QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 00:56 (GMT+7)
Tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Tác chiến phòng thủ chiến lược (TCPTCL) có vị trí quan trọng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), nhất là thời kỳ đầu chiến tranh. Đó là tổng hợp các hoạt động tác chiến của các khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh (thành phố), tác chiến phòng thủ quân khu và tác chiến của các binh đoàn cơ động chiến lược với quy mô và hình thức thích hợp; liên kết chặt chẽ với nhau theo một ý định và kế hoạch thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng, sự điều hành của Nhà nước và chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Quốc phòng. Mục đích chủ yếu của TCPTCL nhằm ngăn chặn, phá thế tiến công của địch, tạo điều kiện và thời cơ cho phản công, tiến công tiến tới đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của địch.

Đặc điểm cơ bản của TCPTCL là, tính tổng hợp cao, diễn ra ngay từ đầu và suốt quá trình chiến tranh; không gian tác chiến rộng, tính biến động cao, phức tạp và ác liệt. Địch dựa vào ưu thế về vũ khí công nghệ cao, nhất là tác chiến điện tử, khả năng cơ động và hỏa lực mạnh để tổ chức tiến công trên nhiều hướng. Phương thức tiến hành chiến tranh xâm lược của chúng là thực hiện đánh mạnh ngay từ đầu, đánh liên tục với chủ trương “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, nhằm hạn chế tổn thất về sinh lực và tránh bị sa lầy trong chiến tranh. Do địa hình nước ta dài và hẹp, nên có thể địch thực hiện thủ đoạn chia cắt chiến lược ngay từ đầu chiến tranh; phát huy vai trò của không quân, hải quân, thực hiện đổ bộ đường biển, đường không rộng rãi, kết hợp với bạo loạn, gây rối ở nội địa. Các chiến dịch đổ bộ đường không, đổ bộ đường biển và tiến công đường bộ có thể tiến hành đồng thời hoặc kế tiếp, gối đầu nhau. Quy mô tiến công có thể lớn ngay từ đầu, nhưng cũng có thể được mở rộng từng bước, trên một hoặc một số hướng chiến lược; thường hình thành 2 giai đoạn: tiến công hỏa lực và tiến công bằng lục quân. Tuy nhiên, địch cũng có những khó khăn, hạn chế. Chiến tranh hiện đại phải tiêu thụ lượng vật chất lớn, công tác chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm phức tạp. Trong tiến công xâm lược, địch phải đối phó với thế trận chiến tranh nhân dân và thế trận TCPTCL bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Đặc biệt là KVPT tỉnh (thành phố) được xây dựng vững chắc trong thời bình sẽ tạo ra thế và lực mới, phát huy được sức mạnh tổng hợp để đối phó, ngăn ngừa có hiệu quả cuộc tiến công xâm lược của địch.

Từ thực tiễn, kinh nghiệm và lý luận về tác chiến phòng thủ BVTQ cho thấy, để nâng cao hiệu quả TCPTCL, trước hết phải quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng, chuẩn bị toàn diện từ thời bình; tập trung xây dựng thế trận phòng thủ chiến lược vững chắc. Đó là thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên từng địa bàn, từng hướng chiến lược; nòng cốt là KVPT tỉnh (thành phố) được xây dựng vững mạnh toàn diện, giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về QP-AN, văn minh về văn hóa, xã hội; có khả năng độc lập, tự lực, sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Trên cơ sở kế hoạch phòng thủ BVTQ Việt Nam XHCN, triển khai tổ chức xây dựng KVPT tỉnh (thành phố); bố trí, điều chỉnh lực lượng bảo đảm trên từng khu vực, hướng chiến lược có thể độc lập tác chiến; đồng thời, sẵn sàng cơ động lực lượng theo yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược. Thế trận đó còn thể hiện trong quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, sự kết hợp giữa kinh tế với QP-AN, QP-AN với kinh tế, phân vùng chiến lược, điều chỉnh dân cư, quy hoạch cơ cấu kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực trong từng vùng chiến lược...Trong đó, cần chú trọng phát triển khu kinh tế-quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông, công trình quốc phòng, thiết bị chiến trường trên các địa bàn, hướng chiến lược, đáp ứng yêu cầu TCPTCL trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tập trung xây dựng, bổ sung hoàn thiện kế hoạch động viên chiến tranh, coi trọng cả động viên về chính trị-tinh thần, động viên kinh tế và động viên quân đội; sẵn sàng chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến trong thời gian nhanh nhất.
