QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:55 (GMT+7)
Suy nghĩ về chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Trong lịch sử dân tộc ta, tác chiến phòng ngự được hình thành từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên với hình thức phòng ngự “thành luỹ” ở thành Cổ Loa; thế kỷ 11 đời Lý có hình thức phòng ngự “tuyến” ở sông Như Nguyệt,... Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xuất phát từ đặc thù của chiến tranh giải phóng với tư tưởng chiến lược tiến công, quân và dân ta thường tổ chức chiến dịch tiến công, vận dụng các hình thức tác chiến tiến công là phổ biến; số chiến dịch phòng ngự (CDPN) được tổ chức không nhiều, chỉ đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ mới xuất hiện. Điển hình là CDPN Cánh Đồng Chum (18/12/1971 – 6/4/1972), CDPN Quảng Trị (26/6/1972 – 31/01/1973)... Nhưng, như vậy không có nghĩa là chúng ta coi nhẹ CDPN. Mặc dù CDPN được ta tổ chức không nhiều, song đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành ý định, mục tiêu chiến lược. Các CDPN đã ngăn chặn, đánh bại các đợt tiến công của địch, bảo vệ vùng giải phóng và địa bàn chiến lược, tạo điều kiện, thời cơ để lực lượng ta chuyển sang phản công, tiến công tiêu diệt lớn quân địch.

Ngày nay, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ có những đặc điểm khác với chiến tranh giải phóng trước đây. Trong điều kiện đất nước đổi mới, phát triển trong hoà bình, tiềm lực quốc phòng, quân sự của chúng ta không ngừng được củng cố, tăng cường, các khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh (thành phố) được xây dựng vững chắc. Tuy nhiên, kẻ thù xâm lược vẫn là thế lực có tiềm lực quân sự lớn, có vũ khí, trang bị hiện đại, đặc biệt là vũ khí công nghệ cao. Đó là những thách thức mới, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu lý luận nghệ thuật quân sự, phát triển khoa học kỹ thuật quân sự, chuẩn bị thế trận, lực lượng để sẵn sàng đánh thắng kẻ thù xâm lược trong mọi tình huống.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, CDPN sẽ được tổ chức nhiều hơn, phổ biến hơn so với chiến tranh giải phóng; có thể xảy ra ngay từ đầu và suốt quá trình chiến tranh để giữ vững những địa bàn chiến lược trọng yếu. Mặc dù, ngày nay ta có các KVPT tỉnh (thành phố), có loại hình tác chiến phòng thủ quân khu, tác chiến phòng thủ chiến lược, nhưng CDPN vẫn đóng vai trò là hạt nhân để giữ vững các KVPT then chốt, khu vực, địa bàn phòng ngự chủ yếu và tiêu hao, tiêu diệt, sát thương quân địch, tạo thời cơ để chuyển sang phản công, tiến công tiêu diệt lực lượng chủ yếu của địch, làm chuyển biến cục diện chiến trường hoặc cục diện chiến tranh. Hoạt động tác chiến của các KVPT tỉnh (thành phố) thường tổ chức phòng ngự cấp chiến thuật, do các tiểu đoàn, trung đoàn bộ đội địa phương tỉnh (huyện) làm nòng cốt, kết hợp với các hoạt động tác chiến khác để giữ vững KVPT then chốt. Với tác chiến phòng thủ quân khu hoặc tác chiến phòng thủ chiến lược, có thể tổ chức các CDPN do một bộ phận chủ lực của quân khu làm nòng cốt; khi cần thiết có thể sử dụng một bộ phận chủ lực của Bộ, tổ chức CDPN trên hướng chiến lược trọng điểm của đất nước. CDPN do cấp quân khu tổ chức, thường nằm trong tác chiến phòng thủ quân khu với quy mô vừa; không gian chiến dịch có thể trong phạm vi một số huyện trên hướng phòng thủ chủ yếu của quân khu. CDPN do Bộ tổ chức có quy mô lớn hơn CDPN của quân khu; khi thật cần thiết có thể tổ chức đến cấp quân đoàn, được tăng cường một số đơn vị quân chủng, binh