Thứ Năm, 24/04/2025, 11:22 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Nước ta nằm ở phía tây của Biển Đông, có 3260 km bờ biển với hơn 3000 đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tạo thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, từ xa đến gần bờ, bảo vệ sườn phía đông của Tổ quốc. Vùng biển và ven biển nước ta có nhiều tài nguyên phong phú, đa dạng; ngoài nguồn lợi về thủy, hải sản còn có các tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và các khoáng sản trong lòng biển; là cửa ngõ giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế. Với vị thế đó, vùng biển nước ta có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của Tổ quốc. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) đã xác định mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, với kinh tế biển phải chiếm 53-55% GDP của cả nước; bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Vì vậy, trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, cùng với chiến trường trên không, trên bộ, biển trở thành một chiến trường rất quan trọng trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù bị chia cắt chiến lược ở vĩ tuyến 17, nhưng các lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân ta đã tổ chức phòng thủ giữ vững các đảo; đánh đuổi, đánh chìm, đánh bị thương nhiều tàu chiến, bắn rơi nhiều máy bay, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch khi chúng xâm phạm vùng biển, vùng trời miền Bắc. Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu chống phong tỏa đường biển, quân và dân ta đã mưu trí, dũng cảm tháo gỡ, rà phá hàng nghìn quả thủy lôi, bom từ trường, khai thông luồng lạch, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), địch có thể triển khai các tập đoàn lực lượng tiến công xâm lược nước ta từ hướng biển. Chúng có thể sử dụng hải quân, không quân..., đánh chiếm các đảo, quần đảo, khống chế vùng biển của ta; tiến hành phong tỏa biển trên phạm vi rộng, nhiều tầng, nhiều lớp bằng nhiều loại phương tiện phong tỏa hiện đại, liên tục, dài ngày, kết hợp đánh phá, ngăn chặn trên không, trên biển, nhằm nâng cao hiệu lực phong tỏa, cắt đứt chi viện của ta từ đất liền ra đảo. Đồng thời, chúng có thể tiến hành các chiến dịch đổ bộ đường không, đường biển bằng các binh đoàn tác chiến lớn của lực lượng thủy quân lục chiến, bộ binh cơ giới, xe tăng, thiết giáp, dưới sự chi viện trực tiếp của không quân, tên lửa, pháo hạm, trực thăng vũ trang, nhanh chóng đánh chiếm các đầu cầu, thiết lập các căn cứ liên hợp đưa lực lượng, phương tiện vào tác chiến trên bộ. Do đó, tác chiến bảo vệ biển, đảo chống phong tỏa đường biển là một loại hình tác chiến quan trọng, cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Tác chiến bảo vệ biển, đảo chống phong tỏa đường biển là loại hình tác chiến chiến lược sẽ được vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, diễn ra trên chiến trường biển, bao gồm các chiến dịch phòng thủ biển, đảo của hải quân và các lực lượng phòng thủ trên biển, đảo; các chiến dịch chống phong tỏa, đổ bộ đường không, đường biển của các quân khu ven biển, kết hợp với các hoạt động tác chiến phối hợp khác tiến hành trong một không gian và thời gian nhất định, theo ý định và kế hoạch thống nhất, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy tập trung của chiến lược, nhằm ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng, phương tiện chiến đấu, từng bước đánh bại các cuộc tiến công của địch, bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Lực lượng tác chiến chiến lược, gồm lực lượng các vùng hải quân, lực lượng của khu vực phòng thủ trên các đảo, quần đảo; lực lượng các quân khu ven biển, lực lượng phòng không-không quân và lực lượng pháo binh, dân quân, tự vệ trên biển..., trong đó lực lượng hải quân đóng vai trò nòng cốt, tác chiến theo phương án thống nhất.
Về phương pháp tác chiến, tác chiến phòng thủ biển, đảo chống phong tỏa đường biển ở từng quy mô, trên từng địa bàn khác nhau có những cách thức và biện pháp đánh địch cụ thể được quy định bởi mục đích, nhiệm vụ chiến lược, quy mô sử dụng lực lượng của ta, địch và địa hình... Nhưng việc xác định phương pháp tác chiến phải bảo đảm những yêu cầu của tác chiến chiến lược. Vấn đề nổi bật nhất ở đây là sự kết hợp chặt chẽ giữa thế trận của khu vực phòng thủ trên các đảo, quần đảo và thế trận khu vực phòng thủ các tỉnh (thành phố) của các quân khu ven biển với thế trận của hải quân tạo ra, để tiến hành các chiến dịch, các đợt hoạt động tác chiến tập trung, các trận chiến đấu phòng ngự, phòng thủ bảo vệ đảo từ xa đến gần, đánh liên tục cả chính diện phía trước, vu hồi phía sau, bên sườn, nhằm sát thương, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng, phương tiện, vũ khí và đánh bại các biện pháp tác chiến chiến lược của địch, góp phần đánh thắng chiến tranh xâm lược của chúng trên hướng biển.
