QPTD -Thứ Năm, 01/09/2011, 23:36 (GMT+7)
Suy nghĩ về giáo dục đại học của đất nước và trong quân đội khi nước ta là thành viên WTO

Việc Việt Nam gia nhập WTO là điều kiện và cơ hội để Nhà nước ta tăng cường đầu tư cả về bề rộng và chiều sâu cho giáo dục, nhất là về công tác đào tạo, quản lý, xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục và thúc đẩy tính cạnh tranh trong giáo dục. Người dân sẽ có nhiều cơ hội mở rộng khả năng lựa chọn chương trình giáo dục tốt nhất, phù hợp nhất với mình; có thêm nhiều cơ hội tìm được việc làm phù hợp với khả năng của mình… Tuy nhiên, gia nhập WTO, nền giáo dục Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là: năng lực hội nhập và cạnh tranh; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế; đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức hiện đại; vận dụng sáng tạo, làm việc theo nhóm…; khả năng sử dụng ngoại ngữ và tin học.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2005 quy mô đào tạo  đại học, cao đẳng (ĐHCĐ) tăng 1,4 lần so với năm 2001, đạt bình quân 167,5 sinh viên (SV)/1 vạn dân, vượt chỉ tiêu so với mục tiêu chiến lược là 140 SV/1vạn dân. Loại hình trường và hình thức đào tạo đa dạng hơn. Cả nước hiện có 37 trường ĐHCĐ dân lập, tư thục và bán công, đang đào tạo 160.420 SV, chiếm gần 12% tổng số SV ĐHCĐ. Hệ thống trường đại học cộng đồng bước đầu hình thành, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu từng ngành và từng địa phương. Đào tạo không chính quy đã phát triển và hiện đang được triển khai tại 183 trường ĐHCĐ với gần 600.000 SV, chiếm 43% tổng số SV. Khác với các năm trước, cơ cấu trình độ đào tạo cũng có sự thay đổi hợp lý hơn. Tỉ lệ SV đại học trong tổng số SV ĐHCĐ giảm từ 83,6% năm 2001, xuống còn 78,4% năm 2005; tương ứng tỉ lệ SV cao đẳng tăng từ 16,4%, lên 21,6%. Tuy nhiên, giáo dục đại học Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập; tư duy và cách làm chưa đổi mới. Công tác quản lý (cả ở cấp vĩ mô và cấp vi mô) chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn; tính tự chủ chưa cao, công tác quy hoạch phát triển triển khai rất chậm; quy mô, cơ cấu mất cân đối; mạng lưới và chức năng các cơ sở đào tạo chưa hợp lý; nguồn lực còn hạn hẹp. Đội  ngũ giảng viên, nhất là giảng viên đầu ngành, còn thiếu và yếu. Chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo thiếu linh hoạt, kém liên thông, học chưa gắn với hành. Chất lượng và hiệu quả đào tạo thấp.

Tính đến tháng 3 năm 2006, mặc dù cả nước có 311 trường ĐHCĐ, song mạng lưới trường lại chậm được điều chỉnh, còn ít trường ở các vùng Tây bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long (trong số 35 trường đại học, 53 trường cao đẳng được thành lập từ năm 2001 đến năm 2005 chỉ có 3 trường ở Tây Bắc, 4 trường ở Tây Nguyên và 7 trường ở đồng bằng sông Cửu Long; tức là trong 5 năm qua chỉ có 14/88 trường ĐHCĐ mới thành lập tại 3 vùng nói trên). Số SV ngoài công lập còn xa mới đạt mục tiêu đề ra cho năm 2010 là khoảng 40%. Cơ cấu ngành, nghề còn mất cân đối, tỉ lệ SV ở khối ngành nông- lâm - ngư nghiệp rất thấp (4,48%). Đội ngũ giảng viên tăng 41% so với năm 2001; trong đó số Giáo sư, phó Giáo sư  chiếm khoảng 4,8%, Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học chiếm khoảng 13,1%, Thạc sĩ là 30,5%..., nhưng nhìn chung vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ trong các trường đại học ở Việt Nam còn rất thấp, mới chiếm tỷ lệ 15%; trong khi đó ở khu vực, là 40-50%. Chương trình đào tạo đại học còn nặng về lý thuyết, ít gắn với thực tiễn, chưa phù hợp với xu hướng vận động chung của khu vực và quốc tế. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số cạnh tranh trong ứng dụng công nghệ của Việt Nam chỉ đứng thứ 92/117 (trong khi Thái Lan đứng thứ 43); sử dụng công nghệ cao là 20% (trong khi Philippin là 29%). Thực tế cho thấy, trong khi đất nước chuyển mình phát triển mạnh mẽ sau hơn 20 năm đổi mới, thì giáo dục đại học có bước đi khá chậm. Bóng dáng cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp vẫn là nguy cơ thường trực trong ngành Giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Sự đổi mới của giáo dục đại học đã không theo kịp tiến trình đổi mới của đất nước cả trong tư duy, hành động, cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể.