chủng chiến đấu và lực lượng bảo đảm, cùng các lực lượng thuộc KVPT tỉnh (thành phố); không gian chiến dịch có thể trong phạm vi địa bàn 1 tỉnh hoặc trên dưới 10 huyện ở hướng phòng thủ chiến lược chủ yếu của quốc gia. Tuy nhiên, dù trong trường hợp nào, CDPN vẫn phải dựa vào nền tảng của thế trận chiến tranh nhân dân; dựa vào hoạt động tác chiến của KVPT tỉnh (thành phố), tác chiến phòng thủ quân khu và tác chiến phòng thủ chiến lược. Bởi lẽ, tác chiến phòng ngự và phòng thủ đều có chung một đối tượng cơ bản là đánh quân địch đang ở trạng thái tiến công là chủ yếu; đều nhằm chung một mục đích là bảo vệ vững chắc khu vực mục tiêu, địa bàn trọng yếu của quốc gia. Theo đó, CDPN trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có mục đích: kiên quyết, triệt để, giữ bằng được các địa bàn, mục tiêu có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược, các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Đồng thời mang tính tổng hợp cao, gồm nhiều lực lượng tham gia, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ, trong đó bộ đội chủ lực giữ vai trò nòng cốt; kết hợp hoạt động tác chiến với các hoạt động đấu tranh trên các lĩnh vực khác như: chính trị, kinh tế, ngoại giao... Tư tưởng chỉ đạo của CDPN là tích cực, chủ động, kiên cường, vững chắc, linh hoạt; các yếu tố đó là một thể thống nhất, hoàn chỉnh. Để CDPN đạt hiệu quả cao, các cấp cần quán triệt, thực hiện đầy đủ tư tưởng chỉ đạo đó, cả trong công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến dịch.
Trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, CDPN có thể được tổ chức trong một số trường hợp sau: Thứ nhất, trên hướng chiến lược trọng yếu, ta có thể chủ động chuẩn bị CDPN từ thời bình; trên cơ sở các chốt chiến dịch, chiến lược để sẵn sàng mở rộng thành CDPN do bộ đội chủ lực của quân khu đảm nhiệm, hoặc trong những trường hợp thật đặt biệt, trên hướng trọng điểm chiến lược của quốc gia có thể sử dụng lực lượng chủ lực của Bộ. Thứ hai, trong quá trình tiến công, địch thay đổi hướng. Tác chiến phòng thủ của địa phương hoặc quân khu không đủ sức ngăn chặn tiến công của địch, khu vực mục tiêu trọng yếu bị uy hiếp, ta phải tổ chức CDPN để kịp thời chặn địch. Thứ ba, sau khi hoàn thành thắng lợi chiến dịch phản công, tiến công, ta có thể tổ chức CDPN để giữ vững các địa bàn chiến lược vừa được giải phóng, tạo thế cho các hoạt động chiến lược tiếp theo. Thứ tư, trong quá trình phản công, tiến công, do điều kiện ta không đủ sức phản công, tiến công tiếp, phải chuyển vào phòng ngự lâm thời ở quy mô chiến dịch, để ngăn chặn địch, đồng thời tranh thủ củng cố lực lượng, tạo thế và lực mới tiếp tục chuyển sang phản công, tiến công.
Để hoàn thành nhiệm vụ CDPN, cần quán triệt sâu sắc quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng, nắm vững nguyên tắc phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, tập trung vào hướng, KVPN chủ yếu, các trận then chốt, then chốt quyết định. Vận dụng các biện pháp chiến dịch, hình thức chiến thuật, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngự vững chắc ở các trọng điểm với tác chiến phòng thủ của địa phương bằng các hành động tiến công kiên quyết, liên tục, rộng khắp, để ngăn chặn, tiêu diệt, tiêu hao, sát thương quân địch. Kiên quyết tiến công tiêu diệt địch đột nhập trận địa phòng ngự, thọc sâu, vu hồi, đổ bộ đường không; kết hợp chặt chẽ tác chiến với các mặt đấu tranh khác, đập tan âm mưu bạo loạn, lật đổ của địch, bảo vệ vững chắc các khu vực, địa bàn được giao.