Tác chiến bảo vệ biển, đảo chống phong tỏa đường biển bao gồm nhiều hình thức tác chiến khác nhau, có thể diễn ra đồng thời, gối nhau hoặc kế tiếp nhau; có mối quan hệ hữu cơ, tác động biện chứng lẫn nhau, trong đó chủ yếu là các hình thức tác chiến bảo vệ biển, đảo và chống phong tỏa, chống đổ bộ đường không, đường biển. Đối với tác chiến bảo vệ biển, đảo ở các đảo, quần đảo trên vùng biển xa bờ, sự chi viện, bảo đảm cho tác chiến rất khó khăn, nên cần tổ chức các khu vực phòng thủ vững chắc trên các đảo, quần đảo, bảo đảm vừa có khả năng độc lập tác chiến trong điều kiện bị bao vây, phong tỏa, vừa có thể chi viện tác chiến cho nhau ở các cự ly cho phép, phù hợp với tính năng kỹ, chiến thuật của các loại vũ khí, phương tiện của ta hiện nay cũng như trong 10 đến 15 năm tới, với phương châm, tư tưởng chỉ đạo và quyết tâm “còn người, còn đảo”. Lực lượng nòng cốt tác chiến trên đảo bao gồm các lực lượng hải quân, phòng không, pháo binh, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng cùng với dân quân, tự vệ và nhân dân trên đảo tham gia. Lực lượng nòng cốt tác chiến bảo vệ biển là các đơn vị cơ động của hải quân, lực lượng không quân, tên lửa, pháo binh, đặc nhiệm cùng với các lực lượng quản lý, khai thác trên biển được tổ chức, chỉ huy chặt chẽ và hiệp đồng thống nhất với các khu vực phòng thủ trên các đảo, quần đảo đánh trả các tàu chiến của địch, giữ vững các vùng biển trọng điểm, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên biển.
Đối với tác chiến chống phong tỏa, chống đổ bộ đường biển có thể diễn ra ở vùng biển ven bờ bằng các chiến dịch phòng thủ bờ-biển-đảo, chủ yếu là các chiến dịch phòng ngự, phòng thủ quân khu trên các hướng, các khu vực dự kiến địch có thể đổ bộ, được tiến hành bằng LLVT các quân khu ven biển kết hợp với các lực lượng hải quân, phòng không-không quân, pháo binh và các binh chủng khác đánh địch không cho chúng lên bờ. Trong đó, các chiến dịch chống đổ bộ đường biển có thể do các sư đoàn của quân khu ven biển kết hợp với lực lượng hải quân, lực lượng các quân chủng, binh chủng tác chiến trong khu vực phòng thủ quân khu thực hiện; phối hợp với lực lượng trong các khu vực phòng thủ trên các đảo, quần đảo và lực lượng cơ động trên biển ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng, phương tiện tiến công của địch, không cho chúng bám bờ đánh chiếm khu vực đổ bộ. Lực lượng chống phong tỏa đường biển gồm nhiều thành phần tham gia như: lực lượng bắn máy bay, mở luồng mới, sơ tán kho tàng, phòng tránh, giải tỏa các điểm bị ùn tắc, ngụy trang, nghi binh, quan sát, đánh dấu, rà phá bom, mìn, thủy lôi của địch… Trong điều kiện tác chiến mới, cần phải phát huy sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân trên chiến trường biển, đảo, thực hiện toàn dân đánh máy bay địch, toàn dân tham gia rà phá bom, mìn, thủy lôi, toàn dân tham gia bảo đảm giao thông; lấy LLVT ba thứ quân làm nòng cốt. Trong đó, lực lượng đông đảo nhất, kịp thời nhất là lực lượng tại chỗ, gồm các đội công binh nhân dân, các tổ quan sát, rà phá bom, mìn của bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ kết hợp với lực lượng cơ động chống phong tỏa gồm các đội chuyên trách của bộ đội công binh chủ lực, công binh hải quân, công binh dân quân, tự vệ các xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp ven biển được tổ chức chỉ huy chặt chẽ, được huấn luyện và trang bị tốt, đủ sức làm lực lượng xung kích phá gỡ bom, mìn, thủy lôi ở những nơi bị phong tỏa nặng nề.