Giáo dục đại học trong quân đội là một bộ phận hữu cơ của giáo dục đại học nước ta. Việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ có những tác động nhiều chiều, với những mức độ khác nhau, đến công tác giáo dục - đào tạo trong quân đội. Thuận lợi cơ bản là đội ngũ giảng viên các học viện, nhà trường quân đội sẽ có nhiều điều kiện để tiếp thu thành quả khoa học, công nghệ trên thế giới và thêm nhiều cơ hội được học tập, trao đổi, nghiên cứu ở các nước có nền khoa học giáo dục đại học và nền khoa học quân sự tiên tiến… Tuy nhiên, giáo dục đại học trong quân đội cũng đứng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ vào giảng dạy; những thách thức từ việc phải thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại quân sự để thu hút đầu tư từ nước ngoài với việc bảo vệ bí mật công nghệ, bí mật quân sự, cũng như việc ngăn chặn “chảy máu chất xám”..., nhất là ở các lĩnh vực được đào tạo ở cả trong các trường dân sự. Thực tế cho thấy, từ khi có Nghị quyết 93 của Đảng uỷ Quân sự Trung ương, hệ thống nhà trường quân đội đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, đưa các trường quân đội hoà nhập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các trường đào tạo bậc đại học từng bước được củng cố, kiện toàn và phát triển, hoàn thiện, đảm bảo đào tạo cán bộ các cấp, các ngành, nghề, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng. Đến nay, với 17 cơ sở đào tạo bậc đại học, 14 cơ sở đào tạo sau đại học, trong quân đội đã hình thành một hệ thống đào tạo cán bộ rất cơ bản; vừa đào tạo theo yêu cầu chức vụ chỉ huy, lãnh đạo, vừa đào tạo đội ngũ cán bộ có kiến thức bậc đại học và sau đại học. Đội ngũ nhà giáo quân đội ngày càng được củng cố, kiện toàn; vững vàng về phẩm chất chính trị, có tư duy khoa học tốt, có nhiều kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy. Tỷ lệ nhà giáo quân đội có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và các chức danh Giáo sư, phó Giáo sư ngày càng tăng. Tuy vậy, như Nghị quyết 86 của Đảng uỷ Quân sự Trung ương đã chỉ rõ, hệ thống nhà trường quân đội vẫn đang tồn tại một số hạn chế, nhất là việc quy hoạch, tổ chức hệ thống nhà trường chưa ổn định vững chắc; tổ chức biên chế chậm được kiện toàn và  bảo đảm tính thống nhất; quy trình, chương trình đào tạo chưa thật hợp lý và cân đối giữa lý thuyết và thực hành, thời gian đào tạo còn dài; một số nội dung còn lạc hậu, trùng lắp và thiếu liên thông giữa các bậc học; phương pháp dạy học chủ yếu vẫn mang tính truyền thụ một chiều…

Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, các nhà trường đại học quân đội phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sĩ quan quân đội thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”. Nhà trường phải truyền được cho họ niềm tin vững chắc vào thắng lợi của công cuộc đổi mới; nhạy bén trong xử lý các vấn đề nhạy cảm về chính trị; có đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; đồng thời, có trình độ, năng lực, tri thức giỏi liên quan đến các hoạt động trên cương vị công tác của mình; có trình độ ngoại ngữ, tin học, quan hệ quốc tế… hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công.