Trong quá trình tổ chức chuẩn bị chiến dịch, phải dựa vào thế trận của KVPT địa phương để lập thế trận chiến dịch vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn, có chiều sâu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp chuẩn bị thế trận ngay từ thời bình. Trong đó, cần coi trọng các chốt chiến thuật, chiến dịch, chiến lược là nền tảng, chỗ dựa chủ yếu để hoàn thiện thế trận chiến tranh nhân dân nói chung và thế trận CDPN nói riêng, khi đất nước xảy ra chiến tranh xâm lược. Lực lượng tham gia CDPN bao gồm bộ đội chủ lực (của Bộ, quân khu), bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ và lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tác chiến; trong đó, bộ đội chủ lực giữ vai trò nòng cốt, quyết định trong CDPN. Các lực lượng đó phải được xây dựng vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng về chính trị, tư tưởng làm cơ sở. Công tác đảng, công tác chính trị phải tập trung xây dựng niềm tin, ý chí, quyết tâm chiến đấu bám địa bàn, trận địa đến cùng, thực hiện “một tấc không đi, một ly không rời”, “còn người còn trận địa”... Đồng thời, phải thực hiện tốt công tác chính sách, đặc biệt là chính sách thương binh, tử sĩ. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, cơ quan chỉ huy chiến dịch đối với những bộ phận quan trọng trên hướng phòng ngự chủ yếu. Phát huy vai trò gương mẫu, tinh thần chịu đựng khó khăn, gian khổ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên. Bên cạnh đó, phải chủ động phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, dự báo về địch, phương án chiến đấu... , từng đơn vị phải thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Việc tổ chức huấn luyện, diễn tập phòng ngự phải chú trọng bồi dưỡng lý luận về nghệ thuật tác chiến phòng ngự cho đội ngũ cán bộ; thống nhất nội dung, thứ tự các bước tổ chức chuẩn bị và thực hành phòng ngự. Tổ chức tốt các cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ khu vực có sự tham gia của bộ đội chủ lực. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng nhiều tình huống luyện tập sát với thực tế ác liệt, gian khổ của tác chiến phòng ngự, trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. 
Xuất phát từ đặc điểm CDPN mang tính tổng hợp cao, tình huống diễn ra mau lẹ, phức tạp nên công tác lãnh đạo, chỉ huy, hiệp đồng chiến dịch phải hết sức khoa học, chặt chẽ; bảo đảm sự lãnh đạo tập trung của Đảng uỷ, sự chỉ huy thống nhất của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Cần đặc biệt chú trọng công tác tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa ba thứ quân, giữa các thành phần trong đội hình chiến dịch với các lực lượng khác, tạo sức mạnh tổng hợp hơn địch.
Công tác bảo đảm phải được thực hiện đồng bộ, chu đáo, nhất là vấn đề nắm địch, công sự, trận địa ngụy trang, nghi binh và cơ động lực lượng. Đây là những nội dung quan trọng trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, có phương tiện trinh sát hiện đại. Công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cần chú ý tổ chức các kho (trạm) dự trữ cơ sở vật chất; chú trọng khai thác các nguồn vật chất tại chỗ, bảo đảm cho phòng ngự dài ngày. Việc phòng, chống vũ khí công nghệ cao phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về nghệ thuật quân sự và khoa học kỹ thuật quân sự; kết hợp chặt chẽ giữa phòng tránh với đánh trả phù hợp. Chủ động, tích cực tổ chức tiến công hệ thống vũ khí, trang bị công nghệ cao của địch bằng nhiều hình thức, nhiều lực lượng, làm hạn chế đến mức thấp nhất hiệu quả của vũ khí công nghệ cao; đồng thời, bảo toàn lực lượng tác chiến để sẵn sàng phòng ngự dài ngày.
CDPN trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là một nội dung quan trọng trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Những suy nghĩ trên mới chỉ đề cập một số vấn đề cơ bản nhất. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung làm phong phú cả về lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong điều kiện mới.
Trung tướng, TS. Phạm Xuân Hùng
Ủy viên BCHTƯ Đảng
Giám đốc Học viện Quốc phòng
 

Ý kiến bạn đọc (0)