có kế hoạch, phân chỉ tiêu cho BCHBP các tỉnh (thành phố), trên cơ sở đó, các BCHBP căn cứ vào tình hình thực tế để giao chỉ tiêu cụ thể cho các Đồn Biên phòng và yêu cầu thực hiện nghiêm sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng nguồn đào tạo.
4. Các nhà trường thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP cần có nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy phù hợp với học viên là người DTTS. Đây là khâu quan trọng có tính quyết định đến chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS của BĐBP. Bởi vậy, các nhà trường cần điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu học tập, bảo đảm yêu cầu cơ bản và thiết thực, sát hợp với đối tượng đào tạo cử tuyển theo hướng tăng nội dung thực hành, giảm các nội dung chưa thực sự cần thiết đối với học viên; đồng thời, đổi mới phương pháp giảng dạy, đảm bảo chuyển tải được những nội dung cơ bản đến người học một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với đặc điểm tâm lý và khả năng nhận thức của học viên là người DTTS. Theo đó, cần giảm thời gian lý thuyết, tăng thời gian thực hành, rèn luyện bản lĩnh, tác phong chỉ huy, xử lý các tình huống; phát huy được tính tích cực của học viên, xoá bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti của một số học viên đào tạo cử tuyển. Các trường cần lựa chọn những giáo viên có kinh nghiệm, có kiến thức về dân tộc, tôn giáo để giảng dạy cho học viên người DTTS; có giáo trình, tài liệu, bài giảng, giáo án đảm bảo ngắn, gọn và rõ, dành riêng cho các lớp đào tạo cán bộ là người DTTS. Kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy lý thuyết với các phương tiện nghe nhìn, như: phim huấn luyện, mô hình, học cụ; dạy học bằng phương pháp đóng vai để phù hợp với tư duy bằng hình ảnh trực quan và nhận thức của học viên là người DTTS. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý học viên ở các trường cần quản lý chặt chẽ chất lượng học tập và rèn luyện của học viên là người DTTS; thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ là người DTTS, tạo điều kiện cho học viên tham gia các hoạt động tập thể, tránh sự tự ti, mặc cảm. Các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh BĐBP cần kịp thời nắm bắt những vướng mắc của các trường trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ là người DTTS để giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh giải quyết.
5. Cần có chính sách sử dụng cán bộ là người DTTS phù hợp. Trong điều kiện hiện nay, số lượng cán bộ BĐBP là người DTTS còn ít, bởi vậy, việc sử dụng đội ngũ cán bộ này sao cho phát huy cao nhất vai trò của họ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ là vấn đề cần đặt ra. Sau đào tạo, cần bố trí đội ngũ cán bộ này về các địa phương để họ gắn bó với dân tộc, quê hương mình; khi ấy, vai trò của họ sẽ được phát huy tốt hơn. Các đơn vị BĐBP có cán bộ là người DTTS cần đặc biệt quan tâm tiếp tục bồi dưỡng họ trong thực tiễn công tác, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ để giúp họ không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đối với đội ngũ cán bộ mới qua đào tạo sơ cấp, trung cấp Biên phòng là lực lượng công tác chủ yếu ở các Đồn Biên phòng, lãnh đạo, chỉ huy các Đồn cần lựa chọn những đồng chí thể hiện được năng lực công tác, có hướng phát triển tốt, đề nghị cho đi đào tạo ở bậc học cao hơn, nhằm tạo ra các nguồn kế cận, kế tiếp vững chắc, góp phần xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trong thời kỳ mới.
Thiếu tướng, TS. HOÀNG VĂN ĐỒNG
Chính ủy Học viện Biên phòng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011