QPTD -Thứ Bảy, 17/09/2011, 23:54 (GMT+7)
Tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Vấn đề chuẩn bị và tiến hành các hoạt động tác chiến trong thời kỳ đầu chiến tranh (TKĐCT) từ lâu đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà chính trị, quân sự trên thế giới, bởi tầm quan trọng của nó đối với những quyết sách liên quan đến vận mệnh của mỗi quốc gia khi phải đối mặt với chiến tranh. Đã có nhiều công trình nghiên cứu và bài viết của các nhà quân sự, chính trị bàn về vấn đề này, về cơ bản đã có sự thống nhất trên nhiều phương diện. Nhưng kể từ sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh (1991) đến nay, trước những thay đổi có tính đột phá của “công nghệ” tiến hành chiến tranh, TKĐCT và các hoạt động trong TKĐCT đã có sự thay đổi với nhiều vấn đề mới được đặt ra. Đối với nước ta, nếu buộc phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì tác chiến phòng thủ chiến lược (PTCL) sẽ là một biện pháp tác chiến quan trọng, nhất là TKĐCT. Vì vậy, nhận thức đúng TKĐCT, tác chiến PTCL TKĐCT là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cần được nghiên cứu.

1. Nhận thức TKĐCT. Trong chiến tranh hiện đại, đối phương xâm lược thường sử dụng rộng rãi các loại vũ khí công nghệ cao, huy động sức mạnh tổng lực, tiến công toàn diện cả về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, tâm lý, tư tưởng…, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Hoạt động tác chiến diễn ra trên nhiều môi trường, liên quan đến nhiều quốc gia; có sự tham gia của nhiều quân chủng, binh chủng hiện đại; thời gian tiến hành chiến tranh ngày càng rút ngắn, có thể rất ngắn. Do đó, vấn đề đặt ra là liệu có còn TKĐCT hay không, nếu có thì nó được diễn ra trong khoảng thời gian nào? Qua nghiên cứu cho thấy, hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đưa ra các quan niệm về TKĐCT và coi đó là thời kỳ quan trọng, có tính quyết định tới toàn bộ tiến trình của cuộc chiến tranh. Mặc dù còn có những quan điểm khác nhau, nhưng về cơ bản đều cho rằng, TKĐCT được bắt đầu từ giai đoạn chuẩn bị đất nước, triển khai lực lượng vũ trang, tiến hành các biện pháp đấu tranh chính trị, kinh tế, ngoại giao, đặc biệt là các hoạt động trên lĩnh vực quân sự, nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược trước mắt của chiến tranh. Ví như, trong chiến tranh vùng Vịnh (năm 1991), mặc dù chiến tranh chỉ diễn ra trong 42 ngày, nhưng trước đó, Mỹ và đồng minh phải mất một thời gian dài tiến hành các biện pháp tạo cớ; tập hợp, cơ động và triển khai lực lượng, phương tiện, thực hiện đòn tiến công hỏa lực - thời gian đó là TKĐCT. Hoặc, chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan (năm 2001), sau gần hai tháng tiến công, Mỹ đã tuyên bố kết thúc chiến tranh, nhưng thực chất đó là TKĐCT, bởi lẽ cuộc tiến công mới chỉ đạt được mục tiêu chiến lược ban đầu, trên thực tế chiến tranh vẫn âm ỉ, kéo dài đến nay vẫn chưa kết thúc. Như vậy, TKĐCT luôn tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào thời gian chiến tranh dài hay ngắn, càng không phụ thuộc vào đặc điểm của chiến tranh truyền thống hay hiện đại, nhưng lại phụ thuộc một cách tiên quyết vào ý chí chủ quan, sự nỗ lực hành động và kết quả tác chiến đạt được của hai bên trên chiến trường. Trong các cuộc chiến tranh, tùy theo tính chất chính trị-xã hội, khả năng kinh tế, quân sự, truyền thống và ý đồ chiến lược của mỗi nước mà việc xác định mục tiêu, phương thức sử dụng sức mạnh ở TKĐCT cũng có những điểm khác nhau. Đối với các nước đi xâm lược, có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, họ luôn nhấn mạnh việc phát huy ưu thế vượt trội, thực hiện đòn tiến công tổng lực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các mặt trận, nhanh chóng đánh quỵ đối phương, nhằm mục tiêu giành thắng lợi quyết định ngay trong TKĐCT. Vì vậy, trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần nhận thức đúng đắn, toàn diện đặc điểm, bản chất cũng như vai trò quan trọng của TKĐCT, từ đó tổ chức huy động, triển khai lực lượng, phương tiện và vận dụng các loại hình tác chiến chiến lược phù hợp, đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, làm cho chúng bị suy yếu, sa lầy, không đạt được ý định tiến công đã xác định. Để làm được điều đó, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chiến tranh và chỉ huy tác chiến chiến lược phải tiến hành các biện pháp chuẩn bị đất nước, chuẩn bị lực lượng vũ trang, triển khai các kế hoạch tác chiến và bảo đảm; xây dựng kế hoạch đấu tranh phối hợp trên mặt trận chính trị, kinh tế, ngoại giao...; quyết định chính xác thời cơ, biện pháp chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến; xác định các chủ trương, phương thức tiến hành chiến tranh và tác chiến chiến lược. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo, chỉ huy việc bố trí tập trung, cơ động phân tán lực lượng, phương tiện đúng thời cơ, giữ vững lực lượng và thế trận để tiến hành các hoạt động tác chiến và đấu tranh có hiệu quả, trong đó tác chiến phòng thủ nói chung, tác chiến PTCL nói riêng giữ vai trò quyết định, nhằm tạo ra sự chuyển hoá về thế và lực có lợi, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