Cùng với xây dựng thế trận, phải tích cực chuẩn bị lực lượng chiến lược, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ TCPTCL. Với quan điểm "Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân", lực lượng tham gia TCPTCL sẽ là lực lượng toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang (LLVT) làm nòng cốt. Đảng và Nhà nước sẽ quyết định việc tổ chức động viên và tổ chức toàn dân đánh giặc; thực hiện đấu tranh toàn diện cả quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao...; kết hợp các mặt đấu tranh, nhất là đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới ngăn chặn chiến tranh. Vì vậy, ngay trong thời bình phải tổ chức xây dựng các lực lượng vững mạnh. Phát huy ưu thế của chế độ XHCN, tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin tưởng, có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, huy động quần chúng nhân dân hăng hái tham gia chiến tranh BVTQ. Bên cạnh đó, phải tiếp tục đẩy mạnh giáo dục quốc phòng (GDQP); triển khai toàn diện cả bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các cấp, GDQP cho học sinh, sinh viên và GDQP cho toàn dân. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhằm tăng cường tiềm lực mọi mặt của đất nước, không ngừng chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Là lực lượng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cho toàn dân tham gia TCPTCL, LLVT phải được xây dựng có số lượng hợp lý, có chất lượng chính trị, trình độ và khả năng chiến đấu đáp ứng yêu cầu TCPTCL trong chiến tranh hiện đại. Cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quân đội theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược phải coi trọng nâng cao năng lực tư duy quân sự, lý luận về nghệ thuật quân sự, trình độ chỉ huy, tham mưu và khả năng tổ chức tác chiến ở nhiều loại hình tác chiến chiến lược (TCCL) như: phòng thủ, phản công, tiến công. Tập trung huấn luyện bộ đội có trình độ kỹ thuật, chiến thuật tốt, thành thạo chiến đấu ở các hình thức, cả tiến công, phản công và phòng ngự; tăng cường luyện tập nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu tác chiến phòng thủ trong chiến tranh BVTQ. Xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”, được đăng ký, quản lý chặt chẽ theo quy định của Pháp lệnh, sẵn sàng động viên khi cần thiết. Dân quân, tự vệ được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, có khả năng tham gia ngăn chặn, kìm giữ, tiêu hao quân địch và tham gia có hiệu quả các hoạt động phòng, chống bạo loạn, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân ở địa phương, cơ sở. Mặt khác, cần đẩy mạnh hiện đại hóa vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong chiến tranh BVTQ. Thời gian tới, so sánh tiềm lực quân sự, vũ khí, trang bị, ta vẫn chưa bằng địch. Vì vậy, các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy vũ khí, trang bị kém hiện đại, đánh địch có vũ khí, trang bị hiện đại ”; thực hiện đánh rộng khắp, từng bước ngăn chặn, tiêu hao quân địch, tạo điều kiện cho phản công, tiến công chiến lược, đánh bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của địch.