Tác chiến bảo vệ biển, đảo và chống phong tỏa đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có thể diễn ra trên địa bàn nhiều tỉnh (thành phố); liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; huy động nhiều lực lượng tham gia, sử dụng nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại... Vì vậy, công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ này cần được tiến hành một cách toàn diện, đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế, quốc phòng, quân sự của đất nước, đối tượng tác chiến và được triển khai ngay từ thời bình. Trước hết, cần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, liên kết biển-đảo-bờ thành thế trận phòng thủ vững chắc bảo đảm giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển. Để làm được điều đó, cần ưu tiên phát triển kinh tế biển, đảo, nâng cao đời sống nhân dân cư trú trên đảo, nhất là tập trung xây dựng các đảo lớn, các quần đảo xa bờ thành các huyện đảo trù phú về kinh tế, mạnh về quốc phòng, là hạt nhân trong các khu vực phòng thủ biển. Trên cơ sở đó, có chính sách khuyến khích, đưa nhân dân ra định cư trên các đảo, quần đảo, tạo điều kiện cho nhân dân “sống trên biển, sản xuất trên biển để bảo vệ biển”, hình thành thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên biển. Triệt để tận dụng lợi thế thiên hiểm của các đảo, quần đảo của ta trên biển để hình thành thế trận đánh địch từ xa đến gần, đánh vào sau lưng, hai bên sườn quân địch trên hướng biển khi xảy ra chiến tranh; đồng thời là các căn cứ, các “hạm đội” chi viện cho tác chiến bảo vệ các vùng biển, các khu công nghiệp trên biển. Động viên các lực lượng và toàn dân tham gia xây dựng, khai thác, quản lý và bảo vệ biển, thực hiện mỗi công ty, xí nghiệp, hải đoàn..., hoạt động trên biển là một đơn vị kinh tế-quốc phòng; mỗi đảo là một căn cứ chiến đấu, đồng thời là căn cứ hậu cần tại chỗ cho nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo.
Cùng với xây dựng thế trận trên biển vững chắc, cần xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo mạnh, nhất là xây dựng LLVT ba thứ quân trên biển và tuyến ven biển vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt, đủ sức quản lý, bảo vệ các vùng biển rộng lớn của Tổ quốc trong thời bình cũng như khi có chiến tranh xảy ra. Trong đó, cần tập trung xây dựng lực lượng hải quân nhân dân vững mạnh cả về chính trị, trình độ tác chiến và trang bị, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh hiện đại, công nghệ cao; có thể tác chiến độc lập, bền bỉ, liên tục, dài ngày ở vùng biển gần cũng như ở vùng biển xa bờ; có khả năng cơ động cao và hiệp đồng, phối hợp tác chiến hiệu quả với các LLVT khác. Tập trung xây dựng, nâng cao sức chiến đấu cho các lực lượng tại chỗ trên các đảo, quần đảo, lực lượng thường trực chiến đấu trên biển, nhất là lực lượng hải quân cơ động đảm nhiệm các nhiệm vụ chiến dịch, chiến lược trên biển. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng hải quân với lực lượng của các khu vực phòng thủ trên các đảo, quần đảo, các quân khu ven biển và các lực lượng hoạt động trên biển, để tổ chức tuần tra, luyện tập, diễn tập theo các phương án tác chiến nhằm nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của từng lực lượng, khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong tác chiến bảo vệ biển, đảo và chống phong tỏa đường biển. Trước nhu cầu hoạt động sản xuất, khai thác, nghiên cứu khoa học của các thành phần trong nước cũng như hoạt động liên doanh, hợp tác với nước ngoài trên biển ngày càng đa dạng, cần chú trọng xây dựng lực lượng biên phòng, cảnh sát biển có trình độ chuyên môn cao, nắm vững pháp luật của Việt Nam cũng như luật pháp và tập quán quốc tế, được trang bị các phương tiện, kỹ thuật hiện đại phù hợp với nhiệm vụ, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thiếu tướng NGUYỄN NHƯ HUYỀN
Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011