Để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo đại học phù hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trước hết, cần tiếp tục kiện toàn và phát triển đội ngũ giảng viên, chú trọng nâng cao kỹ năng sư phạm và trình độ chuyên môn, tiến tới đạt chuẩn về trình độ giảng viên trong các nhà trường, học viện, thực hiện tốt đề án "Kiện toàn phát triển đội ngũ nhà giáo quân đội đến năm 2010". Đội ngũ giảng viên là một trong những nhân tố giữ vai trò quyết định đến chất lượng đào tạo của các bậc học, cấp học. Hiện nay, nhìn chung số lượng giảng viên còn thiếu, hầu như chưa có dư 20% biên chế dự trữ; chất lượng chưa đồng đều, tỷ lệ nhà giáo có trình độ sư phạm tốt, có học hàm, học vị còn thấp so với quy định của Nhà nước và quân đội; các giảng viên có trình độ cao, có kinh nghiệm trong công tác và đã qua chiến đấu, có tài năng sư phạm, có học hàm, học vị, phần lớn đã nhiều tuổi. Trình độ tin học, ngoại ngữ, khả năng sư phạm, khả năng cập nhật thông tin và vận dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, sử dụng phương tiện giảng dạy hiện đại còn hạn chế. Vì vậy, trên cơ sở tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực của người cán bộ quân đội, phải căn cứ vào tính chất, đặc điểm nhiệm vụ của từng khối trường để xây dựng đội ngũ giảng viên cho phù hợp. Đối với các học viện, phấn đấu 100% giảng viên có trình độ đại học, trong đó có 60% đạt trình độ sau đại học (20 - 30% tiến sĩ); đối với các trường sĩ quan bậc đại học và cao đẳng, phấn đấu đạt 100% có trình độ đại học, trong đó có 40% đạt trình độ sau đại học (12 - 15% tiến sĩ). Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng chuẩn quốc gia được quy định tại Điều 67 Luật Giáo dục và những yêu cầu đối với đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường quân đội, theo tinh thần Nghị quyết 93 và Nghị quyết 94 của Đảng uỷ Quân sự Trung ương về phẩm chất, kiến thức và năng lực quân sự, chuyên ngành giảng dạy, kiến thức thực tiễn bằng hoặc trên cấp đào tạo; đảm bảo đạt tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học theo quy định từng bậc đào tạo, nhất là các giảng viên đầu ngành, giữ các cương vị chủ trì khoa, bộ môn và những giảng viên trẻ trong quy hoạch kế cận. Chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên những chứng chỉ theo quy định, như: phương pháp giảng dạy, phương pháp nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ, tin học. Mỗi bộ môn trong các học viện, trường sĩ quan cần có một số nhà giáo có học hàm, học vị cao để chủ trì môn học và hướng dẫn nghiên cứu. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, gắn đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là khoa học giáo dục. Nội dung nghiên cứu khoa học của các nhà giáo bao gồm: sáng kiến, cải tiến các loại học cụ; biên soạn giáo trình, tài liệu; thực hiện các đề tài khoa học nhằm phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo và góp phần phát triển khoa học chuyên ngành, khai thác có hiệu quả trang thiết bị, vũ khí của ta, hạn chế, khắc phục các điểm mạnh vũ khí hiện đại của địch. Cần tập trung nghiên cứu chiến lược quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, phát huy cao độ tính ưu việt của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Làm tốt công tác hướng dẫn học viên nghiên cứu khoa học.

Hai là, đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá kết quả học tập theo Đề án "Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật các cấp trong quân đội". Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học đại học và sau đại học theo các nguyên lý giáo dục của Đảng và ba quan điểm giáo dục - đào tạo trong quân đội là: phát huy dân chủ, tính tự giác, tích cực sáng tạo của người học; kết hợp chặt chẽ lý thuyết với thực hành, chú trọng thực hành phù hợp với mục tiêu và đối tượng đào tạo; giáo dục - đào tạo luôn gắn với truyền thụ những kinh nghiệm tốt đẹp của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam. Tăng tỉ lệ, chất lượng thực hành, thực tập, thí nghiệm, diễn tập… Tăng khả năng liên thông giữa các bậc học và có thể nghiên cứu chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ cho một số đối tượng trong hệ thống nhà trường quân đội. Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng trong các trường phổ thông và đại học dân sự. Kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, xây dựng nhà trường quân đội chính quy, vững mạnh toàn diện. Tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong và ngoài quân đội, nhất là trong đào tạo sau đại học, đào tạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các chuyên ngành kỹ thuật có trình độ cao…

Ba là, nghiên cứu tổ chức biên chế của các nhà trường cho phù hợp với tốc độ phát triển nhanh chóng của lưu lượng học viên trong những năm gần đây. Vận dụng thực hiện các chính sách chung của Nhà nước trong bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất, tinh thần đối với các nhà giáo quân đội sao cho phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội, để  các nhà giáo yên tâm phục vụ quân đội lâu dài, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút các tài năng quân sự, tài năng sư phạm. Tích cực đổi mới, cải tiến công tác tổ chức thi và xét chọn giảng viên dạy giỏi các cấp sao cho thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quy định chung của Nhà nước.

Bốn là, tăng cường đầu tư kinh phí, nâng cấp trang thiết bị hiện đại, thao trường, bãi tập và giáo trình, tài liệu phục vụ dạy - học một cách có hiệu quả. Huy động các nguồn lực trong quân đội, trong nước và quốc tế hỗ trợ giáo dục. Đổi mới công tác tuyển sinh, đặc biệt là tuyển sinh sau đại học; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục.

Đại tá, PGS, TS, NGƯT. LÊ VĂN MỘT

Học viện Phòng Không - Không Quân

 

Ý kiến bạn đọc (0)