Các hoạt động tổ chức thực hành TCPTCL được triển khai ngay khi đất nước có triệu chứng bị địch tiến hành chiến tranh xâm lược. Căn cứ vào tình hình thực tế, Đảng và Nhà nước sẽ quyết định chuyển một phần hoặc toàn bộ đất nước từ thời bình sang thời chiến; bao gồm việc tổ chức động viên mở rộng lực lượng, điều chỉnh thế trận tác chiến; chuyển mọi hoạt động kinh tế, xã hội từ thời bình sang thời chiến; tổ chức hoạt động phòng thủ dân sự; phòng tránh, sơ tán, bảo toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bộ Quốc phòng tiến hành giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng cho các chiến trường (hướng tác chiến) trên cơ sở kế hoạch TCPTCL đã được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Các lực lượng trong KVPT tỉnh (thành phố) nhanh chóng bước vào chiến đấu, ngăn chặn bước tiến công của địch. Đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo đảm trinh sát nắm địch, bảo đảm công binh, phòng chống vũ khí hóa học, bảo đảm thông tin liên lạc, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật... với tư tưởng chỉ đạo: tích cực, chủ động, kiên quyết, kịp thời, linh hoạt.
Khi địch thực hành tiến công xâm lược, các lực lượng của ta tổ chức phòng tránh, đánh trả phù hợp; sử dụng các lực lượng đánh địch từ xa. Giai đoạn đánh địch tiến công trên bộ, từng KVPT tỉnh (thành phố) phải tổ chức tiến công liên tục, không cho chúng có điều kiện củng cố, mở rộng điểm đổ bộ; chủ động tổ chức chiến đấu ngăn chặn, tiêu hao rộng rãi, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, bảo vệ và giữ vững địa bàn. Nhanh chóng điều chỉnh, tập trung lực lượng vào địa bàn, hướng TCPTCL chủ yếu; kết hợp giữa đánh trả lực lượng tiến công đường không với ngăn chặn địch tiến công trên bộ. Trường hợp địch vượt qua KVPT, LLVT địa phương tiếp tục bám trụ, cài thế, xen kẽ, đẩy mạnh tác chiến phía sau bằng các hình thức, thủ đoạn thích hợp. Các đơn vị chủ lực của quân khu phải tận dụng thời cơ do LLVT địa phương tạo ra, tiến hành các chiến dịch phản công, tiến công ở các quy mô thích hợp, khôi phục địa bàn đã mất. Ngoài ra, có thể tăng cường lực lượng cho KVPT tỉnh (thành phố) chủ động tổ chức chiến dịch phòng ngự quy mô nhỏ. Lực lượng của Bộ tập trung ngăn chặn, đánh địch trên hướng chiến lược chủ yếu; có thể tham gia chiến dịch phòng ngự để ngăn chặn địch, giữ vững địa bàn, tạo điều kiện cho các hoạt động tác chiến chiến lược tiếp theo. Tổ chức đánh địch đổ bộ đường không phải kịp thời, tốt nhất là khi chúng đang đổ quân, không cho địch mở rộng khu vực đổ bộ; tăng cường chia cắt giữa lực lượng đổ bộ đường không với lực lượng tiến công đường bộ và lực lượng bạo loạn. Trong phòng, chống bạo loạn, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp, sử dụng lực lượng tổng hợp, lấy LLVT địa phương làm nòng cốt; yêu cầu giải quyết nhanh, gọn, không để kéo dài, lan rộng.
TCPTCL là loại hình tác chiến chiến lược phát triển trong chiến tranh BVTQ. Bài viết mới chỉ đề cập một số vấn đề cơ bản. Lý luận và thực tiễn luôn có sự phát triển, nhất là trong điều kiện đối tượng tác chiến có nhiều thay đổi, sử dụng vũ khí công nghệ cao. Do đó, chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung lý luận về nghệ thuật TCPTCL. Trong thời bình, phải tích cực xây dựng thế trận phòng thủ BVTQ, xây dựng lực lượng vững mạnh. Trong chiến tranh, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, chủ động đánh địch rộng khắp với các quy mô và hình thức thích hợp, nhằm ngăn chặn, phá thế tiến công của địch, tạo điều kiện và thời cơ chuyển sang phản công, tiến công chiến lược, tiến tới đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của địch, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa
Cục trưởng cục Tác chiến
    
 

Ý kiến bạn đọc (0)