2. Tác chiến PTCL TKĐCT là giai đoạn đầu của toàn bộ hoạt động tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nó thường là các hoạt động tác chiến và đấu tranh đầu tiên diễn ra ở chiến trường trên bộ, được bắt đầu kế tiếp ngay sau giai đoạn phòng tránh, đánh trả đòn tiến công hoả lực, khi địch chuyển sang giai đoạn hoả lực chi viện, thực hành tiến công trên bộ; hoặc cũng có thể diễn ra khi địch thực hiện gần như đồng thời các hoạt động tiến công đường không, tiến công trên bộ và đổ bộ đường biển trên từng hướng chiến lược, hoặc phạm vi cả nước... Do đó, đối tượng của tác chiến PTCL TKĐCT sẽ rất đa dạng, có thể là các cụm lực lượng phía trước thực hành tiến công trên bộ; lực lượng đổ bộ tiến công từ hướng biển; đổ bộ đường không; lực lượng tác chiến đặc biệt; lực lượng không quân, pháo binh, tên lửa, tác chiến điện tử; lực lượng vũ trang phản động lưu vong, lực lượng bạo loạn lật đổ vũ trang bên trong phối hợp với các đòn tiến công từ bên ngoài, cùng với các đòn tiến công tâm lý, tư tưởng, chính trị, ngoại giao, kinh tế... Không những thế, tác chiến PTCL thời kỳ này cũng có thể phải đối phó gần như đồng thời với đòn tiến công tổng lực của nhiều đối tượng, trên phạm vi chiến trường rộng, với các trạng thái, tính chất, hình thức, phương thức, thủ đoạn tác chiến và đấu tranh khác nhau, nên sẽ diễn ra rất phức tạp và quyết liệt. Để đứng vững trước đòn tiến công nhanh, mạnh và bất ngờ của địch, tác chiến PTCL cần được tiến hành một cách chủ động, rộng khắp, toàn diện, vững chắc và tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, việc xác định đúng mục tiêu trọng yếu; không gian, thời gian; lực lượng tiến hành và phương thức hoạt động tác chiến và đấu tranh giữ vai trò quan trọng, bảo đảm cho tác chiến TKĐCT giành thắng lợi.

Về mục tiêu, tác chiến PTCL TKĐCT cần phải sớm giành và giữ được quyền chủ động về chiến lược, không để bị động, bất ngờ, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do tiến công hoả lực của địch gây ra. Đồng thời, thực hiện các đòn tác chiến tiêu hao, sát thương rộng rãi, tiêu diệt từng bộ phận, ngăn chặn có hiệu quả các cụm lực lượng phía trước của địch thực hành tiến công trên bộ, trên các hướng chiến lược; đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng; tạo điều kiện để tiếp tục chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến; giữ vững mục tiêu, địa bàn chiến lược trọng yếu, ổn định thế chiến lược cơ bản; tạo điều kiện cho các hoạt động tác chiến chiến lược tiếp theo.

Về không gian và thời gian tác chiến, cần được dự báo và xác định chính xác ngay từ TKĐCT, làm cơ sở để tập trung lực lượng, chuẩn bị thế trận, vận dụng phương thức tác chiến phù hợp. Trên cơ sở dự kiến đặc điểm, đối tượng tác chiến, có thể dự báo không gian tác chiến PTCL TKĐCT bảo vệ Tổ quốc sẽ diễn ra ở các tỉnh (thành phố) ven biển và tuyến biên giới trên một số hướng chiến lược. Tuy nhiên, trong điều kiện tác chiến mới, hình thái chiến tranh biến đổi rất nhanh nên không gian tác chiến có thể diễn ra đồng thời cả ở phía trước, bên sườn, phía sau và bên trong chiều sâu phòng thủ của đất nước, nhất là ở một số mục tiêu, địa bàn chiến lược trọng điểm. Về thời gian tác chiến, phụ thuộc chủ yếu vào khả năng diễn biến, kết quả tác chiến và đấu tranh của ta, nhưng rất khó lượng hoá được chính xác. Nó có thể kết thúc khi tác chiến phòng thủ đã ngăn chặn, làm suy yếu được các cụm lực lượng tiến công chiến lược phía trước, đánh bại tiến công vượt điểm của lực lượng đổ bộ đường không, đột kích bất ngờ của lực lượng đặc nhiệm, dập tắt được bạo loạn lật đổ trong nội địa, làm cho địch lâm vào thế bị động, không thực hiện được mục tiêu TKĐCT.

