Chủ Nhật, 27/04/2025, 14:20 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Ngày nay, bất cứ ai quan tâm đến lý luận CNXH khoa học đều biết rõ: thời kỳ quá độ lên CNXH ở bất cứ nước nào cũng không thể thực hiện trong vài ba thập kỷ, bởi những chặng đường quanh co, phức tạp. Nó không chỉ do các thế lực phản động quốc tế gây ra, mà còn từ chính những yếu kém của bản thân: tệ nạn nội sinh, các phần tử “ cấp tiến” quay lại phủ định chính những điều họ từng tin tưởng... Quá độ lên CNXH văn minh, bỏ qua chế độ tư bản phải tính đến hàng thế kỷ. Bởi vậy, “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” do Đại hội VII của Đảng ban hành năm 1991, sau khi đã tiếp thu ý kiến đóng góp gần như của toàn Đảng, toàn dân, không chỉ là nghị quyết của một nhiệm kỳ Đại hội. Nó gánh trọng trách một văn kiện lịch sử, có sứ mệnh mở đường, xác định phương hướng toàn diện cho cách mạng Việt Nam quá độ lên một chế độ mà loài người tất yếu phải đi tới - chế độ XHCN.
Với kinh nghiệm dày dạn của một Đảng đã lãnh đạo toàn dân đánh bại các thế lực xâm lược và thống trị vào loại mạnh nhất hành tinh, Đảng ta luôn tâm niệm lời dặn của V.I. Lê-nin: giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền càng khó. Đứng trước sự kiện hàng loạt nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ trong cuộc đấu tranh “ ai thắng ai” giữa hai con đường, Cương lĩnh đã chủ động dự báo: “ Nước ta quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản, từ một xã hội vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, lực lượng sản xuất rất thấp. Đất nước trải qua hàng chục năm chiến tranh, hậu quả để lại còn nặng nề. Những tàn dư thực dân, phong kiến còn nhiều. Các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại chế độ XHCN và nền độc lập dân tộc của nhân dân ta”1. Vì thế, việc tiếp tục khẳng định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN, mối quan hệ không thể tách rời giữa hai nhiệm vụ, được coi là một trong những phương hướng cơ bản cần nắm vững, chứng minh. Cương lĩnh đã “không một phút lơi lỏng” chiến lược bảo vệ Tổ quốc, trong khi “ đưa lên hàng đầu” nhiệm vụ xây dựng CNXH trong suốt thời kỳ quá độ, thực hiện đúng các quy luật cơ bản của dân tộc và của cách mạng. Từ đó xác định: sức mạnh của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay là sức mạnh tổng hợp của đất nước và được biểu hiện tập trung, rõ nét nhất ở sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, ở lực lượng vũ trang nhân dân và Quân đội nhân dân. Sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh tổng hợp của cả lực lượng và thế trận, vật chất và tinh thần, tiềm lực và thực lực được triển khai xây dựng vững mạnh trên phạm vi cả nước và từng địa phương, cơ sở, đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi, đập tan mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch. Sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong thời bình phải là sức mạnh đề kháng của cả dân tộc, thể hiện ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chống lại mọi mưu đồ, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng chi phối, ép ta phải phụ thuộc, lệ thuộc, từ bỏ định hướng XHCN, hoặc bạo loạn lật đổ, ly khai, lấn chiếm lãnh thổ... Cương lĩnh còn “ dự liệu” sâu sắc trong việc chăm lo nền tảng của quốc phòng-an ninh. Vì các lực lượng chuyên trách về quốc phòng-an ninh của nước nào cũng chỉ là công cụ dưới quyền điều khiển của “đầu não”; khi “đầu não” bị nền tảng làm cho chếnh choáng thì công cụ có mạnh đến mấy cũng mất phương hướng hành động, không thể xác định được hoặc xác định sai mục tiêu chiến đấu. Trong chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, Cương lĩnh đã tính đến “một tỷ lệ thích hợp giữa quân thường trực với lực lượng quân dự bị và dân quân, tự vệ hùng hậu, có sức chiến đấu cao theo đường lối, nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong hoàn cảnh mới”. Với Công an nhân dân, Cương lĩnh yêu cầu gắn chặt các lực lượng làm chức năng nội trị: “ Kết hợp lực lượng chuyên trách, nửa chuyên trách, các cơ quan bảo vệ pháp luật với phong trào quần chúng. Kết hợp biện pháp phòng ngừa, giáo dục là cơ bản với trấn áp, trừng trị các loại tội phạm”2.
Từ đó đến nay, ngoài việc cụ thể hóa và phát triển Cương lĩnh qua các Đại hội nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị các khóa đều có nghị quyết chuyên đề biến Cương lĩnh thành hiện thực, như Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về “Quốc phòng-an ninh chống “diễn biến hòa bình”, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở”, được Chỉ thị 58 của Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa nhằm “đáp ứng nhu cầu của quốc phòng-an ninh”, Nghị quyết 5 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về Công nghiệp quốc phòng, Nghị quyết 8 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội” và Chỉ thị 46 về chỉ đạo xúc tiến Nghị quyết đó. Nghị quyết về “ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” của Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) đã quy tụ tất cả thành một chiến lược tổng hợp. Mục đích, gắn việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội... thành chỉnh thể. Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương cùng các Đảng ủy Quân khu, các Tỉnh ủy, Thành ủy... đã triển khai các nghị quyết của Đại hội Đảng và Ban Chấp hành Trung ương Đảng một cách chủ động và sáng tạo, đạt kết quả rất đáng tự hào. Tình hình chính trị- xã hội nước ta cho đến nay vẫn được các nhà đầu tư trên thế giới coi là ổn định nhất, nhì Đông Nam Á; quốc phòng-an ninh được giữ vững, mọi hội nghị và lễ hội tầm quốc tế đều được bảo vệ chu đáo. Quan hệ đối ngoại không ngừng mở rộng, nâng vị thế đất nước lên tầm mới... Nhìn chung, các vụ vi phạm chủ quyền, lãnh thổ nước ta đều bị đẩy lùi. Âm mưu “Diễn biến hòa bình” ngày càng bị vạch trần, không chỉ trong hệ thống chính trị mà trước toàn dân; các biến tướng được đề phòng cụ thể, như “tự diễn biến trong nội bộ chế độ”, “phi chính trị hóa” tiến tới vô hiệu hóa các lực lượng vũ trang; mượn cớ đòi “dân chủ, nhân quyền, tự trị dân tộc, tự do tôn giáo” để kích động, gây rối, v.v, đều bị vô hiệu hóa. Tất cả các mưu đồ nhen nhóm bạo loạn, dù ở Tây Nguyên hay nơi khác, cùng các vụ thâm nhập của bọn phản động lưu vong đều lần lượt bị bẻ gãy. Cơ sở chính trị ở xã (phường, thị trấn) được củng cố theo quy chế dân chủ. Các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) được kiện toàn, tạo thành thế trận quốc phòng-an ninh trong cả nước, được bố trí có trọng điểm; đã cùng nhiều bộ, ngành, nhiều tỉnh diễn tập theo từng tình huống chiến lược. Các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới và địa bàn chiến lược được triển khai gắn với chương trình phát triển kinh tế-xã hội và các khu kinh tế-quốc phòng.
Các lực lượng vũ trang được nâng cao chất lượng theo phương châm truyền thống: lấy chất lượng chính trị làm cơ sở cho chất lượng toàn diện; được cải thiện đời sống cả vật chất, tinh thần, văn hóa. Đồng thời là việc chủ động chăm lo phát triển công nghiệp quốc phòng, do đó đã chấm dứt thời kỳ mọi trang bị chỉ trông chờ vào “viện trợ không hoàn lại”. Giáo dục quốc phòng-an ninh được triển khai rộng rãi cùng với phong trào “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần vun đắp lòng tự hào dân tộc, nâng cao trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc cho toàn dân.
Trong một thế giới đan xen nhiều mâu thuẫn, khủng bố và xung đột đủ loại không ngoại trừ bất cứ quốc gia nào, một xã hội hiện thực như nước ta không bao giờ hết “ những vấn đề tồn tại”. Tuy nhiên, sau 19 năm ban hành Cương lĩnh, có thể khái quát về tầm nhìn và sự lãnh đạo của Đảng ta về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc như sau: Với một tầm nhìn có tầm bao quát và sức nhìn xa, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đã đưa lại những hiệu quả khá toàn diện và cân đối, đủ căn cứ để khẳng định: "Chúng ta có đủ khả năng giữ vững hòa bình, ổn định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước theo định hướng XHCN", như nhận định của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Tuy nhiên, lịch sử hệ thống XHCN từ khi ra đời đến nay, đã để lại một bài học đáng cho ta suy ngẫm: hầu hết các nước XHCN đều đã bị tiến công quân sự, nhưng không nước nào mất chế độ vì đòn tiến công quân sự. Nhưng khi đã sụp đổ vì các nguyên nhân khác thì lại sụp đổ rất nhanh, đúng vào lúc những người lãnh đạo đang rất tự hào về những thành tựu đã đạt được... Bởi vì, đối với các nước đã đứng vững qua tiến công quân sự, các thế lực phản động đang đổi mới phương thức tiến công: kết hợp “cứng- mềm” theo hướng lấy “tiến công mềm” vượt qua “phòng thủ cứng”. Tư duy bảo vệ Tổ quốc, vì thế, tất phải phát triển cho chủ động và cập nhật.
Thiếu tướng, GS. BÙI PHAN KỲ
___________
1- ĐCSVN - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb ST, H. 1991, tr.8.
2 - Sđd, tr. 17.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011