Về lực lượng tác chiến, cần huy động lực lượng tổng hợp của chiến tranh nhân dân, bao gồm lực lượng vũ trang của các quân khu (bộ đội chủ lực quân khu, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ); một bộ phận lực lượng cơ động của Bộ (có thể có binh đoàn, một số binh đội binh chủng hợp thành, quân chủng, binh chủng); lực lượng cơ quan, ban, ngành của địa phương và lực lượng quần chúng bám trụ để sản xuất và tham gia các hoạt động đấu tranh với địch, phục vụ chiến đấu... Các lực lượng này hoạt động trong thế trận toàn dân đánh giặc, thế trận của khu vực phòng thủ địa phương..., theo một tư tưởng chỉ đạo thống nhất, tạo nên thế và lực tổng hợp, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ tác chiến PTCL. Trong TKĐCT, tư tưởng chỉ đạo của tác chiến PTCL có thể là: phòng thủ toàn diện, phòng ngự trọng điểm, phản công, tiến công có lựa chọn, kết hợp với tác chiến rộng khắp. Đối với phòng thủ toàn diện, cần triển khai các lực lượng phòng thủ đánh địch trên các môi trường, trên các mặt trận: quân sự, chính trị, kinh tế, tư tưởng, tâm lý, văn hoá, ngoại giao..., bằng các hình thức linh hoạt, sáng tạo, trong đó cần tập trung lực lượng đủ sức đánh bại tiến công trên bộ của địch. Đối với phòng ngự trọng điểm, cần được thực hiện trên những địa hình hiểm yếu, then chốt; các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội trọng yếu, những nơi ta cần phải giữ vững, nhưng đó cũng là nơi địch sẽ phải đánh chiếm và vượt qua. Do vậy, bên cạnh việc sử dụng lực lượng tổng hợp của chiến tranh nhân dân, cần sử dụng một bộ phận bộ đội chủ lực tinh nhuệ, bảo đảm đủ sức đánh bại các hướng, mũi tiến công chủ yếu của địch, bảo vệ vững chắc mục tiêu, địa bàn. Phản công và tiến công, cần lựa chọn đúng thời cơ, đối tượng, địa bàn, quy mô, hình thức, phương thức tác chiến, bảo đảm đánh địch có hiệu quả, sát thương, tiêu hao, tiêu diệt nhiều lực lượng địch, hạn chế tổn thất của ta. Đánh địch rộng khắp là một đặc trưng của tác chiến phòng thủ, bao gồm các hoạt động tác chiến và đấu tranh, nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang, đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi; ở các quy mô, hình thức, phương thức tác chiến thích hợp; bằng các loại vũ khí, phương tiện sẵn có, buộc địch phải căng kéo đối phó, phá thế tập trung, phá thế tiến công của chúng, tạo điều kiện, thời cơ cho các lực lượng phòng thủ, phòng ngự và lực lượng tiến công của ta đánh địch, giành thắng lợi.

Về hoạt động tác chiến PTCL TKĐCT có thể được thực hiện bằng tổng thể các hoạt động tác chiến và đấu tranh, trong đó lấy tác chiến phòng thủ của các quân khu, tỉnh (thành phố) ven biển, biên giới và một số khu vực phòng thủ trọng yếu bên trong làm nòng cốt. Các hoạt động đó được diễn ra bằng tổng thể các trận đánh; các chiến dịch phòng ngự, phản công, tiến công; đợt hoạt động tác chiến và đấu tranh, trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng, văn hoá, ngoại giao..., theo một ý định và kế hoạch thống nhất; trong đó, đấu tranh quân sự bằng hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang quy mô nhỏ là chủ yếu, khi có điều kiện và thời cơ có thể diễn ra ở quy mô vừa và lớn.

Tác chiến PTCL TKĐCT bảo vệ Tổ quốc là một vấn đề có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương và hiện đang trong quá trình nghiên cứu. Vì vậy, nó cần có một công trình nghiên cứu ở tầm rộng lớn hơn với sự tham gia của các nhà chỉ huy quân sự, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội.

Đại tá Nguyễn Đồng Thụy

Viện Chiến lược Quân sự-Bộ Quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)